MUFG Research: CNY tiếp đà tăng khi Trung Quốc đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ. Báo cáo PMI sơ bộ yếu kém, ECB có thể sẽ phải hành động ngay trong tháng 10

MUFG Research: CNY tiếp đà tăng khi Trung Quốc đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ. Báo cáo PMI sơ bộ yếu kém, ECB có thể sẽ phải hành động ngay trong tháng 10

Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

16:44 24/09/2024

Nhận định của MUFG Research.

CNY: Trung Quốc đang đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ về mặt chính sách nhằm thúc đẩy nền kinh tế

Nhân dân tệ (CNY) và các đồng tiền Châu Á khác đã tăng giá sau thông báo về gói kích thích kinh tế mới của Trung Quốc nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Kết quả là, USD/CNY tiếp đà giảm xuống mức thấp nhất trong ngày là 7.0325. Đồng tiền Châu Á hưởng lợi nhiều nhất là Ringgit Malaysia, tăng khoảng 0.7% so với USD. Thị trường chứng khoán nước này cũng đã phản ứng tích cực với các biện pháp chính sách mới, khi chỉ số Shanghai Composite trên đà ghi nhận mức tăng trong ngày mạnh nhất kể từ tháng 07/2020.

Gói kích thích kinh tế mới cũng bao gồm cả việc cắt giảm lãi suất điều hành. Cụ thể, tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đã được cắt giảm 50 bps, đồng thời lần đầu tiên đề cập đến khả năng hạ thêm 25-50 bps trong thời gian còn lại của năm. Lãi suất repo nghịch đảo kỳ hạn 7 ngày cũng được cắt giảm 20 bps, hướng tới việc hạ lãi suất cho vay và huy động khoảng 20-25 bps nhằm duy trì NIM của hệ thống ngân hàng.

Bên cạnh đó, chính phủ Trung Quốc cũng đưa ra các biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho thị trường bất động sản, bao gồm: (1) hạ tỷ lệ trả trước cho các khoản vay mua nhà thứ hai từ 25% xuống mức thấp kỷ lục 15% giá trị căn nhà, đồng thời giảm lãi suất thế chấp hiện tại khoảng 50 bps về mức gần với lãi suất thế chấp mới; (2) nâng tỷ lệ bao phủ cho vay lại có cam kết đối với chương trình mua lại nhà ở xã hội từ 60% lên 100%.

Hơn nữa, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) còn tích cực bơm thanh khoản cho thị trường chứng khoán khi công bố chương trình hoán đổi trị giá 500 tỷ CNY cho các công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư và môi giới đủ điều kiện để mua cổ phiếu. Bên cạnh đó, một chương trình có quy mô 300 tỷ CNY vốn vay giá rẻ cũng được triển khai nhằm hỗ trợ các ngân hàng thương mại cấp vốn cho những công ty niêm yết mua lại cổ phiếu. Ngoài ra, PBOC cũng cho biết thêm rằng kế hoạch thành lập một quỹ bình ổn thị trường đang được đưa ra thảo luận. Điều này có nghĩa là “đội tuyển quốc gia” - ám chỉ các tổ chức tài chính lớn của nhà nước - có thể khai thác bảng cân đối kế toán của PBOC để có thêm thanh khoản.

Việc cắt giảm lãi suất, cũng như các biện pháp hỗ trợ cụ thể hơn cho thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán đang gặp khó khăn đã giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư. Những động thái này cho thấy các nhà hoạch định chính sách trong nước đang nỗ lực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và tránh vòng xoáy giảm phát. Tuy nhiên, hiệu quả thực sự của các biện pháp mới trong việc kích thích tăng trưởng vẫn cần thời gian để đánh giá. Nhìn chung, những diễn biến này ủng hộ quan điểm cho rằng USD/CNY sẽ tiếp tục giảm nhẹ.

EUR: Báo cáo PMI sơ bộ yếu kém đã củng cố thêm kỳ vọng về việc Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) sẽ đẩy nhanh tốc độ cắt giảm lãi suất

Gói kích thích kinh tế mới của Trung Quốc là một tin tích cực đối với EUR, do hoạt động thương mại Châu Âu có mối liên kết chặt chẽ hơn với nhu cầu từ phía Trung Quốc so với Mỹ. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh nền kinh tế Châu Âu đang có dấu hiệu chững lại sau giai đoạn tăng trưởng khởi sắc trong nửa đầu năm nay.

Báo cáo PMI sơ bộ tháng 9 của Châu Âu cho thấy niềm tin kinh doanh tiếp tục xấu đi nhanh hơn dự kiến ​​trong Q3. Cụ thể, chỉ số PMI tổng hợp của Châu Âu đã giảm xuống còn 48.9 vào tháng 9, từ mức 51.0 trong tháng 8, đánh dấu tháng giảm thứ hai liên tiếp. Chỉ số này hiện đã thấp hơn nhiều so với mức cao được ghi nhận hồi tháng 5 là 52.2, cho thấy nền kinh tế Châu Âu có thể sẽ gặp khó khăn trong việc khôi phục đà tăng trưởng trong quý cuối cùng của năm nay.

Sự suy yếu trong tâm lý kinh doanh chủ yếu đến từ Pháp và Đức, với chỉ số PMI tổng hợp lần lượt là 47.4 và 47.2. Tuy nhiên, một điểm sáng trong báo cáo là áp lực lạm phát ở lĩnh vực dịch vụ dường như đã hạ nhiệt, thể hiện qua việc thành phần giá đầu ra giảm xuống 52.0 vào tháng 9, từ mức 53.7 trong tháng 8.

Nhìn chung, kết quả khảo sát PMI ảm đạm đã củng cố thêm suy đoán rằng ECB sẽ buộc phải đẩy nhanh tốc độ nới lỏng chính sách để đối phó với đà giảm tốc của nền kinh tế khu vực. Bên cạnh đó, làm dấy lên nhiều lo ngại rằng lãi suất chính sách của ECB hiện đang quá cao, có nguy cơ “bóp nghẹt” sự phục hồi kinh tế vốn còn non yếu.

Mặc dù ECB cho biết tại cuộc họp chính sách trong tháng này rằng có khả năng họ sẽ đợi đến tháng 12 để thực hiện lần cắt giảm tiếp theo, khi có thêm dữ liệu về hoạt động của nền kinh tế khu vực trong Q3, nhưng kết quả khảo sát PMI yếu kém đã khiến thị trường gia tăng kỳ vọng rằng ECB sẽ phải hành động ngay trong tháng tới với 25 bps. Ngay cả khi ECB quyết định bỏ qua việc hạ lãi suất vào tháng 10, thị trường vẫn tin rằng họ sẽ sớm phải hành động, có thể là cắt giảm mạnh tay với 50 bps vào tháng 12. Điều này có thể kìm hãm đà tăng của EUR/USD, đồng thời củng cố xu hướng suy yếu của EUR so với GBPJPY.

Báo cáo PMI sơ bộ làm dấy lên lo ngại về đà phục hồi kinh tế của Châu Âu (Nguồn: Bloomberg, Macrobond & MUFG GMR)

MUFG Research

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ