Danske Bank Research: Khởi động tuần mới cùng loạt báo cáo PMI sơ bộ của Châu Âu và Mỹ
Thành Duy
Junior editor
Nhận định của Danske Bank Research.
Tiêu điểm hôm nay
Thị trường hôm nay sẽ tập trung vào báo cáo PMI của Châu Âu cho tháng 9. PMI dịch vụ đã nhận được "cú hích vàng" từ Thế vận hội được tổ chức tại Pháp vào tháng 8, nhưng điều này có thể đảo ngược trong tháng 9. Mặc dù chúng tôi kỳ vọng động lực chung của hoạt động dịch vụ về cơ bản không thay đổi so với tháng 8, nhưng PMI được dự báo sẽ giảm do dữ liệu từ Pháp. Mặt khác, trong lĩnh vực sản xuất, hoạt động có thể vẫn trầm lắng như chỉ số ZEW của Đức đã chỉ ra.
Bên cạnh đó, báo cáo PMI sơ bộ của Mỹ cho tháng 9 cũng sẽ được công bố. Chúng tôi cho rằng sự suy yếu trong hoạt động sản xuất sẽ tiếp diễn và dịch vụ sẽ là động lực chính. Cũng tại Mỹ, lần lượt các thành viên Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) Bostic, Kahskari và Goolsbee sẽ có bài phát biểu trong ngày hôm nay.
Nhìn về phần còn lại của tuần, vào thứ Ba, chúng tôi dự kiến Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách. Vào thứ Sáu, đảng cầm quyền ở Nhật Bản sẽ chọn ra một nhà lãnh đạo mới, đồng nghĩa với việc quốc gia này sẽ có một vị Thủ tướng mới.
Diễn biến tin tức gần đây
Tại Trung Đông, lực lượng Hezbollah tại Lebanon và Israel tiếp tục giao tranh sau một tuần thù địch leo thang, dẫn đến cái chết của một số thành viên cấp cao bên phía Hezbollah, cũng như các cuộc tấn công bằng tên lửa ở cả hai quốc gia. Nỗi lo ngại về việc xung đột leo thang thành một cuộc chiến tranh toàn diện đã góp phần đẩy giá dầu tăng trong tuần qua. Bên cạnh đó, các yếu tố khác như việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất cũng hỗ trợ cho giá dầu.
Tân Thủ tướng Pháp Michel Barnier đã trình lên Tổng thống Emmanuel Macron danh sách nội các mới, bao gồm các chính trị gia từ đảng trung dung của Macron và đảng bảo thủ của Barnier. Mặc dù việc thành lập chính phủ mới có thể giải quyết một số bế tắc chính trị, nhưng sự bất ổn vẫn còn đó khi Quốc hội Pháp đang bị chia rẽ sâu sắc. Chính phủ mới sẽ cần sự ủng hộ rộng rãi để thông qua các dự luật.
Đồng Yên Nhật (JPY) tiếp tục suy yếu sau khi đảo ngược đà tăng hồi đầu tháng 9. USD/JPY đã tăng 0.9% sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) quyết định giữ nguyên lãi suất chính sách và đưa ra thông điệp có phần ôn hòa rằng họ chưa vội vàng thắt chặt chính sách. Dữ liệu gần đây cho thấy sự tăng trưởng của nền kinh tế Nhật Bản và hơn hết là JPY đã phục hồi từ mức thấp hồi giữa mùa hè (USD/JPY giảm 9.6% kể từ cuối tháng 6), khiến cho việc tăng lãi suất đã không còn quá cấp bách.
Thị trường chứng khoán
Chứng khoán toàn cầu giảm điểm vào thứ Sáu, dẫn đầu là thị trường Châu Âu. Dù vậy, nhiều chỉ số vẫn giao dịch gần đỉnh lịch sử và hợp đồng tương lai lại cho thấy xu hướng tăng điểm vào sáng nay ở cả Châu Âu và Mỹ. Thị trường chứng khoán Nhật Bản đang dẫn đầu đà tăng ở Châu Á trong ngày hôm nay và JPY tiếp tục suy yếu.
Vào thứ Sáu, thị trường cho thấy sự phân hóa giữa nhóm cổ phiếu chu kỳ và phòng thủ, trong đó nhóm tiện ích nổi bật với mức tăng trưởng vượt trội và là một trong số ít các lĩnh vực tăng điểm. Trên Phố Wall, các chỉ số chứng khoán giao dịch trái chiều vào thứ Sáu: S&P 500, Nasdaq, Russell 2000 giảm lần lượt 0.2%, 0.4% và 1.1%, trong khi Dow Jones tăng 0.1%.
Thị trường ngoại hối
Quyết định giữ nguyên lãi suất và phát tín hiệu ôn hòa của BoJ đã khiến JPY suy yếu trên diện rộng vào thứ Sáu, kéo theo mức tăng 2.0% trong ngày của USD/JPY. Mặc dù lần hạ lãi suất đầu tiên của Fed đã gây ra một số biến động cho USD, nhưng áp lực bán đối với đồng bạc xanh nhìn chung khá khiêm tốn và chỉ số DXY chỉ giảm 0.2% so với mức trước khi Fed công bố quyết định. Mặt khác, EUR suy yếu rõ rệt vào cuối tuần do tờ Les Echos đưa tin rằng thâm hụt ngân sách của Pháp có khả năng vượt dự báo trước đó, lên tới khoảng 6.0% GDP.
Danske Bank Research