Danske Bank Research: Dự kiến USD/JPY sẽ giảm về 135.00 trong vòng 12 tháng tới

Danske Bank Research: Dự kiến USD/JPY sẽ giảm về 135.00 trong vòng 12 tháng tới

Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

15:01 27/11/2024

Nhận định bởi Bộ phận Nghiên cứu tại Danske Bank.

Điểm nhấn hôm nay

Dữ liệu PCE tháng 10 của Mỹ sẽ được công bố vào lúc 22:00 tối nay theo giờ Việt Nam. Cả lạm phát PCE toàn phần và lõi đều được dự báo sẽ duy trì ở mức gần tương đương với tháng trước, phù hợp với dữ liệu CPI đã công bố. Bên cạnh đó, đơn đặt hàng hóa lâu bền tháng 10 và số liệu GDP Q3 (ước tính sơ bộ lần hai) cũng sẽ được công bố trong tối nay.

Những diễn biến đáng chú ý gần đây

RBNZ

Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ) đã quyết định hạ lãi suất từ 4.75% xuống 4.25%, đúng như dự đoán chung. Đã có một số biến động trong kỳ vọng thị trường trước thềm cuộc họp, với sự xuất hiện của nhiều quan điểm dự đoán mức cắt giảm mạnh lên đến 75 bps. Ngoài ra, Thống đốc Orr cũng báo hiệu sẽ có thêm các biện pháp nới lỏng tiền tệ và không loại trừ khả năng RBNZ cắt giảm lãi suất thêm 50 bps tại cuộc họp tháng 2 năm sau. Ông Orr cho biết RBNZ kỳ vọng lãi suất tiền mặt sẽ đạt mức trung lập từ 2.5%-3.5% vào cuối năm 2025. Đáng chú ý, thay vì giảm, NZD/USD đã vượt 0.5870 sau quyết định sáng nay, và dự kiến cặp tiền này sẽ dao động quanh vùng hiện tại với mức mục tiêu cho 12 tháng tới là 0.5800.

Trung Đông

Rạng sáng nay, Israel và Hezbollah đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn, hứa hẹn sẽ chấm dứt xung đột biên giới giữa hai bên, vốn leo thang sau khi chiến tranh Gaza bùng nổ năm ngoái. Như đã đề cập hôm qua, Trump trước đó đã thông báo với Thủ tướng Israel Netanyahu rằng ông muốn chiến tranh ở Lebanon và Gaza kết thúc trước khi ông nhậm chức. Việc Netanyahu sẵn sàng ký kết thỏa thuận với Hezbollah có thể là một phần nỗ lực lấy lòng Trump và đảm bảo tiếp tục nhận được sự ủng hộ của Mỹ cho các hoạt động còn lại ở Gaza, và có thể cả cho việc nhắm mục tiêu vào Iran.

Mỹ

Chỉ số niềm tin tiêu dùng của Mỹ tăng từ mức 109.6 (đã điều chỉnh tăng) trong tháng 10 lên 111.7 vào tháng 11, vượt dự báo là 111.3. Các thành phần phụ của khảo sát liên quan đến thị trường lao động đưa ra tín hiệu trái chiều khi cả hai chỉ số đại diện cho số người cảm thấy việc làm “dồi dào" và "khó kiếm" đều giảm. Nhìn chung, người tiêu dùng vẫn đánh giá triển vọng việc làm của họ kém hơn so với trước đại dịch. Kế hoạch mua sắm hàng hóa giá trị cao giảm nhẹ, nhưng nhìn chung, báo cáo không có gì quá bất ngờ.

Ngoài ra, biên bản họp tháng 11 của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) được công bố đêm qua phù hợp với những thông điệp mà Chủ tịch Fed Jerome Powell đưa ra tại cuộc họp báo, do đó, không có bất ngờ lớn nào. Biên bản khẳng định lại rằng chính sách tiền tệ “không đi theo một lộ trình định sẵn” và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “phụ thuộc vào dữ liệu”. Dù vậy, các thành viên FOMC đặc biệt lưu ý đến biến động của dữ liệu gần đây và tầm quan trọng trong việc tập trung vào các xu hướng cơ bản. Bên cạnh đó, biên bản cũng phản ánh quan điểm tích cực về lạm phát từ các thành viên, với dữ liệu thị trường lao động, kỳ vọng lạm phát và các chỉ số áp lực giá cả đều củng cố cho kịch bản giảm bền vững về mục tiêu 2%. Chúng tôi đồng tình với những lập luận này và dự kiến FOMC sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất tại các cuộc họp tới.

Eurozone

Ủy ban Châu Âu (EC) đã tạm thời phê duyệt dự thảo ngân sách của Pháp - nhưng bất ổn vẫn còn. EC cho biết dự thảo ngân sách của Pháp đáp ứng các yêu cầu của khuôn khổ tài khóa, thể hiện một lộ trình đáng tin cậy. Quốc gia duy nhất không đáp ứng yêu cầu này là Hà Lan. Lộ trình tăng chi tiêu ròng của ngân sách Pháp cho năm 2025 cũng được đánh giá là phù hợp với khuyến nghị, trong khi Hà Lan thì không. Mặc dù dự thảo ngân sách đã được EC phê duyệt, nhưng Quốc hội Pháp vẫn chưa thông qua. Lãnh đạo đảng cực hữu Marine Le Pen tuyên bố sẽ không ủng hộ, do đó, Thủ tướng Pháp Barnier vẫn có nguy cơ thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm nếu không có sự điều chỉnh ngân sách. Khi đó, ông sẽ phải cân nhắc rủi ro ngân sách không được EC phê duyệt nếu sửa đổi. Vì vậy, rủi ro đối với triển vọng tài khóa Pháp vẫn còn đó cho đến khi ngân sách được Quốc hội thông qua, bất chấp thông báo của EC hôm nay.

Chứng khoán

Chứng khoán toàn cầu tăng điểm hôm qua, đáng chú ý đây là phiên giao dịch chính thức đầu tiên sau bình luận về thuế quan của Trump hậu bầu cử. Không có gì ngạc nhiên khi Phố Wall vượt trội so với Châu Âu, khi thị trường chứng khoán khu vực này giảm điểm do những phát biểu của Trump. Điều bất ngờ (nếu có) là chứng khoán toàn cầu vẫn tăng điểm bất chấp mối đe dọa thuế quan.

Có hai điểm chính cần lưu ý: Đầu tiên, thông điệp của Trump không làm rõ kết quả tiềm năng của cuộc chiến thương mại 2.0. Hơn hết, mặc dù Trump có thể tin rằng chiến thuật đàm phán của mình là thông minh, nhưng chúng lại gây bất ổn cho thị trường. Kết phiên hôm qua, Dow Jones tăng 0.3%, S&P 500 và Nasdaq sánh bước với 0.6%, trong khi Russell 2000 giảm 0.7%.

Ngoại hối

Xu hướng “miễn nhiễm” rủi ro của các "Trump trade" đã gặp một số trở ngại trong tuần qua với những lo ngại về hạt nhân, thuế quan và nguy cơ suy thoái ở Châu Âu. Lệnh ngừng bắn Israel-Hezbollah mang lại tác động tích cực lên nguồn cung, thể hiện qua giá dầu giảm, nhưng thị trường ngày càng lo ngại về nguy cơ bùng nổ chiến tranh thương mại mới khi những cái tên được Trump lựa chọn vào nội các đều có quan điểm cứng rắn về thuế quan. USD vẫn vững vàng trong bối cảnh này, nhưng đáng chú ý là một số đồng tiền nhạy cảm với triển vọng kinh tế như NOK đang cho thấy sự suy yếu đáng kể. Xu hướng này có thể sẽ tiếp diễn trong các phiên tới, mặc dù mùa lễ hội cuối năm ở Mỹ có thể hạn chế phần nào sự biến động.

Sáng nay, RBNZ đã quyết định cắt giảm lãi suất 50 bps lần thứ hai liên tiếp. Dẫu vậy, thị trường lại phản ứng tích cực với quyết định này, NZD/USD theo đó tăng gần 1.0%, do một số dự đoán trước đó về mức cắt giảm 75 bps và ủy ban chính sách tiền tệ báo hiệu tốc độ nới lỏng sẽ chậm lại trong thời gian tới.

Nhận định USD/JPY

USD/JPY cho thấy xu hướng giảm rõ nét hơn trong tuần qua sau khi Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba kêu gọi các doanh nghiệp duy trì mức tăng lương. Kỳ vọng về việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) tiếp tục thắt chặt chính sách vào cuộc họp tháng 12 đã được đẩy cao trong tháng qua, với mức tăng lãi suất dự kiến là 15 bps. Chúng tôi cho rằng, khả năng BoJ tăng lãi suất vào tháng tới, trong khi Fed cắt giảm 25 bps, có thể đánh dấu một bước ngoặt cho USD/JPY. Mức tăng nhẹ của CPI lõi tháng 10 phù hợp với dữ liệu CPI Tokyo cùng kỳ công bố và củng cố thêm khả năng BoJ tăng lãi suất vào cuộc họp tháng 12, đặc biệt là khi Thống đốc Kazuo Ueda gần đây không bác bỏ những kỳ vọng này. Chúng tôi dự kiến BoJ sẽ tăng lãi suất 25 bps vào cuộc họp tháng 12, nâng lãi suất chính sách lên 0.5%, với khả năng tiếp tục thắt chặt vào năm 2025. Các yếu tố chính hỗ trợ cho quan điểm này bao gồm đà tăng trưởng lương bền vững và áp lực ngăn chặn JPY rớt giá sâu, đặc biệt nếu các cuộc thảo luận về thuế quan của Mỹ tiếp tục diễn ra trong những tháng tới. Năm tới, chúng tôi cho rằng chênh lệch lợi suất thu hẹp sẽ khiến JPY mạnh lên so với cả USD và EUR. Dự kiến, USD/JPY sẽ giảm về mức 135.00 trong vòng 12 tháng tới.

Danske Bank Research

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ