Thế giới đang chuẩn bị cho nhiệm kỳ mới của Tổng thống Mỹ ra sao?

Thế giới đang chuẩn bị cho nhiệm kỳ mới của Tổng thống Mỹ ra sao?

Kiều Hồng Minh

Kiều Hồng Minh

Junior Analyst

11:52 05/11/2024

Đối với phần còn lại của thế giới, cuộc đua tới chức vị tổng thống Mỹ được tóm tắt trong hai mệnh đề: Kamala Harris đại diện cho sự tiếp nối và Donald Trump đại diện cho sự hỗn loạn.

Một nhận thức sâu sắc hơn đang dần hình thành bên ngoài nước Mỹ: Thời kỳ hoàng kim ngắn ngủi của Mỹ với tư cách là siêu cường duy nhất của thế giới đã là dĩ vãng, bất kể ai là người sẽ trở thành tân Tổng thống. Thế nhưng, người dân trên toàn thế giới vẫn đang tập trung vào kết quả của cuộc bỏ phiếu sắp tới, bởi ngay cả khi Washington không còn quyết định tất cả mọi việc nữa, thì họ vẫn quyết định rất nhiều.

Mỹ vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới và các chính trị gia của nước này - đặc biệt là Trump - đã cho thấy họ sẵn sàng sử dụng nó làm vũ khí. Vì vậy, các quốc gia khác đang lo sợ rằng họ sẽ bị ảnh hưởng nếu tổng thống mới quyết định leo thang chiến tranh thương mại với Trung Quốc.

Nhưng có vẻ như vị thế siêu cường của Hoa Kỳ đang suy yếu, khi mà họ phải cân nhắc giữa các trận chiến của mình một cách cẩn trọng hơn, trong một thế giới mà số lượng các cuộc xung đột đáng chú ý ngày càng gia tăng. Sự cân nhắc đó phù hợp với quan điểm "Nước Mỹ trên hết" của Trump và cả cách tiếp cận cẩn trọng hơn của Harris. Ukraine đã cảm nhận được sự lạnh nhạt của các đồng minh, Châu Âu đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng hiện sinh về việc liệu họ có thể tự bảo vệ mình và khu vực lân cận hay không, và Israel đang công khai chống lại lời kêu gọi của đồng minh quan trọng kiêm nhà cung cấp vũ khí chính của họ ở Washington. Một quan chức Trung Đông cho biết thật đáng xấu hổ khi Tổng thống Joe Biden lại đích thân tham gia thúc đẩy lệnh ngừng bắn ở Gaza, điều mà cuối cùng lại không thể xảy ra. Quan điểm này ngày càng phổ biến giữa các đồng minh bên ngoài Trung Đông của Mỹ.

Tất nhiên, cuộc bầu cử Mỹ vẫn còn rất quan trọng đối với thế giới. Các quốc gia – kể cả bạn bè hay kẻ thù của nước Mỹ - hiếm khi cởi mở như vậy trong việc thể hiện kết quả mong muốn của họ, không chỉ thông sự ủng hộ công khai mà còn sử dụng những hành động can thiệp bí mật mà tình báo Mỹ thường xuyên phát hiện. Mức độ tác động của cuộc bầu cử này cũng rât lớn. Nếu Trump chiến thắng và tìm kiếm một thỏa thuận với Vladimir Putin và bán đứng Ukraine, Liên minh Châu Âu sẽ bị chia rẽ giữa những người hoan nghênh bất kỳ cơ hội nào cho hòa bình - dù còn quá sớm - và các quốc gia khác muốn Châu Âu tự mình ủng hộ Kyiv. "Liệu pháp sốc điện từ Trump" là cách một số người tại Châu Âu này mô tả tình huống này.

Một nước Mỹ thực sự đi theo chủ nghĩa biệt lập và chủ nghĩa bảo hộ là điều mà thế giới chưa từng thấy trong gần một thế kỷ.Nếu bạn là kẻ thù lịch sử của Mỹ đang cố gắng xây dựng lại khối Liên Xô, một di tích của "trục ma quỷ" (các quốc gia tài trợ cho khủng bố) như Iran, hoặc một ứng cử viên cho tầm ảnh hưởng toàn cầu như Ấn Độ, quan điểm rằng thời kỳ hoàng kim của Mỹ đã qua là một cơ hội để các nước này tận dụng và vươn lên.

Quân đội Triều Tiên đang ở Nga chiến đấu trong cuộc chiến chống lại Ukraine. Ấn Độ đang bị Canada cáo buộc ám sát lãnh đạo ly khai người Sikh trên đất của mình. Trung Quốc đang hỗ trợ cho Moscow trong cuộc chiến tranh ở Ukraine và gây sức ép mạnh mẽ hơn ở Biển Đông. Trong các trường hợp trên, người ta tin rằng Hoa Kỳ sẽ không thể hoặc không làm được gì nhiều để ngăn chặn những điều đó xảy ra.

Mặc dù có sự tiếp nối chặt chẽ với các chính sách của Biden, Harris lại sinh ra ở một thế hệ khác so với Biden, ít bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa Đại Tây Dương trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Một số người dân Châu Âu coi bà là người California; hòa hợp hơn với Thung lũng Silicon và có khả năng quan tâm hơn đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nơi được coi là gốc gác của bà.

Các nhà ngoại giao cũng lưu ý rằng kiềm chế Trung Quốc là một vấn đề hiếm hoi mà Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa có sự đồng thuận.

Về phần Trump, không phải tất cả các đồng minh của Mỹ đều coi sự khó lường của ông ấy hoàn toàn là một gánh nặng. Mặc dù ông ấy được coi là thân thiện với Nga và Israel nếu so với Harris, nhưng một số người hy vọng ông ấy có thể gây bất ngờ với đường lối cứng rắn hơn. Trong khi đó, các cường quốc đầy tham vọng như Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ khá thoải mái với cách tiếp cận của ông. Trump thích chơi gôn với Shinzo Abe và coi thường Angela Merkel nhưng những yêu cầu của ông đối với Nhật Bản và Đức đều giống nhau: Trả nhiều tiền hơn cho sự bảo vệ của Mỹ và mua nhiều hơn từ Mỹ. Kể từ đó, cả hai quốc gia này đều đã tăng cường chi tiêu quốc phòng, sau khi học được bài học về việc tự lực cánh sinh.

"Đây không phải là cuộc tranh đấu cho sự tận diệt của nền dân chủ Mỹ mà một số người - chủ yếu là người Mỹ và người Châu Âu - tạo ra", nhà ngoại giao kỳ cựu người Singapore Bilahari Kausikan viết. "Tổng thống Biden là người dễ đoán và tỏ ra quan tâm tới người dân , nhưng chúng ta đừng quên rằng Biden không tham khảo ý kiến ​​bạn để hỏi thăm gia đình bạn, mà là để xem bạn đã chuẩn bị làm gì để thúc đẩy các mục tiêu chiến lược của Mỹ."

Dưới đây là cách mà kết quả của cuộc bầu cử ảnh hưởng tới năm vấn đề quan trọng trên quy mô toàn cầu

Ukraine và NATO

Hơn hai năm rưỡi sau cuộc tấn công chiến lược của Nga, Ukraine phụ thuộc vào sự hỗ trợ của các đồng minh cho mọi thứ, từ vũ khí tiên tiến cho đến tiền tài để trả lương. Kyiv đang hy vọng sẽ nhận được nhiều hỗ trợ hơn nữa để thuyết phục Putin đàm phán, nhưng tổng thống Nga, người có vẻ như đang chiếm ưu thế, không có hứng thú thỏa hiệp, bởi ông cho rằng sự hỗ trợ của các đồng minh đối với Ukraine sẽ dần biến mất.

Harris đã thề sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine đến cùng nhưng bà ấy có thể sẽ phải đối mặt với sự hoài nghi ngày càng gia tăng trong Quốc hội về các khoản viện trợ bổ sung. Giống như Biden, Harris cũng đã cam kết từ chối yêu cầu của Ukraine về việc được phép sử dụng tên lửa của đồng minh để tấn công sâu vào bên trong nước Nga và cả lời đề nghị gia nhập liên minh NATO, điều mà Tổng thống Volodymyr Zelenskiy nói là cần thiết để đảm bảo an ninh cho đất nước của ông.

Trump đã nói rằng ông sẽ chấm dứt cuộc chiến này "trong vòng 24 giờ" sau cuộc bầu cử bằng cách khiến Putin và Zelenskiy đàm phán. Ông ấy đã không nói rõ ông ấy sẽ làm điều đó như thế nào nhưng ông ấy đã nhiều lần cảnh báo rằng Ukraine cần phải sẵn sàng nhượng bộ. Trump đã đặt ra câu hỏi tại sao Hoa Kỳ lại phải chi tiêu quá nhiều để hỗ trợ Ukraine và cho rằng các đồng minh ở Châu Âu cũng cần phải gánh vác gánh nặng này với Mỹ.

Nhận định từ Bloomberg Economics:

Trump sẽ mong muốn thoát khỏi một cuộc chiến tranh nước ngoài tốn kém và rủi ro nhưng bị hạn chế bởi lo ngại rằng việc ngừng hỗ trợ đột ngột có thể gây ra sự sụp đổ lực lượng của Kyiv. Kết quả có khả năng xảy ra nhất sẽ là giảm dần mức viện trợ đối với Ukraine, làm suy yếu vị thế của nước này trên chiến trường và gây sức ép buộc Châu Âu phải lấp đầy khoảng trống nếu không muốn Nga có một chiến thắng dễ dàng. Đối với các đồng minh NATO, mối đe dọa của Trump về việc ngừng hỗ trợ đối với bất kỳ quốc gia nào không đáp ứng các yêu cầu của họ sẽ làm gây sức ép lên chi tiêu quốc phòng. Việc phải đáp ứng mức chi tiêu cho quốc phòng vào khoảng 3.3% GDP mỗi năm có thể khiến các nước Châu Âu nợ thêm 2,800 tỷ USD vào năm 2034. Đối với Harris, việc giảm dần sự ủng hộ trong Quốc hội cho vấn đề gia tăng mức viện trợ và vị thế suy yếu của Ukraine trên chiến trường có thể sẽ làm dấy lên các kêu gọi chấm dứt chiến tranh thông qua ngoại giao, mặc dù sẽ không giống như các điều khoản mà Trump đề xuất.

Viện trợ về tài chính (màu đen), nhân đạo (màu hồng) và quân sự (màu vàng) của các nước đối với Ukraine

Trung Đông

Kể từ khi lực lượng Hamas sát hạt 1,200 người Israel vào ngày 07/ 10 năm 2023, giao tranh trong khu vực đã trở nên ác liệt bất chấp những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm kiềm chế bạo lực trong khi tiếp tục trang bị vũ khí cho Israel. Sau khi nghiền nát lực lượng Hamas bằng các cuộc tấn công ở Gaza, giết chết hơn 43,000 dân thường và binh lính, lực lượng Israel hiện đang ở Lebanon, chống lại Hezbollah. Israel cũng đã có các cuộc tấn công tới Iran, nước ủng hộ hai cả hai lực lượng trên - bị Hoa Kỳ và các quốc gia khác coi là khủng bố - cũng như lực lượng Houthi ở Yemen, những người đã đóng cửa Biển Đỏ bằng các cuộc tấn công vào tàu chở hàng hóa từ phương Tây. Nổi bật giữa những xung đột trên là chương trình hạt nhân của Iran, khi chỉ còn vài tuần nữa là họ sẽ phát triển đủ lượng uranium được làm giàu cao để sản xuất vũ khí, điều mà Hoa Kỳ và Israel thề sẽ ngăn chặn.

Harris đã cam kết sẽ hỗ trợ cho Israel đủ phương tiện cần thiết để tự vệ nhưng cũng kêu gọi thêm nhiều nỗ lực để giảm bớt sự đau khổ của dân thường ở Gaza. Bà ấy đã ủng hộ những lời kêu gọi ngừng bắn nhiều lần – mặc dù đã thất bại - của chính quyền Biden. Bà ấy tán thành giải pháp hai nhà nước, điều mà Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gần như đã loại trừ, mặc dù bà ấy đã không nói rõ làm thế nào để đạt được kết quả như vậy. Bà ấy đã né tránh câu hỏi liệu Netanyahu có thể được coi là đồng minh thân cận của Hoa Kỳ hay không nhưng đã gọi Iran là đối thủ lớn nhất của Mỹ trong chiến dịch tranh cử.

Trump nói rằng vụ tấn công ngày 07/10 sẽ không bao giờ xảy ra nếu ông là tổng thống, nhưng nói rõ ông sẽ ngăn chặn nó như thế nào. Ông ấy nói rằng Israel cần phải "làm tốt hơn quan hệ với công chúng" và kêu gọi đất nước này "hãy chấm dứt nó." Trong cuộc tranh luận vào tháng 9, ông đã né tránh câu hỏi liệu ông có ủng hộ một nhà nước Palestine hay không. Ông đã kêu gọi thêm các bước để cô lập Iran. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông cũng đã giúp làm trung gian cho Hiệp định Abraham nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Israel và một số quốc gia Ả Rập.

Bloomberg Economics nhận định:

Đối với Harris, sự ủng hộ kiên định của Biden đối với Israel với tư cách là bên yếu thế trong khu vực có vẻ phù hợp hơn với những thập kỷ trước. Nếu được bầu, bà ấy có thể sẽ gây áp lực nhiều hơn để hạn chế các tổn thất nhân đạo của cuộc xung đột. Đối với Trump, nhiều khả năng ông ấy sẽ có sự tiếp nối trong việc duy trì ủng hộ với Israel nhưng với ít sự tham gia về mặt ngoại giao hơn. Tuy nhiên, cách tiếp cận đặc trưng của Trump ở quốc tế và quan điểm “Make America great again” có nghĩa là có nhiều khả năng gây bất ngờ hơn. Đối với nền kinh tế toàn cầu, rủi ro chính vẫn là việc giá dầu tăng cao hơn. Phần bù rủi ro địa chính trị đối với dầu vẫn gần bằng 0 sau các cuộc tấn công tương đối hạn chế của Israel vào Iran vào ngày 26/10 và không có ứng cử viên muốn làm tinh hình trở nên căng thẳng hơn nữa.

Nguồn cung dồi dào và nhận thức về rủi ro địa chính trị thấp hơn đồng nghĩa với việc giá dầu giảm so với thời điểm bắt đầu chiến tranh Israel-Hamas.

Biến động của giá dầu kể từ lúc cuộc chiến Israel-Hamas bắt đầu

Thuế quan

Khả năng chủ nghĩa bảo hộ xuất hiện trở lại khiến các NHTW và các nhà kinh tế lo lắng rằng các động thái đóng cửa thị trường của Mỹ có thể châm ngòi cho các cuộc chiến thương mại rộng lớn hơn, làm chậm lại tăng trưởng toàn cầu và khiến lạm phát tăng trở lại.

Harris ủng hộ quyết định của chính quyền Biden về việc gia hạn các khoản thuế quan từ thời Trump đối với Trung Quốc và đã ủng hộ hàng chục tỷ USD trợ cấp cho đầu tư vào năng lượng sạch, cơ sở hạ tầng và công nghệ cao ở Mỹ. Bà đã chấp nhận một số thỏa thuận thương mại, trong khi phải đối các thỏa thuận khác với tư cách là thượng nghị sĩ, đồng thời tìm cách xây dựng các biện pháp bảo vệ cho người lao động và môi trường.

Trump kêu gọi áp thuế lên tới 20% đối với tất cả mặt hàng hàng nhập khẩu, cũng như mức thuế lên tới 60% đối với hàng hóa Trung Quốc như một biện pháp để kích thích đầu tư vào Mỹ, mặc dù ông nói rằng một vài con số có thể được đàm phán lại. Trump lập luận rằng hệ thống thương mại quốc tế hiện tại đang bị thao túng nhằm chống lại lợi ích của Hoa Kỳ và hứa hẹn sẽ thay đổi mọi thứ nếu ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống một lần nữa.

Bloomberg Economics nhận định:

Nhiệm kỳ đầu tiên của Trump đã mang lại mức thuế 25% với hàng trăm tỷ USD trong thương mại Mỹ-Trung. Điều đó đã khiến mọi người bàn tán, nhưng không có nhiều tác động đến dữ liệu vĩ mô. Đối với nhiệm kỳ thứ hai của mình, lời hứa về mức thuế 60% đối với Trung Quốc và 20% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu sẽ thay đổi cục diện. Nếu Trump thực hiện các cam kết trong chiến dịch tranh cử của mình và phần còn lại của thế giới trả đũa, thị phần thương mại toàn cầu của Mỹ sẽ giảm xuống mức 9% vào năm 2028 từ mức 21% hiện tại. Đối với Trung Quốc, gần 90% hàng xuất khẩu sang Mỹ sẽ biến mất. Đối với Mexico và Canada, những nước coi Mỹ là đối tác thương mại quan trọng nhất của họ, mức giảm là hơn 50%. Dưới thời Harris, việc tiếp tục chính sách "sân chơi nhỏ và hàng rào cao" của Biden để ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các công nghệ quan trọng là một canh bạc tốt. Tuy nhiên, chủ nghĩa thực dụng của Harris, và sự thay đổi người đứng đầu trong các hoạt động chính sách quan trọng, có nghĩa là kích thước của sân chơi và chiều cao của hàng rào đều có thể gây bất ngờ.

Mức giảm của hàng hóa xuất khẩu của các nước vào Mỹ năm 2024 trong trường hợp áp thuế 20% toàn bộ (màu đen) và chỉ áp mức thuế 60% đối với Trung Quốc (màu xanh)

Trung Quốc và Đài Loan

Những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm kìm hãm sự cạnh tranh của Trung Quốc ngày càng trở nên khó khăn khi ảnh hưởng về mặt kinh tế và quân sự của Bắc Kinh mở rộng cùng với những nỗ lực chống lại từ Washington. Trung Quốc đã tăng cường các cuộc tập trận quân sự xung quanh Đài Loan, nơi mà họ tuyên bố là một tỉnh ly khai. Hòn đảo này và cư dân của nó sẽ dựa vào Hoa Kỳ và các đồng minh của mình để hỗ trợ họ trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột công khai. Khu vực này rất quan trọng với nền kinh tế toàn cầu bởi đây là trung tâm của ngành công nghiệp sản xuất chip.

Harris tán thành cách tiếp cận của chính quyền Biden đối với Trung Quốc, với việc kiểm soát xuất khẩu đối với các mẫu chip quan trọng và các công nghệ nhạy cảm khác và ủng hộ cam kết của Hoa Kỳ trong việc đảm bảo an ninh của Đài Loan (nhưng không ủng hộ sự độc lập, điều mà Trung Quốc phản đối kịch liệt). Bà ấy đã ủng hộ việc mở rộng liên minh trên khắp khu vực để chống lại Bắc Kinh.

Trump cam kết áp đặt mức thuế quan mạnh mẽ và rộng rãi với hàng xuất khẩu của Trung Quốc nhằm nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào Bắc Kinh trong "các lĩnh vực quan trọng". Trump đã tuyên bố Đài Loan "đánh cắp" hoạt động kinh doanh chất bán dẫn của Hoa Kỳ, cho rằng họ nên trả nhiều tiền hơn cho an ninh của chính họ, mà không nói rõ ý của ông là gì. Ông đã từ chối cam kết bảo vệ họ trong trường hợp Trung Quốc tấn công và trở lại chính sách lâu đời của Hoa Kỳ. Ông đã kêu gọi các đồng minh của Hoa Kỳ là Nhật Bản và Hàn Quốc chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng của chính họ, và trong quá khứ ông đã đe dọa sẽ giảm hoạt động quân sự và hạn chế thương mại tại các nước trên.

Bloomberg Economics nhận định:

Chi phí từ chính sách đối ngoại và kinh tế tai hại của việc từ bỏ Đài Loan đã hạn chế khả năng xoay xở dưới thời Trump hoặc Harris. Kết quả có khả năng xảy ra nhất nếu Trump chiến thắng: một cách tiếp cận khác, trong đó hỗ trợ an ninh của Hoa Kỳ vẫn còn nhưng Đài Loan phải đối mặt với áp lực phải đẩy nhanh việc xây dựng các nhà máy chip ở Hoa Kỳ và tăng cường mua vũ khí của Hoa Kỳ. Chúng tôi hy vọng Harris sẽ tái khẳng định chính sách mơ hồ chiến lược của Mỹ - nghĩa là gợi ý nhưng không cam kết bảo vệ hòn đảo này. Khi Biden đi chệch khỏi chính sách đó với một cam kết mạnh mẽ, bất cứ sự suy yếu nào trong hành động ủng hộ có thể khiến Bắc Kinh coi là một bước lùi trong sự ủng hộ của Hoa Kỳ. Đối với nền kinh tế toàn cầu, việc loại bỏ liên kết Đài Loan trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn sẽ khiến GDP toàn thế giới tổn thất lên tới 10,000 tỷ USD.

Làn sóng nhập cư vào Hoa Kỳ

Làn sóng nhập cư vào Hoa Kỳ trong nhiều năm đã khiến vấn đề này trở thành tiêu điểm, với việc cả hai đảng hiện đang thúc đẩy các biện pháp hạn chế ngay cả khi dữ liệu của chính phủ cho thấy dòng người nhập cư rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế kể từ đại dịch. Lượng người nhập cư đã chậm lại trong năm nay trong bối cảnh thắt chặt sự kiểm soát.

Harris đã ủng hộ việc hạn chế mạnh mẽ các trường hợp nhập cư không có giấy tờ và hạn chế việc xin tị nạn để ngăn chặn dòng người tìm cách vượt biên ở phía nam Hoa Kỳ. Bà đã hứa sẽ thúc đẩy một dự luật lưỡng đảng kết hợp các giới hạn mới trong vấn đề tị nạn với nhiều kinh phí hơn cho việc xử lý và xét xử. Bà cũng đã ủng hộ các bước để tăng nhập cư hợp pháp và cung cấp con đường trở thành công dân cho một số người di cư.

Trump đã kêu gọi trục xuất hơn 11 triệu người nhập cư không có giấy tờ, thành lập các trại giam giữ và triển khai quân đội tại biên giới Mexico, cũng như giới hạn nghiêm ngặt đối với một loạt các hình thức nhập cư hợp pháp, bao gồm cả tị nạn, và thậm chí cả quyền công dân đối với con cái của các bậc cha mẹ không có giấy tờ.

Bloomberg Economics nhận định:

Cam kết đóng cửa biên giới và trục xuất những người di cư trái phép của Trump sẽ phải trả giá đắt. Việc giảm dòng người nhập cư mới xuống gần bằng không và trục xuất những người đến Mỹ từ năm 2020 sẽ tạo ra lỗ hổng lên tới 3% trong GDP của Hoa Kỳ vào năm 2028. Các quốc gia gốc như El Salvador, Guatemala và Honduras thậm chí được hưởng lợi từ dòng kiều hối bằng 1/5 GDP mỗi năm. Harris đang có lập trường cứng rắn hơn về an ninh biên giới so với trước đây. Tuy nhiên, so với Trump, các chính sách của bà ít nghiêm trọng hơn và sẽ có tác động nhỏ hơn đến tăng trưởng của Hoa Kỳ và dòng kiều hối.

Các quốc gia nhận được lượng kiều hối lớn nhất từ Mỹ năm 2023 (bên phải) và tỷ lệ kiều hối trên GDP (bên trái)

Bloomberg

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Báo cáo Kaiko Research tuần 1 tháng 11: Đếm ngược tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ
Kiều Hồng Minh

Kiều Hồng Minh

Junior Analyst

Báo cáo Kaiko Research tuần 1 tháng 11: Đếm ngược tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ

Việc thị trường tiền điện tử hoạt động 24/7 mang lại lợi thế cho các nhà giao dịch, do thị trường tài chính truyền thống ở Mỹ sẽ đóng cửa trong quá trình kiểm phiếu lần đầu. Mặc dù tính chất này của thị trường truyền thống hạn chế đi sự rủi ro, nhưng nó cũng hạn chế đi cơ hội sinh lời bởi thị trường có thể biến động mạnh theo kết quả của cuộc bầu cử.
Tỷ giá EUR/USD đối mặt với rủi ro giảm trước các sự kiện quan trọng
Tạ Thị Giang

Tạ Thị Giang

Junior Analyst

Tỷ giá EUR/USD đối mặt với rủi ro giảm trước các sự kiện quan trọng

Sự không chắc chắn của cuộc bầu cử Mỹ tiếp tục gây ảnh hưởng đáng kể lên các loại tài sản. Trong bài viết này, chúng tôi phân tích phản ứng tiềm năng của tỷ giá EUR/USD dưới các kịch bản bầu cử khác nhau. Trước cuộc bầu cử, thị trường sẽ có nhiều thông tin để giao dịch với một loạt dữ liệu thị trường lao động của Hoa Kỳ được công bố trong tuần này.
Báo cáo Kaiko Research tuần 4 tháng 10: USDT biến động giữa tin đồn bị Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ điều tra
Kiều Hồng Minh

Kiều Hồng Minh

Junior Analyst

Báo cáo Kaiko Research tuần 4 tháng 10: USDT biến động giữa tin đồn bị Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ điều tra

Giá Bitcoin đã phục hồi vào đầu tuần này, sau một báo cáo của WSJ cho biết các cơ quan pháp lý tại Hoa Kỳ đang điều tra Tether, nhà phát hành stablecoin lớn nhất. Trong khi đó, Kraken đã công bố kế hoạch ra mắt giải pháp Layer 2 của riêng mình vào năm 2025 và Robinhood đã ra mắt dịch vụ dự báo kết quả bầu cử tổng thống.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ