Liệu rằng chúng ta đã thực sự hiểu rõ về lạm phát?
Tú Đỗ
Senior Economic Analyst
Dường như các nhà kinh tế học vẫn chưa thể có tiếng nói chung về mối quan hệ giữa lạm phát và kỳ vọng lạm phát
Vào cuối tháng 9 vừa qua, trên trang chủ của Fed đã xuất hiện một bài nghiên cứu của Jeremy Rudd, một nhà nghiên cứu của cơ quan này về chủ đề lạm phát. Ông đã đưa ra góc nhìn phản biện về một tiên đề trong kinh tế học đó là: Kỳ vọng sẽ quyết định lạm phát. Bài viết này đã gây ra một cuộc thảo luận sôi nổi giữa các nhà kinh tế học trong thời gian vừa qua.
Lý thuyết về kỳ vọng và lạm phát có thể được hiểu đơn giản như sau: Khi người lao động kỳ vọng giá cả sẽ tăng lên, họ sẽ yêu cầu tiền lương tăng tương ứng; khi doanh nghiệp kỳ vọng chi phí tăng, họ sẽ tăng giá thành sản phẩm. Trong cả 2 trường hợp, kỳ vọng đều khiến cho lạm phát có xu hướng tăng. Nhiệm vụ của các NHTW đó là giữ kỳ vọng lạm phát ở mức thấp và ổn định, qua đó kiểm soát được lạm phát. Trên thực tế, các NHTW đã hoàn thành khá thành công nhiệm vụ này trong khoảng hơn 3 thập kỷ trở lại đây. Bất cứ khi nào lạm phát vượt lên trên mục tiêu cũng đều nhanh chóng giảm trở lại ngay sau đó. Đây cũng chính là lý do nhiều nhà kinh tế tin rằng tình trạng lạm phát tăng cao hiện tại chỉ là tức thời và cũng sẽ nhanh chóng qua đi.
Tuy nhiên, Jeremy Rudd, tác giả của hàng tá nghiên cứu về lạm phát trong hơn 2 thập kỷ qua, không đồng tình với lý thuyết trên. Thứ nhất, ông cho rằng mô hình tính toán lạm phát thường coi kỳ vọng là một biến số ngắn hạn trong 1-2 tháng tới. Tuy nhiên, các NHTW và nhà nghiên cứu thường cho rằng đây là một động lực mang tính dài hạn. Thứ hai đó là liệu kỳ vọng của đối tượng nào mới quan trọng nhất? Người dân, doanh nghiệp, nhà dự báo hay nhà đầu tư? Theo ông, không ai trong số này có khả năng dự đoán giá cả một cách chính xác.
Mặc dù không thể phủ nhận rằng cả lạm phát và kỳ vọng lạm phát đều duy trì ở mức rất thấp trong 3 thập kỷ vừa qua, điều ông Rudd muốn đặt nghi vấn đó là mối quan hệ nhân quả giữa kỳ vọng và lạm phát. Không phải kỳ vọng thấp dẫn tới lạm phát thấp mà ngược lại. Ông lấy dẫn chứng rằng chỉ sau cuộc suy thoái đầu những năm 1990 khi lạm phát giảm mạnh và duy trì ở mức thấp khi đó kỳ vọng lạm phát mới được kiểm soát trở lại. Ông Rudd kết luận rằng việc quá ám ảnh đối với kỳ vọng lạm phát sẽ là vô nghĩa và rất nguy hiểm. Vô nghĩa bởi nó chỉ phản ánh lại những số liệu lạm phát trước đó. Nguy hiểm bởi các NHTW có thể sẽ tự tin một cách quá mức với khả năng kiểm soát lạm phát của mình.
Kết luận từ Jeremy Rudd đã nhận được nhiều ý kiến bất đồng từ các đồng nghiệp. Tyler Cowen, nhà kinh tế học tại George Mason University, đã lấy ví dụ về giai đoạn siêu lạm phát để chỉ ra rằng kỳ vọng lạm phát có ý nghĩa quan trọng. Khi mọi người cho rằng giá trị đồng tiền sẽ giảm xuống trong tương lai, họ sẽ nhanh chóng tiêu chúng. Ricardo Reis tới từ London School of Economics, người cũng đã nghiên cứu chuyên sâu về lạm phát trong hàng thập kỷ, lưu ý rằng không có biến số nào - từ kỳ vọng hay cung tiền tới thất nghiệp hay lãi suất - có thể dự báo chính xác lạm phát. Mỗi biến số sẽ đóng góp một phần vào bức tranh chung. Ngoài ra, ông cũng bổ sung thêm rằng có rất nhiều bằng chứng thực tế ủng hộ kỳ vọng lạm phát. Ví dụ, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các doanh nghiệp cho rằng chi phí sẽ tăng thường có xu hướng đặt giá thành sản phẩm ở mức cao hơn.
Giữa những quan điểm trái chiều, vẫn có những luận điểm của Rudd nhận được sự đồng thuận từ các nhà nghiên cứu. Adam Posen, tới từ Peterson Institute for International Economics cho rằng trong dài hạn, kỳ vọng lạm phát và việc người dân tin tưởng vào khả năng kiểm soát giá cả của NHTW là rất quan trọng. Ông Rudd cũng có quan điểm tương tự khi cho rằng vấn đề lạm phát không nên trở thành một mối lo đối với người dân.
Từ bài nghiên cứu của Jeremy Rudd, một số nhà bình luận cho rằng kinh tế học là một mớ bòng bong và không ai thực sự hiểu rõ lạm phát. Tuy vậy, tạm thời bỏ qua những điểm còn tranh cãi, chúng ta vẫn có thể rút ra được một vài tư tưởng chung đáng lưu ý. Thứ nhất, uy tín của NHTW là thứ cực kỳ quý giá. Thứ hai, kỳ vọng lạm phát được hình thành từ diễn biến của lạm phát trong quá khứ. Thứ ba, kỳ vọng lạm phát có thể sẽ có nhiều ý nghĩa trong dài hạn.
Vậy điều này giúp ích gì cho chúng ta trước áp lực ngày càng gia tăng của lạm phát mà thế giới đang phải đối mặt hiện tại? Những người thận trọng cho rằng các NHTW phải kiềm chế lạm phát trước khi quá muộn và kỳ vọng lạm phát trật khỏi mỏ neo. Tuy nhiên, phía những người lạc quan lại cho rằng uy tín của các NHTW tại các nước phát triển vẫn đang được giữ vững và việc để lạm phát nhích cao hơn có thể giúp tinh chỉnh lại kỳ vọng của thị trường. Dẫu sao thì trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, lạm phát thấp vẫn là mối lo lớn nhất tại các nước phát triển hay chí ít đó là điều mà các nhà kinh tế học và nhà đầu tư dự báo.
The economist