Westpac IQ: Phố Wall tiếp tục “thăng hoa”, trong khi "cuộc chinh phạt" của USD vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại
Thành Duy
Junior editor
Bản tin sáng từ Westpac IQ.
Những điểm nhấn
Nhìn chung, các thị trường đêm qua giao dịch tương đối im ắng do nghỉ lễ Ngày Cựu chiến binh tại Mỹ. Mặc dù thị trường trái phiếu cơ sở đóng cửa, giao dịch hợp đồng tương lai vẫn diễn ra và lợi suất tăng 3-4 bps trên toàn bộ kỳ hạn. Chứng khoán Mỹ nối dài chuỗi tăng sang phiên thứ năm liên tiếp, thiết lập mức cao kỷ lục mới. Dù vậy, động lực tăng hậu bầu cử đã yếu đi đáng kể. USD tăng giá so với tất cả các đồng tiền G-10, chạm mức cao nhất trong bốn tháng. Giá Bitcoin tăng vọt hơn 10%, vượt mốc 88,000 USD. So với thời điểm trước cuộc bầu cử Mỹ, Bitcoin hiện đã tăng giá hơn 30%.
Chứng khoán
Phố Wall ghi nhận phiên tăng thứ năm liên tiếp, với các chỉ số chính đồng loạt vượt đỉnh lịch sử. Dẫu vậy, động lực tăng trưởng hậu bầu cử đã suy yếu rõ rệt. Kết phiên, chỉ số S&P 500 và NASDAQ chỉ nhích nhẹ 0.1%, trong khi Dow Jones tăng 0.7%.
Chứng khoán Châu Âu cũng khép lại phiên giao dịch trong sắc xanh. Chỉ số Euro Stoxx 50, FTSE 100 - Anh và DAX - Đức tăng lần lượt 1.1%, 0.7% và 1.2%. Sang thị trường Úc, chỉ số ASX 200 rơi ngay khi mở cửa và tiếp đà giảm dần cho đến cuối phiên giao dịch hôm qua. Hợp đồng tương lai không có biến động đáng kể đêm qua.
Ở mặt trận khác, thị trường chứng khoán Châu Á diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch hôm qua. Nikkei - Nhật Bản tăng nhẹ 0.1%, trong khi các chỉ số chính của Trung Quốc cho thấy sự phân hóa. CSI 300 tăng 0.7%, duy trì xu hướng tích cực nhẹ, trong khi Hang Seng giảm 1.5% nhưng vẫn nằm trong vùng sideway sau các thông báo kích thích kinh tế hồi đầu tháng 10.
Lợi suất
Mặc dù thị trường trái phiếu cơ sở tại Mỹ đóng cửa nghỉ lễ Ngày Cựu chiến binh, nhưng giao dịch hợp đồng tương lai vẫn diễn ra và lợi suất tăng 3-4 bps trên toàn bộ kỳ hạn. Kỳ vọng về lộ trình chính sách của Fed hầu như không thay đổi, với xác suất gần 50% cho việc ngân hàng trung ương này cắt giảm lãi suất vào cuộc họp tháng 12 và tổng cộng khoảng 75 bps vào cuối năm 2025.
Trong khi đó, lợi suất TPCP Châu Âu biến động theo chiều hướng ngược lại. Cụ thể, lợi suất TPCP kỳ hạn 2 năm giảm lần lượt 1 và 5 bps tại Anh và Đức; trong khi kỳ hạn 10 năm lần lượt giảm 1 và 4 bps.
Mặt khác, hợp đồng tương lai TPCP Úc có diễn biến trái chiều, với lợi suất kỳ hạn 3 năm nhích nhẹ 1 bps lên 4.11%; trong khi kỳ hạn 10 năm giảm tương ứng xuống 4.58%. Kỳ vọng về việc RBA nới lỏng chính sách tiếp tục bị đẩy lùi và đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên khả năng cao sẽ rơi vào tháng 7/2025 với 25 bps. Xác suất RBA cắt giảm lãi suất vào tháng 5 đang ở mức khoảng 87%, trong tháng 2 là chưa đến 30%.
Ngoại hối
USD tiếp tục công cuộc “bành trướng”, với chỉ số DXY chạm mức cao nhất trong bốn tháng là 105.71, chỉ còn cách đỉnh tạm tính của năm 2024 (106.52 - ghi nhận hồi tháng 4) chưa đến một giá. Dù vậy, động lượng đã suy yếu đáng kể, do đó, đồng bạc xanh có thể sẽ cần một chất xúc tác mới để tiếp tục đà tăng mạnh mẽ từ mức hiện tại.
AUD/USD tiếp đà giảm, hiện vẫn đang phản ứng với vùng hỗ trợ quanh mức 0.6560. Đợt tăng giá đầy hứa hẹn của AUD vào cuối tuần trước đã bị đảo ngược hoàn toàn. Về ngắn hạn, triển vọng là khá kém sắc sau khi các thông báo về chính sách tài khóa của Trung Quốc hôm thứ Sáu không mang lại bất kỳ lực đẩy mới nào. Mặc dù vậy, việc RBA kiên định với lập trường diều hâu đang giúp duy trì lợi suất TPCP Úc ở mức ổn định về mặt tuyệt đối và trên cơ sở so sánh giữa các quốc gia, điều này sẽ thiết lập nền tảng cho AUD, giúp hạn chế bất kỳ đợt suy giảm mạnh nào từ mức hiện tại.
EUR chịu áp lực bán mạnh do cả yếu tố bên ngoài lẫn bên trong. Lo ngại về căng thẳng thương mại Mỹ - Âu dâng cao với khả năng Robert Lighthizer trở lại làm Đại diện Thương mại Mỹ, báo hiệu nguy cơ về một làn sóng tăng thuế quan mới. Bên cạnh đó, chính trường Đức bất ổn với khả năng tổ chức bầu cử sớm sau khi Thủ tướng Scholz bãi nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài chính, làm dấy lên lo ngại về triển vọng kinh tế của cả Đức và Eurozone. EUR/USD theo đó đã chính thức xuyên thủng mốc 1.0700 trong phiên giao dịch hôm qua, chạm mức thấp nhất trong sáu tháng là 1.0629. Hiện tại, cặp tiền đã giảm tổng cộng hơn 500 pip kể từ đầu tháng 10. Xu hướng ngắn hạn của cặp tiền này có thể sẽ phụ thuộc phần nhiều vào diễn biến của USD. Những khó khăn kinh tế đáng kể trong trung hạn sẽ giữ cho định hướng chính sách tiền tệ tại Châu Âu khá rõ ràng, trong khi nhiều ngân hàng trung ương khác đang phải đối mặt với những hạn chế về tốc độ nới lỏng.
Sau hai phiên giao dịch có thể gọi là “hào quang phản chiếu”, JPY tiếp tục đà mất giá. USD/JPY tăng từ 152.64 lên mức cao 153.95 trong phiên hôm qua và giao dịch quanh 153.80 tại thời điểm viết bài. Dù vậy, các trader nên thận trọng trước nguy cơ can thiệp khi USD/JPY tiến gần đến mốc 155.00, mặc dù đây có vẻ là kịch bản khả dĩ trong ngắn hạn khi USD vẫn ở mức cao và chính sách thuế quan từ chính quyền của Donald Trump có thể sẽ nhắm mạnh vào Đông Nam Á.
Hàng hóa
Giá dầu thô tiếp đà giảm hơn 3% trong phiên giao dịch hôm qua. USD mạnh lên, nguy cơ leo thang căng thẳng thương mại, dữ liệu lạm phát gây thất vọng của Trung Quốc và kỳ vọng nhu cầu yếu đều gây áp lực lên giá. Giá dầu thô WTI và Brent giao dịch lần lượt ở mức 68.20 và 71.90 USD/thùng tại thời điểm viết bài.
Mặt khác, giá kim loại cũng chịu áp lực do USD mạnh lên và thông báo chính sách tài khóa của Trung Quốc gây thất vọng. Kết phiên hôm qua, giá đồng giảm 1.3% xuống mức thấp nhất trong hai tháng là 9,201 USD/tấn, trong khi giá nhôm giảm 1.9% xuống còn 2,572 USD/tấn. Bên cạnh đó, hợp đồng tương lai quặng sắt giảm 1.9% xuống còn 101.30 USD/tấn.
Westpac IQ