Danske Bank Research: Điểm lại những diễn biến đáng chú ý gần đây xoay quanh cuộc họp của các ngân hàng trung ương lớn. Một tuần trọng đại sẽ kết thúc như thế nào?

Danske Bank Research: Điểm lại những diễn biến đáng chú ý gần đây xoay quanh cuộc họp của các ngân hàng trung ương lớn. Một tuần trọng đại sẽ kết thúc như thế nào?

Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

14:33 20/09/2024

Nhận định của Danske Bank Research.

Điểm nhấn hôm nay

Hôm nay, Châu Âu sẽ công bố dữ liệu về chỉ số niềm tin người tiêu dùng trong tháng 9. Dù đã có xu hướng tăng nhưng chỉ số này vẫn ở dưới mức trung bình lịch sử, trong khi chi tiêu của người tiêu dùng vẫn còn yếu. Tuy nhiên, với việc thu nhập thực tế đang tăng lên và thị trường lao động vẫn khỏe mạnh, chúng tôi kỳ vọng niềm tin của người tiêu dùng sẽ tiếp tục cải thiện, qua đó thúc đẩy chi tiêu, đặc biệt là trong năm tới.

Những diễn biến đáng chú ý gần đây

Nhật Bản: Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã quyết định giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức 0.25% trong phiên họp sáng nay. Bên cạnh đó, BoJ tỏ ra lạc quan hơn về triển vọng kinh tế, đặc biệt là về chi tiêu tiêu dùng - yếu tố chủ chốt sẽ ảnh hưởng đến quyết định tăng lãi suất trong tương lai. Quyết định giữ nguyên lãi suất của BoJ vốn đã được dự đoán từ trước và phản ứng của thị trường là tương đối mờ nhạt.

Dữ liệu CPI mới nhất cho thấy áp lực giá cả gia tăng khi lạm phát lõi nhích từ 1.6% lên 1.7% trong tháng 8. Nhìn chung, BoJ có thể sẽ hài lòng với những diễn biến gần đây của nền kinh tế và thị trường tài chính. Đặc biệt, đà tăng gần đây của đồng Yên Nhật (JPY) đã góp phần giảm bớt áp lực tăng lãi suất. Với cuộc bầu cử lãnh đạo sắp tới trong đảng cầm quyền (LDP), tiền đề cho một cuộc tổng tuyển cử sớm, chúng tôi kỳ vọng BoJ sẽ tiếp tục duy trì chính sách hiện tại trong tháng 10. Khả năng cho một đợt tăng lãi suất khác trong tháng 12 vẫn còn, nhưng điều này sẽ phụ thuộc nhiều vào diễn biến nền kinh tế Mỹ và lộ trình cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Nếu thị trường lao động Mỹ tiếp tục hạ nhiệt, đà tăng của JPY có thể sẽ khiến BoJ phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn về lộ trình thắt chặt chính sách.

Na Uy: Ngân hàng Trung ương Na Uy (Norges Bank) đã quyết định giữ nguyên lãi suất, bao gồm cả lãi suất tiền gửi ở mức 4.50%. Mặc dù đây là điều đã được dự báo từ trước, nhưng giới phân tích lại có nhiều ý kiến ​​trái chiều về định hướng chính sách tiền tệ trong tương lai của ngân hàng trung ương này. Chúng tôi vẫn giữ nguyên quan điểm về lãi suất tiền gửi, cũng như dự kiến tổng cộng bốn lần cắt giảm trong cả năm 2025 và 2026, với lần đầu tiên khả năng sẽ rơi vào tháng 03/2025.

Chiến lược giao dịch chênh lệch lợi suất giữa TPCP Na Uy kỳ hạn ngắn và kỳ hạn dài, cũng như mở mua với NOK/SEK của chúng tôi đã phát huy hiệu quả trong hôm nay, ít nhất là tính tới hiện tại. Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì các giao dịch này nhưng nhấn mạnh rằng đây là những chiến lược mang tính ngắn hạn. Điều này đặc biệt đúng với giao dịch NOK/SEK do chúng tôi vẫn giữ quan điểm tiêu cực về NOK trong dài hạn.

Anh: Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã quyết định giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức 5.00%, đúng như dự đoán của thị trường. Tuy nhiên, BoE đã đưa ra một thông điệp có phần "diều hâu" hơn, nhấn mạnh cách tiếp cận thận trọng trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ. Chúng tôi dự kiến BoE sẽ cắt giảm 25 bps vào cuộc họp tiếp theo vào tháng 11 và đây cũng là lần cuối cùng trong năm nay. Mức giảm này thấp hơn so với kỳ vọng của thị trường (42 bps cho phần còn lại của năm 2024). Lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) Anh kỳ hạn 2 năm đã tăng sau tuyên bố chính sách, nhưng nhìn chung, phản ứng của thị trường là khá mờ nhạt. EUR/GBP đã giảm sau khi công bố do kết quả bỏ phiếu có phần "diều hâu" và khả năng BoE sẽ có một chu kỳ cắt giảm lãi suất chậm rãi.

Châu Âu: Những ý kiến từ các quan chức ECB cho thấy có sự chia rẽ rõ nét giữa hai cánh “ôn hòa” và “diều hâu”. Thành viên Hội đồng quản trị ECB - Isabel Schnabel một lần nữa nhấn mạnh quan điểm về lạm phát dịch vụ dai dẳng, trong khi Thống đốc Ngân hàng Trung ương Bồ Đào Nha - Mario Centeno cho rằng “họ thực sự phải giảm thiểu rủi ro giảm phát, vì đó là rủi ro chính”. Trong khi đó, thành viên Hội đồng quản trị ECB - Fabio Panetta lại cho biết ECB có thể đẩy nhanh tốc độ cắt giảm lãi suất trong những tháng tới.

Vào tối nay, S&P sẽ đưa ra đánh giá về nền kinh tế Đức. Cùng thời điểm, Fitch sẽ đưa ra đánh giá về nền kinh tế Bồ Đào Nha. Trong khi đó, DBRS sẽ đánh giá nền kinh tế Pháp, Phần Lan và Ireland. Ireland hiện có triển vọng tích cực và có khả năng sẽ được nâng hạng. Ngoài ra, Fitch có thể nâng triển vọng của Bồ Đào Nha lên tích cực.

Thổ Nhĩ Kỳ: Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã giữ nguyên lãi suất như dự kiến ​​và bác bỏ khả năng tiếp tục thắt chặt chính sách. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng lãi suất sẽ được giữ nguyên ít nhất là cho đến cuối năm nay và chu kỳ nới lỏng sẽ chỉ bắt đầu vào Q1/2025.

Thị trường chứng khoán

Thị trường chứng khoán toàn cầu đã đồng loạt tăng điểm trong phiên giao dịch hôm qua, phản ánh tâm lý lạc quan của nhà đầu tư sau khi Fed công bố quyết định cắt giảm lãi suất 50 bps. Động lực tăng chủ yếu đến từ nhóm cổ phiếu chu kỳ, trong khi nhóm dịch vụ tiện ích và hàng tiêu dùng thiết yếu lại giao dịch kém sắc. Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu blue chip cũng kém hiệu quả hơn so với nhóm penny. Triển vọng của thị trường chứng khoán trong thời gian tới phụ thuộc rất nhiều vào thị trường lao động Mỹ và dữ liệu số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu hàng tuần ở mức 219,000 đã phần nào xoa dịu những nỗi lo và thúc đẩy tâm lý risk-on. Kết quả là, các chỉ số chính trên Phố Wall đều đóng cửa trong sắc xanh ấn tượng khi Dow Jones, S&P 500, Nasdaq và Russell 2000 tăng lần lượt 1.3%, 1.7%, 2.5% và 2.1%. Sang đến phiên giao dịch sáng nay, phần lớn các thị trường Châu Á đều tăng điểm, trong đó Nhật Bản dẫn đầu mặc dù JPY mạnh lên sau khi BoJ quyết định giữ nguyên chính sách. Ngược lại, thị trường chứng khoán Châu Âu và hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ lại giảm điểm.

Thị trường trái phiếu

Sau quyết định của FOMC vào thứ Tư, lợi suất TPCP Châu Âu từ kỳ hạn ngắn đến dài đều dao động quanh mức trung bình là lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm trong phiên giao dịch hôm qua. Lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm gần như không biến động ở các quốc gia Châu Âu. Lợi suất TPCP kỳ hạn dài giảm khoảng 4 bps, trong khi kỳ hạn ngắn lại tăng với mức tương tự. Kết quả là, đường cong lợi suất đã dốc lên đáng kể. Chênh lệch lợi suất TPCP Đức 10Y-2Y hiện chỉ còn âm 2 bps. Ngoài ra, thị trường hiện đang định giá khả năng ECB sẽ cắt giảm lãi suất 38 bps, trong tổng cộng 117 bps tiếp theo, cao hơn 2 bps so với mức đóng cửa hôm thứ Tư.

Thị trường ngoại hối

USD đã suy yếu so với các đồng tiền G10 trong phiên giao dịch hôm qua, đẩy EUR/USD lên trên mức 1.1150. USD/JPY giảm nhẹ trong phiên sáng nay sau khi BoJ giữ nguyên lãi suất như dự kiến ​​và đưa ra tuyên bố có phần “diều hâu”. Quyết định giữ nguyên lãi suất nhưng đi kèm thông điệp “diều hâu” của Norges Bank, cùng với tâm lý risk-on trên thị trường, đã giúp NOK vượt trội so với các đồng tiền G10 khác trong phiên hôm qua. Mặt khác, việc Fed quyết định cắt giảm lãi suất 50 bps đã khiến thị trường phải định giá lại kỳ vọng về động thái của Ngân hàng Trung ương Thụy Điển (Riksbank) trong tuần tới. Bên cạnh đó, EUR/GBP đã giảm xuống dưới mức 0.8400 trong phiên hôm qua sau khi BoE đưa ra thông điệp “diều hâu”.

Nhận định các cặp tiền chính: EUR/USD đã tăng nhẹ vào đầu phiên giao dịch hôm qua khi thị trường hoan nghênh động thái cắt giảm lãi suất mạnh tay của Fed. Động thái này đã góp phần thúc đẩy tâm lý risk-on trên thị trường. Tuy nhiên, dữ liệu số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu hàng tuần thấp hơn dự kiến ​​đã hỗ trợ USD. Theo đó, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu bất ngờ giảm nhẹ xuống 219,000 so với dự báo là 230,000. Bước sang phiên giao dịch hôm nay, do lịch kinh tế khá ảm đạm, EUR/USD có thể sẽ kết thúc một tuần đầy biến động trong êm đềm, gần với mức hiện tại.

USD/JPY giảm nhẹ về 142.00 trong phiên giao dịch sáng nay. BoJ đã bỏ phiếu với tỷ lệ tuyệt đối 9-0 và giữ nguyên mục tiêu lãi suất ngắn hạn ở mức 0.25%, đúng như dự kiến. Bên cạnh đó, ngân hàng trung ương này vẫn đang theo dõi sát sao thị trường tài chính và đặc biệt là biến động của JPY. Đáng chú ý, biến động thị trường ngoại hối hiện có nhiều khả năng ảnh hưởng đến lạm phát hơn so với trước đây. BoJ nhận định, nền kinh tế đã phục hồi vừa phải bất chấp một số điểm yếu và sẽ tiếp tục tăng trưởng trên mức tiềm năng. Đồng thời, BoJ cũng nâng dự báo về chi tiêu tiêu dùng, vốn là một lực cản chính đối với tăng trưởng trước đó và nhận định rằng, các điều kiện tài chính đã được nới lỏng. Về lạm phát, BoJ lưu ý rằng mức tăng của chỉ số CPI lõi gần đây vẫn nằm trong khoảng 2.5-3.0%. Ngân hàng trung ương này tin rằng kỳ vọng lạm phát trong trung và dài hạn sẽ tăng lên do vòng xoáy lương - giá. Nhìn chung, tuyên bố của BoJ mang tính “diều hâu” và cuộc họp báo diễn ra vào lúc 13h30 (theo giờ Việt Nam) sẽ là chìa khóa giúp nhà đầu tư hiểu rõ hơn lập trường của BoJ về thời điểm và mức độ tăng lãi suất. Việc BoJ nâng dự báo về chi tiêu tiêu dùng là một dấu hiệu đáng khích lệ, bên cạnh triển vọng nền kinh tế tăng trưởng trên mức tiềm năng.

EUR/GBP đã giảm xuống dưới mốc 0.8400 trong phiên giao dịch hôm qua sau khi BoE đưa ra thông điệp “diều hâu” tại cuộc họp chính sách tiền tệ. Theo đó, BoE đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 5.00%, phù hợp với dự báo. Tuy nhiên, ngân hàng trung ương này lại đưa ra thông điệp cứng rắn hơn, nhấn mạnh cách tiếp cận thận trọng trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ. Điều này củng cố dự báo của chúng tôi về việc BoE sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 11 và sau đó giữ nguyên trong tháng 12. Thông điệp ngày hôm qua cho thấy cách tiếp cận thận trọng hơn của BoE, qua đó củng cố quan điểm của chúng tôi rằng EUR/GBP sẽ tiếp tục giảm. Quan điểm này càng được củng cố bởi triển vọng nền kinh tế Anh vẫn tương đối khả quan so với phần còn lại và chênh lệch lợi suất thu hẹp. Rủi ro chính vẫn là động thái chính sách từ BoE. Ngoài ra, chúng tôi duy trì quan điểm mua đối với GBP/CHF.

Nhận định các đồng tiền Bắc Âu: Vào cuộc họp chính sách hôm qua, Norges Bank đã quyết định giữ nguyên lãi suất và bác bỏ kỳ vọng của thị trường về việc nới lỏng trong năm 2024. Điều này đã khiến lợi suất TPCP Na Uy kỳ hạn ngắn giảm mạnh. Kết hợp với tâm lý risk-on sau quyết định của Fed, NOK đã có một phiên giao dịch khởi sắc. Mặc dù chúng tôi vẫn bi quan về triển vọng của NOK trong dài hạn, nhưng tâm lý thị trường hiện tại đang có lợi cho đồng tiền này. Do đó, chúng tôi giữ nguyên khuyến nghị mua NOK/SEK trong ngắn hạn.

Ở mặt trận khác, quyết định cắt giảm 50 bps của Fed đã khiến thị trường phải định giá lại khả năng Riksbank có động thái tương tự trong tuần tới. Hợp đồng lãi suất RIBA hiện đang phản ánh kỳ vọng cắt giảm 30 bps. Tuy nhiên, chúng tôi lại không tin rằng việc Fed cắt giảm mạnh tay hơn sẽ khiến Riksbank có động thái tương tự. Thay vào đó, chúng tôi cho rằng mức giảm 25 bps là hợp lý hơn dựa trên dữ liệu kinh tế và thông điệp gần đây của Riksbank. Nếu dự báo của chúng tôi chính xác, EUR/SEK dự kiến sẽ không mấy biến động, tuy nhiên, một bất ngờ với mức giảm 50 bps có thể sẽ đẩy cặp tiền này tăng giá. Nhìn chung, EUR/SEK vẫn đang giao dịch trong biên độ 11.30-11.50 gần đây, phù hợp với mục tiêu Q3 của chúng tôi. Đồng thời, mô hình dự báo của chúng tôi vẫn cho thấy 11.30-11.40 là vùng giao dịch hợp lý của EUR/SEK trong ngắn hạn.

Giá dầu thô

Giá dầu thô Brent đã phục hồi lên gần 75 USD/thùng trong tuần này. Thị trường dầu mỏ đã nhận được động lực từ Fed khi ngân hàng trung ương này quyết định cắt giảm lãi suất mạnh tay và dự kiến rằng sẽ còn nới lỏng hơn nữa, qua đó làm vơi đi rủi ro suy thoái kinh tế Mỹ cũng như những lo ngại về nhu cầu dầu. Mặt khác, OPEC+ vẫn có kế hoạch tăng sản lượng dầu trong một vài tháng tới và đa số các thành viên có thể sẽ hài lòng với quyết định này nếu giá dầu thô duy trì ở mức hiện tại hoặc cao hơn. Chúng tôi cho rằng, trong ngắn hạn, giá dầu thô sẽ tiếp tục bám sát diễn biến tâm lý thị trường.

Danske Bank Research

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ