Westpac IQ: Phong độ là nhất thời, giá dầu thô nhanh chóng quay trở lại đường đua; Bảng Anh "trọng thương" sau tín hiệu dovish bất ngờ từ BoE
Thành Duy
Junior editor
Bản tin tổng hợp từ Westpac IQ.
Năng lượng
Giá dầu thô tăng vọt sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ám chỉ khả năng tấn công vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Iran. Động thái cứng rắn từ Washington được đưa ra trong bối cảnh Israel đang cân nhắc trả đũa các cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran vào đầu tuần, làm gia tăng lo ngại về một cuộc xung đột trên diện rộng tại Trung Đông - khu vực sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới. Nhóm G7 đã kêu gọi tất cả các bên kiềm chế để ngăn chặn leo thang căng thẳng, tuy nhiên, nỗi lo ngại về nguồn cung bị gián đoạn đã đưa giá dầu thô quay trở lại đường đua với WTI nhảy vọt 5.1% lên 73.71 USD/thùng và còn tiếp tục tăng thêm 0.3% trong phiên giao dịch sáng nay.
Chứng khoán
Nhìn chung, tâm lý e ngại rủi ro gia tăng do bất ổn địa chính trị đã khiến hầu hết các chỉ số chứng khoán lớn trên thế giới chìm trong sắc đỏ, mặc dù mức giảm vẫn hạn chế dưới 1%.
Mỹ: Số liệu PMI dịch vụ ISM khả quan hơn dự kiến đã phần nào nâng đỡ thị trường chứng khoán nước nào, tuy nhiên, Dow Jones vẫn ghi nhận mức giảm mạnh nhất với 0.4%, trong khi S&P 500 nhẹ nhàng hơn và NASDAQ đóng cửa gần như không đổi.
Anh: FTSE 100 ban đầu tăng điểm sau những bình luận của Thống đốc BoE Andrew Bailey, trong đó ông ám chỉ khả năng đẩy nhanh tốc độ nới lỏng chính sách. Dù vậy, đà tăng này đã bị xóa sổ vào cuối phiên do tâm lý thị trường chuyển biến tiêu cực, khiến chỉ số đóng cửa giảm 0.1%.
Nhật Bản: Nikkei 225 tăng 2% sau khi tân Thủ tướng Shigeru Ishiba khẳng định rằng “hiện không phải lúc để tăng lãi suất” và công bố các biện pháp chính sách bổ sung nhằm hỗ trợ người dân ứng phó với áp lực chi phí sinh hoạt.
Úc: ASX 200 đóng cửa tăng nhẹ 0.1%, nhưng hợp đồng tương lai đã giảm điểm trong phiên giao dịch sau đó do tâm lý thị trường chuyển biến tiêu cực.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục vẫn đóng cửa do kỳ nghỉ lễ Quốc khánh. Mặt khác, thị trường chứng khoán Hồng Kông lại diễn biến trái chiều với Hang Seng có thời điểm bốc hơi hơn 4.5% trước khi thu hẹp mức giảm còn 1.5% khi các nhà đầu tư tỏ ra thận trọng hơn, đánh giá lại liệu đà tăng được thúc đẩy bởi gói kích thích có bền vững hay không.
Câu chuyện lãi suất
Lợi suất TPCP Mỹ đã tăng mạnh sau khi số liệu PMI dịch vụ ISM khả quan củng cố nhận định của Chủ tịch Fed Jerome Powell rằng nền kinh tế Mỹ vẫn khỏe mạnh và Fed sẽ không vội vàng đẩy nhanh tốc độ nới lỏng chính sách. Theo đó, lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 2 năm và 10 năm cùng tăng 6 bps lên lần lượt 3.71% và 3.85%. Đáng chú ý, lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 10 năm đã đạt mức cao nhất kể từ đầu tháng 9. Ngoài ra, thị trường hiện vẫn kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất thêm hai lần nữa trong năm nay, nhưng đang chia rẽ về việc liệu sẽ có một lần cắt giảm 50 bps hay không.
Ngược lại, tại Anh, kỳ vọng BoE đẩy nhanh tốc độ nới lỏng chính sách đã khiến lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm và 2 năm suy giảm. Cụ thể, lợi suất TPCP Anh kỳ hạn 2 năm giảm 5 bps; trong khi kỳ hạn 10 năm gần như không đổi với 1 bps. Về phía Đức, lợi suất TPCP kỳ hạn 2 năm tăng 4 bps lên 2.08%; trong khi kỳ hạn 10 năm tăng 5 bps lên 2.14%.
Lợi suất hợp đồng tương lai TPCP Úc cũng tăng điểm, với kỳ hạn 3 năm tăng 3 bps lên 3.52%; trong khi kỳ hạn 10 năm tăng 4 bps lên 4.05%. Diễn biến này dường như đang phản ánh kỳ vọng về việc RBA sẽ duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt lâu hơn do lo ngại về lạm phát.
Ngoại hối
Giới đầu tư tiếp tục đổ xô mua vào đồng bạc xanh trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang. Chỉ số DXY theo đó đã tăng từ mức thấp 101.62 lên mức cao nhất trong sáu tuần là 102.10. Tuy nhiên, sau đó, DXY đã điều chỉnh giảm nhẹ trở lại và đóng cửa tại 101.95 do giới đầu tư chốt lời sau đợt tăng giá mạnh.
Ngược lại, AUD đang trải qua những đợt bán tháo rõ nét hơn, chịu ảnh hưởng bởi tâm lý e ngại ngại rủi ro gia tăng. AUD/USD theo đó đã thủng ngưỡng hỗ trợ quanh 0.6850 và giảm xuống mức thấp nhất trong ngày là 0.6830. Mặc dù gói kích thích kinh tế vừa được công bố ở Trung Quốc và giá cả hàng hóa tăng đã phần nào hỗ trợ AUD, nhưng nguy cơ điều chỉnh giảm đang lớn dần do kỳ vọng Fed nới lỏng chính sách chậm hơn và dữ liệu kinh tế nội địa Úc yếu kém đã bào mòn sức hấp dẫn của đồng tiền này.
Ở mặt trận khác, những phát biểu của tân Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba đã đảo ngược đà tăng của JPY, vốn được hưởng lợi từ chiến thắng của ông trong cuộc bầu cử lãnh đạo đảng cầm quyền. USD/JPY theo đó đã vọt lên 146.51 và còn tiếp tục tăng trong phiên giao dịch sáng nay. Mặc dù JPY vẫn được coi là đồng tiền trú ẩn, nhưng khả năng BoJ trì hoãn việc tăng lãi suất có thể khiến đồng tiền này tiếp tục chịu áp lực bán.
GBP/USD giảm mạnh sau khi Thống đốc BoE Andrew Bailey ngụ ý rằng BoE có thể sẽ đẩy nhanh tốc độ nới lỏng chính sách. Bảng Anh hiện đã đánh mất hơn một nửa mức tăng kể từ khi chạm đáy 1.3000 vào giữa tháng 9. Bên cạnh đó, EUR cũng giảm giá nhưng ở mức độ hạn chế hơn. EUR/USD theo đó điều chỉnh từ 1.1049 xuống mức thấp 1.1008 trước khi phục hồi nhẹ và đóng cửa tại 1.1032.
Hàng hóa
Giá quặng sắt tiếp tục dao động trong biên độ hẹp sau khi tăng thêm 0.8% lên 109 USD/tấn, nhưng sau đó lại giảm 0.9% vào phiên giao dịch sáng nay. Biến động trong vài ngày qua cho thấy giá quặng sắt đang củng cố sau đợt tăng gần đây và có khả năng sẽ dao động trong khoảng 105-110 USD/tấn trong thời gian tới nếu không có thêm thông tin hỗ trợ mới. Về dài hạn, rủi ro có thể nghiêng về phía giảm do các yếu tố cơ bản của thị trường quặng sắt vẫn còn yếu và thực tế là giá dường như đã phản ánh quá mức kỳ vọng tích cực từ gói kích thích kinh tế của Trung Quốc.
Kinh tế Mỹ
Số liệu PMI dịch vụ ISM của Mỹ đã bất ngờ tăng 3.4 điểm lên 54.9 trong tháng 9, cao nhất trong 19 tháng và phù hợp với mức trung bình nhiều năm. Trong đó, chỉ số hoạt động kinh doanh và đơn đặt hàng mới là những thành phần nổi bật nhất, cùng tăng hơn 6 điểm lên lần lượt là 59.9 và 59.4. Tuy nhiên, số lượng việc làm mới trong lĩnh vực dịch vụ lại yếu hơn đáng kể, giảm về dưới ngưỡng 50.0 sau hai tháng duy trì đà tăng trưởng. Chỉ số giá phải trả tăng tháng thứ ba liên tiếp lên 59.4, mức cao nhất kể từ đầu năm.
Ở chiều ngược lại, dữ liệu đơn đặt hàng nhà máy phần lớn củng cố tín hiệu từ báo cáo đơn đặt hàng lâu bền (được công bố trước đó), cho thấy lĩnh vực sản xuất của Mỹ đã mất đà trong tháng 8. Tổng đơn đặt hàng nhà máy giảm 0.2% so với tháng trước sau khi tăng 4.9% trong tháng 7. Loại trừ giao thông vận tải, đơn đặt hàng nhà máy giảm 0.1% so với tháng trước, sau khi tăng 0.3% trong tháng 7. Kéo theo đó, mức tăng trưởng trung bình trong hai tháng của Q3 chỉ nhỉnh hơn một chút so với Q2.
Westpac IQ