Nước Pháp đang dần sa lầy trong cuộc khủng hoảng chính trị
Kiều Hồng Minh
Junior Analyst
Quốc gia này đang phải đối mặt với tình trạng: Không chính phủ, không ngân sách và bế tắc về mặt chính trị
Vào ngày 07/12, 50 nguyên thủ quốc gia và chính phủ sẽ có mặt để kỷ niệm việc mở cửa trở lại Nhà thờ Đức Bà Paris, một công trình kiến trúc Gothic được xây dựng từ thế kỷ 12, bị thiêu rụi cách đây 5 năm nhưng nay đã được phục hồi với tốc độ đáng kinh ngạc và kỹ năng tuyệt vời. Donald Trump sẽ có mặt ở đó (Joe Biden, vị tổng thống Công giáo thứ hai của Mỹ, đáng tiếc là sẽ không) để chứng kiến biểu tượng của Nước Pháp trở lại, một kỳ tích mà chắc chắn không quốc gia nào khác có thể làm được.
Tuy nhiên, nước Pháp tráng lệ đó cũng đang sa lầy trong một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc. Chính phủ đã bị quốc hội sa thải vào ngày 04/12. Thủ tướng Michel Barnier đã cố gắng thông qua kế hoạch ngân sách cho năm 2025 hai ngày trước đó, nhưng đã gặp phải thực tế tàn khốc khi đảng của ông không nắm trong tay đa số phiếu và trở thành thủ tướng có thời gian tại vị ngắn nhất của nền Cộng hòa thứ năm. Trong một hiệp ước chính trị bẩn thỉu, Marine Le Pen, lãnh đạo đảng Tập hợp Quốc gia (RN) cánh hữu cứng rắn, đã hợp lực với một liên minh cánh tả do Jean-Luc Mélenchon thống trị, để bóp nghẹt những người theo chủ nghĩa trung dung của Pháp.
Tình hình khó khăn hiện tại của Pháp mang đến nhiều bài học. Các đảng phái trung tả và trung hữu truyền thống của đất nước đã bị phân mảnh. Trong các cuộc bầu cử tổng thống gần đây, một nửa số cử tri đã chọn những người có quan điểm cực đoan trong vòng đầu tiên. Lần lượt từ vị tổng thống này đến tổng thống khác đã thất bại trong việc kiểm soát ngân sách. Dân số ngày càng già hóa và các mối đe dọa ngày càng tăng đối với an ninh quốc gia đồng nghĩa với việc gánh nặng tài chính sẽ tăng lên. Cách thể hiện quan điểm chính trị thô lỗ và không mang tính xây dựng của chính quyền chỉ càng đẩy người dân đến với các lựa chọn mang tính cực đoan — do đó làm cho các giải pháp trở nên khó khăn hơn. Theo cách này hay cách khác, phần lớn các quốc gia châu Âu đều đang bị mắc kẹt trong cùng một tình trạng như vậy.
Điều đó đã dẫn tới sự bế tắc tại Pháp. Không có đảng phái hay liên minh nào gần đạt được mức đa số trong Quốc hội, khiến đất nước hiện đang phải đối mặt với viễn cảnh của một loạt các chính phủ thiểu số tồn tại trong thời gian ngắn sẽ phải vật lộn để hoàn thành bất cứ điều gì. Bởi vì tổng thống Emmanuel Macron đã kêu gọi một cuộc bầu cử sớm, không đúng lúc chỉ sáu tháng trước, nên Pháp không thể tổ chức một cuộc bầu cử mới cho đến tháng 7 năm sau — và ngay cả khi điều đó xảy ra, không có gì đảm bảo rằng bất kỳ đảng phái hay liên minh nào sẽ giành được đa số. Mặc dù việc chính phủ đóng cửa là điều cần tránh xảy ra nhất, bởi vì kế hoạch ngân sách năm nay có thể được dời sang sang năm sau, nhưng tình hình này ngăn cản bất kỳ cải cách nào.
Vấn đề cơ bản là hầu hết cử tri Pháp không sẵn sàng đối mặt với tình hình hiện tại. Giống như các quốc gia châu Âu dần già hóa khác đang phải đối mặt với sự cạnh tranh từ Mỹ và châu Á, Pháp đang chi tiêu một cách không bền vững. Năm nay, thâm hụt ngân sách của nước này được dự báo sẽ vượt quá 6% GDP. Ông Barnier, theo lệnh của ông Macron, đã cố gắng khắc phục điều đó. Gói cắt giảm chi tiêu 40 tỷ Euro (42 tỷ USD) và tăng thuế 20 tỷ euro của ông sẽ giảm bớt tình trạng thâm hụt, mặc dù chỉ khoảng một điểm phần trăm hoặc hơn. Ngay cả con số đó cũng là quá nhiều đối với phe cánh hữu và cánh tả vô trách nhiệm, những người chọn theo đuổi quyền lực bằng cách thổi bùng sự bất mãn của dân chúng.
Thật khó để cách mà tình trạng này có thể được giải quyết. Cho đến khi các cử tri khám phá lại những giá trị của sự tiết kiệm, họ sẽ tiếp tục bỏ phiếu cho những ảo tưởng do những người cực đoan tạo ra. Kế hoạch ngân sách hợp lý, tức là gây khó khăn cho việc chi tiêu, sẽ không được thông qua. Tăng trưởng kinh tế sẽ làm cho tất cả những điều đó trở nên dễ dàng hơn, nhưng Pháp chỉ tăng trưởng chưa đến 1% mỗi năm — không quá tệ đối với khu vực Eurozone, nhưng gần như không đủ để hỗ trợ vấn đề ngân sách. Trong khi đó, nợ công của Pháp đang ở ngưỡng đáng báo động là 110% GDP. Người Bắc Âu từng chế giễu nhóm PIGS — Bồ Đào Nha, Ý, Hy Lạp và Tây Ban Nha — vì cách tiêu xài hoang phí của họ. Nhưng giờ Pháp lại trở thành chính "con heo" mà họ từng chỉ trích trong khi các quốc gia PIGS phần lớn đã được cải cách.
Cho đến nay, các thị trường tài chính vẫn bình tĩnh. Lợi suất trái phiếu chính phủ Pháp đã tăng lên một chút, nhưng chính phủ vẫn có thể đi vay với lãi suất thấp hơn chưa đến một điểm phần trăm so với Đức. Hãy so sánh điều đó với mức chênh lệch hơn mười điểm phần trăm mà Hy Lạp phải đối mặt trong cuộc khủng hoảng của khu vực Eurozone. Tuyên bố của Mario Draghi vào năm 2012 rằng ECBsẵn sàng làm "bất cứ điều gì cần thiết" để bảo vệ đồng Euro vẫn còn hiệu lực cho đến ngày nay.
Tuy nhiên, lời hứa của ông Draghi chỉ đơn thuần là một sự trì hoãn khỏi các vấn đề kinh niên của Pháp và Châu Âu, chứ không phải là một giải pháp thực sự. Nền kinh tế của Châu Âu không tăng trưởng đủ nhanh để tài trợ cho các nhu cầu của họ. Khu vực Eurozone được dự đoán sẽ chỉ tăng trưởng 0.8% vào năm 2024. Ông Trump đang đe dọa áp thuế đối với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ ở mức 10% hoặc có lẽ 20%, với mức cao hơn nhiều đối với các quốc gia mà ông đặc biệt không thích, chẳng hạn như Trung Quốc, điều này có thể dẫn đến việc hàng hóa bị bán phá giá tại các quốc gia Châu Âu.
Trên lục địa này, nhu cầu chi tiêu của chính phủ đang gia tăng. Quốc phòng là một ví dụ điển hình. Pháp, giống như Đức, chỉ mới đáp ứng mục tiêu chi tiêu được đặt ra vào năm 2014 là 2% GDP, và điều đó rõ ràng là không đủ trong một thế giới mà Vladimir Putin đe dọa các nước láng giềng của mình. Đồng thời, ông Trump cũng phàn nàn rằng rằng các thành viên châu Âu của NATO là những người được hưởng lợi miễn phí từ mức ngân sách quốc phòng lớn hơn nhiều từ Mỹ. Nếu ông Trump yêu cầu hoặc thậm chí đe dọa rút khỏi NATO, các nước châu Âu sẽ cần phải tìm thêm nhiều tiền để chi tiêu cho an ninh.
Thật không may, các chính trị gia cầm quyền của Châu Âu không thể tạo ra sự đồng thuận về quyết định chi tiêu cho các nhu cầu hiện tại và tương lai bởi sự phân mảnh chính trị đang tạo ra các chính phủ không thống nhất và tạo ra các liên minh cục bộ trong chính quyền, như ở Đức hoặc Hà Lan, hoặc các chính phủ thiểu số như ở Pháp hoặc Tây Ban Nha. Điểm yếu của họ sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực EU nói chung bởi vì nếu không có sự lãnh đạo từ Pháp và Đức, các mục tiêu của Brussels (trung tâm chính trị của Eurozone) vẫn sẽ chỉ nằm trên giấy.
Mối đe dọa phía trước
Trong quá khứ, sự bất mãn của cử tri sẽ dẫn đến một sự thay đổi lành mạnh của chính phủ. Tuy nhiên, Pháp cũng là một lời cảnh báo rõ ràng cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Khi cử tri đã mệt mỏi với các liên minh trung dung hoặc các chính phủ thiểu số yếu kém, lựa chọn duy nhất còn lại trước mắt họ là những cá nhân hoặc đảng phái thể hiện một thái cực mạnh mẽ. Đảng RN nhiều khả năng có thể lãnh đạo chính quyền Pháp vào năm tới, hoặc thậm chí là một tổng thống Le Pen vào năm 2027 khi cuộc bầu cử tiếp theo phải được tổ chức. Nếu ông Macron cho rằng chức tổng thống của mình đã trở nên quá sức chịu đựng và chấp nhận từ chức, thì viễn cảnh đó còn có thể đến sớm hơn.
The Ecomomist