Liệu sự thay đổi chính sách của Fed sẽ bắt đầu một xu hướng mới?
Vị thế đồng dollar đang yếu dần, điều này có thể buộc các ngân hàng trung ương khác phải đuổi theo.
Trải qua quá trình phục hồi dài sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009. Đến năm 2018, tỷ lệ thất nghiệp của Hoa Kỳ giảm xuống dưới mức 4% - đây là tỷ lệ thất nghiệp áp sát mức thấp nhất trong 49 năm tại thời điểm lúc bấy giờ. Cục Dự trữ Liên bang đã gửi đến người lao động một thông điệp đơn giản: Đừng chủ quan với điều đó. Trong khi đó, các dự báo kinh tế của Ngân hàng Trung ương cho biết rằng lãnh đạo Fed tin rằng mức 4.5% là tỷ lệ thất nghiệp tối ưu, khi tỷ lệ thất nghiệp xuống tới mức này thì lạm phát sẽ tăng. Khi đó, Mỹ cần hành động để ngăn chặn lạm phát bằng cách nâng lãi suất cao hơn mặc dù phải đánh đổi bằng việc tăng trưởng kinh tế chậm hơn.
Vào ngày 27/8, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã thừa nhận rằng: tỷ lệ thất nghiệp gia tăng có chủ đích là một điều “kỳ quặc” để theo đuổi sau gần 20 năm điều kiện thị trường lao động trì trệ. Phát biểu tại Hội nghị Jackson Hole, ông Powell đã công bố kết luận của cuộc đánh giá chính sách tiền tệ bắt đầu vào năm 2019. Những thay đổi sắp tới đối với hoạch định chính sách của Fed có thể tạo ra một sự thay đổi quan trọng trong giới ngân hàng trung ương toàn cầu.
Chính sự hỗn loạn lạm phát trong những năm 1970 đã hình thành nên khuôn khổ cũ của Fed. Các nhà kinh tế học thời hậu chiến cho rằng có một mối quan hệ trái chiều giữa lạm phát và thất nghiệp. Biểu thị mối quan hệ này là đường cong Phillips, qua đường cong này giúp cho các nhà hoạch định chính sách có thể điều chỉnh tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp mong muốn, tuy nhiên phải đánh đổi và chấp nhận lạm phát sẽ gia tăng. Khi mà giá cả tăng vọt thì có thể không giữ được mức thất nghiệp bền vững tối thiểu. Vì vậy nỗ lực đẩy tỷ lệ thất nghiệp xuống thấp hơn sẽ dẫn đến lạm phát cao hơn, nên tốt nhất chỉ làm giảm tỷ lệ thất nghiệp tạm thời. Đến thập kỷ 90, hầu hết các ngân hàng trung ương đã quyết tâm đặt mục tiêu lạm phát ở mức thấp, thường là khoảng 2%.
Nhưng kể từ khi áp dụng chính sách mục tiêu lạm phát vào những năm 1990, mối tương quan giữa việc làm và lạm phát đã trở nên yếu đi. Tình trạng thất nghiệp tăng vọt trong thời kỳ Đại suy thoái cũng không làm cho giá cả hàng hóa giảm xuống như mong đợi. Và kể cả tỷ lệ thất nghiệp thấp cũng không giúp làm tăng lạm phát kể từ đó tới nay.
Tại sao mối quan hệ giữa lạm phát và thất nghiệp lại có sự thay đổi tới nay chưa có lời giải thích chính đáng?
- Một số nhà kinh tế cho rằng sự tin tưởng vào các ngân hàng trung ương trong việc quản lý lạm phát đã néo kỳ vọng của người dân quá mức.
- Một số chỉ ra sự suy giảm khả năng thương lượng về tiền lương của người lao động, đã giảm bớt áp lực buộc các công ty trang trải chi phí cho các gói lương đắt đỏ.
- Những người khác lại chỉ ra sự thay đổi công nghệ và toàn cầu hóa, mở rộng các lựa chọn của người tiêu dùng và cho phép các công ty đáp ứng nhu cầu cao mà không cần tăng giá sản phẩm.
Dù là do nguyên nhân gì đi chăng nữa, đường cong Phillips bị phẳng do chính sách tiền tệ theo thiên hướng “diều hâu”, sẽ khiến Fed phải suy nghĩ lại.
Những thay đổi đối với khung chính sách mới có thể sẽ khiêm tốn. Do không thể đo lường mức việc làm tối ưu, Fed sẽ từ bỏ mục tiêu kiểm soát mức tối ưu đó và tập trung vào tình trạng thất nghiệp. Mục tiêu lạm phát 2% vẫn là một hạn chế, tuy nhiên mục tiêu đã linh hoạt hơn so với trước đây. Như chủ tịch Fed- ông Powell đã giải thích về lạm phát trung bình, những giai đoạn lạm phát thấp hơn mục tiêu sẽ được bù đắp bằng những giai đoạn lạm phát cao hơn mục tiêu.
Tuy nhiên, sự thay đổi về khái niệm, từ bỏ khái niệm tỷ lệ thất nghiệp bền vững tối thiểu – là rất quan trọng. Và hiệu quả trên thực tế có thể lớn. Nếu Fed có thể thoải mái hơn, họ có thể tăng lãi suất dần dần, giúp thị trường lao động hồi phục nhanh hơn.
Vẫn chưa rõ liệu chính sách có ảnh hưởng nhiều trong thực tiễn hay không? Về phần mình, các thị trường dường như vẫn chưa nhận thấy nhiều thay đổi căn bản của chính sách trong giai đoạn đầu. Theo kỳ vọng của thị trường, mức lạm phát sẽ khoảng 1.7%, thấp hơn mức mục tiêu 2% của Fed. Thị trường chứng khoán Mỹ, vốn dường như tăng vọt khi có những cú huých nhẹ nhàng nhất, đã phục hồi, một số đạt mức cao kỷ lục. Quan trọng hơn là phản ứng trên thị trường ngoại hối: đồng bạc xanh đã giảm đáng kể so với rổ tiền tệ chính kể từ bài phát biểu của ông Powell. Đồng dollar suy yếu có thể cho thấy thị trường có nhiều dư địa cho sự phân kỳ chính sách giữa Fed và các ngân hàng trung ương khác, đáng chú ý nhất là Ngân hàng Trung ương châu Âu- nơi không đặt ra yêu cầu rõ ràng để giảm thiểu tình trạng thất nghiệp.
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, những diễn biến kinh tế vĩ mô khiến Fed phải sửa đổi chiến lược của mình chắc chắn sẽ kéo theo các ngân hàng trung ương khác điều chỉnh chính sách. Ở các nền kinh tế phát triển yếu hơn với lãi suất gần bằng 0, đồng tiền tăng giá so với đồng dollar sẽ tạo ra lực cản mà không thể dễ dàng bù đắp bằng cách nới lỏng hơn nữa. Do đó Fed có thể thấy rằng sự điều chỉnh khiêm tốn của họ đang khuyến khích “những kẻ bắt chước” ở nơi khác phải hành động ngay lập tức!