Westpac IQ: Chứng khoán toàn cầu “lướt sóng” risk-on; giá dầu giảm mạnh; Yên Nhật tiếp tục là “nạn nhân” của làn sóng bán tháo
Thành Duy
Junior editor
Bản tin từ Westpac IQ.
Điểm chính
Phố Wall khoác lên mình sắc xanh, được thúc đẩy bởi tâm lý “risk-on” và kỳ vọng tích cực về các số liệu kinh tế quan trọng của Mỹ sắp được công bố, những yếu tố có thể ảnh hưởng đến tốc độ cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) trong thời gian tới. Không dừng lại ở đó, làn sóng risk-on cũng lan tỏa sang thị trường chứng khoán Châu Âu, giúp các chỉ số khép lại phiên giao dịch trong sắc xanh.
Ở một diễn biến khác, lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) Mỹ tiếp tục xu hướng tăng khi giới đầu tư vẫn đang "cân đo đong đếm" tác động của cuộc bầu cử Mỹ sắp tới đối với chính sách tài khóa và áp lực lạm phát. Về thị trường ngoại hối, chỉ số DXY gần như đi ngang trong khi JPY tiếp tục bị bán tháo do bất ổn chính trị tại Nhật Bản. Giá dầu thô giảm mạnh do căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông hạ nhiệt, trong khi giá quặng sắt và than tăng.
Chứng khoán
Chứng khoán Mỹ giao dịch khởi sắc trước thềm công bố các dữ liệu kinh tế quan trọng về thị trường lao động và lạm phát, những yếu tố sẽ là “kim chỉ nam” cho quyết định điều chỉnh lãi suất của Fed trong tương lai. Bên cạnh đó, giá dầu thô giảm mạnh trong đêm cũng là “cơn gió xuôi” cho các ngành ngoài lĩnh vực năng lượng. Giới đầu tư cũng đang dõi theo sát sao báo cáo thu nhập của các “gã khổng lồ” công nghệ như Apple, Amazon và Meta, dự kiến công bố vào cuối tuần này. Kết phiên, các chỉ số Dow Jones, S&P 500 và NASDAQ tăng lần lượt 0.7%, 0.3% và 0.3%.
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Châu Âu cũng “bắt sóng” tâm lý risk-on với sắc xanh lan tỏa. Chỉ số Euro Stoxx 50 và FTSE 100 đều ghi nhận mức tăng 0.5%, trong khi DAX của Đức kém hơn một chút với 0.4%.
Nhìn sang Châu Á, Nikkei 225 của Nhật Bản đã có màn trình diễn ấn tượng khi tăng 1.8%, được hậu thuẫn bởi đà suy yếu của JPY. Cổ phiếu ngành xuất khẩu cũng được hưởng lợi lớn từ diễn biến trên, dẫn đầu là Toyota Motor.
Chỉ số ASX 200 của Úc cũng tăng nhẹ 0.1% với 6/11 nhóm ngành kết lại phiên giao dịch trong sắc xanh, trong đó, cổ phiếu nguyên vật liệu là “ngôi sao” sáng nhất.
Câu chuyện lãi suất
Lợi suất TPCP Mỹ đồng loạt tăng khi nhà đầu tư tiếp tục “cân đo đong đếm” tác động của cuộc bầu cử Mỹ sắp tới đối với chính sách tài khóa và áp lực lạm phát. Cụ thể, lợi suất kỳ hạn 2 năm tăng 3 bps lên 4.14%, trong khi kỳ hạn 10 năm tăng 4 bps lên 4.28%.
Giới đầu tư dường như đang dần mất niềm tin vào khả năng Fed tiếp tục hạ lãi suất. Hiện tại, thị trường lãi suất đang phản ánh kỳ vọng Fed sẽ chỉ cắt giảm lãi suất khoảng 42 bps từ nay cho đến cuối năm 2024 và tổng cộng 127 bps cho năm 2025.
Lợi suất TPCP Úc giảm nhẹ sau khi tăng vọt trong phiên giao dịch trước đó, với kỳ hạn 3 năm giảm 2 bps xuống còn 3.94%, trong khi kỳ hạn 10 năm gần như không đổi ở mức 4.48%.
Hiện tại, thị trường lãi suất đang phản ánh kỳ vọng Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) sẽ cắt giảm lãi suất khoảng 8 bps vào cuối năm 2024. Mặt khác, lần cắt giảm lãi suất đầu tiên khả năng cao sẽ rơi vào tháng 5/2025, với tổng cộng 60 bps cho cả năm – chỉ bằng một nửa so với dự báo được đưa ra hồi tháng 8/2024.
Ngoại hối
Chỉ số DXY, thước đo sức mạnh của USD so với rổ sáu đồng tiền chính, gần như đi ngang trong phiên giao dịch đầy biến động. Đồng bạc xanh đã có lúc leo lên đỉnh cao mới kể từ cuối tháng 7 là 104.57 trước khi “hạ cánh” xuống mức thấp nhất trong phiên tại 104.11 và giao dịch quanh ngưỡng 104.30 tính đến thời điểm viết bài.
AUD/USD giảm 0.4%, xuống mức thấp nhất trong phiên hôm qua là 0.6580 và hiện đang giao dịch quanh ngưỡng 0.6570. Về ngắn hạn, dự kiến cặp tiền này sẽ tiếp tục giảm khi phải đối mặt với áp lực từ việc lợi suất TPCP Mỹ tăng, khả năng ông Trump tái đắc cử và căng thẳng địa chính trị leo thang.
Yên Nhật tiếp tục là “nạn nhân” của làn sóng bán tháo, USD/JPY theo đó tăng gần 0.7% và đã có thời điểm tiến sát mốc 154.00. Rủi ro chính trị tại Nhật Bản đang đè nặng lên tâm lý giới đầu tư, đặc biệt là sau khi liên minh cầm quyền bất ngờ bại trận và đánh mất thế đa số. Điều này đang làm dấy lên lo ngại về một giai đoạn bất ổn chính trị kéo dài tại Nhật Bản, qua đó gây áp lực lên JPY.
Hàng hóa
Giá dầu “lao dốc không phanh” sau khi có xác nhận rằng các cuộc tấn công của Israel vào Iran không gây ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng dầu mỏ, hạt nhân và khu vực dân cư. Giá dầu WTI giảm tới 6.1% xuống 67.38 USD/thùng.
Cùng chung cảnh ngộ, thị trường kim loại cũng không thể “thoát khỏi” vòng xoáy giảm giá khi giá giảm trên diện rộng do chịu áp lực từ đà bán tháo trên thị trường năng lượng. Giá đồng, nhôm và niken đều ghi nhận mức giảm đáng kể.
Mặt khác, hợp đồng tương lai quặng sắt lại “ngược dòng” tăng giá, giao dịch quanh mốc 103.50 USD/tấn tại sàn giao dịch Singapore, bất chấp cảnh báo từ Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng Hoa kỳ (CISA) về nhu cầu yếu, kéo theo làn sóng hợp nhất và tái cấu trúc trong ngành thép.
Nhịp đập vĩ mô
Chỉ số sản xuất kinh doanh của Fed Dallas cho thấy sự cải thiện đáng kể khi tăng lên -3.0 trong tháng 10, vượt xa kỳ vọng của thị trường là ít hoặc không đổi so với mức -9.0 của tháng 9. Đây có thể xem là tháng tích cực nhất của lĩnh vực sản xuất kể từ tháng 4/2022. Chỉ số thành phẩm tăng vọt trong tháng từ -3.2 lên 14,6 mặc dù đơn đặt hàng mới chỉ cải thiện nhẹ, từ -5.2 lên -3.7, trong khi số việc làm và số giờ làm việc thực tế lại giảm. Bên cạnh đó, thành phần triển vọng 6 tháng tới cũng cho thấy sự lạc quan, phần lớn nhờ kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất và nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng ổn định.
Westpac IQ