Westpac IQ: Niềm "kiêu hãnh" của đồng bạc xanh giữa lúc thị trường lặng sóng, DXY đột phá 104.00, USD/JPY vượt mốc 151.00

Westpac IQ: Niềm "kiêu hãnh" của đồng bạc xanh giữa lúc thị trường lặng sóng, DXY đột phá 104.00, USD/JPY vượt mốc 151.00

Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

08:32 23/10/2024

Bản tin từ Westpac IQ.

Bức tranh chung

  • Phiên giao dịch hôm qua, thị trường tài chính toàn cầu chìm trong không khí trầm lắng khi vắng bóng các thông tin kinh tế quan trọng. Chứng khoán Mỹ và Châu Âu gần như đi ngang, trong khi thị trường trái phiếu tiếp tục chứng kiến làn sóng bán tháo mạnh mẽ, khi mà các nhà đầu tư bắt đầu tỏ ra nghi ngờ về tốc độ cắt giảm lãi suất trong tương lai. Những phát biểu cứng rắn từ các quan chức FedECB tiếp tục cho thấy một cách tiếp cận thận trọng và có chừng mực hơn đối với chính sách tiền tệ.
  • Giữa bức tranh tối màu, USD vẫn tỏa sáng, tiếp đà tăng giá nhẹ nhờ vào sự hậu thuẫn của lợi suất TPCP Mỹ. Ngôi sao sáng nhất trong số các cặp tiền chính là AUD/USD với mức tăng 0.3%.
  • Ở thị trường hàng hóa, giá quặng sắt giảm, dầu thô tăng nhẹ, trong khi vàng tiếp tục bứt phá ngoạn mục.

Chứng khoán 

Chỉ số S&P 500 gần như đi ngang trong phiên giao dịch chính thức, nhưng giảm điểm nhẹ trong phiên giao dịch sau giờ làm việc sau thông tin tiêu cực từ một số ông lớn ngành bán lẻ. Dow Jones cũng không có nhiều biến động, trong khi NASDAQ ghi nhận mức tăng khiêm tốn 0.2%. Chứng khoán Châu Âu cũng có diễn biến tương tự với chỉ số Euro Stoxx 50 gần như không đổi, FTSE 100 và DAX 40 giảm lần lượt 0.1% và 0.2%.

Chứng khoán Châu Á diễn biến trái chiều với Nikkei 225 giảm 1.4% khi các nhà giao dịch cơ cấu lại danh mục trước thềm cuộc tổng tuyển cử vào cuối tuần. Ở chiều ngược lại, thị trường Hồng Kông và Thượng Hải tăng nhẹ, lần lượt 0.1% và 0.6% sau phiên giảm đầu tuần.

Nhìn sang Úc, ASX 200 có phiên giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 9, chịu ảnh hưởng từ thị trường Mỹ. Làn sóng bán tháo mạnh mẽ đã khiến chỉ số này giảm 1.7%, tất cả các lĩnh vực đều chìm trong sắc đỏ.

Câu chuyện lãi suất

Đường cong lợi suất TPCP Mỹ dốc lên trong đêm qua, với kỳ hạn 2 năm neo tại 4.03%, trong khi kỳ hạn 10 năm nhích nhẹ lên 4.21% - mức cao nhất kể từ cuối tháng 7. Qua đó, nâng chênh lệch lợi suất giữa hai kỳ hạn lên mức 17 bps.

Hiện tại, thị trường vẫn đặt cược vào khả năng Fed tiếp tục hạ lãi suất, mặc dù tốc độ có thể sẽ chậm hơn dự kiến ban đầu do thiếu vắng các dữ liệu kinh tế quan trọng. Xác suất Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 11 hiện đang là 92% và khoảng 40 bps cho đến cuối năm.

Lợi suất TPCP Úc tăng mạnh trong phiên hôm qua, với kỳ hạn 3 năm tăng 12 bps lên 3.93%, trong khi kỳ hạn 10 năm tăng 16 bps lên 4.43%. Dù vậy, diễn biến hợp đồng tương lai cho thấy đà tăng này có thể sẽ chững lại, với lợi suất TPCP Úc kỳ hạn 3 năm và 10 năm gần như không đổi.

Giới đầu tư cũng đang giảm bớt kỳ vọng về việc RBA cắt giảm lãi suất trong ngắn hạn, với chỉ 5 bps được định giá trước khi kết thúc năm. Kỳ vọng về lần cắt giảm lãi suất đầu tiên đã được đẩy lùi từ tháng 4 sang tháng 5, với khoảng 60 bps cho năm 2025, thấp hơn đáng kể so với mức 111 bps của một tháng trước. Số liệu lạm phát chính thức vào tuần tới sẽ là yếu tố then chốt có thể tác động mạnh đến kỳ vọng của thị trường.

Ngoại hối

Chỉ số DXY kết phiên hôm qua tiếp đà tăng nhẹ 0.1%, giao dịch ở mức cao nhất kể từ đầu tháng 8. Khi cuộc đua vào Nhà Trắng đang ngày càng gây cấn, đồng bạc xanh được dự đoán sẽ tiếp tục tăng giá nếu chiến thắng thuộc về ông Donald Trump - người ủng hộ các chính sách can thiệp mạnh mẽ hơn (kích thích tài khóa, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và tăng thuế quan). Điều này sẽ đẩy rủi ro lạm phát trong trung hạn lên, phù hợp với xu hướng tăng của lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn dài gần đây.

AUD/USD là ngôi sao sáng nhất trong số các cặp tiền chính với mức tăng 0.3%. Mặc dù vậy, triển vọng ngắn hạn vẫn còn nhiều thách thức do bất ổn từ cuộc bầu cử Mỹ và căng thẳng địa chính trị, những yếu tố tiềm ẩn rủi ro giảm giá đối với AUD.

EUR/USD tiếp tục chịu áp lực bán với mức giảm 0.2%, chính thức thủng mốc 1.0800. Lạm phát tại Châu Âu hạ nhiệt và dữ liệu tiền lương từ Indeed giảm đã củng cố khả năng ECB sẽ mạnh tay hơn trong việc nới lỏng chính sách. Về dài hạn, với dự báo tăng trưởng thấp hơn và lo ngại từ các tổ chức xếp hạng tín nhiệm cũng là những rủi ro tiềm ẩn đối với EUR.

Yên Nhật tiếp tục trượt dốc với USD/JPY tăng khoảng 0.2% và hiện đã vượt mốc 150.00. Cặp tiền này có khả năng sẽ biến động mạnh tùy thuộc vào kết quả của cuộc bầu cử Mỹ. Về phía Nhật Bản, JPY có thể sẽ nhận được sự hỗ trợ về mặt ngân sách nhằm thúc đẩy nền kinh tế hậu bầu cử và quan điểm lạc quan của BoJ về triển vọng tăng trưởng.

Hàng hóa

Giá dầu thô tăng nhẹ khi thị trường lo ngại về căng thẳng leo thang ở Trung Đông, bất chấp nỗ lực mới nhất của Ngoại trưởng Mỹ - Antony Blinken trong việc dàn xếp một thỏa thuận hòa bình. Giá dầu thô WTI và Brent kết phiên hôm qua tăng khoảng 2%, hiện đang giao dịch quanh 71.90 và 75.30 USD/thùng.

Giá kim loại đồng loạt tăng, dẫn đầu là nhôm, với alumina vọt lên mức cao kỷ lục. Giá quặng sắt lại đi ngược dòng do thị trường tập trung vào lượng hàng tồn kho đang tăng lên tại các cảng của Trung Quốc sau khi nước này công bố hàng loạt chính sách mới.

Diễn biến đáng chú ý khác

Châu Âu: Chủ tịch ECB - Christine Lagarde thể hiện sự tự tin hơn về định hướng chính sách của ECB, mặc dù bà không đưa ra bất kỳ thông tin chi tiết nào về tốc độ nới lỏng. Bà khẳng định “hướng đi đã rõ ràng” và “tốc độ sẽ được điều chỉnh linh hoạt theo tình hình thực tế”.

Mỹ: Khảo sát của Fed Richmond cho thấy, lĩnh vực sản xuất của Mỹ đã có những tín hiệu phục hồi tích cực trong tháng trước bất chấp tác động tiêu cực từ các cơn bão. Chỉ số chung tăng 7 điểm trong tháng 10, lên mức cao nhất trong bốn tháng là –14 điểm, mặc dù vẫn ở dưới mức trung bình nhiều năm. Bên cạnh đó, trong số các cấu phần chính, chỉ số sản lượng ghi nhận mức tăng mạnh nhất, trong khi đơn đặt hàng mới và việc làm cũng có diễn biến tương tự nhưng kém hơn đôi chút. Nhìn từ đây, chúng ta có thể kỳ vọng về một bức tranh sáng màu trong báo cáo PMI sản xuất của ISM và các khảo sát tâm lý khác cùng lĩnh vực.

Một số quan chức Fed đã nhắc lại cách tiếp cận thận trọng và có chừng mực đối với việc nới lỏng chính sách tiền tệ trong các bài phát biểu của họ. Chủ tịch Fed Dallas - Lorie Logan cho biết: “Chiến lược cắt giảm lãi suất ‘chậm mà chắc’ về mức bình thường hoặc trung lập hơn có thể giúp kiểm soát rủi ro và đạt được các mục tiêu của chúng ta.” Chủ tịch Fed Minneapolis - Neel Kashkari cho rằng Fed ​​sẽ “cắt giảm lãi suất khiêm tốn hơn trong vài quý tới để đạt được mức lãi suất gần như trung lập.” Chủ tịch Fed Kansas City - Jeffrey Schmid cũng ủng hộ việc nới lỏng với tốc độ chậm hơn và ông muốn “tránh những động thái quá mức, đặc biệt là trong bối cảnh triển vọng chính sách còn nhiều bất ổn.”

Mặt khác, Chủ tịch Fed San Francisco - Mary Daly kỳ vọng rằng Fed sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất để bảo vệ nền kinh tế thực đang suy yếu: “Đến nay, tôi vẫn chưa thấy dấu hiệu nào để ngừng việc cắt giảm lãi suất. Mức lãi suất hiện tại là quá cao đối với một nền kinh tế đang trên đà đạt được mục tiêu lạm phát 2% và tôi không muốn thấy thị trường lao động xấu đi thêm nữa.”

Westpac IQ

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ