Triển vọng thị trường hàng hóa 2021: Liệu có còn dư địa để tiếp tục tỏa sáng?
Tú Đỗ
Senior Economic Analyst
Đà tăng giá của thị trường hàng hóa nói chung dự báo sẽ tiếp tục được dẫn dắt bởi vàng trong năm tới.
Thị trường hàng hóa nói chung đang có điều kiện thuận lợi để tiếp tục tăng giá trong năm 2021. Một đồng USD yếu là điều kiện cần thiết cho xu hướng tăng của thị trường hàng hóa, hơn thế nữa việc lãi suất toàn cầu duy trì ở mức thấp và các NHTW tiếp tục thực hiện nới lỏng định lượng, vàng và hầu hết các loại hàng hóa khác dự kiến sẽ tiếp tục có lợi thế. Các loại kim loại có thể sẽ có điều kiện thuận lợi nhất để tăng giá, đặc biệt nếu so với ngành năng lượng, trong đó vàng dự kiến vẫn sẽ đóng vai trò dẫn dắt toàn thị trường hàng hóa.
1. Năng lượng
- Xu hướng giảm giá dự kiến sẽ quay trở lại đối với dầu thô trong năm 2021. Áp lực từ thời điểm đáo hạn hợp đồng quyền chọn rút ngắn, tiến bộ công nghệ, yếu tố địa chính trị và xu hướng hạn chế khí thải CO2 sẽ là những yếu tố chính ngăn cản giá dầu WTI vượt ngưỡng 50 USD/Thùng. Giá dầu tăng lên sẽ làm tăng động lực để khôi phục lại hoạt động khai thác đối với các công ty khai thác tại OPEC và Mỹ, trong khi đó sự phục hồi của nhu cầu trên toàn cầu là chưa hề chắc chắn. Giá dầu WTI dự báo sẽ dao động trong biên độ 30-50 USD/Thùng trong năm 2021.
- Ngoài áp lực từ cân đối cung cầu, giá dầu còn đối mặt với rủi ro bị tác động tiêu cực nếu thị trường chứng khoán đảo chiều. 2 lần sụt giảm mạnh gần nhất vào năm 2018 và 2020 của giá dầu đều diễn ra đồng thời với diễn biến trên thị trường chứng khoán. Điều này được thể hiện rõ ràng hơn ở biểu đồ dưới đây: Chỉ số đo lường chứng khoán toàn cầu, MSCI World Index, hiện đang tăng mạnh nhất trong vòng 6 năm so với đường trung bình động 60 tháng, và tương quan trung bình 24 tháng giữa chỉ số này và giá dầu hiện cũng đang ở mức cao nhất trong lịch sử là 0.82. Lần gần nhất chứng khoán toàn cầu đạt mức cao tương đương là ngay trước khi giá dầu sụp đổ vào năm 2014, từ mức trên 100 USD/Thùng xuống còn khoảng 27 USD/Thùng.
2. Kim loại
Kim loại hiện đang có lợi thế để dẫn đầu đà phục hồi của thị trường hàng hóa trong năm 2021. Cũng giống như 12 năm trước, bối cảnh kinh tế toàn cầu năm 2020 đã tạo dư địa thuận lợi cho xu hướng tăng giá của các kim loại. Việc giá vàng lập đỉnh mới trong năm nay rất có thể sẽ dẫn dắt cho đà tăng giá tương tự đối với các kim loại quý khác như bạc và đồng. Các yếu tố vĩ mô hiện tại thậm chí còn thuận lợi và kéo dài hơn so với thời điểm năm 2008 với làn sóng nới lỏng định lượng chưa từng có, lãi suất duy trì ở mức thấp kỷ lục và cuối cùng đó là những lo ngại về lạm phát.
Vàng
- Giá vàng dự báo sẽ tiếp tục được hỗ trợ để vượt lên trên mốc 2000 USD/Oz trong năm 2021. Khả năng đảo chiều đối với xu hướng nới lỏng định lượng của các NHTW và mức lợi suất âm của TPCP hiện tại dự báo sẽ ở mức thấp, do vậy sẽ hạn chế rủi ro giảm giá đối với vàng. Xu hướng tăng của giá vàng hiện vẫn đang được duy trì bất chấp nhịp điều chỉnh giảm xuống dưới mức 1800 USD/Oz vừa qua. Biểu đồ dưới đây cho thấy đường trung bình động 5 năm của giá vàng hiện vẫn đang thấp hơn khá xa so với mức độ mở rộng bảng cân đối của nhóm các NHTW G4 và mức lợi suất âm của trái phiếu toàn cầu.
- Ngoài ra, rủi ro đảo chiều của thị trường chứng khoán gia tăng cũng có thể sẽ hỗ trợ cho giá vàng. Biểu đồ dưới đây cho thấy Chỉ số đo lường biến động của chỉ số S&P 500 (VIX) đang ở mức thấp nhất so với mức trung bình động 50 tuần trong vòng 4 năm qua. Với việc hiện đang ở mức thấp hơn 30% so với mức trung bình năm, rủi ro biến động gia tăng đối với thị trường chứng khoán đang ngày một gia tăng.
- Giá vàng đã trở nên bớt đắt đỏ hơn, dù cho các yếu tố hỗ trợ tăng giá đã giảm bớt. Tương quan giữa mức thua lỗ và lợi nhuận tiềm năng của giá vàng đã trở nên cân bằng hơn theo quan điểm của chúng tôi. Với việc đang cao hơn khoảng 30% so với mức trung bình 1420 USD/Oz, giá vàng có vẻ đã bớt đắt đỏ hơn so với thời điểm 3 tháng trước dựa trên dữ liệu lịch sử và các chỉ báo liên tài sản khác. Mô hình định giá của chúng tôi cũng chỉ ra rằng giá vàng vẫn đang thấp hơn khoảng 30% so với mức đỉnh, do vậy vẫn sẽ còn dư địa cho đà tăng của kim loại này trong thời gian tới. Kỳ vọng tăng trưởng kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19 sẽ gây áp lực tăng đối với lợi suất danh nghĩa trái phiếu toàn cầu, và mặc dù chúng tôi vẫn kỳ vọng rằng việc kỳ vọng lạm phát gia tăng sẽ giữ lãi suất thực ở mức âm, chúng tôi cho rằng mức độ tác động của yếu tố này đã chuyển sang mức trung bình. Triển vọng suy yếu của đồng USD và xu hướng nới lỏng của các NHTW vẫn sẽ là những yếu tố hỗ trợ chính, trong khi đó rủi ro giảm bớt sẽ cản trở chính.
- Dưới góc nhìn kỹ thuật, đường trung bình động 50 tuần vẫn đang đóng vai trò hỗ trợ rất tốt cho giá vàng. Biểu đồ dưới đây cho thấy giá vàng đã điều chỉnh về mức khoảng 1800 USD/Oz sau khi bật tăng mạnh lên mức cao nhất so với đường MA 55 tuần kể từ năm 2011. Giá vàng nhiều khả năng sẽ tiếp tục dao động trong biên độ 1800 – 2000 USD/Oz trong thời gian tới.
- Các yếu tố hỗ trợ đối với giá vàng đều xuất hiện ở ngay dưới mức 1800 USD/Oz, do vậy chúng tôi nghiêng về kịch bản đây sẽ là biên dưới của giá vàng trong năm 2021. Mức giá trung bình của vàng tính tới hết tháng 11 hiện đang ở mức 1760 USD/Oz, gần ở giữa biên độ giao động năm nay là 1452 – 2075 USD/Oz. Biểu đồ giá năm của vàng cho thấy kim loại này vẫn đang nằm trong xu hướng tăng dựa trên đường trung bình động 5 năm. Quá trình phục hồi kể từ mức đáy kể từ năm 2015-2016 là khá giống với giai đoạn sau 2000-2001. Sẽ cần có những yếu tố cực kỳ bất ngờ xuất hiện mới có thể đảo ngược xu hướng trên, nếu không nhiều nhả năng kịch bản tương tự như 2020 sẽ tiếp tục nối dài trong năm 2021.
Bạc
- Bạc cũng là một trong những kim loại có màn trình diễn ấn tượng nhất trong năm 2020 và xu hướng này dự kiễn vẫn sẽ duy trì trong năm 2021. Với vai trò là kim loại quý cũng như tính ứng dụng trong công nghiệp, giá bạc sẽ được hỗ trợ khi giá cả chung duy trì ở mức thấp và nhu cầu ngày càng gia tăng trong ngành sản xuất điện. Mức đáy trong năm 2020 ở mức khoảng 12 USD/Oz nhiều khả năng sẽ đánh dấu mức đáy dài hạn cho giá bạc, tương tự như mức 9 USD/Oz hồi năm 2008. Việc phá vỡ mức đỉnh 30 USD/Oz của năm 2020 có lẽ sẽ chỉ là vấn đề thời gian.
Đồng
- Tương tự như bạc, giá đồng và các kim loại công nghiệp khác được dự báo cũng sẽ đạt mức đỉnh mới trong năm 2021 giống như giai đoạn sau khủng hoảng tài chính 2008. Mặt bằng giá thấp của kim loại cơ bản sẽ giảm động lực đối với hoạt động sản xuất trong khi đó nhu cầu lại có xu hướng gia tăng trong quá trình phục hồi của kinh tế toàn cầu.
- Về mặt kỹ thuật, giá đồng có thể sẽ được hỗ trợ bởi mức 3 USD/Oz và gặp kháng cự ở mức 4 USD/Oz. Giá có thể sẽ gặp một chút bất lợi vào giai đoạn đầu năm 2021, tuy nhiên chúng tôi kỳ vọng giá sau đó sẽ bứt phá lên mức đỉnh cao mới với sự dẫn dắt của vàng. Giá hiện đã vượt lên trên mức kháng cự đã duy trì kể từ năm 2013. Mức kháng cự tiếp theo dự kiến sẽ nằm ở mức đỉnh năm 2012 là 4 USD/Oz.
3. Nông nghiệp
- Năng lực sản xuất ngũ cốc bằng máy móc tại Mỹ nhiều khả năng sẽ lại được thử thách trong năm 2021 tới và chúng tôi cho rằng xu hướng tăng giá sẽ vẫn sẽ tiếp tục được duy trì. Việc giá ngô, đậu tương và lúa mạch đang ở mức cao nhất trong vòng khoảng 6 năm trở lại đây sẽ gia tăng động lực cho việc gia tăng sản xuất và gây ra rủi ro đảo chiều đối với giá các mặt hàng trên. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng một sự phục hồi bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp trong thời gian tới khi căng thẳng Mỹ-Trung chưa leo thang trở lại, quá trình biến đổi khí hậu gia tăng và đồng USD có ít khả năng tăng trở lại. Mức giá khoảng 4 USD/Giạ đối với ngô và 10 USD/Giạ đối với đậu tương vốn là mức kháng cự từ năm 2014 đến nay có thể sẽ bị phá vỡ và trở thành ngưỡng hỗ trợ mới.