Danske Bank Research: Sản xuất công nghiệp Eurozone liệu có trở thành "điểm sáng đầu tiên" trong Q3 và kỳ vọng lạm phát Mỹ sẽ "bắt kịp" xu hướng?
Thành Duy
Junior editor
Nhận định của Danske Bank Research.
Điểm chính
Hôm nay, sự chú ý sẽ đổ dồn về Mỹ khi Đại học Michigan công bố kết quả khảo sát tâm lý người tiêu dùng sơ bộ cho tháng 9. Giới phân tích đang chờ đợi xem liệu kết quả khảo sát có phản ánh được xu hướng hạ nhiệt gần đây khi lạm phát cơ bản đang chững lại và kỳ vọng lạm phát thấp hơn do giá dầu toàn cầu giảm sâu hay không. Nhìn lại, theo khảo sát trước đó vào tháng 8, kỳ vọng lạm phát cho 1 năm và 5 năm lần lượt là 2.8% và 3.0%.
Ở mặt trận khác, Eurozone sẽ tập trung vào dữ liệu sản xuất công nghiệp tháng 7. Trước đó, chỉ số PMI cho thấy ngành sản xuất tại khu vực đã và đang trải qua giai đoạn suy thoái hơn một năm qua, cùng với dữ liệu vĩ mô các quốc gia thành viên không kém phần ảm đạm. Do đó, dữ liệu sản xuất công nghiệp tháng 7 được kỳ vọng sẽ là điểm sáng đầu tiên trong Q3, hé lộ phần nào bức tranh tăng trưởng GDP như dự báo.
Diễn biến đáng chú ý
Mỹ: Dữ liệu PPI toàn phần của Mỹ diễn biến đúng như dự báo. Mặt khác, PPI lõi tăng 0.3% so với tháng trước, cao hơn một chút so với dự báo là 0.2%. Trong khi đó, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu duy trì ổn định ở mức 230,000. Trên chính trường Mỹ, cựu Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ không tham gia cuộc tranh luận tiếp theo với Phó Tổng thống Kamala Harris trước thềm cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 05/11.
Eurozone: ECB đã quyết định giảm lãi suất thêm 25 bps như dự kiến, qua đó đưa lãi suất tiền gửi xuống còn 3.5%. Chủ tịch ECB - Christine Lagarde, không đưa ra bất kỳ thông tin nào về lộ trình lãi suất trong tương lai. Tuy nhiên, việc bà cho rằng không cần thiết phải định hướng kỳ vọng thị trường như ngầm khẳng định ECB hài lòng với lộ trình cắt giảm 25 bps mỗi quý cho đến cuối năm sau. Ngoài ra, áp lực lạm phát trong khu vực vẫn ở mức cao do tăng trưởng tiền lương mạnh mẽ. Bà Lagarde đã một lần nữa khẳng định niềm tin vào khả năng kiểm soát lạm phát ở mức mục tiêu 2.0% trong trung hạn. Bên cạnh đó, các dự báo kinh tế của ECB chỉ có những điều chỉnh rất nhỏ.
Na Uy: Khảo sát mạng lưới khu vực cho thấy tỷ lệ sử dụng năng lực sản xuất bất ngờ tăng lên bất chấp triển vọng kinh tế ảm đạm. Đây chính là lý do chính khiến Norges Bank giữ vững lập trường diều hâu hồi tháng 6 và phát đi thông điệp “hãy quên việc cắt giảm lãi suất” đến thị trường. Kết quả khảo sát mới nhất này củng cố thêm khả năng Norges Bank sẽ không thay đổi quan điểm trong cuộc họp chính sách sắp tới. Mặc dù triển vọng tăng trưởng vẫn yếu, thấp hơn một chút so với dự báo của Norges Bank, song báo cáo không ủng hộ lập trường ôn hòa do ngân hàng này luôn tỏ ra thận trọng và không muốn nóng vội trong việc cắt giảm lãi suất. Kỳ vọng về tăng trưởng tiền lương cho năm tới được giữ nguyên ở mức 4.3%, thấp hơn một chút so với mức dự báo 4.5% của Norges Bank trong báo cáo MPR tháng 6, trong khi con số này cho năm 2024 là 5.2%. Nhìn chung, khảo sát cho thấy tăng trưởng kinh tế ở mức vừa phải với một số điểm yếu, ngoại trừ tỷ lệ sử dụng năng lực sản xuất khả quan hơn.
Thụy Điển: Lạm phát tính theo chỉ số CPI toàn phần tháng 8 tăng 1.2% so với cùng kỳ năm trước (dự báo của thị trường và Danske Bank lần lượt là 1.3% và 1.1%); trong khi tính theo CPI lõi (loại trừ năng lượng) tăng 2.2%, cao hơn một chút so với kỳ vọng 2.1% của Danske Bank nhưng phù hợp với dự báo của Riksbank và thị trường. Với lạm phát toàn phần thấp hơn dự kiến, Riksbank có thể sẽ phải cân nhắc lại tốc độ cắt giảm lãi suất.
Hàng hóa: Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2024 xuống còn 7.2%, chủ yếu do sự chậm lại từ nhà tiêu thụ hàng đầu là Trung Quốc. Dự báo cho năm 2025 được giữ nguyên. Trước đó, OPEC cũng đã công bố hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm 2024 và 2025, với lý do tương tự là triển vọng kinh tế yếu kém ở Trung Quốc. Ngoài ra, dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2024 của hai tổ chức cũng có sự chênh lệch đáng kể, với OPEC là 2.03 triệu thùng/ngày, trong khi con số của IEA chỉ là 900,000 thùng/ngày
Chứng khoán: Chứng khoán toàn cầu đồng loạt tăng điểm trong phiên giao dịch ngày hôm qua, với sắc xanh lan tỏa trên diện rộng. Nhóm cổ phiếu chu kỳ tuy ghi nhận mức tăng tốt hơn, song mức độ chênh lệch so với nhóm phòng thủ là không đáng kể.
Ngoại hối: Các đồng tiền nhạy cảm với rủi ro đồng loạt tăng giá, trong đó NOK tăng mạnh nhất trong nhóm G10. EUR/USD nhích nhẹ lên trong phiên Mỹ, trong khi cả JPY và CHF đều suy yếu do chứng khoán toàn cầu khởi sắc. EUR/SEK giảm trở lại dưới ngưỡng 11.40 và EUR/GBP đánh mất toàn bộ mức tăng của phiên trước đó.
Dữ liệu sắp công bố
Sắp tới, thị trường sẽ tiếp tục đổ dồn sự chú ý vào các dữ liệu kinh tế sắp được công bố bởi ECB vẫn duy trì cách tiếp cận thận trọng “phụ thuộc vào dữ liệu và linh hoạt theo từng cuộc họp” trong việc điều hành chính sách tiền tệ. Bên cạnh đó, tâm lý thận trọng trước thềm công bố quyết định lãi suất của FOMC (bao gồm cả Dot Plot) cũng là lý do khiến ECB không vội vàng đưa ra bất kỳ tín hiệu nào.
Về phía Mỹ, dữ liệu PPI và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp công bố ngày hôm qua đều phù hợp với dự báo. Lịch kinh tế hôm nay khá nhẹ nhàng, với tâm điểm chú ý là khảo sát tâm lý người tiêu dùng tháng 9 của Đại học Michigan, đặc biệt là kỳ vọng lạm phát và tác động từ đà giảm của giá năng lượng gần đây.
Bà Lagarde và ông Rehn sẽ có bài phát biểu trong ngày hôm nay. Ngoài ra, dữ liệu sản xuất công nghiệp tháng 7 của Eurozone sẽ được công bố vào lúc 16:00 theo giờ Việt Nam.
Mặt khác, Tây Ban Nha sẽ được S&P Global Ratings đánh giá lại xếp hạng tín nhiệm. Trong khi đó, Moody’s Investors Service sẽ đưa ra đánh giá đối với cả Tây Ban Nha và Hy Lạp. Do Moody’s hiện đang có cái nhìn khá tích cực đối với Tây Ban Nha, chúng tôi kỳ vọng xếp hạng tín nhiệm của quốc gia này sẽ được nâng từ Baa1 lên A-.
Diễn biến thị trường ngoại hối
Các đồng tiền chính: EUR/USD nối tiếp đà tăng của ngày hôm qua lên mức cao gần 1.1100 vào phiên Á do đồng bạc xanh suy yếu bởi khẩu vị rủi ro cải thiện. Quyết định giảm lãi suất 25 bps của ECB và dữ liệu kinh tế Mỹ cũng không ảnh hưởng nhiều đến EUR/USD.
Các đồng tiền Bắc Âu: Ngân hàng Quốc gia Đan Mạch đã nối gót ECB giảm lãi suất điều hành 25 bps. Lãi suất chính sách của Đan Mạch hiện ở mức 3.1%, thấp hơn 40 bps so với ECB. Quyết định “bám đuổi” ECB này đã được dự báo từ trước. Việc EUR/DKK giao dịch quanh tỷ giá trung tâm trong nhiều tháng qua cho thấy mức chênh lệch lãi suất hiện tại là hợp lý. Dữ liệu gần đây cho thấy dòng vốn ra, vào Đan Mạch đang bù trừ cho nhau, qua đó giữ EUR/DKK ổn định ở mức chênh lệch lãi suất hiện tại. Cụ thể, dữ liệu công bố hôm thứ Hai cho thấy thặng dư cán cân vãng lai tiếp tục tăng, qua đó hỗ trợ Krone Đan Mạch. Tuy nhiên, dữ liệu mới nhất về dự phòng rủi ro tỷ giá của các quỹ hưu trí trong nước cho thấy tỷ trọng của EUR vẫn ở mức thấp so với lịch sử.
Khảo sát mạng lưới khu vực hàng quý của Na Uy cho thấy tỷ lệ sử dụng năng lực sản xuất tiếp tục tăng lên bất chấp triển vọng kinh tế ảm đạm. Điều này cho thấy khả năng Norges Bank sẽ tiếp tục giữ vững lập trường diều hâu trong cuộc họp chính sách vào tuần tới. Mặc dù lập trường diều hâu có thể hỗ trợ NOK trong ngắn hạn, song chúng tôi cho rằng yếu tố này là chưa đủ để đồng tiền này duy trì đà tăng. Môi trường vĩ mô toàn cầu, đặc biệt là quyết định chính sách của Fed trong tuần tới, dự kiến sẽ có tác động đến Krone Na Uy lớn hơn so với thông điệp từ Norges Bank.
Danske Bank Research