Góc nhìn kỹ thuật đa thị trường: Báo cáo NFP gây thất vọng; Yên Nhật chiếm trọn “spotlight”; Nikkei sụt mạnh, khơi lại nỗi đau về "cơn địa chấn" đầu tháng 8

Góc nhìn kỹ thuật đa thị trường: Báo cáo NFP gây thất vọng; Yên Nhật chiếm trọn “spotlight”; Nikkei sụt mạnh, khơi lại nỗi đau về "cơn địa chấn" đầu tháng 8

Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

22:37 08/09/2024

Nhận định của Action Forex.

Bối cảnh chung

Giới đầu tư đã không giấu nổi sự thất vọng với báo cáo bảng lương phi nông nghiệp (NFP) của Mỹ được công bố vào tuần trước. Nguyên nhân không hoàn toàn đến từ việc số liệu việc làm thấp hơn kỳ vọng, mà bởi vì dữ liệu này đã không thể xóa tan đám mây mù bao phủ triển vọng lãi suất của Fed. Nỗi lo về việc Fed chần chừ trong việc đưa ra quyết sách rõ ràng và khả năng điều này có thể khiến bức tranh kinh tế vốn ảm đạm càng thêm phần u ám, đã bao trùm lên tâm lý thị trường. Hệ quả là, thị trường chứng khoán Mỹ khép lại tuần giao dịch trong sắc đỏ với các chỉ số chính đều ghi nhận mức giảm đáng kể. Bên cạnh đó, lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng khó tránh khỏi kiếp nạn. Chưa kể, tâm lý e ngại rủi ro còn lan rộng sang nhiều thị trường khác, bao gồm cả dầu mỏ và tiền điện tử.

Đồng Yên Nhật (JPY) vươn lên trở thành ngôi sao sáng nhất trong tuần qua, khi ghi nhận mức tăng giá trên diện rộng. Yếu tố góp phần vào đà tăng này đến từ việc lợi suất TPCP Mỹ và châu Âu đồng loạt giảm. Tuy nhiên, viễn cảnh về một đợt bán tháo mạnh mẽ khác nhắm vào chỉ số Nikkei của Nhật Bản, cộng hưởng với đà tăng phi mã của JPY, lại đang gieo rắc nỗi lo về một self-reinforcing cycle (tạm dịch là chu kỳ tự thân), nơi mà các yếu tố tiêu cực tự tích tụ và đẩy thị trường toàn cầu vào vòng xoáy giảm điểm (ám chỉ việc JPY tiếp tục tăng giá mạnh hơn nữa sẽ càng tạo áp lực giảm lên Nikkei, hình thành vòng xoáy tiêu cực).

Đồng Franc Thụy Sĩ (CHF), vốn cũng được hưởng lợi từ tâm lý e ngại rủi ro đang bao trùm, đã kết thúc tuần giao dịch với vị thế là đồng tiền mạnh thứ hai. Đồng Euro (EUR) theo sát phía sau ở vị trí thứ ba. Ở chiều ngược lại, đồng Aussie (AUD) phải ngậm ngùi đứng cuối bảng xếp hạng, khi trở thành đồng tiền có hiệu suất kém nhất trong tuần. Đồng Kiwi (NZD) cũng chịu chung số phận, bám đuổi sát nút phía sau. Trong khi đó, đồng Loonie (CAD) cũng gặp nhiều khó khăn trước áp lực đến từ giá dầu suy yếu, đứng giữa cán cân là đồng USD và đồng Bảng Anh (GBP), kết thúc tuần giao dịch với hiệu suất trái chiều.

S&P 500 và NASDAQ chìm trong sắc đỏ

Chỉ mới vừa trải qua một phiên tăng điểm ngắn ngủi vào thứ Sáu, được thúc đẩy bởi dữ liệu việc làm của Mỹ yếu hơn dự kiến, chứng khoán Mỹ bất ngờ đảo chiều và kết thúc tuần giao dịch trong thất vọng. Giới đầu tư dường như đã có cái nhìn thấu đáo hơn về tác động của dữ liệu đến định hướng chính sách của Fed. Nỗi lo về việc Fed có thể sẽ lựa chọn cách tiếp cận thận trọng trong việc cắt giảm lãi suất và điều này có thể vô tình đẩy nền kinh tế vào một cuộc suy thoái trầm trọng hơn, đã lấn át tâm lý lạc quan ban đầu. Chỉ số S&P 500 ghi nhận mức giảm 4.3% trong tuần qua, mức giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 03/2023. Trong khi đó, NASDAQ chứng kiến tuần giao dịch đen tối nhất kể từ năm 2022, khi lao dốc 5.8%. Chỉ số Dow Jones cũng không nằm ngoài "vũng lầy" khi đóng cửa tuần với mức giảm 2.9%.

Báo cáo NFP tháng 8 cho thấy tăng trưởng việc làm chậm hơn so với dự kiến, tuy nhiên vẫn chưa đủ mạnh để giới đầu tư tự tin khẳng định rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 50 bsp trong cuộc họp sắp tới. Nhìn vào mặt tích cực, tỷ lệ thất nghiệp đã ghi nhận mức giảm nhẹ, phần nào xoa dịu nỗi lo về một cuộc suy thoái kinh tế tức thời mà quy tắc Sahm dự báo. Tuy nhiên, mức tăng lương lại đạt 0.4%, một con số đủ để thổi bùng lên ngọn lửa lo ngại về lạm phát. Bên cạnh đó, chỉ số PMI Dịch vụ ISM cho thấy lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng chậm lại, dù vẫn giữ được phong độ tốt hơn so với lĩnh vực sản xuất, vốn đang chật vật trong cơn "bão" suy thoái kéo dài.

Ngay sau khi dữ liệu NFP được công bố, khả năng Fed cắt giảm lãi suất 50 bps đã tăng vọt lên trên 50%. Tuy nhiên, con số này đã nhanh chóng hạ nhiệt và quay trở lại mức 30% vào cuối ngày, không có gì thay đổi so với tuần trước. Đáng chú ý, khả năng Fed cắt giảm tổng cộng 100 bps vào cuối năm nay là 91%, tăng mạnh so với mức 70% của tuần trước đó. Điều này cho thấy giới đầu tư vẫn tin tưởng vào khả năng Fed hạ lãi suất thêm nữa, nhưng có thể ngân hàng trung ương này sẽ theo đuổi cách tiếp cận thận trọng và "nhỏ giọt" hơn là một cú "hạ cánh" mạnh mẽ.

Trong thời gian tới, nếu dữ liệu CPI bất ngờ tăng vọt, Fed có thể sẽ phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn trong việc trì hoãn các đợt cắt giảm lãi suất mạnh tay. Điều này có thể dẫn đến một kịch bản, nơi mà suy thoái kinh tế đến muộn hơn, nhưng lại "đau đớn" hơn rất nhiều. Phản ứng chậm chạp từ phía Fed sau cùng có thể khiến thị trường lao động và nền kinh tế nói chung chao đảo dữ dội hơn, buộc ngân hàng trung ương này phải hành động quyết liệt, nhưng ở thời điểm đã quá muộn.

Xét về mặt kỹ thuật, việc S&P 500 phá vỡ ngưỡng hỗ trợ EMA 55 (hiện ở mức 5,472.64) cho thấy đà phục hồi từ 5,119.26 đã kết thúc tại 5,651.37. Mô hình điều chỉnh từ mức 5,669.67 được cho là đã bước vào nhịp giảm thứ ba. Nếu không thể vượt qua kháng cự EMA 55, nguy cơ giảm sâu hơn xuống hỗ trợ 5,119.26, hoặc thậm chí là ngưỡng thoái lui Fibonacci 38.2% (hay Fibonacci Retracement) của phạm vi 4,103.78-5,669.67 (tương ứng mức 5,069.81), là điều khó tránh khỏi.

Tương tự, NASDAQ cũng đang vẽ nên một bức tranh ảm đạm, thậm chí có phần bi quan hơn. Đà tăng xuất phát từ mức 15,708.53 được cho là đã kết thúc tại 18,171.68. Diễn biến giảm điểm từ đây được kỳ vọng sẽ là nhịp giảm thứ ba của mô hình điều chỉnh từ mức 18,671.06. Chừng nào chỉ số vẫn lơ lửng trên ngưỡng hỗ trợ EMA 55 (hiện ở mức 17,347.28), rủi ro giảm điểm vẫn sẽ hiện hữu. Mục tiêu giảm điểm tiếp theo khả năng là hỗ trợ 15,708.53, hoặc thậm chí là ngưỡng Fibonacci mở rộng 100% (hay Fibonacci Extension), với 3 điểm lần lượt là 18,671.0 - 15,708.53 - 18,171.68, tương ứng mức 15,055.15.

Việc lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 10 năm xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ 3.669 vào cuối tuần trước cho thấy xu hướng giảm từ mức 4.737, cũng như từ 4.997, vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Chừng nào ngưỡng kháng cự 3.923 chưa được lấy lại, xu hướng ngắn hạn vẫn sẽ nghiêng về chiều giảm. Mục tiêu giảm tiếp theo khả năng là ngưỡng Fibonacci mở rộng 100% với 3 điểm lần lượt là 4.997 - 3.785 - 4.737, tương ứng mức 3.525.

Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu ngưỡng 3.525 có đủ mạnh để "kéo" lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm thoát khỏi "vũng lầy" giảm điểm hay không. Nếu không, chỉ số TNX sẽ cần phải giảm sâu hơn nữa, xuống vùng hỗ trợ quanh 3.253 (ngưỡng thoái lui 38.2% của phạm vi 0.398-4.997, tương ứng mức 3.240), trước khi tạo đáy ngắn hạn.

Chỉ số DXY, mặc dù biến động thiếu dứt khoát, nhưng vẫn đang cố gắng bảo vệ ngưỡng hỗ trợ quan trọng 100.61. Đà giảm đến từ lợi suất TPCP Mỹ đã phần nào bị cản trở bởi tâm lý e ngại rủi ro vào thứ Sáu, giúp chỉ số đóng cửa ở mức 101.17. Hiện tại, nguy cơ giảm điểm vẫn sẽ hiện hữu miễn là ngưỡng 102.16, vốn đã chuyển từ hỗ trợ thành kháng cự, chưa được lấy lại. Việc phá vỡ dứt khoát vùng hỗ trợ 100.51/61 có thể sẽ mở đường cho đà giảm từ 107.34 xuống 99.57 (đáy năm 2023) tiếp diễn. Thậm chí, kịch bản chỉ số này giảm thẳng về mức 94.62 (đáy năm 2022) là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Tuy nhiên, nếu xuất hiện một đợt phục hồi mạnh mẽ từ vùng hiện tại, cùng với đó là việc vượt qua ngưỡng kháng cự 102.16, điều này có thể là tín hiệu xác nhận hình thành đáy ngắn hạn. Khi đó, triển vọng trung hạn sẽ nghiêng về xu hướng đi ngang nhiều hơn, tạo điều kiện cho thị trường tích lũy thêm trong thời gian tới.

Nikkei sụt mạnh, liệu một cơn địa chấn khác có ập đến trên quy mô toàn cầu?

Đà giảm mạnh của Nikkei là một tín hiệu đáng lo ngại, đặc biệt là khi nhìn lại "cơn địa chấn" mà chỉ số đã gây ra cho thị trường toàn cầu vào đầu tháng 8, khi lao dốc từ mốc 40,000 xuống còn 31,000 chỉ trong vài ngày ngắn ngủi.

Mức giảm trong tuần trước càng đáng chú ý hơn khi diễn ra trước cả khi thị trường chứng khoán Mỹ "lao dốc" sau dữ liệu NFP và đà tăng vọt của JPY. Trong bối cảnh đó, Nikkei được dự báo sẽ tiếp tục xu hướng giảm điểm trong tuần này.

Phân tích kỹ thuật cho thấy Nikkei dường như đã hình thành đỉnh ngắn hạn ở mức 39,080.64, được xác nhận bằng mô hình đảo chiều "Island Reversal" kinh điển. Tâm điểm lúc này sẽ đổ dồn về ngưỡng thoái lui 38.2% của phạm vi 31,156.11-39,080.64, tương ứng mức 36,053.47. Việc xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ này sẽ là lời khẳng định cho việc đà phục hồi từ mức 31,156.11 đã chính thức khép lại. Khi đó, Nikkei có thể sẽ giảm sâu hơn về ngưỡng thoái lui 61.8%, tương ứng mức 34,183.28, hoặc thậm chí là sâu hơn.

Diễn biến tiếp theo của Nikkei sẽ phụ thuộc phần lớn vào sức mạnh của JPY. AUD/JPY kết thúc tuần giao dịch với vị thế là cặp tiền biến động mạnh nhất, khi giảm đến 3.99%. Diễn biến này cho thấy đà phục hồi từ mức 90.10 đã kết thúc khi chạm đến 99.82 và bị cản trở bởi đường EMA 55. Xu hướng giảm sâu hơn có thể sẽ đưa cặp tiền này về ngưỡng thoái lui 61.8% của phạm vi 90.10-99.82, tương ứng mức 93.75.

Đáng chú ý hơn, AUD/JPY cũng đã bị từ chối bởi đường EMA 55 trên đồ thị tuần, báo hiệu một xu hướng giảm mạnh hơn trong trung hạn. Việc xuyên thủng ngưỡng 93.75 một cách dứt khoát sẽ khẳng định cho xu hướng giảm từ đỉnh 109.36 đang được tái thiết lập, mở đường cho cặp tiền này tìm về vùng 90.10, hoặc thậm chí là ngưỡng thoái lui 61.8% của phạm vi 109.36-90.10 (tính từ mức 99.82), tương ứng mức 87.91. Nếu kịch bản "đen tối" này xảy ra, Nikkei khi đó có lẽ sẽ "thủng" ngưỡng hỗ trợ 31,156.11, kéo theo sau là làn sóng bán tháo mạnh mẽ trên thị trường toàn cầu.

Diễn biến giá dầu thô WTI và Bitcoin cho thấy tâm lý e ngại rủi ro đang bao trùm

Để có cái nhìn toàn diện hơn về tâm lý thị trường trong thời gian tới, việc phân tích diễn biến của một số kênh khác là điều vô cùng cần thiết.

Giá dầu thô WTI đã trải qua tuần giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 10 năm ngoái. Cụ thể, giá vàng đen chuẩn Mỹ đã giảm mạnh và đóng cửa ở mức thấp nhất trong hơn một năm qua là 68.00. Điều đáng nói là đợt giảm giá này diễn ra ngay cả khi có thông tin tích cực từ OPEC+ về việc trì hoãn kế hoạch tăng sản lượng cho đến tháng 12. Giới đầu tư dường như đang lo ngại hơn về câu chuyện nhu cầu, khi mà nền kinh tế thế giới, từ Mỹ, châu Âu cho đến Trung Quốc, đều đang có dấu hiệu "hụt hơi".

Dưới góc độ kỹ thuật, việc giá dầu thô WTI đóng cửa thấp hơn đường biên dưới của kênh giá cho thấy xu hướng giảm có thể đang tăng tốc. Triển vọng ngắn hạn sẽ tiếp tục nghiêng về chiều giảm, miễn là ngưỡng 72.66, vốn đã chuyển từ hỗ trợ thành kháng cự, chưa được lấy lại. Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu vùng hỗ trợ 63.67-67.79 có đủ mạnh để "níu kéo" giá dầu, hay WTI sẽ tiếp tục xu hướng giảm dài hạn từ đỉnh 131.82. Mục tiêu giảm giá tiếp theo khả năng là ngưỡng Fibonacci mở rộng 100%, với 3 điểm lần lượt là 67.79 - 95.50 - 87.84, tương ứng mức 60.13.

Đà giảm của giá Bitcoin trong tuần trước cho thấy nhịp hồi phục từ mức 49,000 đã kết thúc khi chạm đến 65,017. Điều đáng chú ý hơn là mô hình điều chỉnh từ đỉnh 73,812 đang được củng cố với một nhịp giảm mới. Triển vọng ngắn hạn sẽ tiếp tục ảm đạm chừng nào ngưỡng kháng cự 59,004 chưa được lấy lại. Mục tiêu giảm giá tiếp theo được xác định là mức 49,000. Việc xuyên thủng hỗ trợ này sẽ mở đường cho giá Bitcoin giảm về ngưỡng thoái lui 61.8% của phạm vi 24,896-73,812, tương ứng mức 43,581.

Nhận định tuần EUR/CHF

EUR/CHF tiếp tục giảm trong tuần trước, bất chấp nỗ lực phục hồi trong phiên. Xu hướng chính trong tuần này được dự báo vẫn sẽ nghiêng về chiều giảm. Như đã đề cập trước đó, đà phục hồi từ mức 0.9209 được cho là đã kết thúc khi chạm đến 0.9579, ngay trước ngưỡng kháng cự EMA 55. Cặp tiền này có thể sẽ giảm sâu hơn, thử thách ngưỡng 0.9209 một lần nữa. Việc xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ này sẽ là tín hiệu cho thấy xu hướng giảm dài hạn đang quay trở lại. Hiện tại, chừng nào ngưỡng kháng cự 0.9444 chưa bị chinh phục, áp lực bán vẫn sẽ hiện hữu, ngay cả khi EUR/CHF hồi phục.

Xét về bức tranh tổng thể, đợt phục hồi trung hạn xuất phát từ đáy năm 2022 (0.9407) có thể đã kết thúc với ba nhịp sóng hướng tới mức 0.9928. Việc phá vỡ dứt khoát ngưỡng 0.9252 (đáy năm 2023) sẽ là lời khẳng định cho xu hướng giảm dài hạn đang quay trở lại. Mục tiêu giảm tiếp theo khả năng là ngưỡng Fibonacci mở rộng 61.8%, với 3 điểm lần lượt là 1.1149 - 0.9407 - 0.9928, tương ứng mức 0.8851. Hiện tại, chừng nào ngưỡng kháng cự 0.9928 chưa bị chinh phục, triển vọng vẫn sẽ nghiêng về chiều giảm, ngay cả khi xuất hiện một đợt hồi phục mạnh mẽ.

Xét về dài hạn, nhịp điều chỉnh từ đỉnh năm 2018 (1.2004) là một phần của xu hướng giảm đã kéo dài nhiều thập kỷ. Việc vượt qua ngưỡng kháng cự 0.9928 một cách thuyết phục là điều kiện tiên quyết để xác nhận tạo đáy dài hạn. Ngược lại, xu hướng giảm sẽ tiếp tục chi phối cặp tiền này.

Action Forex

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ