MUFG Research: “Tam Quốc diễn nghĩa” phiên bản ngân hàng trung ương - Các cuộc họp của Fed, BoE và BoJ tuần tới sẽ "khuấy đảo" thị trường ra sao?

MUFG Research: “Tam Quốc diễn nghĩa” phiên bản ngân hàng trung ương - Các cuộc họp của Fed, BoE và BoJ tuần tới sẽ "khuấy đảo" thị trường ra sao?

Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

15:26 14/09/2024

Nhận định của MUFG Research.

Điểm chính

Chỉ số DXY đã có bước khởi đầu tương đối thuận lợi, nhưng rồi tất cả như trở về vạch xuất phát vào cuối tuần. Nguyên nhân chủ yếu là do những đồn đoán ngày càng tăng về việc Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) có thể cắt giảm lãi suất mạnh tay hơn, cụ thể là 50 bps, trong cuộc họp sắp tới vào thứ Tư. Bài báo gần đây của Wall Street Journal (WSJ) cho thấy FOMC đang cân nhắc giữa hai lựa chọn cắt giảm 25 bps hoặc 50 bps đã củng cố thêm cho đồn đoán trên.

Quan điểm của MUFG, được dẫn dắt bởi nhóm chuyên gia phân tích lãi suất Mỹ, cũng nghiêng về phía cắt giảm 50 bps. Chúng tôi tin rằng động thái quyết liệt này là cần thiết và điều đó sẽ đẩy USD/JPY giảm sâu hơn, thiết lập một phạm vi giao dịch mới trong khoảng 130.00-140.00.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) được dự đoán sẽ giữ nguyên lãi suất, tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu của Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) có thể hé lộ một lập trường ôn hòa hơn dự kiến. Điều này sẽ mở đường cho việc BoE tiếp tục cắt giảm lãi suất vào tháng 11 và có khả năng là một đợt khác vào tháng 12. Ở mặt trận khác, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) dự kiến ​​sẽ củng cố cam kết của mình về việc tiếp tục tăng lãi suất trong tương lai tại cuộc họp vào thứ Sáu.

Biến động hàng tuần (%) so với USD tính đến 18:30 ngày 13/09/2024 theo giờ Việt Nam. JPY tăng giá khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tiếp tục giảm (Nguồn: Bloomberg)

Ý tưởng giao dịch

Dựa trên động lực thị trường và các yếu tố cơ bản, bao gồm cả khả năng FOMC cắt giảm lãi suất mạnh tay hơn, chúng tôi khuyến nghị tiếp tục duy trì chiến lược bán khống với USD/JPY.

Đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của Fed ảnh hưởng thế nào đến USD?

Phân tích của chúng tôi phản bác lại quan điểm được đồng thuận thị trường khi chỉ ra rằng không có mô hình nhất quán nào về hiệu suất của USD sau lần cắt giảm lãi suất đầu tiên của Fed. Cụ thể, trong số chín chu kỳ nới lỏng mà chúng tôi đã phân tích, USD giảm mạnh bốn lần sau sáu tháng kể từ đợt cắt giảm đầu tiên, đồng thời cũng tăng mạnh ba lần.

Nhận định chi tiết về các cặp tiền

USD/JPY: Dự kiến tiếp tục “dò đáy

JPY vẫn cho thấy sức mạnh đáng gờm khi USD/JPY trong phên thứ Sáu vừa rồi đã nhúng qua và suýt xuyên thủng đáy tháng 12 năm ngoái. Nhìn chung, tâm lý e ngại rủi ro vẫn bao trùm thị trường trong ngắn hạn. Yếu tố mới nhất tác động tiêu cực đến USD là việc thị trường tăng cường kỳ vọng FOMC sẽ cắt giảm lãi suất 50 bps trong tuần tới, bất chấp dữ liệu CPI lõi cao hơn dự kiến được công bố vào thứ Tư.

Quan điểm của MUFG tiếp tục ủng hộ dự đoán này, vì chúng tôi cho rằng nếu FOMC muốn thực hiện các điều chỉnh chính sách dựa trên triển vọng tương lai, thì việc cắt giảm 50 bps là hoàn toàn có cơ sở. Quan điểm này cũng phù hợp với những thông điệp gần đây từ Fed. Bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại Jackson Hole đã nhấn mạnh những lo ngại ngày càng tăng về thị trường lao động khi ông khẳng định Fed sẽ "làm mọi cách" để hỗ trợ thị trường việc làm. Chủ tịch Fed Christopher Waller cũng cho biết ông tin rằng cán cân rủi ro hiện đang nghiêng về chiều giảm đối với mục tiêu “tối đa hóa việc làm” của FOMC. Mặc dù dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp (NFP) tuần trước không đủ yếu để thúc đẩy việc cắt giảm 50 bps, nhưng nếu tính cả các điều chỉnh, mức tăng việc làm 56,000 là rất thấp.

Quy tắc Sahm, một chỉ báo đáng tin cậy đã dự đoán chính xác 100% các cuộc suy thoái trong lịch sử, cũng đang phát tín hiệu cảnh báo. Để FOMC đạt được mức lãi suất chính sách trung tính là 2.75% vào giữa năm sau (theo dự báo kinh tế của Fed trong tháng 6), cần phải có ba lần cắt giảm 50 bps trong số bảy cuộc họp từ nay đến tháng 06/2025. Do đó, chúng tôi cho rằng rằng việc FOMC hành động dứt khoát ngay từ đầu là một quyết định hợp lý.

Dữ liệu cán cân thanh toán tháng 7 và giao dịch chứng khoán quốc tế tháng 8 được Bộ Tài chính Nhật Bản công bố trong tuần này đã cho thấy rõ nét việc các nhà đầu tư nước này đang giảm đáng kể tỷ trọng nắm giữ trái phiếu châu Âu. Cụ thể, trong tháng 7, các nhà đầu tư Nhật Bản đã bán 1,467 tỷ JPY (tương đương 8.6 tỷ EUR) trái phiếu Pháp, mức cao nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Kết quả bầu cử ngày 07/07 cho thấy Đảng Tập hợp Quốc gia (RN) không giành được đa số ghế trong quốc hội, làm gia tăng nguy cơ bế tắc chính trị và thúc đẩy làn sóng bán tháo mạnh mẽ. Tương tự, trái phiếu Hà Lan cũng bị bán tháo 518 tỷ JPY trong tháng 7, tiếp nối con số 512 tỷ JPY hồi tháng 6. Quy mô của đợt bán tháo trong tháng 7 là lớn nhất kể từ năm 2014, thời điểm rủi ro chính trị leo thang. Đồng thời, tổng giá trị bán ra trong hai tháng 6 và 7 đã lập kỷ lục mới. Bên cạnh đó, trái phiếu Đức cũng bị các nhà đầu tư Nhật Bản bán mạnh trong tháng 6, với khối lượng lớn nhất kể từ năm 2015.

Dữ liệu lịch sử cho thấy, các nhà đầu tư Nhật Bản rất nhạy cảm với những biến động chính trị ở khu vực đồng Euro và thường có xu hướng bán tháo khi bất ổn gia tăng, tuy nhiên, niềm tin thường sẽ quay trở lại khá nhanh chóng. Với bối cảnh chính trị ổn định hơn, dòng vốn được dự báo sẽ sớm quay trở lại. Không còn nghi ngờ gì nữa, sự tăng giá mạnh mẽ của JPY cũng là một yếu tố thúc đẩy đà bán tháo trái phiếu nước ngoài trong tháng 7 khi tâm lý e ngại rủi ro gia tăng. Mặc dù không thể khẳng định chắc chắn chủ thể nào đứng sau làn sóng bán tháo trái phiếu khu vực đồng Euro trong tháng 7, nhưng chúng tôi biết rằng các ngân hàng Nhật Bản đã đóng góp đáng kể. Hoạt động mua trái phiếu nước ngoài của các ngân hàng thường ít ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái giao ngay hơn do họ có nhiều nguồn vốn thay thế để thực hiện các giao dịch này.

Nhà đầu tư Nhật Bản đẩy mạnh bán tháo trái phiếu Pháp trong tháng 7 (Nguồn: Bloomberg, Macrobond & MUFG Research)

Tổng giá trị mua trái phiếu nước ngoài tăng vọt trong tháng 8 (Nguồn: Bloomberg, Macrobond & MUFG GMR)

Bên cạnh đó, dữ liệu giao dịch chứng khoán quốc tế tháng 8 đã cung cấp bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy làn sóng bán tháo trái phiếu khu vực đồng Euro có thể đã phần nào dịu bớt. Dữ liệu cho thấy các nhà đầu tư Nhật Bản đã mua vào lượng trái phiếu nước ngoài kỷ lục với 7,337 tỷ JPY (tương đương khoảng 50 tỷ USD). Đây là con số cao nhất kể từ khi dữ liệu được ghi nhận vào năm 2001. Đằng sau đó, các ngân hàng và quỹ tín thác Nhật Bản đóng vai trò chủ chốt trong làn sóng mua vào này. Các ngân hàng Nhật Bản đã mua vào 2,657 tỷ JPY, trong khi các quỹ tín thác gom mạnh tay hơn với 2,807 tỷ JPY, mức cao thứ hai được ghi nhận. Đáng chú ý, các quỹ tín thác có thể đã thực hiện những giao dịch mua trên cơ sở không phòng ngừa rủi ro tỷ giá, tận dụng lợi thế từ đà tăng mạnh mẽ của JPY. Mặc dù lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm đã giảm mạnh, kỳ hạn 3 tháng và 6 tháng lại ít biến động hơn, khiến cho chi phí phòng ngừa rủi ro trong ngắn hạn vẫn neo ở mức cao. Trong tháng 8, các công ty bảo hiểm nhân thọ Nhật Bản đã bán ra 538 tỷ JPY trái phiếu nước ngoài, mức cao nhất kể từ tháng 11/2023. Nhìn chung, với quy mô mua trái phiếu nước ngoài lớn và chi phí phòng ngừa rủi ro vẫn ở mức cao, một phần đáng kể trong hoạt động mua vào này có khả năng được thực hiện trên cơ sở không phòng ngừa rủi ro tỷ giá.

Nếu một phần đáng kể trong hoạt động mua trái phiếu nước ngoài của các tổ chức phi ngân hàng không được phòng ngừa rủi ro, điều đó cho thấy vẫn còn những lực lượng khác đang tích cực mua vào JPY. Dữ liệu thị trường tiền tệ quốc tế - IMM cho thấy hoạt động thanh lý vị thế bán khống JPY diễn ra khá nhẹ nhàng, tuy nhiên dữ liệu ký quỹ ngoại hối phi tập trung cho tháng 8, do Hiệp hội FFAJ công bố lại cho thấy một sự đảo chiều mạnh mẽ của vị thế bán khống JPY so với tháng 7, tương đương với khoảng 8 tỷ USD mua vào đồng tiền này. Các nhà đầu tư nước ngoài có thể đã hạ vị thế phòng ngừa rủi ro tỷ giá cho danh mục cổ phiếu nắm giữ do chỉ số Topix vẫn thấp hơn 12% so với mức kỷ lục (JPY có thể sẽ tiếp tục mạnh lên trong ngắn hoặc thậm chí trung hạn do phân kỳ chính sách tiền tệ, việc phòng ngừa rủi ro tỷ giá ở thời điểm hiện tại là không quá cần thiết). Cuối cùng, hoạt động phòng ngừa rủi ro tỷ giá cho các khoản vay bằng JPY có khả năng đã tăng lên do sự thay đổi trong kỳ vọng và nguy cơ đồng tiền này tiếp tục tăng mạnh (giả sử trước đây bạn vay JPY để đổi sang USD và thực hiện mua trái phiếu chính phủ Mỹ để hưởng lãi suất cao, hay cách gọi thân thương là “carry trade”; hiện tại bạn vẫn muốn nắm giữ thêm một thời gian do chênh lệch lãi suất vẫn cho bạn mức lợi nhuận tương đối ổn; nếu không chủ động phòng ngừa rủi ro, khi bạn thu hồi vốn, bạn sẽ phải chịu thêm một khoản lỗ tỷ giá do tốn nhiều USD hơn để đổi ngược về JPY, thậm chí bào mòn hết phần lợi nhuận mà bạn “dày công” kiếm được, hoặc âm vốn bởi USD/JPY khi này có thể còn giảm sâu hơn cả thời điểm bạn bắt đầu carry trade và đó chỉ mới tính đến biến động tỷ giá).

Về việc Fed cắt giảm lãi suất 50 bps vào tuần tới, nếu diễn ra đúng như chúng tôi đang kỳ vọng, chắc chắn sẽ khiến lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn ngắn giảm và tạo thêm áp lực khiến USD/JPY giảm sâu hơn, có thể xuống phạm vi giao dịch mới 130.00-140.00. Cuộc họp của BoJ vào thứ Sáu tuần tới dự kiến ​​sẽ củng cố thông điệp về việc tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ dù được bảo hiểm rủi ro tỷ giá vẫn kém hấp dẫn hơn so với JGBs (Nguồn: Bloomberg, Macrobond & MUFG Research)

Rủi ro đối với USD/JPY vẫn nghiêng về chiều giảm (Nguồn: Bloomberg, Macrobond & MUFG GMR)

GBP/USD: Quyết định chính sách sắp tới của BoE có làm lung lay niềm tin vào chiến lược carry trade GBP?

GBP đã trải qua một mùa hè biến động sau chuỗi tăng giá ấn tượng trong bảy tháng đầu năm. Đầu tháng 8, GBP đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự hỗn loạn của thị trường. Biến động gia tăng trên thị trường tài chính đã khiến nhà đầu tư rút lui khỏi các chiến lược carry trade vốn mang lại khoản lợi nhuận không tồi. Vương quốc Anh là một trong những quốc gia có mức lợi suất hấp dẫn nhất trong nhóm các nền kinh tế G10, thu hút dòng vốn rót vào GBP. May mắn thay, giai đoạn bất ổn đã qua đi nhanh chóng, giúp GBP phục hồi trước thềm cuộc họp chính sách của BoE vào tuần tới. Sau khi giảm xuống 1.2665 hôm 08/08, GBP/USD đã tăng lên mức cao nhất trong năm là 1.3266 chỉ trong chưa đầy ba tuần giao dịch sau đó. Tương tự, EUR/GBP cũng giảm trở lại vùng giao dịch trước khi thị trường bất ổn vào tháng 8, dao động trong khoảng 0.8400-0.8450 sau khi chạm mức cao 0.8625 vào ngày 08/08.

Biến động giá gần đây cho thấy, ngoại trừ sự gia tăng biến động thị trường trong mùa hè, các yếu tố cơ bản ngắn hạn ảnh hưởng đến GBP vẫn không thay đổi quá nhiều. Báo cáo IMM mới nhất cho thấy, trong vài tuần qua, các quỹ đòn bẩy đã bắt đầu xây dựng lại vị thế mua GBP và số lượng đã trở lại mức cao nhất trong nhiều năm. Các nhà đầu tư vẫn dự đoán rằng lãi suất của Vương quốc Anh sẽ tiếp tục cao hơn so với các nền kinh tế lớn khác trong năm tới. Thị trường lãi suất Vương quốc Anh hiện đang kỳ vọng BoE sẽ cắt giảm tổng cộng 150 bps cho đến tháng 08/2025, đưa lãi suất chính sách giảm xuống 3.5%. Ngoài ra, dự kiến lãi suất chính sách của ECB và Fed sẽ lần lượt giảm về mức 2.25% và 2.8% vào tháng 8 năm sau.

Tuy nhiên, dữ liệu kinh tế gần đây của Vương quốc Anh cho thấy BoE có thể sẽ cắt giảm lãi suất nhanh hơn và mạnh tay hơn trong thời gian tới, qua đó làm giảm bớt sức hút của GBP. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế, tiền lương và lạm phát dịch vụ đều yếu hơn dự kiến của BoE. Mặc dù điều này chưa đủ để BoE thực hiện lần cắt giảm lãi suất thứ hai liên tiếp trong tuần tới sau quyết định khó khăn vào tháng trước, nhưng có thể sẽ khuyến khích BoE phát đi tín hiệu ôn hòa về cuộc họp tháng 11.

Nếu BoE đã bớt lo ngại hơn về rủi ro lạm phát dai dẳng, thị trường sẽ có cơ sở để kỳ vọng việc cắt giảm lãi suất sâu hơn trong năm tới. Sau khi điều chỉnh theo dự báo lạm phát của Vương quốc Anh, lãi suất chính sách thực tế của BoE dự kiến sẽ vẫn cao hơn đáng kể so với các ngân hàng trung ương lớn khác, cho thấy thị trường đang đánh giá thấp mức độ cắt giảm của BoE. Do đó, thị trường có thể sẽ gia tăng kỳ vọng về việc nới lỏng mạnh tay từ BoE sau cuộc họp chính sách tuần tới nếu quyết định giữ nguyên lãi suất nhận được nhiều sự ủng hộ hơn dự kiến. Đây cũng là cuộc họp MPC đầu tiên của thành viên mới Alan Taylor, người được cho là có quan điểm ôn hòa và có thể sẽ khiến MPC thoải mái hơn với việc nới lỏng chính sách. Ông là người thay thế cho Jonathan Haskel, một trong những thành viên diều hâu nhất của MPC và là người đã bỏ phiếu giữ nguyên lãi suất vào tháng 8.

Phải chăng thời kỳ hưng thịnh của chiến lược carry trade GBP đã qua? (Nguồn: Bloomberg, Macrobond & MUFG GMR)

Vị thế mua GBP vẫn chiếm ưu thế (Nguồn: Bloomberg, Macrobond & MUFG GMR)

Bên cạnh quyết định về lãi suất, BoE cũng sẽ công bố kế hoạch tiếp tục giảm quy mô bảng cân đối kế toán trong năm tới. BoE nhấn mạnh rằng chương trình thắt chặt định lượng (Quantitative Tightening - QT) phải được thực hiện "một cách chậm rãi, có thể dự đoán được và không gây gián đoạn thị trường tài chính". Theo kết quả một cuộc khảo sát gần đây do BoE thực hiện, dự đoán chung của thị trường là BoE sẽ công bố mục tiêu giảm thêm 100 tỷ GBP trong năm tới. Mức giảm này tương đương với tốc độ mà BoE đã thực hiện trong 12 tháng qua.

Cụ thể, trong năm tới, sẽ có khoảng 87 tỷ GBP trái phiếu chính phủ Anh (Gilt) tự đáo hạn và được rút khỏi bảng cân đối kế toán của BoE. Điều này đồng nghĩa với việc để đạt được mục tiêu giảm 100 tỷ GBP, BoE chỉ cần chủ động bán ra thêm 13 tỷ GBP. So với lượng bán chủ động khoảng 50 tỷ GBP trong 12 tháng qua (giai đoạn mà tốc độ đáo hạn của Gilt còn chậm hơn), rõ ràng trong kỳ vọng của thị trường, chương trình QT của BoE vẫn sẽ diễn ra một cách từ tốn.

Theo chúng tôi, nếu có rủi ro nào đối với kế hoạch QT, thì đó là khả năng BoE sẽ giảm tốc độ thực hiện chương trình này trong năm tới. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng thông báo về QT sẽ không có tác động đáng kể đến GBP.

Trong bối cảnh đó, chúng tôi đánh giá rủi ro đối với GBP từ cuộc họp MPC tuần tới là nghiêng về chiều giảm. Nguyên do là vì GBP thường có xu hướng suy yếu sau các cuộc họp MPC. Cụ thể, GBP/USD đã giảm trung bình 0.2% trong vòng 6 giờ sau 3/4 cuộc họp MPC gần đây nhất. Làn sóng bán tháo mạnh nhất được ghi nhận sau cuộc họp MPC tháng 3, khiến GBP/USD giảm đến 0.7%. GBP cũng có thể giảm giá mạnh hơn nữa, nhưng chỉ khi BoE bất ngờ thực hiện lần cắt giảm lãi suất thứ hai liên tiếp trong tuần tới, một kịch bản khó lòng xảy ra. Theo chúng tôi, khả năng cao là BoE sẽ “để dành” việc cắt giảm lãi suất vào tháng 11 và tháng 12, qua đó tác động tiêu cực đến GBP vào cuối năm nay. Cho đến lúc đó, tại cuộc họp của BoE vào tuần tới, nếu xét riêng lẻ, sẽ không thể làm giảm sức hấp dẫn của GBP đối với các nhà đầu tư theo đuổi chiến lược carry trade. Do BoE vẫn dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất chậm hơn so với Fed trong những tháng tới, bất kỳ đợt điều chỉnh nào của GBP/USD trong tuần tới đều có thể mở ra điểm mua ngắn hạn với kỳ vọng cặp tiền này sẽ vượt đỉnh tháng 8 là 1.3266.

Thị trường có đang đánh giá thấp khả năng BoE cắt giảm lãi suất mạnh tay? (Nguồn: Bloomberg, Macrobond & MUFG GMR)

Dự kiến BoE sẽ giữ nguyên tốc độ thắt chặt định lượng (Nguồn: Bloomberg, Macrobond & MUFG GMR)

Điểm danh các sự kiện chính trong tuần tới

Tuần tới sẽ là một tuần rất quan trọng với hàng loạt cuộc họp chính sách của các ngân hàng trung ương nhóm G10, đặc biệt là Fed dự kiến sẽ bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất. Sau khi thị trường việc làm và lạm phát lõi cho thấy những dấu hiệu tích cực trong tháng 8, Fed đang được kỳ vọng sẽ bắt đầu nới lỏng tiền tệ bằng cách cắt giảm lãi suất 25 bps. Tuy nhiên, việc cắt giảm 50 bps vẫn là một khả năng không thể loại trừ, nhất là khi Fed mong muốn thực hiện các điều chỉnh chính sách dựa trên triển vọng tương lai nhằm phòng ngừa rủi ro suy thoái trên thị trường lao động Mỹ. Thị trường sẽ theo dõi sát sao những phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell để tìm kiếm manh mối về khả năng Fed cắt giảm 50 bps tại các cuộc họp còn lại trong năm nếu mức 25 bps được thông qua trong tuần tới. Việc hạ dự báo đối với chỉ số PCE lõi cũng sẽ là một yếu tố ủng hộ cho quyết định cắt giảm lãi suất.

BoE dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất trong tuần tới sau quyết định khó khăn về việc bắt đầu chu kỳ cắt giảm vào tháng trước. Tăng trưởng kinh tế, tiền lương và lạm phát dịch vụ đều ghi nhận những dấu hiệu suy yếu trong thời gian gần đây, củng cố thêm lý do cho việc BoE tiếp tục cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng ngân hàng trung ương này sẽ chờ đợi đến cuộc họp chính sách tiếp theo vào tháng 11 để thực hiện đợt cắt giảm thứ hai. Thông điệp của BoE trong tuần tới dự kiến cho thấy khả năng cắt giảm lãi suất vào tháng 11 là khá cao. Báo cáo chỉ số CPI tháng 8 của Vương quốc Anh sẽ được công bố ngay trước thềm cuộc họp chính sách của BoE. Dù không ảnh hưởng quá nhiều đến quyết định của BoE trong tuần tới, báo cáo này có thể sẽ tác động đến kỳ vọng của thị trường về quy mô cắt giảm lãi suất của BoE trong phần còn lại của năm 2024. Nếu lạm phát tiếp tục giảm tốc, BoE sẽ có thêm cơ sở để tiếp tục hạ lãi suất.

BoJ sẽ là ngân hàng trung ương lớn cuối cùng công bố quyết định chính sách trong tuần tới. Chúng tôi cho rằng BoJ sẽ giữ nguyên lãi suất sau lần tăng thứ hai liên tiếp vào cuộc họp tháng 7. Theo đó, dự kiến BoJ sẽ tiếp tục duy trì lập trường diều hâu và để ngỏ khả năng tăng lãi suất trong năm nay nếu nền kinh tế Nhật Bản diễn biến đúng như dự kiến. BoJ có lẽ sẽ cần thêm thời gian để đánh giá tác động của việc thắt chặt tiền tệ gần đây đối với nền kinh tế. Chưa kể, việc JPY tăng giá và thị trường chứng khoán trong nước suy giảm gần đây khó có thể khiến BoJ thay đổi lập trường diều hâu trong tuần tới.

MUFG Research

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ