Rủi ro khủng hoảng tài chính vẫn còn lơ lửng đối với Châu Âu
Tú Đỗ
Senior Economic Analyst
Những rủi ro bất ổn về tài chính vẫn đang tiềm ẩn đối với EU và một liên minh ngân hàng chung sẽ là giải pháp cốt lõi cho vấn đề này
Các nước Châu Âu hiện đang phải đối mặt với một tình trạng hiểm nghèo. Trong khi đại dịch Covid-19 vẫn còn đang rất căng thẳng, một cuộc khủng khoảng khác cũng đang rình rập liên quan tới vấn đề tài chính. Nhằm đảm bảo cho vị thế trung tâm của đồng tiền chung, các nhà lãnh đạo EU giờ đây sẽ buộc phải hợp tác với nhau theo một cách mà họ trước nay vẫn thường tránh né.
Việc ban hành đồng tiền chung đã mang lại rất nhiều những lợi ích, từ làm thông suốt giao thương cho tới tăng cường sức cạnh tranh trên toàn cầu. Tuy vậy, điều này cũng buộc các quốc gia thành viên phải từ bỏ sự độc lập của chính sách tiền tệ, vốn là một phương án dự phòng cho vấn đề nợ công và hệ thống tài chính của mình. Một trong những hệ quả đó là việc các ngân hàng gặp khó khăn đã gây sức ép lên tài chính của từng chính phủ, và ngược lại. Vòng lặp này xảy ra đặc biệt rõ ràng trong giai đoạn đầu những năm 2010, khi khu vực Euro gần tan rã.
Vào năm 2012, các nhà lãnh đạo EU thông nhất với một giải pháp cho vấn đề trên: Họ lên kế hoạch xây dựng một liên minh ngân hàng mà ở đó các chính phủ thành viên sẽ cùng tham gia giám sát các định chế tài chính và quan trọng hơn đó là giải thể hoặc tái cấu trúc các ngân hàng nếu cần thiết. Kể từ đó tới nay, kế hoạch trên vẫn diễn ra với tiến độ rất chậm. Mặc dù NHTW Châu Âu (ECB) hiện đang giám sát hoạt động của các ngân hàng lớn nhất trong khu vực, từng chính phủ vẫn đang phải chịu gánh nặng cho việc giải cứu khi cần thiết, như những gì đã diễn ra tại Ý và Đức đã chứng minh. Ý tưởng về một quỹ bảo hiểm tiền gửi chung cho hệ thống ngân hàng hiện vẫn chỉ nằm trên giấy.
Đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm vấn đề trên, khi các chính phủ phải vay nợ nhiều hơn để tài trợ cho các gói giải cứu kinh tế. IMF ước tính rằng quy mô nợ công tại khu vực Euro sẽ vượt mức 98% GDP vào cuối năm 2021, từ mức 84% vào cuối năm 2019. Tồi tệ hơn thế, nợ của các quốc gia thành viên cũng đang chất đống trên bảng cân đối của các ngân hàng. Tính tới cuối tháng 2, lượng TPCP nắm giữ bởi các ngân hàng Italia đã lên tới mức 124% của mức vốn dự trữ thua lỗ, khiến cho các ngân hàng này trở nên cực kỳ mong manh trước những rủi ro về tài khóa.
Khối lượng TPCP nắm giữ bởi các ngân hàng đã tăng vọt trong đại dịch Covid-19
Bên cạnh những rủi ro tài chính, rủi ro vỡ nợ của các quốc gia thành viên cũng là một trở ngại đối với việc hình thành liên minh ngân hàng chung. Các quốc gia phía bắc như Đức không muốn đóng góp vào quỹ bảo hiểm tiền gửi chung để trợ cấp cho các ngân hàng Italia vì nắm giữ quá nhiều TPCP nước này. Mặt khác, các quốc gia nợ nhiều lại lo lắng rằng việc hạn chế khối lượng nắm giữ TPCP của các ngân hàng sẽ khiến khả năng vay nợ khó khăn hơn. Có một giải pháp cho vấn đề này đó là buộc các ngân hàng phải đa dạng hóa danh mục nắm giữ. ECB có thể thiết kế ra một "danh mục an toàn" bao gồm TPCP của các quốc gia thành viên chia theo tỷ trọng GDP. Các ngân hàng sẽ phải tăng vốn tối thiểu nếu muốn nắm giữ thêm các TPCP ngoài danh mục an toàn. Điều này sẽ giải quyết mối lo ngại của các quốc gia phía bắc khi tạo thêm động lực cho các ngân hàng giảm mức nắm giữ TPCP trong nước, cùng với đó giảm thiểu áp lực lên các quốc gia nợ lớn. Sự sụt giảm của lượng TPCP Italia nắm giữ bởi các ngân hàng trong nước có thể được bù đắp bởi nhu cầu tăng lên từ các ngân hàng nước ngoài.
Đây có thể sẽ là một bước tiến lớn trong việc xây dựng liên minh ngân hàng. Các nhà lãnh đạo do vậy cần hành động mạnh mẽ hơn nữa. Trong đại dịch, lãnh đạo các quốc gia Châu Âu đã sẵn sàng hợp tác sâu rộng hơn mà nổi bật nhất là quỹ tài khóa chung nhằm hỗ trợ cho các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Điều tương tự cũng cần được thực hiện đối với hệ thống ngân hàng và tình hình nợ công của các quốc gia thành viên. Chỉ khi giải quyết được vấn đề trên, hệ thống đồng tiền chung Châu Âu mới thật sự được hoàn thiện
Bloomberg