MUFG Research: Chính trị Nhật Bản, lạm phát Mỹ, "nỗ lực" kích thích kinh tế từ Trung Quốc, "lò lửa" Trung Đông và pha "lật kèo" của JPY trước USD

MUFG Research: Chính trị Nhật Bản, lạm phát Mỹ, "nỗ lực" kích thích kinh tế từ Trung Quốc, "lò lửa" Trung Đông và pha "lật kèo" của JPY trước USD

Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

15:26 30/09/2024

Nhận định của MUFG Research.

JPY: Tân Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP) Shigeru Ishiba kêu gọi bầu cử sớm vào ngày 27/10

Sáng nay, Yên Nhật tiếp tục nới rộng đà tăng sau cuộc bầu cử lãnh đạo LDP vào cuối tuần trước. Kéo theo đó, USD/JPY đã giảm xuống mức thấp nhất trong ngày là 141.65, thoái lui đáng kể so với đỉnh 146.49 của tuần trước. Thị trường chứng khoán Nhật Bản cũng biến động mạnh khi chỉ số Nikkei 225 rơi gần 5.0%, đánh dấu phiên bán tháo “khét” nhất kể từ đầu tháng 8.

Nguyên nhân chính dẫn đến biến động này là quyết định bất ngờ của LDP vào thứ Sáu, khi bầu chọn ông Shigeru Ishiba làm tân Chủ tịch Đảng và là Thủ tướng tiếp theo của Nhật Bản. Được biết đến là người thường xuyên có quan điểm đối lập với cựu Thủ tướng Abe, ông Ishiba lại ủng hộ định hướng chính sách hiện tại của BoJ hơn. Tân Thủ tướng khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi các chính sách nhằm "kiên quyết" chống giảm phát, đồng thời cam kết thúc đẩy tăng trưởng tiền lương và chi tiêu tiêu dùng. Ông cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với lập trường của BoJ và cam kết sẽ đưa ra các chính sách bảo vệ người dân khỏi áp lực lãi suất thế chấp tăng cao. Kết quả bầu cử LDP đã củng cố kỳ vọng của thị trường về khả năng BoJ sẽ sớm bình thường hóa chính sách và JPY sẽ tiếp tục mạnh lên.

Diễn biến đáng chú ý nhất trong tuần qua là thông tin từ truyền thông địa phương cho biết tân Thủ tướng có thể sẽ kêu gọi một cuộc tổng tuyển cử sớm vào ngày 27/10, thông tin này sau đó đã được chính thức xác nhận. Là một trong những ứng cử viên lãnh đạo được công chúng yêu mến nhất, ông Ishiba được kỳ vọng sẽ tận dụng lợi thế này để giành được sự ủng hộ của người dân cho chính phủ mới. Trong khi đó, Đảng Dân chủ Lập hiến (CDPJ) - Đảng đối lập lớn nhất ở nước này, cũng vừa có tân Chủ tịch với hy vọng khôi phục lại vị thế đang dần suy yếu của mình.

Về thời điểm diễn ra cuộc bầu cử, vốn chỉ cách vài ngày trước kỳ họp chính sách tiền tệ tiếp theo của BoJ (31/10), khiến giới phân tích tin rằng ngân hàng trung ương này sẽ chưa vội tăng lãi suất mà thay vào đó sẽ chờ đến kỳ họp cuối cùng trong năm (19/12). Dẫu vậy, trường hợp JPY tiếp tục tăng giá mạnh và thị trường chứng khoán Nhật Bản suy yếu, BoJ có thể sẽ phải cân nhắc lại kế hoạch tăng lãi suất trong năm nay. Khi được hỏi về chính sách của BoJ trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình vào cuối tuần qua, tân Thủ tướng Ishiba nhận định: "Tôi cho rằng chúng ta chưa nên vội vàng điều chỉnh lãi suất khi mà nguy cơ giảm phát vẫn hiện hữu". Phát biểu này cho thấy ông đã phần nào thận trọng hơn với việc tăng lãi suất so với thời điểm trước khi nhậm chức. Bên cạnh đó, tân Thủ tướng cũng đã bổ nhiệm ông Katsunobu Kato làm Bộ trưởng Bộ Tài chính và ông Takeshi Iwaya làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

USD: Lạm phát Mỹ tiếp tục hạ nhiệt; Trung Quốc đẩy mạnh kích thích kinh tế trong bối cảnh Trung Đông nóng lên

Đồng bạc xanh tiếp tục giao dịch gần mức thấp nhất trong năm khi chỉ số DXY chỉ nhỉnh hơn mốc 100.00 một chút. Nguyên nhân là do báo cáo PCE của Mỹ công bố hôm thứ Sáu cho thấy lạm phát tiếp tục giảm tốc trong tháng 8, củng cố thêm kỳ vọng của thị trường về việc Fed sẽ đẩy nhanh tốc độ hạ lãi suất. Hiện tại, thị trường lãi suất Mỹ đang phản ánh kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm khoảng 38 bps tại cuộc họp chính sách tiếp theo diễn ra vào ngày 07/11, ngay sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hai ngày. Kỳ vọng về việc Fed sẽ cắt giảm 50 bps lần thứ hai liên tiếp được củng cố bởi những bằng chứng rõ ràng cho thấy lạm phát Mỹ đang hạ nhiệt. Cụ thể, PCE lõi chỉ tăng 0.1% so với tháng trước trong tháng 8, đánh dấu tháng giảm tốc thứ tư liên tiếp. Nhìn chung, trong bốn tháng qua, PCE lõi đã giảm mạnh khi chỉ tăng 1.8% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn đáng kể so với mức 4.1% ghi nhận hồi tháng 4. Tại cuộc họp chính sách gần nhất, Fed cũng đã ghi nhận những chuyển biến tích cực của lạm phát khi hạ dự báo PCE lõi cho năm nay và năm tới xuống lần lượt là 2.6% và 2.2%.

Chủ tịch Fed Jerome Powell dự kiến sẽ có bài phát biểu tại Hội nghị Kinh tế Doanh nghiệp Quốc gia vào cuối ngày, qua đó có thể hé lộ thêm những manh mối về định hướng chính sách tiền tệ trước thềm báo cáo bảng lương phi nông nghiệp được công bố vào cuối tuần này. Với vai trò là mối quan tâm đặc biệt của Fed ở thời điểm hiện tại, giới phân tích tin rằng chỉ khi nào có thêm những bằng chứng cho thấy thị trường lao động đang thực sự suy yếu, ngân hàng trung ương này mới cân nhắc đến việc cắt giảm lãi suất thêm 50 bps, qua đó khiến USD suy yếu hơn nữa.

Ở một diễn biến khác, dữ liệu lạm phát yếu hơn dự kiến ​​của Châu Âu được công bố vào thứ Sáu đã củng cố thêm lý do để ECB đẩy nhanh tốc độ cắt giảm lãi suất. Giới phân tích hiện kỳ vọng ECB sẽ cắt giảm lãi suất trong tháng 10 tới, qua đó có thể giúp kìm hãm phần nào đà giảm của USD, đặc biệt là so với EUR.

Bên cạnh đó, tâm lý nhà đầu tư tích cực hơn đối với triển vọng kinh tế Trung Quốc cũng là một yếu tố khiến USD chịu áp lực bán, khi xoa dịu phần nào lo ngại về tăng trưởng toàn cầu. Các đồng tiền hàng hóa nhóm G10 như AUDNZD được hưởng lợi nhiều nhất từ ​​sự suy yếu của USD. Diễn biến này càng củng cố cho khuyến nghị long AUD/USD được đưa ra trong báo cáo tuần mới nhất của chúng tôi.

Mặt khác, nỗi lo về triển vọng kinh tế Trung Quốc giảm bớt cũng được thể hiện rõ nét qua đà tăng của thị trường chứng khoán và giá quặng sắt. Cụ thể, chỉ số Shanghai Composite tiếp tục nhảy vọt 6.7% trong phiên giao dịch hôm nay, nâng tổng mức tăng lên gần 25.0% chỉ trong vòng hai tuần qua; giá quặng sắt cũng ghi nhận diễn biến tương tự. Điều này cho thấy giới đầu tư đang ngày càng tin tưởng vào quyết tâm của chính phủ Trung Quốc trong việc hỗ trợ nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Cuối tuần qua, chính phủ Trung Quốc đã công bố một loạt các biện pháp mới nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản, vốn đang gặp nhiều khó khăn hơn cả. Mặc dù vậy, rủi ro đối với tăng trưởng toàn cầu vẫn hiện hữu, đó là căng thẳng địa chính trị leo thang ở Trung Đông, mặc dù thị trường dường như vẫn chưa quá lo ngại về vấn đề này.

Dữ liệu PCE của Mỹ tiếp tục "bật đèn xanh" cho Fed hạ lãi suất (Nguồn: Bloomberg, Macrobond & MUFG GMR)

MUFG Research

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ