Sự chuyển mình của nền kinh tế Nhật Bản có ý nghĩa thế nào với giá trị của đồng JPY?
Kiều Hồng Minh
Junior Analyst
Đồng Yên Nhật đã trải qua vùng đáy 34 năm trong thời gian qua. BoJ dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất, trong khi các NHTW khác như Fed được kỳ vọng một cách mạnh mẽ rằng sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất. Chênh lệch lãi suất giữa hai nước thu hẹp, dòng vốn nước ngoài đổ vào gia tăng và sự can thiệp của chính phủ sẽ hỗ trợ đồng JPY tăng giá trở lại trong tương lai.
Đồng Yên Nhật là một chủ đề được thảo luận khá phổ biến gần đây, trong đó hầu hết đều hướng về các giao dịch carry trade (nghiệp vụ vay tiền với lãi suất gần bằng 0 ở Nhật Bản và đầu tư vào các thị trường có lãi suất cao hơn) với quy mô thị trường được ước tính vào khoảng 4,000 tỷ USD. Quy mô khổng lồ của nghiệp vụ này có nghĩa là biến động của đồng JPY có tác động đáng kể đến thị trường tài chính toàn cầu, khiến cho nhiều người ngày càng lo lắng về việc dòng tiền sẽ tháo chạy ồ ạt khỏi các giao dịch trên. Thực tế, một số người tin rằng việc BoJ tăng lãi suất gần đây là một yếu tố quan trọng góp phần vào sự hoảng loạn của thị trường vào đầu tháng 8.
Trong quá khứ, bán khống đồng Yên là một trong những giao dịch phổ biến và thành công nhất trên Phố Wall. Tỷ giá USD/JPY có lúc đã chạm đỉnh 34 năm vào tháng 7 vừa qua. Lý do cho sự suy yếu dai dẳng của đồng tiền này phần lớn đến từ yếu tố cơ bản. Lãi suất điều hành tại Nhật Bản là khoảng 0.25% so với mức 5.25% - 5.5% tại Mỹ và 4.25% tại Châu Âu. Mức chênh lệch lãi suất lớn này đã góp phần hạn chế dòng vốn chảy vào Nhật Bản và thúc đẩy dòng vốn chảy ra khỏi Nhật Bản, hướng tới thị trường nước ngoài. Tăng trưởng kinh tế vĩ mô ổn định, đặc biệt là ở Mỹ, đã tạo thêm áp lực giảm giá đối với đồng Yên Nhật. Mặc dù hành động tăng lãi suất gần đây đã gây ra sự bối rối trên thị trường toàn cầu - và thậm chí ẩn giấu động cơ chính trị - nhưng tôi dự đoán rằng những thay đổi đáng kể đối với môi trường chính sách tiền tệ tại Nhật Bản sẽ dẫn đến sự tăng giá bền vững của đồng JPY. Lượng vị thế mua dài hạn đối với đồng tiền này rất thấp – bởi nhiều lý do chính đáng - nhưng tôi tin rằng dư địa tăng giá vẫn còn đó bởi những lý do sau:
- Chênh lệch (Spread) giữa lãi suất JPY và USD dần thu hẹp
- Tình hình lạm phát tại Nhật Bản
- Tăng trưởng kinh tế và dòng vốn đổ vào Nhật Bản tiếp tục gia tăng
- Hỗ trợ của chính phủ đối với đồng nội tệ
Có rất nhiều quỹ ETF mô phỏng đồng Yên Nhật, nhưng một trong những quỹ phổ biến nhất là Invesco CurrencyShares Japanese Yen Trust (Mã chứng khoán: FXY), được xây dưng với mục đích mua vào dài hạn đồng JPY bằng đồng USD. Ưu điểm chính của FXY là nó là một quỹ ETF tiền tệ thuần túy và không liên quan đến hợp đồng hoán đổi hoặc phái sinh, không giống như các quỹ ETF khác. Nó cũng là một trong những quỹ ETF thanh khoản nhất mô phỏng đồng Yên, có mức chi phí thấp và đến từ nhà cung cấp ETF lớn thứ 4 trên toàn thế giới là Invesco.
Mức chênh lệch (Spread) dần thu hẹp
Đồng Yên Nhật phụ thuộc nhiều vào lãi suất điều hành ở các quốc gia khác, đặc biệt là Hoa Kỳ. Các động thái của Fed cực kỳ quan trọng đối với Nhật Bản: Sự mất giá mạnh mẽ của đồng tiền này đến từ hành động tăng lãi suất tại Hoa Kỳ. Andrew Brenner, người đứng đầu bộ phận Chứng khoán Thu nhập cố định Quốc tế tại NatAlliance Securities, giải thích rằng, “Tất cả là do Fed. Lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn đang giữ cho lãi suất ngắn hạn ở mức rất cao, thu hút tiền vào Hoa Kỳ và giữ vững sức mạnh cho đồng USD. ”
Đồng bạc xanh mạnh lên đã góp phần vào sự suy yếu của đồng JPY, nhưng lộ trình lãi suất sắp tới từ Fed sẽ đảo ngược điều này. Một vài báo cáo việc làm gần đây đã gây ra sự thất vọng và ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng Fed phải cắt giảm lãi suất vào tháng 9. Chưa hết, việc cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sẽ mở đường cho nhiều lần cắt giảm hơn nữa; các nhà giao dịch kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ đạt 4-4.25% sau cuộc họp FOMC ngày 18/12.
FXY đặc biệt hấp dẫn trong trường hợp này vì nó đã mua dài hạn đồng Yên Nhật. Do đó, đồng USD suy yếu do việc cắt giảm lãi suất sẽ khiến hiệu suất của ETF này gia tăng.
Chênh lệch lãi suất tại Nhật Bản và Hoa Kỳ dự kiến sẽ tiếp tục thu hẹp khi BoJ tăng lãi suất. Trên thực tế, Bloomberg đưa tin rằng “trong số 23 NHTW hàng đầu thế giới được cập nhật quan điểm hàng quý, chỉ có BoJ sẽ không hạ lãi suất vòng 18 tháng tới, trong khi hầu hết NHTW đã sẵn sàng cắt giảm trong năm nay. ” Các nhà kinh tế dự đoán rằng BoJ hiện đang trong chu kỳ tăng lãi suất và dự báo mức lãi suất điều hành cao nhất sẽ nằm trong khoảng 0.5-1.0%.
Động lực chính đối với chính sách lãi suất ở Nhật Bản, cũng như ở Mỹ, là đạt được tỷ lệ lạm phát 2% (mặc dù BOJ muốn lạm phát tăng lên trong khi Fed muốn nó giảm xuống). Nhật Bản từ lâu đã phải vật lộn với thời kỳ giảm phát kéo dài và BOJ đã nhiều lần cố gắng thực hiện các chính sách thúc đẩy lạm phát với mục tiêu đạt được tỷ lệ 2%.
Những nỗ lực trong quá khứ của họ hầu hết đã thất bại, nhưng Nhật Bản đang cho thấy tín hiệu thành công trong thời gian gần đây và tin rằng mức lạm phát 2% bền vững đang "trong tầm tay". Lạm phát đã bị thúc đẩy bởi đồng nội tệ yếu, chính sách tiền tệ nới lỏng và quan trọng hơn cả là tăng trưởng tiền lương. Quy trình đàm phán tiền lương của Nhật Bản khá độc đáo. Vào mùa xuân, các cuộc đàm phán (hay còn được gọi là “shunto”) bắt đầu, nơi các công đoàn doanh nghiệp đàm phán mức lương với các nhà tuyển dụng. Mức tăng lương tại Nhật Bản vào năm 2023 là con số cao nhất trong vòng 30 năm qua, nhưng sau đó đã nhanh chóng bị lu mờ bởi mức tăng thậm chí còn lớn hơn vào năm 2024.
Lạm phát là một hiện tượng mới ở Nhật Bản và rất khó để nói rõ hiện tượng này hiếm hoi như thế nào tại quốc gia này. Việc tăng giá là một khái niệm xa lạ đối với các chủ cửa hàng Nhật Bản đến mức nhiều giám đốc điều hành Nhật Bản đang tham gia các lớp học để tìm hiểu cách thức tăng giá.
Nền kinh tế Nhật Bản có bước chuyển mình đáng chú ý
Nền kinh tế Nhật Bản đã trải qua giai đoạn trì trệ nguy hiểm trong ba mươi năm qua, điều mà một số người gọi là "thập kỷ mất mát" của nó. Chỉ số Nikkei 225 gần đây đã vượt qua mức đỉnh năm 1989, mặc dù nếu điều chỉnh theo lạm phát, vốn hóa thị trường chứng khoán Nhật Bản hiện tại thấp hơn so với thời điểm đó.
Từ năm 1991 đến năm 2003, nền kinh tế Nhật Bản chỉ tăng trưởng 1.14% mỗi năm, thấp hơn nhiều so với các quốc gia công nghiệp khác. Tốc độ tăng trưởng trung bình từ năm 2000 đến 2010 là 1%.
Một số thống kê xung quanh thị trường chứng khoán Nhật Bản thật đáng kinh ngạc: khoảng một nửa số công ty niêm yết tại đây giao dịch dưới giá trị sổ sách và chỉ riêng việc mua lại cổ phiếu của Apple vào năm 2024 đã gần gấp đôi tổng số tiền cần để mua lại cổ phiếu của tất cả các doanh nghiệp Nhật Bản.
Nhưng, mọi thứ sau đó đã thay đổi. Nikkei 225 đã tăng gần 30% vào năm 2023 và tăng khoảng 15% vào năm 2024 cho đến nay, được cho là đến từ các cam kết cải cách doanh nghiệp trong dài hạn và đầu tư nước ngoài tăng. Sở giao dịch chứng khoán Tokyo (TSE) đã đưa ra một số thay đổi nhằm mục đích tăng sức hút cho các công ty Nhật Bản.
TSE đã khuyến khích sự phát triển của các nghiệp vụ Mua thôn tính của hội đồng quản trị và ban điều hành (MBO) và thâu tóm cổ phần. Nỗ lực này phần nào được đền đáp với các doanh nghiệp Nhật Bản đáng chú ý khi các doanh nghiệp Nhật Bản như Taisho Pharmaceutical, Benesse, Outsourcing, Dai-ichi Life và Nidec tích cực tham gia các thương vụ MBO. Những thương vụ kiểu này sẽ tạo ra sự thay đổi mang tính chiến lược trong cơ cấu sở hữu và kiểm soát hoạt động trong doanh nghiệp.
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp cũng nỗ lực phối hợp trong việc giảm bớt tình trạng sở hữu cổ phần chéo, đặc biệt trong đó tập đoàn Toyota dẫn đầu. Quyết định thoái vốn tại doanh nghiệp sản xuất thiết bị gốc (OEM) cấp một là Denso và từ bỏ 5% cổ phần của mình trong Harmonic Drive Systems là một bước tiến quan trọng hướng tới việc sắp xếp hợp lý danh mục đầu tư và tăng cường sự minh bạch. Đồng thời, kế hoạch loại bỏ hoàn toàn việc sở hữu cổ phần chéo của nhà sản xuất vòng bi JTEKT trực thuộc Toyota đã nhấn mạnh một xu hướng chung hướng tới việc tối ưu hóa phân bổ nguồn vốn.
Khoảng một nửa số công ty Nhật Bản đang tích cực xem xét việc đánh giá lại doanh nghiệp hoặc các sáng kiến tái cơ cấu lại nhằm nâng cao giá trị doanh nghiệp. Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đang ngồi trên đống tiền mặt trị giá 1,500 tỷ USD và nhiều công ty có kế hoạch sử dụng số tiền đó để chia cổ tức và mua lại cổ phiếu.
Chính phủ Nhật Bản cũng đã công bố chương trình đầu tư hưu trí mới nhằm thu hút các nhà đầu tư chi tiêu nhiều hơn vào cổ phiếu - mặc dù một điều đáng chú ý là hầu hết người Nhật đã sử dụng các chương trình nàyđể đầu tư vào cổ phiếu nước ngoài. Tuy nhiên, các hộ gia đình Nhật Bản vẫn đang nắm giữ khoảng 7,000 tỷ USD tiền mặt, lượng tiền đủ lớn để kích thích thị trường này.
Thị trường chứng khoán Nhật Bản rất quan trọng đối với đồng Yên vì dòng vốn đầu tư vào quốc gia này sẽ làm tăng nhu cầu đối với đồng nội tệ. Sức mạnh của thị trường chứng khoán góp phần làm tăng dòng vốn chảy vào đất nước. Chứng khoán Nhật Bản đã được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng tổng cộng 6,300 tỷ Yên (43.39 tỷ USD) vào năm ngoái, con số lớn nhất kể từ năm 2014.
Tất nhiên, thị trường chứng khoán không đại diện cho nền kinh tế và Nhật Bản đã gần như rơi vào suy thoái kỹ thuật vào đầu năm nay. Tuy nhiên, đã có những dấu hiệu cụ thể cho thấy điều kiện tại quốc gia này đang thay đổi. Dòng vốn nước ngoài đang dần gia tăng - xét cho cùng thì ảnh hưởng từ việc Warren Buffett mua cổ phần của các công ty thương mại Nhật Bản là không nhỏ - và đầu tư nước ngoài sẽ có lợi cho đồng Yên. Quan trọng hơn, điều đó cho thấy những thập kỷ mất mát đã thực sự bị bỏ lại phía sau và đây là một kỷ nguyên mới cho Nhật Bản, khi người dân học cách tăng giá sản phẩm lần đầu tiên trong đời.
Đồng Yên có thể đã “chạm đáy”
BoJ và chính phủ đã nhiều lần bày tỏ rằng sức mạnh của đồng nội tệ là cực kỳ quan trọng. Đồng Yên mạnh làm tăng sức mua và giúp việc trả nợ cho trái phiếu bằng ngoại tệ khả thi hơn. Các nhà giao dịch tin rằng BoJ coi mốc tỷ giá USD/JPY 160.00 là 'lằn ranh đỏ' và khi đó họ sẽ can thiệp để hỗ trợ đồng Yên. Gần đây, sau khi đi ngang quanh ngưỡng 160.00 thì tỷ giá đã giảm về mức 145.00 và con số 160.00 có thể được coi là mức thấp nhất mà USD/JPY có thể tiếp cận được bởi kỳ vọng của thị trường rằng NHTW sẽ can thiệp để hỗ trợ sau khi đạt đến mức đó. BOJ đã cực kỳ tích cực trong việc này, với khoảng 100 tỷ USD được sử dụng để can thiệp nhiều lần trong những tháng gần đây. Chính phủ cũng đã và đang nỗ lực củng cố sức mạnh của đồng Yên. Gần đây, họ đã bổ nhiệm Atsushi Mimura làm nhà ngoại giao tiền tệ hàng đầu (phụ trách chỉ đạo BoJ can thiệp tiền tệ khi cần thiết) thay thế Masato Kanda để giúp hỗ trợ đồng JPY. Ngoài ra, đồng Yên yếu khiến hàng hóa Nhật Bản trở nên hấp dẫn hơn nhiều và góp phần vào sự bùng nổ du lịch đến Nhật Bản, từ đó làm tăng nhu cầu đối với đồng tiền này.
Tại sao chúng ta nên mua Yên Nhật?
Nói một cách đơn giản, chênh lệch lãi suất đang thu hẹp và tôi không nghĩ rằng nó còn nhiều dư địa để giảm hơn nữa. Chính phủ Nhật Bản dường như kiên quyết cố gắng giữ tỷ giá USD/JPY trên mức 160.00 và quốc gia sở hữu lượng trái phiếu kho bạc Mỹ lớn nhất chắc chắn có đủ nguồn lực để tiếp tục mua vào nội tệ.
Hơn nữa, nền kinh tế toàn cầu đang thay đổi ở cấp độ vĩ mô và xu hướng mới dường như sẽ thuận lợi hơn rất nhiều cho đồng Yên. Lãi suất trên toàn thế giới dự kiến sẽ giảm trong khi lãi suất điều hành tại Nhật Bản - được hỗ trợ bởi tình trạng lạm phát mạnh mẽ lần đầu tiên sau 34 năm - dự kiến sẽ tăng. Nhật Bản về cơ bản đã cải tổ cơ cấu tổ chức và quản trị tại phần lớn các doanh nghiệp, dẫn đến dòng vốn nước ngoài chảy vào thị trường chứng khoán ở mức kỷ lục. Chương trình đầu tư hưu trí được cải tiến ở Nhật Bản cũng có thể giúp ngăn chặn dòng vốn chảy ra đồng thời tiếp tục thu hút dòng tiền chảy vào thị trường.
Rủi ro
Thị trường ngoại hối vốn đã phức tạp và chịu sự chi phối bởi những biến động khó lường của nền kinh tế toàn cầu. Riêng tại Nhật Bản, rủi ro chính trị luôn hiện hữu. Thủ tướng đương nhiệm Fumio Kishida đã tuyên bố sẽ không tái tranh cử, khiến đảng LDP của ông phải vật lộn để tìm người thay thế. Ứng cử viên mà đảng LDP đưa ra thường được kỳ vọng sẽ trở thành thủ tướng. Tình hình chính trị chắc chắn có khả năng ảnh hưởng đến chính sách kinh tế - một số người nghi ngờ rằng việc BoJ tăng lãi suất gần đây nhất là do áp lực chính trị. Bất ổn chính trị có thể khiến việc dự đoán biến động của đồng tiền này trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, nhiều công dân Nhật Bản đang cảm nhận được sức ép của lạm phát cao hơn và một số ứng cử viên hàng đầu, bao gồm Shigeru Ishiba, Kono Taro và Toshimitsu Motegi, đã ủng hộ việc tiếp tục tăng lãi suất
Nền kinh tế vĩ mô ở Mỹ đã diễn biến khó lường trong vài năm qua - Fed đã tin tưởng một cách mù quáng rằng lạm phát chỉ là tình trạng nhất thời vào năm 2021. Các báo cáo việc làm mạnh mẽ một các đáng ngạc nhiên hoặc lạm phát tăng đột biến có thể khiến mặt bằng lãi suất tại Mỹ cao hơn trong thời gian dài. Sự sụp đổ của thị trường vào đầu tháng 8 sau khi BoJ tăng lãi suất cũng cho thấy thị trường Mỹ và Nhật Bản đã trở nên gắn bó với nhau như thế nào do giao dịch carry trade bằng đồng Yên, góp phần gây ra những tác động khó lường đối với đồng JPY. Điều này khiến thanh khoản của các quỹ ETF là yếu tố quan trọng hàng đầu, khiến cho quỹ FXY là khoản đầu tư tốt hơn so với nhiều ETF tương tự khác FXY có thanh khoản cao hơn.
Tuy nhiên, tôi tin rằng nền tảng của đồng JPY vẫn vững chắc và nó vừa trải qua giai đoạn “chạm đáy”. Chênh lệch lãi suất giữa hai nước đang thu hẹp, nhà đầu tư đang rút khỏi các vị thế carry trade và chính phủ Nhật Bản đã ưu tiên hỗ trợ đồng nội tệ.
Kết luận
Như đã nói lúc đầu, tôi hơi lo lắng khi đặt cược vào Nhật Bản. Trong lịch sử 35 năm qua, đó không phải là một hành động thông minh. Tôi đã thực hiện nhiều giao dịch bán khống đồng Yên thành công và, ít nhất phải nói rằng, việc đứng về phía bên kia tất nhiên sẽ khiến tôi lo lắng. Nhưng tình hình kinh tế vĩ mô ở Nhật Bản đã và đang thay đổi một cách đáng kể. Thí nghiệm lãi suất âm đã kết thúc, lạm phát một lần nữa trở lại, chứng khoán cuối cùng đã tăng và môi trường quản trị doanh nghiệp cuối cùng đã được cải thiện.
Có vẻ như “mặt trời” tại đất nước này cuối cùng đã thực sự mọc trở lại.
Seeking Alpha