Trump sẽ khiến thế giới thay đổi ra sao?
Kiều Hồng Minh
Junior Analyst
Việc Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng, mặc dù đã được dự báo từ trước, vẫn sẽ tạo ra những biến động khó lường đối với chính sách đối ngoại của Mỹ.
Trong quá khứ, chiến thắng của Trump vào năm 2016 đã tạo ra sự bất ngờ lớn hơn nhiều so với cuộc bầu cử tuần trước, và phần lớn cuộc tranh luận trong những tuần sau Ngày Bầu cử đều xoay quanh câu hỏi ông sẽ điều hành chính quyền như thế nào và liệu ông có thể thay đổi vai trò của Hoa Kỳ trên thế giới đến mức nào. Do tính cách khó đoán, phong cách thất thường và suy nghĩ kém mạch lạc của Trump, một vài câu hỏi tương tự vẫn còn bị bỏ ngỏ cho đến ngày nay. Nhưng giờ đây người dân Mỹ có nhiều thông tin hơn sau bốn năm dưới sự lãnh đạo của ông, cùng với bốn năm phân tích khoảng thời gian ông tại vị và một năm chứng kiến chiến dịch tranh cử Nhà Trắng lần thứ ba của ông. Với chừng đó thời gian, chúng ta có thể đưa ra một số dự báo về những gì Trump sẽ cố gắng làm trong nhiệm kỳ thứ hai của mình. Điều duy nhất vẫn còn chưa rõ ràng là các quốc gia sẽ phản ứng như thế nào và kết quả cuối cùng ra sao.
Có hai luận điểm quan trọng cần lưu ý. Đầu tiên, như trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump (và như với mọi tất cả các chính quyền tổng thống), những người đứng đầu chính quyền sẽ định hình chính sách và các phe phái khác nhau sẽ tranh giành sự ảnh hưởng của họ, bằng cách đưa ra các ý tưởng về việc chuyển đổi bộ máy nhà nước và chính sách đối ngoại của Mỹ. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ này, các phe phái cực đoan hơn sẽ chiếm ưu thế và họ sẽ gây sức ép để loại bỏ những bên ôn hòa hơn, thanh lọc lại đội ngũ các chuyên gia dân sự và quân sự mà họ coi là “nhà nước ngầm” đang chi phối chính quyền trong bóng tối và có thể sử dụng sự hỗ trợ từ chính phủ để chống lại các đối thủ và những người chỉ trích Trump.
Thứ hai, bản chất cách tiếp cận “ăn miếng trả miếng” của Trump đối với chính sách đối ngoại vẫn không thay đổi. Nhưng bối cảnh mà ông bắt đầu thực hiện chính sách của mình đã thay đổi đáng kể: Thế giới ngày nay đã trở nên nguy hiểm hơn nhiều so với nhiệm kỳ đầu tiên của ông. Những lời lẽ trong chiến dịch tranh cử của Trump đã vẽ nên thế giới bằng những từ ngữ trong sách Khải huyền, đồng miêu tả bản thân ông và những người ủng hộ là những người theo chủ nghĩa duy thực, hiểu rõ sự nguy hiểm mà thế giới mang lại. Thế nhưng, những gì họ thể hiện không phải là chủ nghĩa duy thực, mà chỉ là chủ nghĩa hiện thực huyền ảo: một loạt những lời khoe khoang kỳ quặc và những lời nói sáo rỗng phản ánh sự thiếu hiểu biết về những mối đe dọa mà Hoa Kỳ phải đối mặt. Khả năng Trump đủ sức bảo vệ được lợi ích của đất nước trong bối cảnh phức tạp hiện nay phụ thuộc vào việc ông và đội ngũ của ông phải sớm từ bỏ bức tranh biếm họa đã mê hoặc được hơn một nửa nước Mỹ và thay vào đó đối mặt với hiện thực tàn khốc vẫn đang diễn ra từng ngày.
Yếu tố chính trị trong quá trình chuyển giao
Nhiệm vụ đầu tiên mà Trump phải đối mặt sẽ là quá trình chuyển giao chính thức. Ngay cả trong những kịch bản tích cực, đây là một quá trình mang tính quan liêu, khó thực hiện và rất có thể sẽ không diễn ra một cách suôn sẻ trong nhiệm kỳ này. Trump đã bày tỏ sự coi thường của mình đối với quy trình chuyển giao này và, để tránh phải tuân theo các ràng buộc nghiêm ngặt về mặt, ông đã từ chối hợp tác với Cơ quan Quản lý Dịch vụ Tổng hợp, cơ quan nhà nước phục vụ cho việc chuyển giao. Tuy nhiên, việc không có một lộ trình truyền thống có thể không làm chậm quá trình chuyển giao sắp tới, vì họ đã thuê ngoài hầu hết công việc và giao chúng cho 2025 Project khét tiếng của Heritage Foundation và một chương trình chuyển giao ít được biết đến của America First Institute. Công việc do những người ủng hộ nhiệt thành của khẩu hiệu “Make America Great Again” thực hiện sẽ cho thấy những gì chính quyền Trump sắp làm được sẽ nhiều hơn nỗ lực chuyển giao trên danh nghĩa do cựu Dân biểu Tulsi Gabbard và Robert F. Kennedy, Jr. đồng chủ trì trước đó.
Quá trình chuyển giao sẽ càng ít quan trọng hơn nếu nhóm của Trump thực hiện kế hoạch từ bỏ thủ tục kiểm tra lý lịch của FBI và thay vào đó cho phép tổng thống được tự cấp quyền miễn trừ an ninh cho các nhân vật mà ông lựa chọn, cho phép Trump ngăn chặn việc nhân sự ưa thích của mình không đủ điều kiện trở thành quan chức cấp cao bởi bất kỳ bí mật hoặc thậm chí “vết nhơ” nào trong quá khứ của họ. Một bước đi quyết liệt như vậy có thể hợp pháp, nhưng sẽ chỉ được thực hiện sau khi Trump nhậm chức. Trong thời gian chờ đợi sự công nhận từ Quốc hội Hoa Kỳ, chính quyền Biden sắp mãn nhiệm sẽ khó phối hợp với nhóm nhân sự của Trump theo cách truyền thống vì các quan chức được Trump lựa chọn sẽ chưa có quyền miễn trừ.
Điều này sẽ càng quan trọng hơn nếu Trump quyết định đưa một số nhân vật không có nhiều chuyên môn nhưng thân cận với ông, vào các vị trí cấp cao. Ngay cả khi Trump không thực hiện những sự bổ nhiệm hoang đường mà ông đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử — chẳng hạn như ngôi sao bóng bầu dục đã giải nghệ và ứng cử viên Thượng viện năm 2022 là Herschel Walker sẽ phụ trách hệ thống tên lửa phòng thủ — thì ông có thể bổ nhiệm vào các vị trí an ninh quốc gia những cá nhân như Michael Flynn hoặc Steve Bannon, những người mà các vấn đề pháp lý thường sẽ ngăn cản họ phục vụ tại các vị trí này. Dù bằng cách nào, ông cũng sẽ muốn lựa chọn các nhân vật đồng thuận với đường lối của mình hơn sau những gì đã trải qua trong nhiệm kỳ đầu tiên của. Ví dụ, sau khi thất bại trong cuộc bầu cử năm 2020, Trump muốn áp đặt một cuộc rút quân vội vã khỏi Afghanistan trong những tuần cuối cùng của mình với tư cách là tổng tư lệnh, giống như cuộc rút lui thảm khốc mà Tổng thống Joe Biden đã cho phép sau đó nửa năm . Nhưng khi những người còn lại trong Bộ An ninh Quốc gia của ông chỉ ra những rủi ro của động thái này, Trump đã nhượng bộ.
Trong nhiệm kỳ thứ hai của Trump, các phe phái cực đoan hơn trong chính quyền sẽ chiếm ưu thế. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, các quan chức phụ trách an ninh quốc gia được Trump bổ nhiệm có thể được xếp vào một trong ba nhóm. Nhóm thứ nhất và có lẽ là lớn nhất bao gồm những người có chuyên môn thực sự, những người có thể được bổ nhiệm trong một chính quyền Cộng hòa bình thường, mặc dù có lẽ sẽ thấp hơn một vài cấp so với những chức vụ mà họ nắm giữ khi Trump nắm quyền. Họ đã cố gắng thực hiện các chính sách của tổng thống một cách tốt nhất có thể trong bối cảnh hỗn loạn, và hầu hết những điều tốt đẹp đã xảy ra có thể là nhờ vào họ: ví dụ, nỗ lực biến chính sách “xoay trục sang Châu Á-Thái Bình Dương” của cựu Tổng thống Barack Obama thành hiện thực với các quan hệ đối tác chiến lược có ý nghĩa ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương chủ yếu diễn ra dưới thời của Trump và tiếp tục được duy trì ngay cả trong chính quyền Biden, được thúc đẩy bởi các chiến lược gia cùng chí hướng.
Một nhóm nhỏ hơn nhưng có ảnh hưởng lớn hơn nhiều bao gồm các quan chức cấp cao kỳ cựu, những người khá bảo thủ về những điều mà chính sách an ninh quốc gia nên hướng tới và tin rằng họ có thể tác động đường lối của Trump bằng cách nhấn mạnh cách chính sách được thay thế sẽ khiến Mỹ suy yếu. Các đại diện tiêu biểu của nhóm này gồm H. R. McMaster và John Bolton, những người lần lượt giữ chức vụ cố vấn an ninh quốc gia thứ hai và thứ ba của Trump. Trong hồi ký của mình, họ chỉ ra những gì mà họ coi là thành tựu thực sự về mặt chính sách, với McMaster đã khiến Trump đồng ý tăng cường sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ tại Afghanistan vào năm 2017 trong khi Bolton đã khiến Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào năm 2018. Nhưng McMaster, Bolton, và mọi nhân vật cấp cao khác giống họ cuối cùng đều rời khỏi chính quyền sau khi nhận ra rằng Trump sẽ luôn tìm cách thoát khỏi sự kìm kẹp của họ, làm suy yếu bất kỳ chính sách tốt đẹp nào mà họ nghĩ rằng họ có thể đạt được. Một số quan chức đã tham dự lễ nhậm chức của Biden vào năm 2021 mà không nghỉ việc trước đó đã đưa ra những đánh giá thẳng thắn một cách bí mật, xác nhận rằng Trump là một người liều lĩnh và không phải là một bậc thầy về an ninh quốc gia.
Nhóm thứ ba tuy cũng nhỏ nhưng cũng có sức ảnh hưởng, gồm những người ủng hộ nhiệt thành của chủ trương MAGA và những kẻ gây rối, những người tìm cách thực hiện ý thích bất chợt của Trump mà không cần làm rõ hoặc không quan tâm đến hậu quả. Họ có một quan điểm hạn hẹp về lòng trung thành, tin rằng họ nên làm những gì mà ông chủ của họ yêu cầu và không đề cập về những hậu quả khôn lường của những động thái đó, tránh trường hợp ông ta sẽ thay đổi ý định. Ví dụ, những nỗ lực mạo hiểm trong việc rút quân khỏi Afghanistan và các cam kết khác của NATO trong những ngày tàn của nhiệm kỳ đầu tiên được dàn dựng bởi các nhân viên cấp dưới, những người bị bỏ lại sau khi lãnh đạo cấp cao đã rời đi và những người tìm cách ngăn Trump biết được sự thật về hậu quả mà những chỉ thị của ông ta thực sự mang lại.
Trong chính quyền Trump sắp tới, vẫn sẽ có những người Cộng hòa truyền thống tìm kiếm cơ hội chỉ có một lần trong đời và sẵn sàng chấp nhận rủi ro “tử vì đạo” có thể xảy ra với họ nếu chống lại mệnh lệnh Trump. Không ai nên chê bai sự phục vụ của họ, vì nếu không có họ, Trump sẽ không phải là tổng thống tốt nhất mà ông ta có thể trở thành. Vẫn sẽ có những người theo chủ nghĩa duy tâm, những người nghĩ rằng họ biết chiến lược đúng đắn cần tuân theo và tin rằng họ có thể hướng Trump làm những gì họ cho là đúng — ví dụ, từ bỏ Ukraine và giao lại vùng đất này cho Tổng thống Nga Vladimir Putin trong khi củng cố sự răn đe của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc, một cách tiếp cận có vẻ khá khéo léo nếu được đề cập trong một hội thảo mang tính học thuật hoặc một bài phân tích trên báo nhưng có thể sẽ không hiệu quả ngoài đời thực. Và nhờ Heritage Foundation và America First Institute, sẽ có rất nhiều kẻ gây rối xuất hiện, những người sẽ sẵn sàng phá hủy hệ thống đã định hình chính sách an ninh quốc gia hiện thời và bảo vệ lợi ích của nước Mỹ trong 80 năm qua. Đây đã là đặc điểm cố hữu trong nhiệm kỳ của Trump. Sự khác biệt là lần này, nhóm này sẽ lớn mạnh hơn và có tầm ảnh hưởng lớn hơn so với nhiệm kỳ trước.
Điều này đặt ra một thách thức nghiêm trọng đối với những người giám sát của hệ thống an ninh quốc gia hiện thời: Những người lính và công chức trong quân đội, nhóm người quan trọng trong việc giám sát chính sách điều hành của bất kỳ tổng thống nào. Trump và nhóm của ông đã nói rõ rằng họ coi trọng lòng trung thành hơn tất cả. Và họ có thể sẽ chuẩn bị bài kiểm tra đơn giản nhất, bằng cách hỏi bất kỳ cá nhân nào có thẩm quyền rằng liệu cuộc bầu cử năm 2020 có phải một vụ cướp hay không hoặc liệu vụ tấn công Điện Capitol Hoa Kỳ vào ngày 06/01 có phải là một hành động nổi dậy hay không. Như người bạn đồng hành của Trump, JD Vance, đã chứng minh, chỉ có một câu trả lời duy nhất mà Trump sẽ chấp nhận.
Một bài kiểm tra như vậy có thể cho phép Trump chính trị hóa các cấp bậc quan trọng của quân đội và các cơ quan tình báo bằng cách chỉ thăng chức những cá nhân mà ông tin là ủng hộ ông. Các công chức cũng sẽ được hưởng các đãi ngộ việc làm và cách ly khỏi áp lực chính trị nhiều hơn, trừ khi nhóm của Trump theo đuổi kế hoạch phân loại lại hàng nghìn công chức chuyên nghiệp thành những người được bổ nhiệm vì mục đích chính trị, phục vụ theo ý muốn của tổng thống, khiến họ nhiều khả năng sẽ bị cách chức vì lý do chính trị.
Binh lính và công chức khó có thể thực hiện bất kỳ hành động khiêu khích nào, thậm chí là biện minh, cho một cuộc thanh trừng như vậy. Họ hiểu rằng họ không phải là “những kẻ trung thành trong phe đối lập” — một vai trò dành riêng cho những đảng thiểu số trong Quốc hội, những người giám sát các hoạt động trên phương tiện truyền thông và những người bình luận chính sách. Nghe theo lời thề phục vụ và đạo đức nghề nghiệp của họ, các chuyên gia an ninh quốc gia trong chính quyền sẽ chuẩn bị sẵn sàng để giúp đỡ Trump hết sức có thể.
Nhưng Trump có thể khiến họ hợp tác hoặc đầu hàng chỉ bằng cách dùng những lời đe dọa thanh trừng và treo chúng lên trên đầu họ như thanh gươm của Damocles. Ông ta có thể sẽ sa thải một số nhân vật cấp cao, lặp lại lời khuyên của Voltaire về việc loại bỏ một số tướng lĩnh Pháp để gieo rắc nỗi sợ hãi vào lòng những người khác. Câu hỏi cần đặt ra là liệu các quan chức sự nghiệp cấp cao có tuân theo các thông lệ tốt nhất về quan hệ dân sự-quân sự và đưa ra lời khuyên thẳng thắn cho Trump và các quan chức chính trị cấp cao của ông ngay cả khi lời khuyên đó không được lòng nhóm này. Nếu họ làm vậy, họ có thể giúp ông trở thành tổng tư lệnh tốt nhất mà ông có khả năng trở thành. Nếu họ không làm vậy, thì việc họ bị thanh trừng hay được giữ lại cũng không thành vấn đề, vì dù sao thì họ cũng sẽ không còn giá trị sử dụng.
Đồng minh và Đối thủ
Các cử tri Mỹ đã đưa ra lựa chọn của họ, và Washington giờ sẽ phải chấp nhận và thích nghi với Trump bằng mọi cách. Nhưng còn phần còn lại của thế giới thì sao? Hầu hết các đồng minh của Hoa Kỳ đều coi chiến thắng của Trump là nỗi kinh hoàng, tin rằng đó sẽ là chiếc đinh đóng hòm cho vai trò lãnh đạo toàn cầu truyền thống của Mỹ. Có rất nhiều điều để chỉ trích về chính sách đối ngoại của Mỹ kể từ Thế chiến II, và các đồng minh của Hoa Kỳ luôn sẵn sàng bày tỏ những lời phàn nàn của họ một cách không ngừng nghỉ. Nhưng họ cũng hiểu rằng thời kỳ hậu chiến tốt hơn rất nhiều so với khoảng thời gian trước đó, khi Washington đã trốn tránh trách nhiệm của mình và kết quả là hàng triệu người đã phải trả giá đắt.
Khi cử tri Mỹ lựa chọn Trump lần đầu tiên, các đồng minh của Hoa Kỳ đã phản ứng bằng nhiều chiến lược khác nhau. Lần này, họ đang ở thế hạ phong do những thách thức trong nội bộ của chính họ và những mối đe dọa do Putin và Tập Cận Bình gây ra. Các đồng minh của Hoa Kỳ sẽ cố gắng tâng bốc và xoa dịu Trump. Thậm chí, trao cho ông ta những lời khen ngợi và khoản thù lao xứng đáng, trong chừng mực mà luật pháp của họ cho phép, đã được chứng minh là cách tốt nhất để có được các điều khoản thuận lợi trong thời Trump 1.0. Cách tiếp cận mang đậm tính “ăn miếng trả miếng”, trong ngắn hạn của Trump có thể sẽ khiến các đồng minh tự nhận thức được rằng họ là những người đang tìm cách chiếm được nhiều lợi ích nhất và tránh việc phải trả giá cho bất cứ điều gì — một hình thức ngoại giao sẽ tạo ra sự hợp tác giả tạo và khiến cho các vấn đề trở nên trầm trọng hơn.
Ngược lại, trong số các đối thủ của Hoa Kỳ, sự trở lại của Trump sẽ mang đến nhiều cơ hội. Trump đã hứa sẽ cố gắng buộc Ukraine nhượng lãnh thổ cho Nga, củng cố lợi ích của Putin. Không giống như nhiều lời hứa trong chiến dịch tranh cử, lời hứa này là đáng tin, bởi vì Trump đã bao quanh mình bằng những cố vấn chống Ukraine và ủng hộ Putin. Kế hoạch của ông cho Ukraine cũng có thể sẽ được thực hiện vì nó hoàn toàn nằm trong phạm vi quyền hành của tổng thống. Câu hỏi duy nhất là liệu Putin có chấp nhận một sự đầu hàng một phần khi mà rằng ông ta luôn có thể chiếm lấy phần còn lại của lãnh thổ Ukraine sau khi Trump áp đặt thành công “tính trung lập” lên Kyiv hay liệu Putin sẽ lật tẩy Trump và yêu cầu đầu hàng hoàn toàn ngay lập tức.
Những lợi ích dành cho Trung Quốc sẽ ít đi, vì một số cố vấn quan trọng của Trump tin vào chủ nghĩa hiện thực huyền ảo khi nghĩ rằng Hoa Kỳ có thể hy sinh lợi ích của mình ở châu Âu và đồng thời củng cố sự răn đe đối với Trung Quốc ở Đông Á. Những bước đi ban đầu mà chính quyền Trump mới thực hiện ở châu Á thoạt nhìn có vẻ khá mạnh tay. Ví dụ, nếu Trump có thể áp đặt mức thuế quan khổng lồ mà ông đã đề xuất đánh vào hàng hóa Trung Quốc, nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ trải qua một số khó khăn, mặc dù nỗi đau đối với người tiêu dùng Hoa Kỳ sẽ lớn hơn và xuất hiện ngay lập tức hơn. Và Trump có thể sẽ tìm cách thể hiện sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ ở châu Á để báo hiệu sự chấm dứt với những gì ông mô tả là điểm yếu của Biden.
Nhưng không chắc liệu thuế quan có thay đổi đáng kể chính sách của Trung Quốc, hay liệu sự mạnh tay trên danh nghĩa sẽ chuyển hóa thành việc tăng cường sự hiện diện quân sự bền vững ở châu Á hay không. Trump đã đặt ra một số điều kiện nhất định để bảo vệ Đài Loan, yêu cầu Đài Bắc tăng gấp bốn lần chi tiêu quốc phòng để đủ điều kiện nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn của Mỹ. Chiến lược kỳ quặc này cũng có thể sụp đổ do những mâu thuẫn của chính nó, và có thể quan hệ đối tác Trung-Nga sẽ có triển vọng khi Mỹ rút lui khỏi cả hai mặt trận lớn.
Trong chiến dịch tranh cử, Trump và Vance tự coi mình là những người yêu hòa bình trong khi chế nhạo đối thủ của họ, Phó Tổng thống Kamala Harris, và các đồng minh của bà là những kẻ hiếu chiến. Stephen Miller, một trong những cố vấn trung thành nhất của Trump, đã cung cấp một bức tranh sống động về sự lựa chọn: “Nếu bạn bỏ phiếu cho Kamala, Liz Cheney sẽ trở thành bộ trưởng quốc phòng. Chúng tôi sẽ xâm lược hàng chục quốc gia. Các chàng trai ở Michigan sẽ được điều đi để chiến đấu với các chàng trai ở Trung Đông. Hàng triệu người chết. Chúng tôi xâm lược Nga. Chúng tôi xâm lược các quốc gia ở châu Á. Thế chiến III. Mùa đông hạt nhân sẽ chấm dứt mọi thứ.”
Việc Trump được coi như một chú chim bồ câu thận trọng sẽ gây khó chịu cho bất kỳ ai nhớ đến những lời đe dọa trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông về việc giải phóng “cơn thịnh nộ” lên Triều Tiên hoặc vụ ám sát mạo hiểm của ông đối với một tướng lĩnh hàng đầu của Iran. Chủ nghĩa biệt lập hoàn toàn xuất hiện trong chiến dịch tranh cử của ông có thể sẽ là một chiếc áo khoác chật chội làm tê liệt chính sách đối ngoại của chính quyền Trump vào thời điểm quan trọng. Nhưng Trump nổi tiếng là thoát khỏi những xiềng xích như vậy và chống lại việc bị kìm hãm. Như McMaster mô tả trong hồi ký của mình, những phụ tá hiểu biết hơn của Trump sẽ lợi dụng điều này, coi bất cứ điều gì họ muốn ông làm là điều mà kẻ thù của ông nói rằng ông không thể làm. Mưu đồ đó sẽ chỉ hiệu quả theo trong một thời gian ngắn, nhưng tại một thời điểm nào đó, Trump chắc chắn sẽ đi theo một hướng hoàn toàn khác. Lần này, sự bốc đồng đó có thể sẽ cản trở, chứ không phải hỗ trợ cho các phe phái cực đoan trong nhóm của ông.
Trump đã giành được cơ hội định hình chính sách an ninh quốc gia của Hoa Kỳ trong 4 năm tới hoặc thậm chí xa hơn, thông qua sức mạnh ấn tượng được thể hiện ở những con người đang chờ đợi để làm việc cho ông. Nhóm của Trump đã có quá đủ sự tự tin. Và thế giới sẽ sớm biết liệu họ có đủ khôn ngoan hay không.
**Bài viết trên thể hiện quan điểm của tác giả Peter D.Feaver và không nhằm mục đích truyền bá tư tưởng sai trái, thù địch.**
Foreign Affairs