[Phiên Giao Dịch Châu Âu] Chiến lược giao dịch của FX Trader JP Morgan London ngày 28/04/2020
Nguyễn Phan Bảo Giang
FX G7 Director
Trung lập với EUR và GBP, nhưng có thể tái đánh giá lại tại những vùng kháng cự quan trọng. Long AUD và JPY.
EUR
Thị trường ngoại tệ gần đây giao dịch trầm lắng và gần như không biến động gì đáng kể trong hôm qua. Đồng EUR có nhịp điều chỉnh tương đối quanh vùng đỉnh của ngày, trong khi đồng USD giảm nhẹ so với các đồng G10, mặc dù vậy xu hướng có vẻ đã đảo chiều hoặc ít ra là bắt đầu có tín hiệu như thế. Phe mua dầu tiếp tục đối mặt thử thách, khi mà giá WTI giảm sâu vào hôm qua và vẫn duy trì xu hướng này vào buổi sáng phiên Âu hôm nay. Bất ngờ thay, diễn biến này chỉ tác động rất khiêm tốn lên các ngoại tệ có tương quan với dầu, và điều này vẫn tiếp diễn khi tôi viết báo cáo này. Quan điểm của chúng tôi với EUR gần đây hầu như là bearish, mặc dù chúng tôi có suy nghĩ là trạng thái ngắn hạn đã được thiết lập xong trong các tuần vừa qua. Tâm lý lạc quan vừa phải xoay quanh khả năng tái mở cửa trở lại của các quốc gia đang tràn ngập thị trường, và có vẻ đây sẽ là tâm lý chủ đạo trong thời điểm này. Điều này sẽ là trở ngại cho đà tăng mạnh của chỉ số DXY. Trong trường hợp nào đi nữa, quan điểm EUR của chúng tôi là ở mức trung lập cho đến bearish, và sẽ tái đánh giá lại nếu giá vượt 1.0900/20. ECB, FOMC, và kết thúc tháng diễn ra trong tuần này sẽ là những sự kiện trọng tâm cho các đồng G10, nhưng hôm nay có lẽ thị trường không biến động quá nhiều.
GBP
Phiên giao dịch hôm qua trầm lắng và không có bất kỳ sự hứng khởi nào, với biên độ tiếp tục thu hẹp khi mà thế giới điều chỉnh theo một hình thái mới. Cable gần như không dao động gì vào hôm qua và khó mà có bất kỳ diễn biến tích cực nào để thay đổi cục diện trong hôm nay. Mức hỗ trợ và kháng cự kỹ thuật trong ngắn hạn là 1.2360 và 1.2450.
AUD, NZD, CAD
Đang diễn ra sự phân hóa giữa các đồng tiền châu Đại dương trong 24h qua, khi mà AUD ghi nhận nhu cầu mua đáng kể, trong khi NZD lại suy yếu trong đêm khi một ngân hàng của New Zealand đề xuất biện pháp hạ lãi suất về dưới 0%. RBNZ đã chọn hướng tiếp cận chủ động đối vối chính sách nới lỏng tiền tệ của mình hơn bất kỳ NHTW nào, và dĩ nhiên họ cần đồng tiền của mình suy yếu hơn nữa để hỗ trợ cho tài khoản vãng lai đang thâm hụt nghiêm trọng nhất trong nhóm G10, nếu họ chọn cách giảm lãi suất về dưới 0%, hoặc nếu họ bắt đầu mua vào các tài sản nước ngoài. Dù câu chuyện về NZD suy yếu là rất thuyết phục nhưng trạng thái hiện tại lại không phản ánh được hết câu chuyện đó. Trong khi đó, đồng AUD tăng mạnh hôm qua là điều khá kỳ quặc nhưng có vẻ các trạng thái long USD đã bị siết tại một số thời điểm. Diễn biến của thị trường chứng khoán sẽ dẫn dắt hành động giá của USD trong thời gian tới và chúng ta có thể thấy các tuần lễ sắp tới tâm lý risk-off tăng trở lại khi các nền kinh tế sớm mở cửa trở lại. NZD có lẽ sẽ có biểu hiện kém nhất so với các đồng khác trong thời gian này khi các trạng thái Short NZD vẫn đang gia tăng. CAD đã đánh mất momentum của mình. Đúng là USDCAD hôm qua bị tác động mạnh bởi sự suy yếu của USD hôm qua và chưa phản ánh đúng ảnh hưởng của xu hướng dầu trong hôm nay, nhưng tôi nghĩ USDCAD sẽ giao dịch ở khối lượng thấp hơn nhiều so với các đồng khác cho đến khi nào có một tín hiệu rõ nét hơn.
CHF
Tỷ giá EUR/CHF tăng đáng kể vào hôm qua so với bối cảnh biến động hạn chế trong các phiên trước, trong đó ghi nhận mức đỉnh 1.05795 trước khi giảm trở lại về vùng 1.0560. Tôi cảm thấy mức tăng vọt của tiền gửi không kỳ hạn so với tuần rồi đã phát đi thông điệp đến thị trường rằng ngưỡng chặn 1.05 khó bị xô đổ, và điều này thúc đẩy các động thái cover short. Chúng tôi cần phải nhắc lại rằng đầu năm nay tại vùng giá 1.06, mọi thứ cũng diễn ra tương tự hiện nay và duy trì suốt một thời gian trước khi “đầu hàng” và bị xuyên thủng 1.06. Dĩ nhiên chúng tôi không biết được những ý định chính xác của NHTW Thụy Sĩ (SNB) là gì, nhưng tôi hoài nghi việc SNB muốn giữ vững vùng mức hỗ trợ cứng hiện nay và sẽ cố gắng kiềm hãm bất kỳ một nhịp giảm sâu nào đó. Vận động giá bất ngờ của hôm qua rất đáng chú ý, và cũng cần ghi nhận việc tỷ giá EUR/CHF tiếp tục tăng vào hôm nay ngay khi phiên Âu chuẩn bị mở cửa. Động thái cover short rõ ràng là yếu tố góp phần vào xu hướng này, nhưng nếu chúng tôi tiếp tục thấy một lực mua bền bỉ vào hôm nay, thì cần phải xem xét phải chăng xu hướng bị dẫn dắt bởi cầu mua thực tế. Chúng ta đang gần đến giai đoạn cuối tháng, nên nhu cầu này có thể đóng vai trò quan trọng. Nhìn vào dòng chảy vốn của khách hàng hôm qua, các hedge funds nhìn chung là bên bán CHF, trong khi các quỹ tiền mặt và các doanh nghiệp lại khá im ắng. Điều này đã góp phần hỗ trợ tình trạng cover short tỷ giá EUR/CHF, nhưng cũng không hoàn toàn phủ định khả năng về sự xuất hiện của lượng Inflow lớn của đồng CHF. Tôi nghiêng về phía Sell on rally, nhưng với tình hình hiện nay, tôi sẽ kiên nhẫn chờ đợi thời cơ. Từ đây cho đến hết tuần, tôi nghĩ bất kỳ lần bật tăng nào của EUR/CHF lên vùng 1.0620/50 sẽ xuất hiện lực bán rải, hoặc thậm chí bán trước cả khi giá chạm vùng này. Trong ngắn hạn, chú ý mức 1.0590/1.0600.
JPY
Phiên Châu Á khá trầm lắng khi chứng kiến giao dịch của USD/JPY tích lũy trong biên độ 15 pip quanh vùng 107 sau chuỗi 11 phiên liên tiếp đóng cửa trên mức này. Không có gì để nói thêm vào lúc này ngoại trừ việc các cặp tỷ giá chéo JPY sắp bước vào tuần lễ Vàng đáng chú ý. Cuối tháng đang đến gần, kèm với đó là các sự kiện liên quan đến Fed và ECB (mà trong đó các thông tin của ECB có vẻ thú vị hơn) và với tình hình thị trường chứng khoán khởi sắc, thì chúng tôi ưu tiên Short USD so với các đồng khác. Trên tinh thần đó, nếu giá phá vỡ 107 và đóng cửa dưới mức này, USD/JPY sẽ hướng đến vùng 106.10/20, với ngưỡng kháng cự vẫn là 108.10/20 và xa hơn là 108.50/60