Điểm tin ngày - KBC Bank: Chứng khoán diễn biến trái chiều; OPEC hạ dự báo nhu cầu dầu toàn cầu lần thứ ba liên tiếp

Điểm tin ngày - KBC Bank: Chứng khoán diễn biến trái chiều; OPEC hạ dự báo nhu cầu dầu toàn cầu lần thứ ba liên tiếp

Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

21:45 14/10/2024

Nhận định của KBC Bank.

Chứng khoán

Chứng khoán Trung Quốc đã khép lại phiên giao dịch với mức tăng từ 2-3%, cho thấy giới đầu tư đang đặt niềm tin vào các biện pháp hỗ trợ thị trường bất động sản, cũng như tín hiệu về việc nới lỏng chính sách tiền tệ được Bộ trưởng Bộ Tài chính - Lưu Côn đưa ra vào cuối tuần qua. Mặc dù Bắc Kinh chưa công bố con số cụ thể về gói kích thích, nhưng những động thái ban đầu này đã nhận được sự ủng hộ nhất định. Dù vậy, Nhân dân tệ lại không được hưởng lợi từ tâm lý tích cực này và USD/CNY đã tăng chạm mức 7.0850, cao nhất kể từ giữa tháng 9.

Mặt khác, trái ngược với đà tăng của thị trường Trung Quốc, chứng khoán Châu Âu lại giao dịch trầm lắng trong bối cảnh không có nhiều dữ liệu kinh tế vĩ mô mới. Lợi suất TPCP Pháp đã tăng nhẹ sau khi Fitch Ratings thay đổi triển vọng của quốc gia này từ “ổn định” sang “tiêu cực”. Nguyên nhân được cho là do bất ổn chính trị và rủi ro tài khóa. Lợi suất TPCP Đức cũng nhích nhẹ trên nhiều kỳ hạn trong bối cảnh thanh khoản thị trường hạn chế.

Chứng khoán Mỹ đóng cửa nghỉ lễ Columbus. Dù vậy, bài phát biểu của Chủ tịch Fed - Christopher Waller về triển vọng kinh tế, dự kiến diễn ra vào đêm nay, được kỳ vọng sẽ thu hút sự chú ý của thị trường.

Nhịp đập vĩ mô

Dữ liệu cán cân thương mại của Trung Quốc, được công bố sau khi kết thúc phiên Á, cho thấy xuất khẩu chỉ tăng trưởng 2.4% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với dự đoán 6.0%; trong khi nhập khẩu chỉ nhích nhẹ 0.3%. Thặng dư thương mại của Trung Quốc cũng giảm từ 91.02 tỷ USD xuống còn 81.71 tỷ USD. Những con số kém khả quan này cho thấy sự suy yếu trong cả nhu cầu nội địa và quốc tế, đồng thời càng củng cố thêm động lực cho các biện pháp kích thích kinh tế từ chính phủ Trung Quốc. Giới đầu tư đang chờ đợi nhiều số liệu kinh tế quan trọng khác của Trung Quốc trong tháng 9 và Q3, bao gồm doanh số bán lẻ, sản lượng công nghiệp và GDP, sẽ được công bố vào thứ Sáu.

Về dữ liệu kinh tế đáng chú ý của Anh, đầu tiên phải kể đến là báo cáo thị trường lao động, sẽ được công bố vào ngày mai. Dữ liệu này có thể củng cố thêm cho nhận định về việc BoE cần cần phải có những hành động quyết liệt hơn, theo như phát biểu của Thống đốc BoE - Andrew Bailey. Ngoài ra, chúng ta còn có báo cáo CPI và doanh số bán lẻ, dự kiến được công bố lần lượt vào thứ Tư và thứ Sáu tuần này.

Ngoại hối

EUR/USD bắt đầu có nhiều hơn những dấu hiệu suy yếu trước thềm cuộc họp chính sách của ECB vào cuối tuần này, giao dịch quanh mức 1.0915 tại thời điểm viết bài. Hiện tại, thị trường đang kỳ vọng ECB sẽ tiếp tục hạ lãi suất thêm 25 bps. Mặt khác, EUR/GBP gần như sideway quanh mức 0.8370. Đáng chú ý, USD/JPY tiếp đà tăng sau diễn biến sideway trong tuần trước, tiến sát mốc 150.00 và hiện đang giao dịch quanh 149.90.

Dầu mỏ

OPEC đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu lần thứ ba liên tiếp. Cụ thể, OPEC dự báo nhu cầu dầu sẽ tăng lần lượt 1.93 và 1.64 triệu thùng/ngày trong năm 2024 và 2025 (trước đó là 2.03 và 1.74 triệu thùng/ngày). Mặc dù vậy, con số này vẫn cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng nhu cầu trung bình 1.4 triệu thùng/ngày ghi nhận trong giai đoạn trước khi đại dịch bùng phát. Đáng chú ý, gần như toàn bộ mức giảm 100,000 thùng/ngày trong dự báo nhu cầu cho năm 2024 đến từ việc OPEC hạ triển vọng tiêu thụ dầu của Trung Quốc từ 650,000 thùng/ngày xuống còn 580,000 thùng/ngày. Cũng theo ước tính của OPEC, tổng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ đạt lần lượt 104.1 và 105.8 triệu thùng/ngày trong năm nay và năm sau.

Động thái điều chỉnh giảm dự báo được đưa ra trong bối cảnh OPEC đang cân nhắc khôi phục một phần sản lượng đã bị cắt giảm từ tháng 12, muộn hơn hai tháng so với kế hoạch ban đầu. Sau khi phục hồi từ mức thấp nhất trong nhiều năm vào tháng 9, giá dầu hiện đang chịu áp lực giảm do những lo ngại về nhu cầu. Giá dầu Brent tiếp đà giảm và hiện đang giao dịch quanh mốc 77.55 USD/thùng, với áp lực bán xuất hiện ngay từ đầu ngày do Trung Quốc chưa công bố cụ thể quy mô về các biện pháp kích thích tài khóa được công bố trong cuộc họp cuối tuần trước. Mặc dù những bất ổn địa chính trị ở Trung Đông tiềm ẩn nguy cơ làm gián đoạn nguồn cung, nhưng tâm lý thị trường dường như vẫn bị chi phối bởi lo ngại về nhu cầu.

EUR/USD đồ thị ngày

USD/JPY đồ thị ngày

Giá dầu Brent đồ thị ngày

KBC Bank

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ