Westpac IQ: Nhận định thị trường hậu bầu cử Tổng thống Mỹ

Westpac IQ: Nhận định thị trường hậu bầu cử Tổng thống Mỹ

Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

08:14 07/11/2024

Bản tin sáng từ Westpac IQ.

Điểm chính

Như vậy, sự kiện quan trọng nhất trong tuần - Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã kết thúc. Chiến thắng của ông Trump đã gây ra những biến động đáng kể trên thị trường tài chính, khi chiến lược “Trump Trade” (các giao dịch dựa trên dự đoán chính sách của ông) được hiện thực hóa.

Phố Wall bốc đầu, với nhiều chỉ số chính lập kỷ lục mới, trong khi thị trường chứng khoán toàn cầu lại có phản ứng trái chiều. Chứng khoán Châu Âu và Hồng Kông giảm điểm, trái ngược với thị trường Ấn Độ và Nhật Bản.

Đáng chú ý không kém, trái phiếu chính phủ (TPCP) Mỹ bị bán tháo mạnh, đẩy lợi suất lên mức cao nhất trong nhiều tháng. Ở một diễn biến khác, hàng hóa nhìn chung giảm giá do USD tăng mạnh.

Chứng khoán

Chứng khoán Mỹ tăng dựng đứng. Chỉ số Dow Jones, S&P 500 và NASDAQ tăng lần lượt 3.6%, 2.5% và 2.9%, đều ghi nhận mức cao kỷ lục mới. Kỳ vọng về việc chính quyền ông Trump sẽ nới lỏng thuế và quy định được coi là động lực chính cho kết quả này.

Ngoài Mỹ, bức tranh thị trường chứng khoán lại đa dạng hơn. Hòa chung nhịp đập với thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số Nikkei 225 - Nhật Bản tăng 2.6%. NIFTY 50 - Ấn Độ cũng khoác lên mình sắc xanh với mức tăng 1.1%, nhưng vẫn còn cách khá xa so với đỉnh lịch sử thiết lập hồi tháng 9. Ngược lại, chứng khoán Châu Âu chìm trong sắc đỏ, với chỉ số Euro Stoxx 50 giảm 1.4%, xuống mức thấp nhất trong ba tháng. Bên cạnh đó, chỉ số DAX - Đức và FTSE 100 - London cũng giảm lần lượt 1.1% và 0.1%. Các thị trường này đã phần nào phản ánh tác động tiêu cực tiềm tàng từ các chính sách thuế quan của Mỹ.

Sự kém sắc thể hiện rõ rệt nhất tại thị trường Hồng Kông, với chỉ số Hang Seng giảm 2.2%. Nguyên nhân là do khả năng Mỹ áp đặt thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc gia tăng, khi Đảng Cộng hòa có khả năng kiểm soát cả Hạ viện và Thượng viện. Chỉ số CSI 300 - Thượng Hải giảm nhẹ hơn, ở mức 0.5%. Nhìn sang Úc, mặc dù kết quả bầu cử được xác nhận sau khi thị trường chứng khoán nước này đóng cửa, nhưng những dự đoán trước đó dường như đã có tác động đáng kể, dẫn đến mức tăng 0.8% của chỉ số ASX 200. Mặc dù vậy, chỉ số này vẫn chưa thể vượt qua đỉnh lịch sử được thiết lập hồi cuối tháng 9.

Câu chuyện lãi suất

Lợi suất TPCP Mỹ nhảy vọt trên toàn bộ kỳ hạn, trong đó, kỳ hạn dài hạn tăng mạnh nhất. Cụ thể, lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng 16 bps lên 4.43%, cao hơn khoảng 80 bps so với đáy gần đây là 3.61%, trong khi kỳ hạn 2 năm tăng 10 bps lên 4.27%. Chênh lệch lợi suất giữa hai kỳ hạn theo đó được nới rộng lên mức 16 bps.

Xác suất Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất tại cuộc họp tháng 11 tăng lên (94%), nhưng lại giảm đi đối với các cuộc họp tiếp theo (chỉ khoảng 59% cho cuộc họp tháng 12). Hiện tại, thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất tổng cộng 100 bps cho đến cuối năm 2025, giảm từ mức 120 bps trong tuần trước.

Song hành cùng thị trường chứng khoán, lợi suất TPCP Châu Âu cũng có diễn biến trái chiều. Lợi suất TPCP Đức (Bund) kỳ hạn 2 năm giảm 12 bps xuống 2.17%, trong khi kỳ hạn 10 năm giảm 2 bps xuống 2.40%. Ngược lại, lợi suất TPCP (Gilt) kỳ hạn 10 năm tăng 3 bps lên 4.56%. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) sẽ có cuộc họp chính sách vào chiều nay, nên biến động của lợi suất dường như cũng hạn chế. Lợi suất TPCP Nhật Bản kỳ hạn 10 năm tăng 4 bps lên 0.98%. Ở mặt trận khác, lợi suất hợp đồng tương lai TPCP Úc gần như đi ngang, với kỳ hạn 3 năm giữ nguyên ở mức 4.13%, trong khi kỳ hạn 10 năm tăng nhẹ 2 bps lên 4.66%. Kỳ vọng về việc Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) cắt giảm lãi suất tiếp tục bị đẩy lùi. Hiện tại, xác suất RBA cắt giảm lãi suất vào tháng 2 năm sau chỉ khoảng 32%, trong khi động thái tương tự vào tháng 5 là gần như chắc chắn.

Ngoại hối

Đồng bạc xanh ra sức càn quét thị trường khi tăng giá mạnh so với hầu hết các đồng tiền khác. Chỉ số DXY, đo lường giá trị của USD với rổ sáu loại tiền tệ chính, tăng lên 105.07, đạt mức cao nhất trong bốn tháng. Yên Nhật là đồng tiền có hiệu suất kém nhất G-10 với USD/JPY tăng lên 154.50, mức cao nhất trong bốn tháng. EURGBP cũng giảm giá so với USD. EUR/USD giảm xuống 1.0736, mức thấp nhất kể từ giữa tháng 4; GBP/USD cũng lùi về 1.2889. AUD là một trong số ít các đồng tiền G-10 có diễn biến tốt hơn, chỉ sau CAD. Đầu phiên, AUD/USD giảm từ 0.6638 xuống mức thấp 0.6512. Sau đó, khi kết quả bầu cử rõ ràng hơn, cặp tiền này đã hồi phục nhẹ và đóng cửa ở mức 0.6581, thấp nhất trong ba tháng.

Hàng hóa

Giá hàng hóa suy yếu khi thị trường chứng khoán và tiền tệ thăng hoa sau tin tức bầu cử. Giá dầu thô WTI kết phiên hôm qua giảm khoảng 0.2%, đóng cửa ở mức 71.81 USD/thùng, và đã có thời điểm nhúng qua mốc 70.00 USD/thùng trong phiên, phản ánh kỳ vọng về động thái cứng rắn hơn của Mỹ đối với Iran. Ngoài ra, giá giảm một phần nguyên nhân cũng do lượng dầu tồn kho tăng. Cụ thể, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, trong tuần kết thúc vào ngày 01/11, tồn kho dầu của Mỹ tăng 2.1 triệu thùng lên 427.7 triệu thùng, hơn gần gấp đôi so với dự báo của các nhà phân tích. Bên cạnh đó, tồn kho xăng và sản phẩm chưng cất cũng tăng cùng chiều với lần lượt 400,000 thùng và 2.9 triệu thùng. Sản lượng dầu thô của Mỹ giữ nguyên ở mức kỷ lục 13.5 triệu thùng/ngày. Giá vàng giảm hơn 3.0% (khoảng 90 giá) trong phiên hôm qua, đóng cửa ở mức 2,659 USD/ounce, có thể do USD mạnh lên và bức tranh chính trị Mỹ trở nên rõ ràng hơn. Giá quặng sắt cũng giảm 1.4% xuống 103.60 USD/tấn, phản ánh triển vọng bất ổn về nhu cầu thép của Trung Quốc.

Nhìn lại cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ

Ông Trump đã giành chiến thắng thuyết phục, vượt qua mốc 270 phiếu đại cử tri cần thiết để trở thành Tổng thống thứ 47 của Mỹ. Việc kiểm phiếu cho cả Thượng viện và Hạ viện vẫn đang diễn ra, nhưng Đảng Cộng hòa dường như đã nắm quyền kiểm soát Thượng viện và đang dẫn trước ở Hạ viện. Nếu Đảng Cộng hòa kiểm soát cả hai viện, ông Trump sẽ có nhiều thẩm quyền để ban hành các chính sách mới về thuế, quy định, chi tiêu và thương mại. Phản ứng tích cực của thị trường chứng khoán cũng xuất phát từ đây, với kỳ vọng rằng cải cách thuế và quy định sẽ cung cấp sự hỗ trợ đáng kể cho các doanh nghiệp. Dù vậy, lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn dài cũng tăng lên 4.45%, cao hơn gần 85 bps so với mức đáy hồi giữa tháng 9/2024. Điều này cho thấy các nhà đầu tư cũng đang lo ngại về tình trạng thâm hụt ngân sách, nợ công và lạm phát.

Westpac IQ

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ