Quên việc bắt đáy dầu đi: Nhu cầu dầu có lẽ vĩnh viễn không thể trở lại như trước
Tin Tức Tổng Hợp
feeder
Chiếc động cơ cuối cùng đã bị ngập, và không còn có thể xử lý nổi khối lượng chất lỏng được bơm vào xi lanh của nó
Sự sụp đổ của giá dầu được kích hoạt bởi coronavirus đã thúc đẩy thỏa thuận lịch sử của Opec + để cắt giảm nguồn cung. Một số cơ quan điều tiết đã cố gắng nhìn xa hơn để định hình lại tốc độ hồi phục nhu cầu dầu sau khủng hoảng.
Ví dụ, Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ dự kiến nhu cầu giảm 18 triệu thùng mỗi ngày trong tháng này trước khi phục hồi mạnh trở lại mức 100 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay (mức tiêu thụ toàn cầu quy đổi hàng năm chỉ giảm 5.2 triệu). Sau đó, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ trở lại hoàn toàn bình thường như mức trước đó, với mức tiêu thụ năm 2021 dự kiến là 102 triệu thùng/ngày, cao hơn 7 triệu so với năm 2020 và cao hơn 1% so với mức 100.8 triệu của năm 2019 (cho đến nay là mức cao kỷ lục mọi thời đại).
Tương tự, Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho rằng sự sụt giảm lớn trong tháng này là 29 triệu thùng/ngày và cho toàn bộ năm 2020 là 9.3 triệu. Đến tháng 12, nhu cầu sẽ chỉ thấp hơn 2.7 triệu so với mức năm 2019.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu một phần nhu cầu sẽ bị mất đi vĩnh viễn? Năm 2019 thậm chí có thể đánh dấu đỉnh cao nhất mọi thời đại về nhu cầu dầu mỏ toàn cầu, nằm trong khoảng từ 95 triệu đến 100 triệu thùng/ngày và bước vào xu thế giảm dài hạn?
Nếu câu hỏi nghe có vẻ khó hiểu, hãy xem xét áp lực cấu trúc trên thị trường dầu đã có từ trước khi coronavirus tấn công và sau đó thêm vào những thay đổi về hành vi do đại dịch, những yếu tố này sẽ còn tồn tại lâu dài.
Đầu tiên, áp lực cấu trúc của cải tiến hiệu suất tiêu thụ xăng dầu, có thể thấy rõ trong nhu cầu xăng dầu của Hoa Kỳ trong thập kỷ rưỡi qua. Theo EIA, mức đỉnh cao nhất của nhu cầu dầu mỏ của Mỹ cho đến nay là vào năm 2005 ở mức 20.8 triệu thùng/ngày.
Mặc dù dân số Hoa Kỳ tăng 20 triệu trong khoảng 2005-19, và số dặm xe đi lại (VMT) tăng gần 10% từ 8.2 tỷ dặm/ngày năm 2005 lên 9 tỷ dặm/ngày vào năm 2019, lượng tiêu thụ dầu của Mỹ vào năm 2019 vẫn còn dưới năm 2005. Sự gia tăng dân số và VMT không vượt được cải tiến hiệu quả tiêu thụ năng lượng của phương tiện.
Thứ hai, lượng xăng tiêu thụ bị mất do cải thiện hiệu suất ở Mỹ và các nơi khác trong 15 năm qua sẽ không là gì nếu so với nhu cầu xăng dầu bị triệt tiêu trên toàn cầu trong 15 năm tới bởi hiệu quả vượt trội của xe điện. Đây là một áp lực cấu trúc chỉ mới bắt đầu khẳng định chính mình nhưng với việc Trung Quốc và Ấn Độ cạnh tranh với châu Âu cho các mục tiêu tham vọng nhất về ngành xe điện, tác động của nó sẽ rất sâu rộng.
Thứ ba, đó là phản ứng dữ dội chống lại toàn cầu hóa. Đây chủ yếu là một hiện tượng chính trị trước khi đại dịch xảy ra, nhưng con virus đã làm bộc lộ sự mong manh của chuỗi cung ứng công nghiệp mở rộng quá mức, có khả năng sẽ có một cuộc tranh luận nghiêm túc về giới hạn thận trọng của việc thuê ngoài một khi cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng đã qua. Sản xuất từ địa phương nhiều hơn có nghĩa là nhu cầu dầu ít hơn.
Tiếp theo, hãy xem xét những thay đổi hành vi ảnh hưởng đến nhu cầu dầu do đại dịch gây ra.
Đầu tiên, hàng trăm triệu lượt đi lại hàng ngày đã bị loại bỏ dưới sự phong tỏa toàn cầu vì tất cả những người lao động đã thích nghi với công việc làm từ nhà. Sẽ có rất nhiều những nghiên cứu học thuật về năng suất của LON (làm ở nhà) khi dữ liệu bắt đầu xuất hiện. Nhưng nếu câu hỏi đặt ra là liệu về dài hạn, tỷ lệ làm việc tại nhà sẽ cao lên hay thấp đi? Liệu có ai sẽ đặt cược là nó thấp đi không?
Thứ hai, du lịch hàng không quốc tế đã sụp đổ trong vài tuần qua khi các cuộc họp và hội nghị kinh doanh đã không thể thực hiện được bởi phong tỏa toàn cầu. Tuy nhiên, du lịch hàng không là một trong những nguồn nhu cầu dầu tăng nhanh nhất trong thập kỷ qua. Tăng trưởng sẽ quay trở lại, nhưng khi các doanh nghiệp đã học cách thay thế các cuộc gặp mặt trực tiếp bằng các dịch vụ hội nghị truyền hình trực tuyến, khi các doanh nghiệp đã quen với việc tiết kiệm được chi phí và hiệu quả từ làm việc trực tuyến, họ có muốn trở lại như xưa?
Thứ ba, ngay cả khi hoạt động bình thường bắt đầu quay trở lại và phong tỏa dần được dỡ bỏ, các cân nhắc về sức khỏe cộng đồng có thể tác động đến các chính phủ. Chính phủ có thể ra các điều kiện hạn chế cho phép các cuộc tụ tập lớn trong một thời gian dài nữa, trong khi các lo lắng về sức khỏe cá nhân cũng ảnh hưởng đến việc từng cá nhân lựa chọn đi du lịch. Vết sẹo tâm lý mà virus này để lại trên hầu hết xã hội của chúng ta có thể là sâu sắc.
Nói tóm lại, những gì chúng ta đang thấy có thể là một thứ gì đó nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng tạm thời đến nhu cầu dầu. Điều này không dễ dàng được khắc phục thông qua việc cắt giảm nguồn cung và phục hồi kinh tế hình chữ V. Thay vào đó, có thể là chiếc động cơ cuối cùng đã bị ngập, và không còn có thể xử lý nổi khối lượng chất lỏng được bơm vào xi lanh của nó.