MUFG Research: USD/JPY 'đóng quân' gần mốc 150.00, chờ đợi tín hiệu từ báo cáo CPI tháng 9 của Mỹ

MUFG Research: USD/JPY 'đóng quân' gần mốc 150.00, chờ đợi tín hiệu từ báo cáo CPI tháng 9 của Mỹ

Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

16:53 10/10/2024

Nhận định của MUFG Research.

USD: Đồng bạc xanh tiếp tục “khuấy đảo” thị trường trước thềm bầu cử Mỹ

Đồng bạc xanh hiện vẫn neo ở mức cao gần 103.00 sau đà tăng của phiên hôm qua, qua đó đưa USD/JPY ngày càng gần đến ngưỡng 150.00, bỏ xa mức thấp 139.58 thiết lập hồi ngày 16/09. Yếu tố then chốt cho diễn biến trên chính là lợi suất TPCP Mỹ đồng loạt tăng trên nhiều kỳ hạn. Đáng chú ý, lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn ngắn tăng mạnh sau khi biên bản cuộc họp FOMC tháng 9 được công bố. Lần đầu tiên kể từ giữa tháng 8, lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 2 năm đã khép lại phiên giao dịch hôm qua trên ngưỡng 4.00%.

Ngoài ra, biên bản cuộc họp này củng cố nhận định của thị trường rằng Fed sẽ thận trọng hơn với việc hạ lãi suất trong thời gian tới, phù hợp với kỳ vọng rằng ngân hàng trung ương này sẽ chỉ thực hiện cắt giảm 25 bps/lần tại các cuộc họp sắp tới. Hơn hết, "một số" thành viên FOMC ủng hộ việc cắt giảm lãi suất 25 bps tại cuộc họp tháng 9 và thậm chí "một số khác" còn muốn mức thấp hơn. Điều này cho thấy quyết định cắt giảm lãi suất 50 bps được đưa ra sau một quá trình tranh luận đầy căng thẳng và sau cùng, chỉ có duy nhất bà Bowman bỏ phiếu chống.

Bên cạnh đó, một số thành viên cũng nhận định rằng việc cắt giảm lãi suất 25 bps có thể giúp lộ trình bình thường hóa chính sách tiền tệ trở nên rõ ràng và dễ dự đoán hơn. Các ý kiến này củng cố quan điểm cho rằng việc cắt giảm 50 bps chỉ là động thái mang tính "chữa cháy" của Fed nhằm “chiều lòng” thị trường sau quyết định giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp tháng 7. Nhìn chung, những bình luận gần đây của các quan chức Fed cho thấy họ khá hài lòng với triển vọng chính sách hiện tại.

Do đó, để buộc Fed phải tiếp tục cắt giảm lãi suất mạnh tay với 50 bps, cần có thêm bằng chứng cho thấy sự suy yếu rõ rệt hơn của thị trường lao động Mỹ, vốn là điều mà báo cáo bảng lương phi nông nghiệp mới nhất đã khiến nhiều người phải điều chỉnh kỳ vọng. Giới đầu tư hiện đang đổ dồn sự chú ý vào báo cáo CPI của Mỹ cho tháng 9 dự kiến công bố vào lúc 19:30 tối nay theo giờ Việt Nam.

Sau khi tăng nóng hơn dự kiến ​​vào tháng 8, CPI lõi trong báo cáo kỳ này có thể sẽ khó tránh khỏi sự “quan tâm đặc biệt” từ giới phân tích. Nhìn lại, đồng bạc xanh ban đầu đã nhảy vọt sau khi báo cáo CPI tháng 8 được công bố, tuy nhiên đà tăng nhanh chóng chững lại. Nguyên nhân là do nguồn cơn đẩy CPI lõi tăng vượt dự kiến chủ yếu đến từ các nhóm hàng hóa có trọng số thấp trong thước đo lạm phát ưa thích của Fed đó là PCE. Như đã thấy vào cuối tháng trước, PCE lõi đã hạ nhiệt trong tháng 8.

Chúng tôi vẫn tin rằng lạm phát hạ nhiệt sẽ là động lực chính để Fed tiếp tục cắt giảm lãi suất. Dù vậy, tác động của báo cáo CPI hôm nay có thể là chưa đủ mạnh để khiến thị trường lãi suất Mỹ thay đổi kỳ vọng về khả năng Fed sẽ sớm đẩy nhanh tốc độ nới lỏng chính sách.

Bên cạnh đó, việc lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn dài tăng phần nào cũng đến từ diễn biến tương tự của giá dầu, qua đó thúc đẩy kỳ vọng lạm phát. Giá dầu Brent đã có lúc vượt 80 USD/thùng vào đầu tuần này, từ mức thấp 69.91 USD hồi tháng 10. Mặc dù vậy, giá dầu Brent đã giảm trở lại mốc 77 USD/thùng trong những ngày gần đây do có thông tin cho rằng Israel đang có kế hoạch tấn công những mục tiêu quân sự ở Iran, thay vì các cơ sở hạt nhân hay mỏ dầu. Diễn biến giá cho thấy nhà đầu tư vẫn lo ngại về nguy cơ leo thang căng thẳng ở Trung Đông và dường như họ vẫn đang chờ đợi để đánh giá phản ứng của Israel đối với các cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran vào tuần trước.

Mặc dù giá dầu đã hạ nhiệt trong những ngày gần đây, lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 10 năm vẫn tiếp tục tăng. Điều này cho thấy thị trường đang chịu tác động bởi nhiều yếu tố khác, chẳng hạn như khả năng cựu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử. Dữ liệu từ Polymarket cho thấy, khả năng ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tới đã tăng lên 53.5%.

Khả năng ông Trump tái đắc cử tiếp tục đẩy lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng cao mặc dù động lực từ giá dầu đã vơi dần (Nguồn: Bloomberg, Macrobond & MUFG GMR)

EUR: Sự chú ý đổ dồn vào ECB và rủi ro tài khóa của Pháp

Việc thị trường điều chỉnh kỳ vọng về lộ trình cắt giảm lãi suất của Fed theo hướng thận trọng hơn đã khiến EUR/USD chịu áp lực bán lớn. Cặp tiền này theo đó đã chính thức xuyên thủng ngưỡng tâm lý 1.1000 vào cuối tuần trước. Dù vậy, diễn biến này vẫn phù hợp với kỳ vọng của thị trường về việc ECB sẽ đẩy nhanh tốc độ cắt giảm lãi suất.

Về bài phát biểu hôm qua, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp - Francois Villeroy de Galhau cho biết: "Khả năng ECB tiếp tục cắt giảm lãi suất trong cuộc họp sắp tới là khá cao và đó chưa phải lần cuối cùng". Dù vậy, ông cũng bác bỏ khả năng ECB sẽ có động thái cắt giảm vượt quá mức 25 bps. "Chúng tôi đã quen với việc hành động thận trọng, tức là kiên quyết, nhưng không bước những bước quá lớn", ông khẳng định.

Các phát biểu trên ủng hộ kỳ vọng của thị trường rằng ECB sẽ cắt giảm 25 bps tại mỗi cuộc họp còn lại trong năm (tháng 10 và 12), cũng như tiếp tục thực hiện điều này cho đến ít nhất là giữa năm sau, qua đó đưa lãi suất chính sách tiến gần hơn đến vùng trung lập quanh mức 2.00%.

Bên cạnh đó, thị trường cũng đang chờ đợi thêm thông tin chi tiết về kế hoạch ngân sách từ chính phủ mới của Pháp. Vài ngày trước, chính phủ của Thủ tướng Michel Barnier đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đầu tiên tại Quốc hội. Liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới (NFP) là bên đã đề xuất bỏ phiếu bất tín nhiệm, tuy nhiên chỉ nhận được 197 phiếu ủng hộ, thấp hơn nhiều so với con số 289 phiếu cần thiết để được thông qua. Chính phủ của Thủ tướng Barnier đã trụ vững chủ yếu nhờ sự vắng mặt của Đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN) trong cuộc bỏ phiếu. Diễn biến này cho thấy RN khó có thể bỏ phiếu bất tín nhiệm trong bối cảnh chính phủ mới đang nỗ lực thông qua ngân sách cho năm tới.

Theo đó, Thủ tướng Barnier đã vạch ra kế hoạch giảm thâm hụt ngân sách từ mức khoảng 6% GDP trong năm nay xuống gần 5% GDP vào năm tới. Kế hoạch này đòi hỏi phải cắt giảm chi tiêu công khoảng 1% GDP, tương đương 30 tỷ Euro. Ông cũng lên kế hoạch lùi thời hạn đưa thâm hụt ngân sách xuống dưới 3% GDP thêm hai năm, tức là đến 2029.

Pháp sẽ phải trình kế hoạch tài khóa lên Ủy ban Châu Âu trước ngày 31/10. Dự kiến, kế hoạch này sẽ phải đáp ứng các quy tắc tài khóa của EU bằng cách đưa thâm hụt ngân sách xuống dưới 3% trong giai đoạn điều chỉnh, đồng thời phù hợp với mức giảm tối thiểu 0.5% mỗi năm. Dẫu vậy, kế hoạch củng cố tài khóa của chính phủ Pháp vào năm tới có thể gặp rủi ro từ việc thắt chặt chi tiêu công, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế dự báo chỉ đạt khoảng 1%. Ngoài ra, việc tăng thuế cũng là một rào cản lớn.

Cho đến nay, những rủi ro tài khóa ở Pháp mới chỉ có tác động tiêu cực hạn chế đến EUR. Chênh lệch lợi suất TPCP Pháp và Đức kỳ hạn 10 năm sẽ cần phải nới rộng đáng kể so với mức cao gần đây là khoảng 80 bps thì mới có thể gây áp lực đáng kể lên EUR. Vào cuối tuần này, thị trường sẽ đón nhận thêm thông tin từ Fitch Ratings khi hãng này công bố kết quả đánh giá xếp hạng tín nhiệm của Pháp. Dự kiến xếp hạng tín nhiệm của Pháp có thể được đưa vào diện theo dõi đặc biệt hoặc thậm chí là bị hạ bậc.

Rủi ro tài khóa của Pháp vẫn cao (Nguồn: Bloomberg, Macrobond & MUFG GMR)

MUFG Research

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ