Danske Bank Research: "Lễ hội” của PMI, lạm phát Đức và Eurozone - Nhận định EUR/USD

Danske Bank Research: "Lễ hội” của PMI, lạm phát Đức và Eurozone - Nhận định EUR/USD

Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

16:03 06/01/2025

Nhận định bởi Bộ phận Nghiên cứu tại Danske Bank.

Điểm chính

Đối với Eurozone, thị trường hiện đang tập trung vào dữ liệu lạm phát tháng 12 của Đức, một chỉ báo quan trọng cho dữ liệu lạm phát toàn khu vực sẽ được công bố vào ngày mai. Lạm phát của Tây Ban Nha trong tháng 12 đã tăng vượt dự kiến, đáng chú ý là lạm phát lõi. Chúng tôi dự báo lạm phát HICP của Eurozone sẽ nóng lên từ mức 2.2% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 11 lên 2.4% vào tháng 12. Nguyên nhân chính là do tác động cơ sở lên lạm phát năng lượng và thực phẩm, trong khi lạm phát lõi được dự báo sẽ hạ nhiệt từ 2.7% xuống 2.6% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều quan trọng hơn cả là chúng tôi kỳ vọng mức tăng hàng tháng của lạm phát lõi, khi được quy đổi sang năm, sẽ một lần nữa phù hợp với mục tiêu 2%. Do đó, dữ liệu này được kỳ vọng sẽ củng cố thêm cơ sở cho việc Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) tiếp tục cắt giảm lãi suất.

Ngoài ra, chỉ số PMI dịch vụ và tổng hợp chính thức cho tháng 12 của Eurozone cũng sẽ được công bố. Do ước tính sơ bộ đã được đưa ra từ rất sớm trong tháng, nên số liệu chính thức có thể sẽ có sự khác biệt đáng kể hơn thường lệ, đòi hỏi sự theo dõi sát sao. Vào tuần trước, chỉ số PMI sản xuất chính thức đạt 45.1, giảm nhẹ so với mức 45.2 trong ước tính sơ bộ. Ngoài ra, dữ liệu PMI dịch vụ của Mỹ và Anh cũng sẽ được công bố trong ngày hôm nay.

Như đã đề cập, dữ liệu lạm phát Eurozone sẽ được công bố vào ngày mai, tương tự ở Thụy Sĩ, bên cạnh chỉ số PMI dịch vụ ISM của Mỹ. Thứ Tư sẽ là ngày công bố biên bản cuộc họp tháng 12 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). ECB sẽ công bố dự báo kinh tế vào thứ Năm. Cuối cùng, báo cáo việc làm phi nông nghiệp (NFP) tháng 12 của Mỹ sẽ được công bố vào thứ Sáu.

Những diễn biến đáng chú ý gần đây

Trung Quốc

Chỉ số PMI dịch vụ Caixin ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất kể từ tháng 5 (51.5 trong tháng 11 lên 52.2 vào tháng 12), đồng thời phù hợp với khảo sát NBS chính thức hồi tuần trước.

Nhật Bản

Chỉ số PMI dịch vụ đạt 50.9 trong tháng 12, nhích nhẹ so với 50.5 của tháng 11, tuy nhiên lại thấp hơn ước tính sơ bộ là 51.4. Đây là tháng thứ hai liên tiếp hoạt động dịch vụ tại Nhật Bản tiếp tục mở rộng.

Mỹ

Báo cáo PMI sản xuất ISM cho thấy những tín hiệu khả quan, với sự cải thiện về đơn đặt hàng mới, hoạt động sản xuất và giá cả, mặc dù số liệu việc làm lại yếu hơn. Điều này mang đến những tín hiệu trái chiều so với báo cáo PMI từ S&P Global, khi ngay cả chỉ số đã được điều chỉnh cũng cho thấy sản lượng và đơn đặt hàng mới vẫn giữ ở mức tương đương với tháng 11. Nhìn chung, cả hai báo cáo đều tiếp tục cho thấy sự trì trệ trong tăng trưởng, phù hợp với dữ liệu gần đây về sản xuất công nghiệp và công suất sử dụng.

Các quan chức Fed, Kugler và Daly (hai thành viên có quyền biểu quyết), đã có những phát biểu về chính sách tiền tệ và cho rằng nhiệm vụ kiểm soát lạm phát của Fed vẫn chưa hoàn thành. Họ cũng nhấn mạnh rằng họ không muốn Fed mạo hiểm gây tổn hại đến thị trường lao động, tuy nhiên thông điệp về các quyết định lãi suất trong tương lai vẫn chưa rõ ràng. Hôm thứ Sáu, Chủ tịch Fed chi nhánh Richmond, Thomas Barkin (thành viên không có quyền biểu quyết) đã bày tỏ mong muốn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, do lo ngại rủi ro lạm phát đang nghiêng về chiều tăng. Chúng tôi dự đoán Fed sẽ cắt giảm lãi suất lần tiếp theo tại cuộc họp tháng 3, sau đó là các đợt cắt giảm 25 bps hàng quý cho đến tháng 3/2026, đưa mục tiêu lãi suất quỹ liên bang xuống phạm vi 3.00-3.25%.

Chứng khoán

Thị trường chứng khoán toàn cầu tăng điểm trong phiên giao dịch thứ hai của năm mới. Tuy nhiên, nếu xét riêng về xu hướng và sự luân chuyển ngành giữa Mỹ và Châu Âu, thật khó tin rằng đây là cùng một ngày giao dịch. Về phía Châu Âu, chứng khoán giảm điểm, với nhóm cổ phiếu phòng thủ vượt trội, trong khi tại Mỹ, sắc xanh lại lan tỏa với nhóm cổ phiếu chu kỳ dẫn dắt, và một số giao dịch sau bầu cử lại nổi lên. Mặc dù năm mới chỉ vừa bắt đầu và còn hai tuần nữa mới đến lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump, nhưng tâm lý lạc quan đã chi phối nửa cuối năm 2024 dường như vẫn đang tiếp diễn sang đầu năm 2025. Kết phiên thứ Sáu, Dow Jones, S&P 500, Nasdaq và Russell 2000 tăng lần lượt 0.8%, 1.3%, 1.8% và 1.7%.

Ngoại hối

Hôm nay có thể xem là phiên giao dịch chính thức đầu tiên của năm mới, do các phiên giao dịch hiếm hoi trong tuần trước vẫn chịu nhiều ảnh hưởng bởi thanh khoản thấp và kỳ nghỉ lễ. Bước sang năm mới, chúng tôi muốn nhấn mạnh hơn nữa sự khác biệt giữa quan điểm chiến lược dài hạn và triển vọng ngắn hạn. Mối lo ngại về tăng trưởng của Eurozone đã gia tăng do giá năng lượng nóng lên, nhưng ở giai đoạn này, chúng tôi cho rằng điều này phần lớn đã được phản ánh vào giá, khiến EUR/USD trở nên nhạy cảm bất đối xứng với cả tin tức tích cực và tiêu cực.

EUR/USD đã phục hồi nhẹ về quanh 1.0300, khi đà tăng của USD tạm chững lại vào cuối tuần trước. Về mặt dữ liệu, trọng tâm của tuần này sẽ chuyển sang các báo cáo thị trường lao động của Mỹ, đặc biệt là NFP vào thứ Sáu. Hiện tại, thị trường chỉ định giá xác suất khoảng 10% cho việc Fed cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tháng này. Do đó, dữ liệu tuần này khó có thể thay đổi kỳ vọng về việc Fed giữ nguyên lãi suất. Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều bất ổn xoay quanh chu kỳ cắt giảm lãi suất của Fed trong năm 2025, đặc biệt khi xem xét tác động tiềm tàng của các chính sách dưới thời ông Trump lên nền kinh tế Mỹ.

Kịch bản cơ sở của chúng tôi dự đoán Fed sẽ cắt giảm lãi suất 25 bps hàng quý trong suốt năm 2025 – gấp đôi tốc độ mà thị trường đang kỳ vọng. Nếu quan điểm của chúng tôi – rằng kỳ vọng thị trường về Fed đang quá “diều hâu” – là chính xác, điều này có thể mở ra nhịp phục hồi ngắn hạn cho EUR/USD, đặc biệt là nếu dữ liệu của Mỹ yếu hơn dự kiến. Dẫu vậy, nhờ các yếu tố cơ bản về tăng trưởng, sức hấp dẫn của tài sản Mỹ, cùng với vị thế của Fed, chúng tôi vẫn giữ quan điểm lạc quan về USD trong dài hạn và dự kiến EUR/USD sẽ hướng về mốc 1.0000 trong năm nay.

Danske Bank Research

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

JPMorgan Asset Management: Đồng USD sẽ đi về đâu trong năm 2025?
Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

JPMorgan Asset Management: Đồng USD sẽ đi về đâu trong năm 2025?

Sự phân kỳ ngày càng lớn trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã dẫn đến những khác biệt rõ rệt trong chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới. Hệ quả là, chênh lệch lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm giữa Mỹ và các đối tác thương mại chủ chốt đã nới rộng lên mức cao nhất kể từ năm 1994.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ