USD/JPY: Giới chức Nhật Bản càng im lặng, thị trường có thể sẽ càng lấn tới!
Thành Duy
Junior editor
Nhận định của Action Forex.
Bức tranh thị trường ngoại hối
Như đã thấy, đà bán tháo JPY đang ngày càng dữ dội, khiến đồng tiền này tiếp tục mất giá so với các đồng tiền chính khác. Nguyên nhân được cho là do đà tăng mạnh mẽ của lợi suất TPCP Mỹ và Châu Âu, khiến JPY - vốn có lợi suất thấp - trở nên kém hấp dẫn hơn. Mặc dù vậy, điều đáng chú ý hơn cả là sự im lặng đến khó hiểu từ phía các nhà chức trách Nhật Bản. Họ không có bất kỳ động thái can thiệp nào, ngay cả khi USD/JPY đã vượt mốc 152.00. Chính điều này đã làm dấy lên nghi ngại rằng JPY có thể sẽ còn trượt giá sâu hơn nữa. Ngưỡng kháng cự cần chú ý tiếp theo của USD/JPY là 155.00 và nếu Nhật Bản tiếp tục “án binh bất động”, cặp tiền hoàn toàn có khả năng quay trở lại thử thách ngưỡng 160.00, đặc biệt là khi lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 10 năm đang trên đà tiến tới mốc 5%.
Về thị trường tiền tệ nói chung, USD vẫn đang giữ vững phong độ, khẳng định vị thế là đồng tiền có hiệu suất tốt trong tuần. CAD cũng đang thể hiện sự vượt trội, mặc dù vẫn dễ bị ảnh hưởng bởi bất kỳ quyết định bất ngờ nào về lãi suất từ phía Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) trong ngày hôm nay. CHF giữ vững vị trí thứ ba trong số những đồng tiền tăng mạnh nhất. Ở chiều hướng khác, EUR đang bị bỏ lại phía sau, chỉ nhỉnh hơn JPY với vị thế là đồng tiền yếu thứ hai và đành phải trông chờ vào các báo cáo PMI được công bố vào chiều mai để tìm kiếm cơ hội xoay chuyển tình thế. GBP cũng đang chịu áp lực, trong khi AUD và NZD lại có phần kém sắc hơn.
Phân tích kỹ thuật USD/JPY
Đà phục hồi của USD/JPY bắt đầu từ 139.57 đã tăng tốc và xu hướng này dự kiến sẽ tiếp diễn trong hôm nay, hướng tới ngưỡng thoái lui Fibonacci 61.8% (153.39) đo theo sóng giảm từ 161.94 xuống 139.57. Vượt qua ngưỡng kháng cự này, mục tiêu tiếp theo khả năng cao sẽ là đỉnh 161.94. Ở chiều giảm, 150.60 sẽ là ngưỡng hỗ trợ đầu tiên và xu hướng tăng sẽ vẫn được duy trì miễn là phe mua giữ được đường EMA 55 tại 147.85.
Xét về bức tranh lớn hơn, đà giảm từ đỉnh 161.94 có thể xem là một sóng điều chỉnh của sóng tăng từ mức đáy 102.58 năm 2021. Phạm vi giao dịch trong trung hạn dự kiến sẽ nằm trong khoảng từ 139.26 (tương ứng với ngưỡng thoái lui Fibonacci 38.2% của sóng tăng từ 102.58 lên 161.94) đến 161.94. Do đó, việc xuyên thủng hỗ trợ 139.26 một cách dứt khoát sẽ mở ra khả năng giảm sâu hơn trong trung hạn, hướng tới ngưỡng thoái lui 61.8% tại 125.25.
USD/JPY đồ thị ngày
Chứng khoán
Châu Á: Chỉ số Nikkei giảm 0.80%, trong khi Hang Seng của Hồng Kông, Shanghai SSE của Trung Quốc và Straits Times của Singapore tăng lần lượt 1.27%, 0.52% và 0.40% tại thời điểm viết bài.
Mỹ: Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, Dow Jones, S&P 500 và Russell 2000 giảm lần lượt 0.02%, 0.10% và 0.40%, trong khi NASDAQ ngược dòng tăng 0.2%.
Những phát biểu đáng chú ý
ECB: Thành viên Hội đồng quản trị ECB - Francois Villeroy de Galhau nhấn mạnh tầm quan trọng của việc điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, dựa trên tình hình thực tế. Ông cho rằng rủi ro của việc duy trì chính sách thắt chặt quá lâu có thể lớn hơn so với việc đẩy nhanh tốc độ nới lỏng. Bên cạnh đó, một thành viên khác - Olli Rehn nhận định rằng, diễn biến lạm phát tại Châu Âu đang “đi đúng hướng”. Ngoài ra, ông thừa nhận rằng nền kinh tế khu vực đã “chậm lại rõ rệt” trong vài tháng qua và điều này có thể “làm gia tăng áp lực giảm phát”. Ông cũng nhấn mạnh rằng tốc độ và mức độ cắt giảm lãi suất trong tương lai sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm “diễn biến, động lực của lạm phát cơ bản và hiệu quả từ việc điều chỉnh chính sách tiền tệ đến nền kinh tế." Điều này như nhắc lại một lần nữa cách tiếp cận thận trọng, phụ thuộc vào dữ liệu của ECB đối với các quyết định chính sách tiền tệ trong tương lai.
Fed: Chủ tịch Fed San Francisco - Mary Daly bày tỏ sự lạc quan khi cho rằng nền kinh tế Mỹ đang ở vị thế “tốt hơn nhiều” so với hai năm trước. Bên cạnh đó, bà cũng đề cập đến việc “lạm phát đã hạ nhiệt đáng kể” và thị trường lao động dần ổn định theo “hướng bền vững hơn.” Chưa kể, các rủi ro đối với mục tiêu kép của Fed là ổn định giá cả và toàn dụng lao động hiện đang “cân bằng.” Mặc dù vậy, bà nhấn mạnh rằng nhiệm vụ của Fed trong việc đạt được cú “hạ cánh mềm” vẫn “chưa hoàn thành”. Do đó, Fed phải “kiên quyết” để hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời khẳng định mục tiêu cuối cùng là tạo ra một môi trường mà người dân “không phải lo lắng về lạm phát hay nền kinh tế”.
BoC: Hiện tại, giới phân tích dự đoán BoC sẽ cắt giảm lãi suất chính sách 50 bps, xuống còn 3.75% vào tối nay. Nếu đúng như dự đoán, đây sẽ là lần cắt giảm lãi suất thứ tư liên tiếp của BoC, cho thấy ngân hàng trung ương này đang ngày càng lo ngại về tác động tiêu cực của lãi suất cao đối với nền kinh tế. Các chỉ báo kinh tế gần đây cũng ủng hộ cho việc điều chỉnh mạnh tay này. Đáng chú ý, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng vọt lên mức cao nhất bảy năm (không tính giai đoạn đại dịch) là 6.6% vào tháng 8, trước khi giảm nhẹ xuống 6.5% trong tháng 9. Ngay cả ở mức 6.5%, tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao hơn 1.0% so với một năm trước đó.
Ngoài ra, GDP bình quân đầu người đã đi xuống trong năm quý liên tiếp. Với việc lạm phát giảm nhanh hơn dự kiến xuống 1.6% trong tháng 9, kịch bản BoC hạ lãi suất thêm 50 bps vào tối nay như kỳ vọng là hoàn toàn khả thi. Câu hỏi quan trọng hiện nay là tốc độ nới lỏng chính sách trong tương lai. Nhiều người kỳ vọng rằng lãi suất sẽ giảm xuống phạm vi trung lập từ 2.25%-3.25% vào cuối năm sau. Mặt khác, trong số các tổ chức tài chính lớn, Scotiabank đang dự báo lãi suất sẽ giảm về mức thận trọng là 3.00%, trong khi National Bank và RBC kỳ vọng sự điều chỉnh lớn hơn xuống 2.00% vào cuối năm 2025. Những con số này có thể sẽ được đánh giá lại, sau khi bản cập nhật dự báo kinh tế của BoC được công bố vào tối nay.
Về mặt kỹ thuật, đà phục hồi trong ngắn hạn của USD/CAD từ đáy 1.3418 vẫn đang tiếp diễn và vùng kháng cự 1.3946/76 sẽ là mục tiêu tiềm năng trước mắt. USD/CAD có thể sẽ cần sự phân kỳ rõ ràng hơn trong chính sách tiền tệ giữa Fed và BoC để break-out vùng này.
USD/CAD đồ thị ngày
Action Forex