MUFG Research: ECB khả năng vẫn sẽ duy trì sự thận trọng; loạt biện pháp kích thích kinh tế của Trung Quốc liệu có giúp EUR/USD bứt phá?

MUFG Research: ECB khả năng vẫn sẽ duy trì sự thận trọng; loạt biện pháp kích thích kinh tế của Trung Quốc liệu có giúp EUR/USD bứt phá?

Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

16:06 25/09/2024

Nhận định của MUFG Research.

Phản ứng ban đầu của thị trường ngoại hối đối với quyết định cắt giảm lãi suất 50 bps của Fed tuần trước là khá phân hóa khi USD tăng giá so với JPY, hay thậm chí là rổ tiền tệ trong chỉ số DXY cho đến phiên ngày thứ Hai. Dù vậy, sức mạnh đó chỉ như “một phút huy hoàng rồi vụt tắt” khi đã nhanh chóng phai mờ và chỉ số DXY chạm đáy mới kể từ tháng 7 năm ngoái trong phiên giao dịch hôm qua và tiếp tục giảm điểm vào rạng sáng nay. Nhìn chung, trong khi JPY vẫn đang suy yếu so với thời điểm trước khi Fed công bố quyết định lãi suất thì EURCHF lại đang tụt hậu so với phần còn lại của nhóm G10, khi ghi nhận mức tăng khiêm tốn nhất chỉ khoảng 0.7%.

Đây là diễn biến thường thấy ở nhóm G10 trong bối cảnh tâm lý risk-on gia tăng, khi “sân chơi” của các đồng tiền nhạy cảm với rủi ro mở ra. NZD hiện đang là đồng tiền có hiệu suất tốt nhất trong nhóm G10 kể từ phiên đóng cửa thứ Ba tuần trước. Mặt khác, EUR đang sắp sửa break-out vùng đỉnh 1.1200 và điều này có thể sẽ thu hút thêm dòng vốn đổ vào đồng tiền chung. Kháng cự 1.1200 đã được kiểm nghiệm ba lần trong giai đoạn từ tháng 8 đến tháng 9 và nếu chinh phục thành công ngưỡng này, EUR/USD có thể sẽ tiếp tục hướng về đỉnh của năm ngoái tại 1.1276.

Bên cạnh đó, tâm lý lạc quan ngày càng tăng về triển vọng kinh tế toàn cầu có thể sẽ hỗ trợ thêm cho EUR, cùng loạt biện pháp kích thích mà Trung Quốc vừa công bố chắc chắn sẽ càng khiến USD chịu áp lực bán tháo mạnh mẽ hơn. Mặc dù vẫn chưa rõ liệu các biện pháp đã công bố có đủ mạnh để củng cố niềm tin của nhà đầu tư một cách bền vững hay không, nhưng rõ ràng là Trung Quốc đang hành động ngày càng quyết liệt. Nếu các biện pháp này được kết hợp với một gói kích thích tài khóa quy mô lớn hơn dự kiến nhằm hỗ trợ người tiêu dùng, tâm lý lạc quan của nhà đầu tư về triển vọng nền kinh tế Trung Quốc sẽ càng được củng cố. Điều này còn thúc đẩy kỳ vọng về khả năng nới rộng chênh lệch tăng trưởng giữa Mỹ và phần còn lại của thế giới. Báo cáo niềm tin người tiêu dùng của Mỹ công bố hôm qua yếu hơn nhiều so với dự báo, trong đó, đáng chú ý nhất có lẽ là mức chênh lệch giữa số người cảm thấy dễ kiếm việc và ngược lại, đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ giai đoạn đại dịch bùng phát hồi tháng 03/2021 (tức người dân đang kém lạc quan hơn về khả năng tìm được việc làm).

Hiện tại, chúng tôi vẫn giữ quan điểm thận trọng về khả năng Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đẩy nhanh tốc độ cắt giảm lãi suất. Nửa cuối chu kỳ thắt chặt chính sách sau đại dịch của ECB diễn ra trong bối cảnh Châu Âu rơi vào tình trạng gần như suy thoái do tác động từ cú sốc giá năng lượng, vốn đã ảnh hưởng nặng nề đến thu nhập và chi tiêu của người tiêu dùng. Dù vậy, điều này cũng không khiến ECB chùn bước trong việc thắt chặt chính sách và chừng nào lạm phát vẫn chưa về gần mức mục tiêu, họ sẽ tiếp tục duy trì sự thận trọng trong việc cắt giảm lãi suất, ngay cả khi tăng trưởng yếu hơn dự kiến.

MUFG Research

Broker listing

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ