Danske Bank Research: Những mảnh ghép cuối cùng cho bức tranh lạm phát tuần này - Chỉ số tâm lý người tiêu dùng sơ bộ của Đại học Michigan và PPI
Thành Duy
Junior editor
Nhận định của Danske Bank Research.
Điểm chính
Vào lúc 19:30 tối nay theo giờ Việt Nam, Mỹ sẽ công bố chỉ số tâm lý người tiêu dùng sơ bộ của Đại học Michigan cho tháng 10 và PPI tháng 9. Kết quả khảo sát sẽ được thị trường đặc biệt quan tâm để đánh giá kỳ vọng lạm phát của người tiêu dùng Mỹ.
Bộ Tài chính Trung Quốc sẽ tổ chức một cuộc họp giao ban vào ngày mai về kế hoạch kích thích kinh tế thông qua chính sách tài khóa. Chúng tôi kỳ vọng Bắc Kinh sẽ công bố một bản kế hoạch rõ ràng tại cuộc họp này, Mặc dù vậy, tâm lý thị trường dường như vẫn khá thận trọng, bởi nhiều người lo ngại rằng kế hoạch thực thế sẽ không đủ để đáp ứng kỳ vọng cao hiện tại.
Đầu tuần tới, Trung Quốc sẽ công bố báo cáo CPI tháng 9, dự kiến sẽ không thay đổi ở mức 0.6% so với cùng kỳ năm ngoái. Lạm phát lõi có lẽ sẽ được quan tâm nhiều hơn khi đã giảm xuống 0.3% trong tháng 8. Dù vậy, bức tranh mà báo cáo CPI mang đến lần này có thể đã “lạc hậu” do hàng loạt biện pháp kích thích kinh tế được tung ra gần đây. Vì vậy, thị trường có thể sẽ không quá chú trọng đến dữ liệu này. Bên cạnh đó là dữ liệu cán cân thương mại tháng 9. Xu hướng gần đây là tăng trưởng xuất khẩu chậm lại theo hoạt động sản xuất toàn cầu.
Những diễn biến đáng chú ý gần đây
Nhìn lại, chỉ số CPI tháng 9 được công bố tối qua cao hơn một chút so với dự kiến ở cả số liệu toàn phần (0.2% so với tháng trước; dự báo là 0.1%) và lõi (0.3% so với tháng trước; dự báo là 0.2%). So với cùng kỳ năm ngoái, lạm phát toàn phần đã giảm xuống 2.4% từ 2.5%, trong khi lạm phát lõi vẫn ổn định ở mức 3.3%. Giá thực phẩm tăng đột biến là động lực chính cho lạm phát toàn phần, trong khi với lạm phát lõi là hàng hóa đặc biệt. Điểm sáng le lói lại đến từ lạm phát dịch vụ, đáng chú ý là lạm phát nhà ở đã hạ nhiệt sau khi tăng bất ngờ trong tháng 8. Trong biên bản họp FOMC tháng 9 được công bố vào thứ Tư, Fed đã nhấn mạnh lạm phát nhà ở dai dẳng là một mối lo ngại. Do đó, dù không đáng kể, nhưng thị trường có lẽ đã kỳ vọng về một tín hiệu ôn hòa từ Fed sau sự hạ nhiệt trên.
Biên bản cuộc họp của ECB cho thấy các nhà hoạch định chính sách muốn duy trì sự linh hoạt về tốc độ giảm lãi suất và nhấn mạnh quyết định sẽ phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế sắp tới.
Ở Trung Đông, chúng tôi vẫn đang chờ đợi phản ứng của Israel đối với cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran vào tuần trước, điều này sẽ quyết định liệu chúng ta có chứng kiến sự leo thang hơn nữa của xung đột trong khu vực hay không. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gây sức ép buộc Israel phải phản ứng một cách ôn hòa, nhưng vẫn còn phải xem liệu điều đó có xảy ra hay không. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Israel Gallant hôm thứ Tư cho biết "Cuộc tấn công của chúng tôi vào Iran sẽ gây chết người, chính xác và trên hết là bất ngờ. Họ sẽ không hiểu chuyện gì đã xảy ra và nó đã xảy ra như thế nào. Họ sẽ thấy kết quả."
Chứng khoán
Chứng khoán toàn cầu giảm nhẹ, chủ yếu do áp lực từ thị trường Châu Âu và Mỹ. Hai dữ liệu quan trọng được công bố hôm qua đều bất lợi cho chứng khoán. Chỉ số CPI của Mỹ cao hơn dự kiến trong khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu cũng vượt dự báo. Dù vậy, chúng tôi vẫn khá ngạc nhiên trước phản ứng kiên cường, thậm chí có phần lạc quan của các nhà đầu tư. Cả hai nhóm cổ phiếu chu kỳ và phòng thủ đều giảm, cho thấy nhà đầu tư đang chờ đợi thêm thông tin thay vì phản ứng thái quá. Kết phiên, các chỉ số Dow Jones, S&P 500, Nasdaq và Russell 2000 giảm lần lượt 0.1%, 0.2%, 0.1% và 0.6%. Chứng khoán Trung Quốc tiếp tục biến động trong phiên giao dịch sáng nay, nhưng đã có dấu hiệu ổn định. Mặt khác, các thị trường Châu Á còn lại nhìn chung giao dịch trong sắc xanh tích cực, bên cạnh hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ và Châu Âu.
Câu chuyện lãi suất
Lợi suất TPCP kỳ hạn dài tăng trong phần lớn thời gian giao dịch, nhưng sau đó đảo chiều giảm khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu của Mỹ được công bố bất ngờ nhảy vọt từ 225,000 lên 258,000 (mức cao nhất kể từ giữa năm 2023). Số liệu CPI của Mỹ cho thấy một bức tranh trái chiều khi lạm phát toàn phần và lõi đều tăng vượt dự kiến, trong khi các chi tiết như lạm phát giá nhà ở - một điểm trọng tâm trong biên bản họp FOMC tháng 9 - đã dịu đi đáng kể.
Ngoại hối
USD tăng giá trong những giờ đầu sau khi công bố và điều này đã đẩy EUR/USD giảm xuống dưới ngưỡng 1.0900 lần đầu tiên kể từ tháng 8. Ngoài ra, đồng bạc xanh còn được hỗ trợ bởi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu bất ngờ tăng, cũng như tuyên bố của Chủ tịch Fed Atlanta - Raphael Bostic rằng ông “sẵn sàng bỏ qua việc cắt giảm lãi suất vào tháng 11" nếu dữ liệu cho phép. Dù vậy, USD sau đó đã suy yếu trở lại và EUR/USD hiện đang giao dịch quanh 1.0935, cao hơn một chút so với mức trước thời điểm công bố số liệu CPI. Diễn biến này có thể đã chịu ảnh hưởng bởi phát biểu của Chủ tịch Fed Chicago - Austan Goolsbee rằng, hầu hết các nhà hoạch định chính sách Fed đều kỳ vọng lãi suất sẽ giảm mạnh từ mức hiện tại. Khi chênh lệch lãi suất diễn biến theo hướng có lợi hơn cho đồng bạc xanh, cùng với những bất ổn trong tâm lý thị trường, căng thẳng địa chính trị và rủi ro từ cuộc bầu cử Mỹ, EUR/USD có thể sẽ tiếp tục chịu áp lực trong thời gian tới.
Ở mặt trận khác, tăng trưởng GDP tháng 8 của Anh đạt 0.2% so với tháng trước đúng như dự kiến, sau khi chậm lại vào tháng 6 và tháng 7. Nhìn chung, tất cả các lĩnh vực chính đều ghi nhận mức tăng trưởng, dù không đáng kể. Dẫu vậy, ít nhất điều này đã khẳng định lại rằng nền kinh tế Anh vẫn đang duy trì được đà tăng trưởng. Chúng tôi cho rằng, nguyên nhân chính đứng sau đà tăng của GBP và sắc đỏ trên đồ thị EUR/GBP trong năm nay đến từ sự vượt trội của nền kinh tế Anh so với Châu Âu và có thể tiếp tục là yếu tố hỗ trợ đồng tiền này trong những tháng tới. Mặc dù tốc độ tăng trưởng có thể chậm lại, nhưng nền kinh tế Anh dự kiến vẫn sẽ vượt trội so với Châu Âu.
Danske Bank Research