Westpac IQ: Chứng khoán diễn biến trái chiều; Yên Nhật suy yếu; vàng hút dòng tiền giữa lúc thị trường biến động
Thành Duy
Junior editor
Nhận định của Westpac IQ.
Thị trường tài chính toàn cầu đã trải qua một phiên giao dịch cuối tuần đầy biến động khi nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục sau quyết định cắt giảm lãi suất mạnh tay của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào giữa tuần và đánh giá lại bối cảnh kinh tế vĩ mô toàn cầu.
Thị trường chứng khoán
Mỹ: Chứng khoán Mỹ kết phiên trái chiều, nhà đầu tư chốt lời sau chuỗi tăng điểm mạnh mẽ nhờ động lực từ quyết định cắt giảm lãi suất 50 bps của Fed. Sau khi giằng co suốt phần lớn phiên giao dịch, chỉ số S&P 500 và Nasdaq đóng cửa giảm lần lượt 0.2% và 0.4%, trong khi Dow Jones nhích nhẹ 0.1%. Dù vậy, tính chung cả tuần, S&P 500, Nasdaq và Dow Jone tăng lần lượt 1.4%, 1.5% và 1.6%.
Châu Âu: Chứng khoán Châu Âu giảm điểm, đánh mất một phần đà tăng của phiên trước đó, khi nhóm cổ phiếu ngành ô tô chịu áp lực bán tháo mạnh. Cổ phiếu Mercedes-Benz Group giảm mạnh sau khi hãng xe Đức hạ dự báo tài chính cho cả năm. Cả hai chỉ số DAX của Đức và Euro Stoxx 50 đều giảm 1.5%. Tại Anh, chỉ số FTSE 100 giảm 1.2% bất chấp dữ liệu chi tiêu tiêu dùng khả quan.
Châu Á: Chứng khoán Nhật Bản tăng điểm mạnh mẽ, được thúc đẩy bởi những bình luận ôn hòa từ Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) Kazuo Ueda. Phát biểu sau cuộc họp chính sách, ông khẳng định BoJ sẽ duy trì chính sách tiền tệ ở trạng thái siêu nới lỏng hiện tại để hỗ trợ nền kinh tế và bác bỏ khả năng tăng lãi suất trong thời gian tới, dẫn đến mức tăng 1.5% của chỉ số Nikkei 225. Trái ngược với diễn biến thận trọng tại các thị trường khác, chứng khoán Úc lại xác lập chuỗi bảy phiên tăng điểm. Chỉ số ASX 200 nhích nhẹ 0.2%, nâng tổng mức tăng của tuần lên 1.4%, với 8 trong số 11 nhóm ngành chính giao dịch tích cực, dẫn đầu là nhóm tài chính. Tuy nhiên, hợp đồng tương lai lại cho thấy tín hiệu giảm điểm trong phiên giao dịch sáng nay, phản ánh tâm lý e ngại rủi ro gia tăng trên thị trường toàn cầu.
Câu chuyện lãi suất
Mỹ: Lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) Mỹ tăng nhẹ trên các kỳ hạn. Cụ thể, kỳ hạn 2 năm nhích nhẹ 1 bps lên 3.59%; trong khi kỳ hạn 10 năm tăng 3 bps lên 3.74%. Hiện tại, thị trường lãi suất dự báo Fed sẽ cắt giảm lãi suất thêm 74 bps cho đến cuối năm nay và tổng cộng 200 bps cho đến cuối năm 2025.
Úc: Lợi suất TPCP Úc cũng tăng nhẹ. Cụ thể, kỳ hạn 3 năm tăng 3 bps lên 3.45%; trong khi kỳ hạn 10 năm tăng 3 bps lên 3.97%. Hiện tại, thị trường gần như chắc chắn Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp chính sách diễn ra vào ngày mai. Song, thị trường lãi suất hiện đang định giá 16 bps cắt giảm trong năm nay, với lần đầu tiên gần như chắc chắn sẽ rơi vào tháng 02/2025, tiếp theo là ba lần khác cho phần còn lại của năm. Dự báo này phù hợp với triển vọng lãi suất của Westpac Economics.
Thị trường ngoại hối
USD: Đồng bạc xanh tăng giá nhẹ so với các đồng tiền chủ chốt khác. Chỉ số Dollar Index (DXY), đo lường biến động của USD so với rổ sáu đồng tiền chủ chốt, tăng 0.1% lên 100.72. Giới đầu tư sẽ tiếp tục theo dõi sát sao những bài phát biểu từ các quan chức Fed vào tuần này để có thêm thông tin về định hướng chính sách trong thời gian tới.
AUD: Đồng Aussie dao động ổn định so với USD, giao dịch trong biên độ hẹp từ 0.6784-0.6826 trước khi đóng cửa giảm nhẹ 0.1% xuống 0.6805. Mặt khác, thị trường dự đoán RBA sẽ giữ nguyên chính sách tiền tệ trong cuộc họp vào thứ Ba tới và chờ đợi những tín hiệu rõ ràng hơn về quan điểm của ngân hàng trung ương này đối với các rủi ro kinh tế. Mức độ ủng hộ cho quan điểm của RBA từ dữ liệu lạm phát hàng tháng (dự kiến được công bố vào thứ Tư) sẽ ảnh hưởng đáng kể đến biến động của đồng tiền này.
JPY: Yên Nhật giảm giá mạnh so với USD sau khi BoJ quyết định giữ nguyên chính sách tiền tệ siêu nới lỏng. USD/JPY đã nhảy vọt từ 142.99 lên 144.42 sau tin, trước khi đóng cửa tăng 0.9% tại 144.00, trở lại với vùng giao dịch hồi đầu tháng.
EUR & GBP: EUR/USD biến động không đáng kể vào thứ Sáu, duy trì đà tăng sau quyết định cắt giảm lãi suất 50 bps của Fed và kết phiên gần như đi ngang ở mức 1.1166. Mặt khác, GBP/USD lại có màn thể hiện phần nào vượt trội hơn, tăng 0.3% lên 1.3323.
Thị trường hàng hóa
Dầu thô: Giá dầu thô giảm nhẹ vào cuối tuần. Cụ thể, giá dầu thô WTI giảm 0.2% xuống 71 USD/thùng. Mặc dù đã phục hồi từ đáy 65 USD/thùng ghi nhận vào đầu tháng 9, giá dầu thô vẫn ở mức thấp hơn đáng kể so với vùng giao dịch trong những tháng trước đó. Thị trường sẽ tiếp tục theo dõi sát sao tình hình nguồn cung thực tế, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Trung Đông có thể làm trầm trọng thêm rủi ro gián đoạn.
Quặng sắt: Giá quặng sắt giảm mạnh do lo ngại về nhu cầu từ Trung Quốc, nhà tiêu thụ thép lớn nhất thế giới. Giá quặng sắt giao dịch trên sàn Đại Liên giảm 1.1% xuống 90.9 USD/tấn. Tâm lý e ngại rủi ro gia tăng khi triển vọng nhu cầu từ Trung Quốc ngày càng ảm đạm, thể hiện qua sự kém sắc trong hoạt động xây dựng nhà ở mới và thiếu vắng động lực từ lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Điều này đã khiến nhiều nhà phân tích điều chỉnh giảm dự báo giá quặng sắt trong trung hạn.
Vàng: Giá vàng tiếp tục tăng và break-out ngưỡng tâm lý 2,600 USD/ounce sau một tháng ròng rã của phe mua, trong bối cảnh bất ổn địa chính trị và lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu gia tăng. Cụ thể, giá vàng giao ngay đã tăng 1.4% lên mức cao 2,625 USD/ounce vào thứ Sáu. Với việc động lực từ quyết định cắt giảm lãi suất của Fed đã phần nào suy yếu, giới đầu tư giờ đây sẽ tập trung vào các yếu tố rủi ro địa chính trị, được cho là “động cơ” chính có thể thúc đẩy đà tăng giá của vàng trong thời gian tới.
Diễn biến tin tức
Nhật Bản: Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã nhất trí giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức 0.25% trong cuộc họp tháng 9, phù hợp với dự báo của thị trường sau khi đã có hai lần tăng vào đầu năm. Ngoài ra, BoJ duy trì quan điểm rằng nền kinh tế đang trên đà phục hồi ở tốc độ vừa phải, với tiêu dùng "tiếp tục xu hướng tăng trưởng bất chấp tác động của lạm phát cao và các yếu tố khác". Tuy nhiên, Thống đốc Ueda đã có những phát biểu ôn hòa hơn trong cuộc họp báo, nhấn mạnh rằng "rủi ro lạm phát dường như đang giảm bớt do JPY tăng giá mạnh gần đây" và "BoJ cần thêm thời gian để đánh giá cẩn thận trước khi đưa ra quyết định chính sách tiếp theo". Điều này làm giảm khả năng BoJ sẽ có động thái điều chỉnh lãi suất trong cuộc họp tiếp theo vào tháng 10.
Dữ liệu lạm phát cho thấy chỉ số CPI của Nhật Bản đã tăng 3.0% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 8, từ mức trung bình 2.8% ghi nhận trong ba tháng trước đó. Con số này phù hợp với kỳ vọng của thị trường và là mức cao nhất kể từ tháng 10/2023. Về động lực, tác động từ chương trình trợ cấp năng lượng của chính phủ đã góp phần đẩy con số lạm phát hàng năm lên cao. Giá cả tăng mạnh ở các nhóm hàng thực phẩm, nhà ở, đồ nội thất & dụng cụ gia đình và quần áo đã bù đắp cho đà giảm trong lĩnh vực truyền thông và giáo dục. Bên cạnh đó, lạm phát lõi (loại trừ thực phẩm) tăng lên 2.8% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 8, từ mức 2.7% của tháng 7.
Vương quốc Anh: Doanh số bán lẻ bất ngờ nhảy vọt 1.0% vào tháng 8, vượt mức 0.7% (đã được điều chỉnh tăng từ 0.5%) trong tháng 7 và cao hơn nhiều so với dự báo của thị trường với 0.4%. Doanh số bán hàng tại các cửa hàng thực phẩm tăng 1.8% trong tháng 8, trong khi nhóm phi thực phẩm ở mức 0.6%. Mức tăng trưởng trung bình ba tháng (loại bỏ biến động ngắn hạn) cho thấy chi tiêu đã tăng 1.2% vào tháng 8, cho thấy sức bật đáng kể của nền kinh tế này trong Q3. Đáng chú ý, doanh số bán lẻ đã tăng vọt 2.5% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng trưởng hàng năm mạnh nhất kể từ tháng 02/2022.
Mặc dù dữ liệu bán lẻ khả quan, chỉ số niềm tin người tiêu dùng GfK lại cho thấy một bức tranh kém sáng sủa hơn khi giảm mạnh từ -13.0 trong tháng 8 xuống -20.0 vào tháng 9, chạm đáy sáu tháng và thấp hơn nhiều so với dự báo của thị trường là -13.0. Kỳ vọng về tình hình tài chính cá nhân 12 tháng tới giảm 9 điểm xuống -3.0 vào tháng 9; trong khi triển vọng 12 tháng đối với nền kinh tế giảm 12 điểm xuống -27.0.
Châu Âu: Chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Ủy ban Châu Âu cho thấy tín hiệu tích cực khi tăng 0.5 điểm lên -12.9 vào tháng 9, từ mức -13.4 trong tháng 8, vượt kỳ vọng giảm xuống -13.2 của thị trường. Đây cũng là mức cao nhất kể từ tháng 02/2022, cho thấy tâm lý người tiêu dùng đang dần được cải thiện, có thể nhờ quyết định cắt giảm lãi suất gần đây của ECB và lạm phát hạ nhiệt.
Mỹ: Hai thành viên Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã bày tỏ quan điểm trái chiều về quyết định cắt giảm lãi suất 50 bps của Fed vào tuần trước. Christopher Waller cho biết, ông ủng hộ việc cắt giảm lãi suất mạnh tay do lạm phát đang diễn biến ôn hòa hơn dự kiến, chứ không phải do lo ngại về thị trường lao động. Ông cũng cho biết sẽ ủng hộ việc quay trở lại mức cắt giảm 25 bps trong các cuộc họp tiếp theo, nhưng lưu ý rằng "nếu dữ liệu thị trường lao động xấu đi hoặc lạm phát tiếp tục hạ nhiệt nhanh hơn dự kiến, tốc độ nới lỏng có thể sẽ được đẩy lên."
Ngược lại, Michelle Bowman lại bày tỏ lo ngại rằng việc Fed cắt giảm lãi suất mạnh mẽ có thể khiến thị trường hiểu nhầm rằng cuộc chiến chống lạm phát đã kết thúc. Bà cho rằng "Fed cần điều chỉnh chính sách một cách thận trọng và từ tốn để đưa lạm phát trở về mục tiêu 2% một cách bền vững."
Westpac IQ