Toàn cầu hóa hay bảo hộ: câu hỏi đau đầu đối với nội các mới của Hoa Kỳ
Nam Anh
Senior Economic Analyst
Mối quan hệ Mỹ-Trung rơi vào khủng hoảng, quá trình Brexit vô cùng bấp bênh và những lo ngại trong thời kỳ Covid về chuỗi cung ứng xuyên biên giới, tất cả đều chỉ ra những mối lo ngại ngày càng tăng về cái giá của toàn cầu hóa.
Chính phủ Hoa Kỳ tiếp theo sẽ phải đối mặt với một câu hỏi vô cùng quan trọng. Tiếp tục với chiến lược “Nước Mỹ trên hết”, thứ đã gây tổn hại cho thương mại toàn cầu nhưng đổi lại đem lại niềm vui cho những người lao động bị mất việc do làn sóng hàng nhập khẩu giá rẻ. Hoặc tái hòa nhập với nền kinh tế toàn cầu, nâng cao tiềm năng tăng trưởng nhưng lại có nguy cơ khiến các cử tri tại khu vực “vành đai công nghiệp” tức giận. Dẫu chính sách mới có nằm ở đâu giữa 2 thái cực này, quyết định của chính phủ mới sẽ có hậu quả hết sức sâu rộng.
Bloomberg Economics (BE) đã sử dụng các chỉ số toàn cầu hóa của Viện KOF cùng với các tính toán riêng về mức tăng trưởng tiềm năng để ước tính mối quan hệ giữa toàn cầu hóa và tăng trưởng tại các nền kinh tế lớn. Mô hình của Bloomberg Economics đưa ra ba kịch bản. Kịch bản lạc quan diễn ra khi quá trình hội nhập toàn cầu của Hoa Kỳ và các nền kinh tế lớn khác tiếp tục được tăng cường; kịch bản đình trệ khi quá trình toàn cầu hóa vẫn bị trì hoãn và một kịch bản bi quan khi các mối quan hệ trở lại mức trước khi Trung Quốc gia nhập WTO vào năm 2001.
Đối với thu nhập toàn cầu, sự khác biệt giữa kịch bản tốt nhất và xấu nhất là vô cùng lớn. Đến năm 2050, GDP toàn cầu theo kịch bản bi quan sẽ nhỏ hơn tới 31 nghìn tỷ đô la so với viễn cảnh lạc quan của BE. Điều đó tương đương với việc bỏ đi toàn bộ sản lượng quốc nội hàng năm của cả Hoa Kỳ, Nhật Bản và Đức.
Việc mối quan hệ Mỹ-Trung rơi xuống mức thấp nhất trong một thế hệ, quá trình Brexit vô cùng bấp bênh và những lo ngại trong thời kỳ Covid về chuỗi cung ứng xuyên biên giới đều chỉ ra những mối lo ngại ngày càng tăng về cái giá của toàn cầu hóa.
Dòng chảy thương mại toàn cầu liên tục gia tăng, cũng như mức độ nhập cư cao hơn, đã tạo ra những kẻ thua cuộc cũng như người chiến thắng. Hội nhập xuyên biên giới chặt chẽ hơn đã phải trả giá bằng chủ quyền quốc gia. Sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc đã làm thay đổi thứ hạng GDP toàn cầu cũng như làm thay đổi cán cân địa chính trị.
Chấm dứt quá trình toàn cầu hóa hoặc thậm chí đảo ngược nó, sẽ đe dọa những lợi ích đó. Hoàn toàn có thể ước tính cái giá phải trả sẽ là bao nhiêu. BE đưa ra nhận định trong 3 kịch bản:
- Lạc quan: Toàn cầu hóa tiếp tục với tốc độ tương tự đã được ghi nhận trong 10 năm qua. Nếu điều đó xảy ra, tăng trưởng toàn cầu sau khi cú sốc Covid-19 đi qua sẽ ổn định ở mức khoảng 2.6% một năm.
- Đình trệ: Toàn cầu hóa tạm dừng ở mức hiện nay. Khi đó, tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại khoảng 2.2%. Đến năm 2050, thu nhập toàn cầu sẽ thấp hơn 25 nghìn tỷ USD so với viễn cảnh lạc quan của chúng tôi.
- Bi quan: Toàn cầu hóa trở lại mức năm 2000. Trong bối cảnh đó, tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại ở mức 2% hàng năm. Vào năm 2050, tổng thu nhập toàn cầu sẽ bị thiếu hụt 31 nghìn tỷ đô la, so với kịch bản lạc quan.
Các quốc gia đã được hưởng những lợi ích lớn nhất gần đây từ toàn cầu hóa - các thị trường mới nổi chuyển từ nền kinh tế đóng cửa sang nền kinh tế mở - sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất nếu quá trình này bị đảo ngược.
Việt Nam, Hàn Quốc và Trung Quốc sẽ nằm trong số những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Các quốc gia này đã tham gia nhiều hơn vào nền kinh tế toàn cầu, thúc đẩy một bước tiến nhanh chóng tới những công nghệ tiên tiến vượt bậc. Đối với họ, sự đảo ngược của quá tình toàn cầu hóa sẽ làm bốc hơi 30% GDP năm 2050, so với viễn cảnh lạc quan.
Mỹ, Pháp và Anh sẽ nằm trong số những nước chịu ít tác động bất lợi nhất. Cả 3 đều là những nền kinh tế trưởng thành, tiệm cận sát với những phát triển công nghệ hiện đại nhất, làm hạn chế lợi ích nhận được từ xu hướng hội nhập toàn cầu. Sự chấm dứt của toàn cầu hóa sẽ chỉ làm giảm 5-10% GDP năm 2050 của họ, so với viễn cảnh lạc quan.