Nhận định thị trường - Danske Bank Research: Sự chú ý đổ dồn vào báo cáo CPI tháng 8 của Mỹ

Nhận định thị trường - Danske Bank Research: Sự chú ý đổ dồn vào báo cáo CPI tháng 8 của Mỹ

Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

16:21 11/09/2024

Nhận định của Danske Bank Research.

Điểm chính

Mỹ: Thị trường đang hướng về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 của Mỹ, dự kiến công bố vào lúc 19:30 tối nay theo giờ Việt Nam. Chúng tôi dự báo lạm phát toàn phần sẽ điều chỉnh nhẹ, tăng 0.1% so với tháng trước và 2.5% so với cùng kỳ; trong khi lạm phát lõi có thể không đổi, tăng 0.2% so với tháng trước và 3.2% so với cùng kỳ. Theo đó, lạm phát dịch vụ nhà ở và phi nhà ở được dự đoán sẽ giảm dần sau khi phục hồi nhẹ vào tháng 7. Nếu số liệu thực tế đúng như dự báo trên, tác động đến lộ trình cắt giảm lãi suất của Fed là không đáng kể.

Anh: Số liệu GDP tháng 7 của Anh vừa được công bố thấp hơn dự kiến và cho thấy sự trì trệ trong hai tháng liền. Dữ liệu này rất được BoE quan tâm, đặc biệt khi rủi ro lạm phát tiềm ẩn từ nhu cầu nội địa đang tăng cao. GBP/USD theo đó cũng đánh mất phần lớn đà tăng từ đầu ngày mặc dù chỉ số DXY đang giảm.

Thụy Điển: Phó Thống đốc thứ nhất của Riksbank - Anna Breman, sẽ có bài phát biểu về lịch sử kinh tế Thụy Điển và tình hình hiện tại vào lúc 22:45 theo giờ Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi không kỳ vọng bà ấy sẽ đưa ra bất kỳ tín hiệu nào liên quan đến chính sách tiền tệ trong sự kiện lần này.

Diễn biến kinh tế và thị trường

Diễn biến sáng nay

Mỹ: Cuộc tranh luận đầu tiên giữa Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump đã diễn ra với những màn đối đầu gay gắt. Bà Harris đã thể hiện sự tự tin và phong thái thuyết phục trước ông Trump. Trong khi ông Trump tập trung công kích vào những điểm yếu của chính quyền hiện tại, thì bà Harris lại mang đến cho cử tri một tầm nhìn rõ ràng và hướng đến tương lai hơn. Các thông điệp của ông Trump về những vấn đề quan trọng như nhập cư thiếu đi sự rõ ràng và dứt khoát. Ngược lại, bà Harris lại ghi điểm với những quan điểm mạnh mẽ về quyền phá thai, pháp quyền, cùng với chính sách đối ngoại liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine và Gaza. Trước thềm cuộc tranh luận, thị trường dự đoán khả năng đắc cử của cả hai ứng viên khá cân bằng (50.5% so với 49.5% nghiêng về phía bà Harris), tuy nhiên, sau cuộc tranh luận, bà Harris được đánh giá là ứng cử viên sáng giá hơn (55% so với 45%). Cuộc tranh luận này là duy nhất được lên lịch cho mùa thu, tuy nhiên, phía bà Harris đã đề xuất một cuộc tranh luận khác vào tháng 10.

Nhật Bản: Bà Junko Nakagawa, một thành viên trong Hội đồng quản trị của BoJ, khẳng định ngân hàng trung ương này sẽ tiếp tục tăng lãi suất nếu lạm phát diễn biến phù hợp với dự báo. Điều này cho thấy rằng những bất ổn của thị trường trong tháng trước không ảnh hưởng đến kế hoạch của BoJ. Trước đó, ông Hajime Takata, một thành viên khác cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc tiếp tục tăng lãi suất, đồng thời, cần thận trọng để tránh gây ra những xáo trộn trên thị trường, làm ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp.

Diễn biến hôm qua

Mỹ: Khảo sát doanh nghiệp nhỏ của NFIB giảm xuống mức 91.2 trong tháng 8, đảo ngược hoàn toàn mức tăng lên 93.7 của tháng 7. Nguyên nhân chính là do lo ngại về lạm phát, tình trạng thiếu hụt lao động và triển vọng doanh thu ảm đạm. Trong một diễn biến khác, Phó Chủ tịch phụ trách giám sát của Fed - Michael Barr, đã công bố kế hoạch "Basel III Endgame" sửa đổi. Theo đề xuất mới, yêu cầu mức tăng vốn cho các ngân hàng lớn như JPMorgan Chase (JPM) và Bank of America (BAC) là 9%, thay vì 19% trong kế hoạch ban đầu được đưa ra vào mùa hè năm ngoái.

Anh: Báo cáo thị trường lao động tháng 8 của Anh cho thấy những tín hiệu trái chiều. Mức tăng lương thấp hơn dự kiến ​với chỉ 4.0% (dự báo: 4.1%), tuy nhiên con số của tháng trước đã được điều chỉnh tăng lên. Trong khi đó, mức lương không bao gồm tiền thưởng ít biến động hơn, tăng 5.1% đúng như dự kiến. Tỷ lệ thất nghiệp giảm nhẹ xuống còn 4.1%, từ mức 4.2% của tháng trước. Tuy nhiên, điều này có thể là do số liệu tháng trước chưa phản ánh đúng thực tế. Ngoài ra, khác với sự tăng trưởng việc làm mạnh mẽ vào tháng 7, bảng lương trong tháng 8 lại yếu hơn dự kiến ​​ở mức -59,000. Dữ liệu này đã như bằng chứng xác nhận thêm cho những tín hiệu tương tự từ báo cáo KPMG/REC cũng như một vài chỉ số khác. Tuy nhiên, dữ liệu thị trường lao động theo khảo sát LFS cần được xem xét thận trọng do còn nhiều hạn chế. Nhìn chung, mức tăng lương vẫn cao và tiếp tục là một vấn đề đáng lo ngại đối với BoE, khiến ngân hàng trung ương này phải thận trọng hơn trong việc cắt giảm lãi suất. Cho đến cuối năm, chúng tôi dự kiến sẽ chỉ có một đợt cắt giảm lãi suất vào tháng 11, sau khi tạm dừng vào tháng 9.

Na Uy: Lạm phát toàn phần của Na Uy trong tháng 8 thấp hơn dự kiến ​​ở mức 2.6% (dự báo: 2.7%), trong khi lạm phát lõi phù hợp với kỳ vọng ở mức 3.2% so với cùng kỳ. Nếu loại trừ yếu tố giá trần dịch vụ trường mầm non, lạm phát lõi sẽ là 3.5% so với cùng kỳ - cao hơn dự kiến ​​nhưng vẫn thấp hơn mức dự báo 3.6% của Norges Bank. Điểm bất ngờ chính trong lạm phát lõi (không bao gồm yếu tố trường mầm non) đến từ lạm phát nhập khẩu, tăng từ 1.4% lên 2.0%. Ngoài ra, giá thuê nhà tăng 4.5%, so với 4.2% trước đó, cũng góp phần thúc đẩy lạm phát.

Thụy Điển: Dữ liệu hoạt động kinh tế tháng 7 của Thụy Điển yếu hơn dự kiến khi GDP giảm 0.8% so với tháng trước. Tuy nhiên, con số này cần được xem xét thận trọng do thường có nhiều biến động. Trong khi các dữ liệu khác cho thấy sản xuất giảm, thì tiêu dùng (chiếm khoảng 50% GDP) lại tăng trưởng mạnh mẽ. Vì đây là dữ liệu mùa hè nên có thể khiến việc điều chỉnh các yếu tố mùa vụ gặp nhiều khó khăn, dẫn đến kết quả trên.

Hàng hóa: Giá dầu thô Brent tiếp tục giảm mạnh và nhúng xuống mốc 70 USD/thùng trong phiên giao dịch hôm qua do lo ngại về tình trạng dư cung. Bên cạnh đó, OPEC cũng hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu cho năm 2024 và 2025 do tăng trưởng kinh tế chậm chạp, đặc biệt là ở Trung Quốc.

Chứng khoán: Chứng khoán toàn cầu tăng điểm trong phiên hôm qua, chủ yếu nhờ vào sự dẫn dắt của Phố Wall, đặc biệt là các cổ phiếu công nghệ và tăng trưởng theo chu kỳ. Ngược lại, các nhóm cổ phiếu giá trị và phòng thủ lại giảm giá. Nhóm cổ phiếu năng lượng chịu tác động nặng nề nhất khi giá dầu thô Brent giảm xuống dưới 70 USD/thùng. Ngoài ra, cổ phiếu ngân hàng ở cả châu Âu và Mỹ cũng chìm trong sắc đỏ, một phần do lợi suất giảm và những thay đổi về quy định (kế hoạch Basel III Endgame). Tại Mỹ, chỉ số Dow Jones đóng cửa giảm 0.2%; trong khi S&P 500, Nasdaq tăng lần lượt 0.5%, 0.8% và Russell 2000 điều chỉnh nhẹ 0.02%.

Trái phiếu: Lợi suất TPCP Đức kỳ hạn 10 năm giảm 3 bps, xuống còn 2.13%. Việc giá dầu giảm do lo ngại nguồn cung dư thừa (có thể kéo theo lạm phát hạ nhiệt) đã khiến thị trường phải điều chỉnh lại kỳ vọng đối với ECB. Cụ thể, dự kiến tổng mức cắt giảm của ECB trong năm 2024 vẫn ổn định với 60-65 bps. Mặt khác, tổng mức cắt giảm cho năm 2025 dự kiến là 122 bps, tăng 25 bps so với dự báo cách đây một tuần. Ngoài ra, thị trường đang kỳ vọng HICP không bao gồm thuốc lá sẽ tăng trung bình 1.64% cho đến năm 2025, thấp hơn so với dự báo của chúng tôi.

Ngoại hối: Trong phiên u ngày hôm qua, các đồng tiền nhạy cảm với rủi ro và hàng hóa đã giao dịch với mức giảm rõ rệt, đáng chú ý là EUR/NOK tăng mạnh trong phiên Mỹ. Sự phục hồi của thị trường trái phiếu đã hỗ trợ phần nào cho JPY, mặc dù USD gần như đi ngang, USD/JPY vẫn giảm trở lại mức thấp nhất trong nhiều tháng, chỉ trên 142.00.

Điểm nhấn thị trường trái phiếu

Hôm nay, Norges Bank sẽ chào bán thêm 3 tỷ NOK TPCP Na Uy kỳ hạn 2026 (NST 478) với lợi suất 1.5% và kỳ hạn 04/34 (NST 487) với lợi suất 3.625%. Tính đến thời điểm hiện tại, Norges Bank đã bán được tổng cộng 80 tỷ NOK so với mục tiêu phát hành là 100-110 tỷ NOK. Mặc dù khối lượng đấu giá đã được nâng lên, chúng tôi vẫn kỳ vọng Norges Bank sẽ phát hành vừa phải trong phạm vi 100-110 tỷ NOK, thay vì mức tối đa như họ đã làm trong quá khứ.

Điểm nhấn thị trường ngoại hối

Các đồng tiền chính: GBP/USD đã có khởi đầu ngày mới khá tích cực nhưng sau đó lại đánh mất đà tăng trong phiên giao dịch hôm qua và đóng cửa gần như không đổi. Nhìn chung, ngoài những thông tin đã trình bày bên trên, với số liệu GDP tháng 7 thấp hơn dự kiến vừa được công bố vào đầu giờ chiều nay, GBP/USD một lần nữa đánh mất đà tăng từ đầu ngày mặc dù chỉ số DXY đang giảm nhẹ. Dữ liệu này đặc biệt quan trọng đối với BoE trong bối cảnh ngân hàng trung ương này đang theo dõi sát sao nguy cơ lạm phát do cầu kéo khi nhu cầu nội địa tăng cao. Với sự trì trệ qua số liệu tháng 7, phản ứng của GBP cũng là điều dễ hiểu.

Các đồng tiền Bắc Âu: Giá dầu thô Brent tiếp tục giảm và rớt xuống dưới 70 USD/thùng trong phiên giao dịch hôm qua. Hiện tại, chưa có thông tin nào thực sự đáng chú ý để lý giải cho sự sụt giảm này, nhiều khả năng là do lo ngại về nguồn cung dư thừa và USD mạnh lên. Mặc dù chúng tôi cho rằng đà bán tháo này là quá mức cần thiết khi xét trên bối cảnh kinh tế vĩ mô, nhưng tâm lý bi quan của thị trường có lẽ sẽ chỉ thay đổi khi Fed đưa ra những tín hiệu ôn hòa hơn trong tuần tới. Trong thời gian chờ đợi, NOK nhiều khả năng sẽ tiếp tục chịu áp lực. Mặc dù NOK đã tăng giá do chênh lệch lãi suất mở rộng sau khi dữ liệu CPI được công bố vào hôm qua, nhưng nhìn chung, đồng tiền này vẫn bị chi phối bởi diễn biến của thị trường toàn cầu.

Danske Bank Research

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ