Westpac IQ: Phố Wall mở "đại tiệc" khi "đồng minh" Scott Bessent được đề cử làm Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ
Thành Duy
Junior editor
Bản tin sáng từ Westpac IQ.
Điểm chính
Ngày hôm qua, thị trường đã phản ứng tích cực trước việc Tổng thống Donald Trump đề cử Scott Bessent, một nhà quản lý quỹ đầu cơ, cho vị trí Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ. Ông được nhìn nhận là người thân thiện với Phố Wall và có thể giải tỏa một số rủi ro chính sách tiềm tàng từ nhiệm kỳ của Trump. Chứng khoán Mỹ tăng điểm, với cả hai chỉ số S&P 500 và Dow Jones đều ghi nhận mức cao kỷ lục mới.
Lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) Mỹ giảm trên toàn bộ kỳ hạn, dẫn đầu là kỳ hạn dài. Đồng bạc xanh đảo chiều giảm tương đối mạnh sau cú bứt phá ngắn ngủi hôm thứ Sáu, nhưng vẫn nằm trong biên độ giao dịch gần đây.
Giá dầu thô giảm mạnh do kỳ vọng về một thỏa thuận ngừng bắn sắp tới giữa Israel và Hezbollah, cùng với thông tin rằng Bộ trưởng Bộ Tài chính do Trump đề cử sẽ thúc đẩy sản lượng dầu thô của Mỹ thêm 3 triệu thùng/ngày.
Chứng khoán
Chứng khoán Mỹ bật tăng ngay từ đầu phiên sau khi thông báo Scott Bessent được chọn làm Bộ trưởng Bộ Tài chính đã xoa dịu lo ngại của nhà đầu tư. Ông chủ quỹ đầu cơ này được coi là “đồng minh” của Phố Wall và có khả năng giải tỏa một số rủi ro liên quan đến các chính sách dự kiến của Trump. Chỉ số S&P 500 đã leo lên mức cao kỷ lục mới, nhưng không thể bảo toàn được thành quả cho đến cuối phiên và đóng cửa chỉ tăng 0.2%. Dow Jones cũng chạm đỉnh mới sau khi tăng 1.0%; trong khi NASDAQ tăng 0.3% và chỉ còn cách mức cao kỷ lục được thiết lập hồi đầu tháng khoảng 1.6%.
Bên kia bờ Đại Tây Dương, chứng khoán Châu Âu đã ổn định hơn nhưng khó có khả năng thăng hoa như thị trường Mỹ, thay vào đó là dao động trong biên độ giao dịch gần đây. Chỉ số Euro Stoxx 50 tăng 0.2%, trong khi FTSE 100 (Anh) và DAX (Đức) đều tăng 0.4%.
Chỉ số ASX 200 (Úc) tiếp tục vượt đỉnh, đóng cửa tăng 0.3%, thấp hơn một chút so với mức cao nhất trong phiên. Để hưởng ứng, chỉ số Nikkei 225 (Nhật Bản) cũng tăng 1.3%, tuy nhiên vẫn duy trì trong phạm vi giao dịch gần đây. Mặt khác, các chỉ số chính tại Trung Quốc đều đóng cửa trong sắc đỏ, Hang Seng và CSI 300 giảm lần lượt 0.4% và 0.5%. Đáng nói, chỉ số Hang Seng hiện đã đánh mất khoảng 2/3 mức tăng đạt được sau các thông báo kích thích kinh tế hồi đầu tháng 9.
Lợi suất
TPCP Mỹ tăng giá trên toàn bộ kỳ hạn sau thông báo về Bộ trưởng Bộ Tài chính, trong đó kỳ hạn dài dẫn đầu đà tăng. Ông Scott Bessent đã đưa ra một cam kết "3-3-3" đầy hứa hẹn: giảm thâm hụt ngân sách chính phủ xuống 3% GDP, nhắm mục tiêu tăng trưởng 3% và tăng sản lượng dầu thêm 3 triệu thùng/ngày. Mặc dù vẫn ủng hộ các chính sách thuế quan và cắt giảm thuế mà Trump dự định thúc đẩy, nhưng so với một số nhân vật cứng rắn trong đội ngũ “Trump 2.0”, ông được coi là một tiếng nói ôn hòa hơn. Do đó, thị trường kỳ vọng rằng ông sẽ làm dịu đi một số góc cạnh sắc nhọn nhất trong chiến lược "Nước Mỹ trên hết" của Trump vì mục tiêu ổn định tài chính và kinh tế vĩ mô. Đặt trong bối cảnh vắng bóng những tin tức quan trọng khác, điều này đã trở thành chất xúc tác hoàn hảo cho một số hoạt động chốt lời ngắn hạn, thậm chí có thể chuyển thành một đợt điều chỉnh sau đà tăng phi mã của lợi suất TPCP Mỹ kể từ giữa tháng 9. Kết phiên, lợi suất kỳ hạn 10 năm giảm 14 bps xuống 4.26% và lợi suất 2 năm giảm 11 bps xuống còn 4.26%.
Hiện tại, khả năng Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất vào cuộc họp tháng 12 đã tăng từ dưới 40% lên khoảng 55%, tuy nhiên, thị trường vẫn dự đoán mức cắt giảm khoảng 75 bps vào giữa năm tới.
Thị trường trái phiếu tại Châu Âu ảm đạm hơn với xu hướng đường cong lợi suất phẳng hơn. Lợi suất 2 năm tăng khoảng 2-3 bps trong khu vực, trong khi lợi suất 10 năm giảm 3-6 bps. Khả năng Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cắt giảm lãi suất vào cuộc họp tháng 12 là gần như chắc chắn ở thời điểm hiện tại, trong khi thị trường dự kiến Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) sẽ giữ nguyên lãi suất cho đến tháng 03/2025.
Hợp đồng tương lai TPCP Úc vẫn duy trì mối tương quan chặt chẽ với diễn biến của thị trường Mỹ, tăng mạnh sau phiên giao dịch tích cực hôm qua. Lợi suất hợp đồng tương lai kỳ hạn 3 năm và 10 năm đều giảm 8 bps, xuống lần lượt 3.96% và 4.41%. Cho đến hiện tại, khả năng Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) khởi động chu kỳ cắt giảm lãi suất vào tháng 05/2025 là 97%, với tổng cộng 50 bps cho năm này.
Ngoại hối
Đồng bạc xanh đảo chiều giảm tương đối mạnh sau cú bứt phá hôm thứ Sáu, mất giá so với 9/10 đồng tiền G10. Chỉ số DXY thoái lui từ đỉnh 107.25 xuống đáy 106.58, sau đó kéo về đóng cửa tại 106.83 và dao động quanh 107.30 tại thời điểm viết bài, gần đỉnh của biên độ giao dịch hai tuần qua, ngoại trừ cú nhảy vọt ngắn lên mức 108.00 vào thứ Sáu. Với việc đà bán tháo TPCP Mỹ đã được kiềm chế và một số rủi ro chính sách tiềm tàng giảm bớt sau thông báo về Bộ trưởng Bộ Tài chính, kịch bản USD tiếp tục mạnh lên đang gặp nhiều thách thức hơn. Dù vậy, rủi ro mất giá sẽ bị hạn chế bởi lập trường thận trọng hơn của Fed, do đó về ngắn hạn, USD có thể sẽ giao dịch trong biên độ hẹp.
Đà tăng của AUD hôm qua diễn ra ngắn ngủi, khi cặp AUD/USD nhanh chóng giảm từ mức 0.6550 xuống còn khoảng 0.6503, bất chấp việc USD suy yếu. Một RBA kiên định giữ nguyên lãi suất đang hỗ trợ tích cực cho AUD, cùng với biến động giá hàng hóa gần đây khá ổn định, đặc biệt là quặng sắt và sự trở lại của tâm lý ưa chuộng rủi ro trên toàn cầu. Dù vậy, triển vọng sắp tới của AUD/USD khả năng sẽ phụ thuộc nhiều vào USD, khi những câu chuyện xoay quanh chính sách kinh tế Mỹ tiếp tục diễn ra cho đến năm mới và lập trường của Fed trở nên rõ ràng hơn sau biên bản họp Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) tháng 11 cùng với dữ liệu lạm phát được công bố trong tuần này.
EUR đã có màn trình diễn khá vượt trội trong phiên hôm qua. EUR/USD theo đó tăng từ đáy 1.0429, chạm đỉnh 1.0530 trong phiên nhưng hiện đã thoái lui trở lại về dưới ngưỡng 1.0500. Bất ổn chính trị, việc cải cách ngân sách và những căng thẳng leo thang trong cuộc xung đột Nga-Ukraine đang khiến EUR dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết trước sức mạnh của USD. Yên Nhật cũng tăng nhẹ nhưng vẫn dao động trong biên độ gần đây, USD/JPY theo đó vẫn neo gần mốc 154.00 tại thời điểm viết bài.
Hàng hóa
Giá dầu thô giảm mạnh do những kỳ vọng về một thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah, cùng với tin tức cho rằng Bộ trưởng Bộ Tài chính do Trump đề cử sẽ thúc đẩy sản lượng của Mỹ thêm 3 triệu thùng/ngày. Giá dầu thô WTI và Brent giảm gần 3.0% xuống còn 69.00 và 72.50 USD/thùng. Dẫu vậy, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo rằng "vẫn còn những bước cần phải thực hiện" để đạt được thỏa thuận ngừng bắn và mặc dù "tôi tin rằng chúng ta đã gần đạt được thỏa thuận, điều đó không có nghĩa là chúng ta sẽ thành công".
Giá kim loại tăng khi đồng bạc xanh suy yếu và kỳ vọng về một thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah đã thúc đẩy tâm lý lạc quan của giới đầu tư. Giá đồng tăng 0.8% lên 8,958 USD/tấn, trong khi giá nhôm tăng 0.9% lên 2,647 USD/tấn.
Giá quặng sắt tiếp tục giậm chân tại chỗ trên mốc 100 USD, với hợp đồng tương lai tăng 2.0% lên 102.75 USD/tấn. Nhìn chung, không có nhiều thông tin mới, và thị trường vẫn đang tập trung vào các cuộc họp quan trọng sắp diễn ra trong tháng 12 của Trung Quốc, bao gồm cuộc họp của Bộ Chính trị dự kiến vào đầu tháng và Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương vào giữa tháng.
Nhịp đập vĩ mô
Trung Quốc: Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã quyết định giữ nguyên lãi suất cho vay trung hạn 1 năm ở mức 2%, đúng như dự báo đồng thuận. Cần lưu ý rằng Trung Quốc đang dần hạn chế việc sử dụng công cụ cho vay trung hạn sau khi tuyên bố cải cách chính sách tiền tệ hồi tháng 6, thay vào đó tập trung vào nghiệp vụ repo 7 ngày làm công cụ điều tiết chính sách chủ chốt.
Eurozone: Chỉ số môi trường kinh doanh Ifo của Đức giảm xuống 85.7 trong tháng 10, gần chạm đáy năm. Đánh giá của các doanh nghiệp về điều kiện kinh doanh hiện tại đã giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm, nhưng kỳ vọng vẫn ít thay đổi, duy trì ở mức trung bình của năm nay.
New Zealand: Doanh số bán lẻ giảm 0.1% trong Q3, khả quan hơn một chút so với dự báo giảm 0.5%. Doanh số bán lẻ đã giảm trong 10/11 quý gần nhất, cho thấy sự suy kiệt dai dẳng trong sức mua của người tiêu dùng New Zealand. Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ) cho đến nay đã cắt giảm lãi suất tổng cộng 75 bps và dự kiến sẽ tiếp tục cắt giảm thêm 50 bps trong tuần này. Mặc dù vậy, những động thái này vẫn chưa tạo ra sự cải thiện đáng kể về niềm tin hoặc chi tiêu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, thâm hụt thương mại đã thu hẹp nhẹ từ mức 2.2 tỷ USD trong tháng 9 xuống còn 1.5 tỷ USD vào tháng 10. Xuất khẩu tăng lên mức cao nhất trong ba tháng, trong khi nhập khẩu cũng tăng nhưng với tốc độ chậm hơn.
Mỹ: Phát biểu trước thềm công bố biên bản họp FOMC tháng 11 vào đêm mai, Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago - Austan Goolsbee (thành viên không có quyền biểu quyết), dự kiến Fed sẽ tiếp tục hạ lãi suất về mức trung lập, và ông bày tỏ rằng "trừ khi có bằng chứng thuyết phục về sự quá nhiệt của nền kinh tế, tôi không thấy lý do gì để Fed ngừng việc giảm lãi suất".
Chỉ số hoạt động quốc gia của Fed chi nhánh Chicago cho thấy tăng trưởng kinh tế Mỹ vẫn ở dưới mức trung bình trong tháng thứ năm liên tiếp, mặc dù các số liệu hoạt động chính thức vẫn cho thấy đà thăng tiến. Chỉ số chung giảm xuống -0.4 trong tháng 10, mức thấp nhất kể từ đầu năm. Mặt khác, chỉ số sản xuất kinh doanh của Fed chi nhánh Dallas tiếp tục xu hướng tăng kể từ tháng 7. Chỉ số về điều kiện kinh doanh chung đã tăng trong tháng 11, đạt mức cao nhất trong khoảng hai năm rưỡi với -2.7.
Westpac IQ