Westpac IQ: Điểm nóng 24h - Báo cáo việc làm ADP khả quan, USD khẳng định vị thế trong khi JPY trượt dốc không phanh
Thành Duy
Junior editor
Nhận định của Westpac IQ.
Điểm chính
- Thị trường chứng khoán Mỹ khép lại phiên giao dịch với sắc xanh nhẹ, trong bối cảnh giới đầu tư đang hồi hộp chờ đợi báo cáo việc làm phi nông nghiệp (NFP) vào cuối tuần. Trong khi đó, chứng khoán Châu Âu và Châu Á ghi nhận phiên giao dịch giằng co khi thị trường tiếp tục cân nhắc những rủi ro do căng thẳng leo thang tại Trung Đông.
- Báo cáo việc làm ADP lạc quan hơn dự báo đã thổi một làn gió mới vào thị trường TPCP Mỹ, đẩy lợi suất tăng trên nhiều kỳ hạn. Lợi suất TPCP tại Châu Âu và Châu Á cũng đồng loạt nối gót.
- USD khẳng định vị thế trong khi JPY trượt dốc; AUD vẫn giữ vững phong độ.
- Giá dầu “hụt chân” khi đánh mất phần lớn đà tăng trong phiên.
Chứng khoán
Phớt lờ áp lực bán tháo từ phiên giao dịch trước đó, thị trường chứng khoán Mỹ đã nhẹ nhàng tăng điểm trong bối cảnh giới đầu tư đang hướng sự chú ý vào báo cáo NFP dự kiến công bố vào cuối tuần. Dữ liệu về tình hình lương bổng sẽ là yếu tố then chốt để Fed đưa ra quyết định cho bước đi tiếp theo vào tháng 11. Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số S&P 500 gần như đi ngang trong khi Nasdaq và Dow Jones đều ghi nhận mức tăng 0.1%.
Bên kia bờ Đại Tây Dương, thị trường chứng khoán Châu Âu phần lớn cũng khoác lên mình sắc xanh, gượng dậy sau phiên giảm điểm trước đó. Cả chỉ số Euro Stoxx 50 và FTSE 100 đều tăng 0.2%, trong khi DAX của Đức lại chìm trong sắc đỏ với mức giảm 0.3%, chịu áp lực từ dữ liệu PMI sản xuất tháng 9 thấp hơn kỳ vọng.
Về thị trường Châu Á, Nikkei đảo chiều giảm 2.2% sau phiên tăng điểm trước đó. Ngược lại, dòng tiền vẫn ồ ạt đổ vào cổ phiếu bất động sản sau khi Trung Quốc tung ra hàng loạt chính sách nhằm vực dậy nền kinh tế đã giúp Hang Seng tiếp tục bùng nổ với mức tăng ấn tượng 6.2%.
Ở mặt trận khác, thị trường chứng khoán Úc tiếp tục chuỗi ngày giao dịch ảm đạm với phiên giảm điểm thứ hai liên tiếp. Chỉ số ASX 200 giảm 0.1%, chịu ảnh hưởng chính từ nhóm cổ phiếu tiêu dùng không thiết yếu. Nhìn chung, 8/11 nhóm ngành đều ghi nhận mức giảm. Nổi bật trong phiên là nhóm cổ phiếu năng lượng, với bước nhảy vọt 2.4% nhờ được hưởng lợi từ đà tăng giá của dầu.
Câu chuyện lãi suất
Thị trường TPCP Mỹ đón nhận “làn sóng xanh” mạnh mẽ sau khi dữ liệu việc làm ADP lạc quan hơn dự kiến, xua tan phần nào nỗi lo về nguy cơ suy thoái kinh tế trước thềm công bố báo cáo NFP vào thứ Sáu.
Cụ thể, lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 2 năm tăng 4 bps, lên 3.64%; trong khi kỳ hạn 10 năm tăng 5 bps, lên 3.78%. Bên cạnh đó, lợi suất TPCP Anh kỳ hạn 10 năm và 2 năm cùng tăng 6 bps, lên lần lượt 3.03% và 4.02%. Lợi suất TPCP Đức kỳ hạn 10 năm cũng tăng 6 bps, lên 2.09%; trong khi kỳ hạn 2 năm tăng 2 bps, lên 2.04%. Về phía Úc, hợp đồng tương lai TPCP kỳ hạn 3 năm tăng 3 bps, lên 3.47%;trong khi kỳ hạn 10 năm tăng 4 bps, lên 3.99%.
Hiện tại, thị trường lãi suất đang phản ánh kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm tổng cộng khoảng 70 bps trong phần còn lại của năm 2024 và 188 bps cho năm 2025. Mặt khác, đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của RBA khả năng cao sẽ rơi vào tháng 2/2025, với tổng cộng 114 bps trong năm này.
Ngoại hối
USD tiếp tục khẳng định sức mạnh trong khi JPY trượt dốc không phanh, đồng thời lợi suất TPCP cũng tìm được động lực phục hồi sau phiên giảm điểm trước đó. Nhìn chung, căng thẳng địa chính trị leo thang có khả năng sẽ tiếp tục đè nặng lên tâm lý thị trường trong ngắn hạn, qua đó hạn chế khả năng chỉ số DXY giảm xuống vùng đáy năm 2023 quanh 99.60 như đã đề cập trước đó.
JPY rơi tự do sau khi tân Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba phát biểu rằng nền kinh tế chưa sẵn sàng cho việc tăng lãi suất. Điều này đã đẩy USD/JPY tăng vọt 2.0%, lên 146.45.
AUD/USD trải qua phiên giao dịch khá giằng co, chạm mức cao 0.6916 trước khi đảo chiều giảm và đóng cửa tại 0.6885. Các yếu tố hỗ trợ AUD đang dần trở lại và một trong số đó có thể kể đến là động lực từ lợi suất TPCP, tuy nhiên, đồng tiền này vẫn dễ bị tổn thương trước tâm lý e ngại rủi ro do căng thẳng leo thang ở Trung Đông.
Gói kích thích kinh tế của Trung Quốc được kỳ vọng sẽ thổi một làn gió mới vào AUD. Dù vậy, tiềm năng tăng giá sẽ còn phụ thuộc vào phản ứng của người tiêu dùng và lĩnh vực bất động sản đối với các biện pháp này. Đối với các cặp tiền mà chênh lệch lợi suất vẫn ủng hộ cho AUD, chẳng hạn như AUD/EUR (+0.2%) hay AUD/NZD (+0.3%), đà tăng hiện vẫn được duy trì.
Hàng hóa
Giá dầu tiếp tục mở rộng đà tăng khi căng thẳng tại Trung Đông leo thang, mặc dù để vụt mất phần lớn thành quả vào cuối ngày. Điều này diễn ra ngay cả khi các báo cáo cho thấy OPEC+ sẽ giữ vững kế hoạch khôi phục sản lượng dầu trong năm nay, bất chấp những dấu hiệu cho thấy tình trạng dư cung sắp xảy ra. Sau cùng, giá dầu WTI vẫn giữ được sắc xanh với mức tăng hơn 0.3%, đóng cửa tại 71.55 USD.
Quặng sắt vẫn hưởng lợi từ gói kích thích kinh tế được chính phủ Trung Quốc công bố vào tuần trước. Hợp đồng tương lai quặng sắt nhích nhẹ 0.1%, lên 108.85 USD/tấn.
Nhịp đập vĩ mô
Eurozone: Tỷ lệ thất nghiệp duy trì ổn định ở mức 6.4% trong tháng 8, phù hợp với kỳ vọng chung của thị trường. Số lượng người có việc làm tăng thêm 94,000, nối tiếp con số 89,000 của tháng 7. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (lao động dưới 25 tuổi) giảm xuống 14.1%.
Mỹ: Báo cáo của ADP cho thấy khu vực tư nhân nước này đã tạo thêm 143,000 việc làm trong tháng 9. Đây là mức tăng mạnh nhất trong ba tháng, vượt xa con số 103,000 (được điều chỉnh tăng từ 99,000) của tháng 8. Con số này cũng cao hơn nhiều so với mức dự báo 125,000 của thị trường. Trong đó, lĩnh vực dịch vụ và sản xuất (chủ yếu là xây dựng) đã tạo thêm lần lượt 101,000 và 42,000 việc làm. Nhìn chung, số liệu tháng 9 phù hợp với tốc độ tăng trưởng việc làm trung bình kể từ tháng 8/2023.
Mức tăng lương trung bình hàng năm đối với những lao động thay đổi công việc tiếp tục giảm tốc, xuống còn 6.6% từ 7.3% trong tháng trước. Mặt khác, mức tăng lương đối với những lao động giữ nguyên công việc nhìn chung không đổi.
Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch Fed Richmond Thomas Barkin ghi nhận những tiến bộ trong nỗ lực kiềm chế lạm phát và bày tỏ niềm tin vào nền kinh tế, nhưng vẫn thận trọng về những rủi ro tiềm ẩn. Về lạm phát, ông cho biết "vẫn còn quá sớm để khẳng định rằng cuộc chiến chống lạm phát đã kết thúc". Về thị trường lao động, "tỷ lệ tuyển dụng đã giảm về mức trung bình của năm 2013, tuy nhiên, các nhà tuyển dụng không tiến hành sa thải nhân viên ồ ạt mà thay vào đó, họ lựa chọn phương án tinh giản đội ngũ một cách tự nhiên".
Westpac IQ