Không phải Nhà Trắng, Fed mới là nơi có ý nghĩa trọng yếu đối với Châu Á lúc này
Tú Đỗ
Senior Economic Analyst
Bất chấp sức ảnh hưởng của nền kinh tế Trung Quốc, tác động của các chính sách tiền tệ của Fed vẫn sẽ còn hiện hữu tại các quốc gia Châu Á
Hãy cùng phóng tầm mắt của chúng ta ra xa khỏi Nhà Trắng và hướng tới Châu Á trong giây lát. Đối với các quốc gia tại đây, vấn đề cần lưu tâm nhất lúc này sẽ là động thái của NHTW Mỹ thay vì cuộc chạy đua Tổng thống. Chính những biện pháp quyết liệt của Fed nhằm ổn định thị trường tài chính Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung đã tạo ra nền tảng quan trọng cho sự phục hồi của nền kinh tế Châu Á sau cuộc khủng hoảng Covid-19. Bằng cách liên tục bơm đồng USD nhằm giúp cải thiện thanh khoản thị trường, Fed đã giúp cho các nhà điều hành có thêm khoảng thời gian quý giá lên kế hoạch đối phó với đại dịch. Nếu như không có được điều kiện thuận lợi trên, thật khó để tưởng tượng những quốc gia như Indonesia, Phillipines và Hàn Quốc có thể mở rộng ngân sách với quy mô lớn như hiện tại và thậm chí có thể phải trông chờ vào khoản cứu trợ khẩn cấp từ IMF.
Khi bàn luận về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, giới quan sát tại Châu Á thường xâu chuỗi tác động của nó tới các vấn đề lớn đối với khu vực hiện tại như thương chiến Mỹ-Trung, sự chững lại của đầu tư cho công nghệ hay xung đột tại Biển Đông. Mặc dù đây đều là những vấn đề quan trọng, tuy nhiên sự phục hồi của nền kinh tế sau khủng hoảng Covid-19 mới là tâm điểm hiện tại mà Fed đóng vai trò chủ chốt. Quan điểm điều hành độc lập với kết quả bầu cử là điều được đánh giá cao của Fed.
Nới lỏng định lượng, hạn mức hoán đổi tiền tệ và hay đi vay dựa vào các tài sản của Fed nghe có vẻ khá trìu tượng và kém hấp dẫn. Dù vậy, hệ thống tiền tệ của Châu Á sẽ phụ thuộc lớn vào sự ổn định của đồng bạc xanh. Hầu hết các đồng tiền đều được định giá dựa trên đồng USD và bằng việc nhanh chóng triển khai các công cụ kể trên, Fed vươn dài cánh tay quyền lực của mình tới các nền kinh tế ở Châu Á xa xôi.
Kể cả đối với Trung Quốc, cặp tỷ giá quan trọng nhất đó là USD/CNY. Những nỗ lực của Bắc Kinh để đưa đồng Nhân dân tệ trở thành đồng tiền toàn cầu đã thất bại khi nó hiện vẫn chỉ chiếm 1 phần rất nhỏ trong giá trị giao dịch ngoại hối toàn cầu. Trên phương diện quyền lực của chính sách tiền tệ, vai trò của Trung Quốc vẫn còn rất nhỏ bé.
Sự quyết đoán của Fed trước đại dịch được thể hiện dưới nhiều biện pháp. Đầu tiên đó là hạ lãi suất điều hành xuống sát mức 0 và tiến hành mua vào lượng lớn TPCP. Các hạn mức hoán đổi sau đó đã được thiết lập với 9 NHTW khác, trong đó có Hàn Quốc, Singapore, Australia và Newzealand. Điều này cho phép các quốc gia trên đáp ứng được nhu cầu USD từ các công ty và tổ chức tài chính trong nước. Fed cũng đã từng có động thái tương tự đối với NHTW Nhật Bản, ECB và một số NHTW khác trong cuộc khủng hoảng tài chính hơn 1 thập kỷ trước. Tiếp sau đó, Fed cho phép các NHTW cầm cố TPCP Mỹ để vay USD nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước.
Fed dù vậy cũng không hoàn toàn miễn nhiễm khỏi các vấn đề chính trị. Các thống đốc Fed, bao gồm cả chủ tịch, sẽ được bổ nhiệm bởi Tổng thống và thông qua bởi Thượng viện. Tổng thống Trump đã đe dọa có thể sẽ sa thải ông Jerome Powell vào năm 2018 bởi cho rằng Fed đang chưa cắt giảm lãi suất đủ nhanh. Trong khi đó, ông Biden nhiều khả năng sẽ không có xu hướng can thiệp quá sâu vào chính sách điều hành của NHTW.
Liệu các biện pháp can thiệp của Fed có thể kéo các nước Châu Á ra khỏi sự "quyến rũ" của Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất khu vực? Điều này là không thể, nhất là sự hấp dẫn của các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các công ty Trung Quốc. Dù vậy, sức mạnh hiện tại của đồng bạc xanh có lẽ vẫn sẽ khiến các quốc gia Châu Á vẫn phải giữ khoảng cách hợp lý ở giữa 2 cường quốc Mỹ và Trung Quốc.