KBC Bank - Bản tin cuối ngày: "Vàng đen" hụt chân, thủng mốc 74 USD; Yên Nhật lao dốc, USD/JPY vượt ngưỡng 146.00
Thành Duy
Junior editor
Nhận định của KBC Bank.
Giá dầu Brent tiếp tục nhảy vọt 3.5% trước khi thoái lui và đánh mất toàn bộ mức tăng. Nguyên nhân ban đầu cho đà tăng chủ yếu vẫn đến từ vụ tấn công bằng tên lửa của Iran nhắm vào Israel ngày hôm qua. Ngay sau đó, Thủ tướng Israel Netanyahu đã tuyên bố sẽ có hành động đáp trả, đồng thời chỉ đích danh cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Iran là mục tiêu tiềm năng. Với tuyên bố "ăn miếng trả miếng", kéo theo căng thẳng địa chính trị ngày càng leo thang, đã khiến giới đầu tư lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung, qua đó đẩy giá dầu tăng cao. Giá "vàng đen" hiện đã thủng mốc 74 USD, nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với mức 70 USD chỉ cách đây hai ngày.
Dầu Brent (USD/thùng) nối dài đà tăng trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang làm dấy lên lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung.
Ở mặt trận khác, JPY lại lao dốc gần 1.8% so với USD, đẩy cặp USD/JPY vượt ngưỡng 146.00. Tân Thủ tướng Nhật Bản - Shigeru Ishiba, đã có cuộc gặp gỡ với Thống đốc BoJ - Kazuo Ueda trong ngày hôm nay. Sau cuộc gặp, ông Ishiba đã phát biểu rằng “điều kiện thị trường hiện tại không thích hợp để BoJ tăng lãi suất”. Tuyên bố này gần như đã dập tắt hoàn toàn kỳ vọng của thị trường về kịch bản BoJ tăng lãi suất trong tháng 10.
Yên Nhật lao dốc, USD/JPY vượt ngưỡng 146.00
Ngoại trừ hai thái cực kể trên, thị trường không có nhiều biến động đáng kể. EUR/USD nhìn chung vẫn giằng co trong biên độ hẹp 1.1040-1.1080. Đồng bạc xanh đã tăng nhẹ sau khi dữ liệu việc làm ADP được công bố. Báo cáo cho thấy số lượng việc làm trong tháng 9 đã tăng 143,000, vượt xa dự kiến là 125,000 và mức 103,000 của tháng 8. ADP nhận định: "Thị trường lao động đang cho thấy những dấu hiệu phục hồi trên diện rộng sau 5 tháng giảm tốc. Đặc biệt, chỉ có duy nhất ngành thông tin ghi nhận kết quả tiêu cực. Mặt khác, tăng trưởng việc làm ngành sản xuất đã ghi nhận những bước tiến đầu tiên kể từ tháng 4." Bên cạnh đó, mức tăng lương so với cùng kỳ cũng giảm nhẹ xuống còn 4.7%.
Lợi suất TPCP Mỹ tiếp tục xu hướng ảm đạm từ phiên giao dịch trước, với kỳ hạn 2 năm thậm chí còn nới rộng đà giảm sau khi dữ liệu việc làm được công bố. Diễn biến này cho thấy giới đầu tư có thể đang gia tăng việc đặt cược vào khả năng Fed cắt giảm lãi suất.
Về phía ECB, thành viên Hội đồng quản trị - Martins Kazaks, đã phát đi thông điệp ủng hộ kỳ vọng của thị trường về khả năng ECB cắt giảm lãi suất trong tháng 10. Vị quan chức vốn có lập trường diều hâu này cho biết: "Dữ liệu kinh tế gần đây đang tạo điều kiện cho việc cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tháng 10 và thậm chí là thêm một đợt khác vào tháng 12”. Dù vậy, biến động sau đó là không đáng kể do thị trường dường như đã lường trước kịch bản này.
Trong khi đó, Ủy ban Chính sách Tài chính của BoE kết luận rằng rủi ro liên quan đến sự ổn định tài chính của Anh nhìn chung không thay đổi so với báo cáo hồi tháng 6. Mặc dù “cơn địa chấn” trên thị trường tài chính toàn cầu hồi đầu tháng 8 chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng với mức độ biến động mạnh, đặc biệt là khi bối cảnh vĩ mô lúc này không quá tiêu cực, đã làm lộ ra những điểm yếu tiềm tàng của thị trường.
Do thị trường đã nhanh chóng hồi phục sau đó, định giá của cổ phiếu được cho là đã quay trở lại mức “trên trời”. Do đó, thị trường vẫn có nguy cơ điều chỉnh giảm mạnh, kéo theo đó là chi phí vay vốn tăng lên và điều này sẽ làm hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Đối với thị trường nội địa, hiện đã xuất hiện thêm nhiều dấu hiệu cho thấy điều kiện tín dụng tại Anh đang được nới lỏng. Điều này phản ánh triển vọng kinh tế vĩ mô đang dần cải thiện. Điều này sẽ tạo điều kiện cho những người đi vay là các hộ gia đình và doanh nghiệp tại Anh có thêm thời gian xoay sở với môi trường lãi suất cao hiện tại, mặc cho một số doanh nghiệp có tỷ lệ đòn bẩy cao vẫn đang chịu rất nhiều áp lực. Ngoài ra, hệ thống ngân hàng Anh được đánh giá là đủ vững mạnh để hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp, ngay cả khi điều kiện kinh tế và tài chính trở nên tồi tệ hơn nhiều so với dự kiến.
KBC Bank