MUFG Research: USD và EUR - Câu chuyện của hai đồng tiền và những nỗi lo khác biệt
Phạm Phương Anh
Junior Editor
Nhận định từ Bộ phận Research của Ngân hàng MUFG.
Đồng USD yếu đi khi lo ngại về thương mại giảm bớt - nhưng điều này sẽ kéo dài được bao lâu?
Đồng USD đã suy yếu trong đầu tuần này sau khi Tổng thống đắc cử Trump thông báo bổ nhiệm Scott Bessent làm Bộ trưởng Bộ Tài chính. Thị trường phản ứng tích cực với thông tin này, một phần vì Bessent được biết đến với quan điểm dovish hơn về chính sách thuế quan so với những gì thị trường lo ngại trước đó về chính quyền Trump. Dù việc bổ nhiệm này không được một số người ủng hộ Trump nhiệt tình đón nhận - trong đó có Elon Musk, ông cho rằng đây chỉ là một "lựa chọn an toàn" - Bessent đã nhanh chóng làm rõ định hướng chính sách của mình. Trong cuộc phỏng vấn với Wall Street Journal sau khi được đề cử, ông nhấn mạnh các ưu tiên chính sẽ là thực hiện cam kết cắt giảm thuế của Trump, bao gồm việc duy trì vĩnh viễn Đạo luật Cắt giảm Thuế (TCJA) và xóa bỏ thuế đối với tiền bo, trợ cấp an sinh xã hội và lương làm thêm giờ.
Tuy nhiên, Bessent cũng nói thêm rằng việc ban hành thuế quan và cắt giảm chi tiêu sẽ là trọng tâm cũng như "duy trì vị thế của đồng USD như đồng tiền dự trữ thế giới". Các nhà giao dịch cũng sẽ nhớ những bình luận của ông trong một cuộc phỏng vấn với FT đầu năm nay, khi ông gợi ý thuế quan sẽ là chiến lược đàm phán, cho thấy chính sách có thể không đơn giản là áp dụng thuế quan trên diện rộng một cách đột ngột. Tuy nhiên, ông cũng nói về chiến lược "leo thang để giảm căng thẳng". Quan điểm của chúng tôi về lựa chọn này là mặc dù vị trí Bộ trưởng Tài chính có vai trò rất quan trọng, nhưng người nắm giữ vị trí này không phải là người trực tiếp xây dựng và triển khai chi tiết chính sách thuế quan. Bessent tuy ủng hộ quan điểm áp thuế của Trump, nhưng sẽ không phải là người chủ chốt trong việc hoạch định chiến lược này.
Đáng chú ý hơn là những phát biểu của Bessent với Wall Street Journal về việc duy trì vai trò đồng USD như một đồng tiền dự trữ toàn cầu. Ông đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của độ tin cậy và ổn định của thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ. Bessent đã đề xuất chính sách kinh tế "Three 3s", bao gồm ba mục tiêu chính: Giảm thâm hụt ngân sách xuống còn 3% GDP vào năm 2028; đạt tăng trưởng GDP thực tế 3% thông qua giảm quy định và tăng sản lượng dầu thêm 3 triệu thùng mỗi ngày. Nếu thực hiện được những mục tiêu này, đồng USD chắc chắn sẽ được củng cố đáng kể.
Mặc dù chính sách "Three 3s" có vẻ tham vọng và khó đạt được, chúng tôi cho rằng không nên vội đánh giá việc bổ nhiệm Bộ trưởng Tài chính mới là một tín hiệu tiêu cực cho đồng USD. Việc bổ nhiệm này cũng không hẳn sẽ ảnh hưởng nhiều đến chiến lược thuế quan sắp tới. Chúng tôi dự đoán việc áp thuế trong nhiệm kỳ mới của Trump sẽ không diễn ra nhanh chóng như nhiệm kỳ đầu và sự suy yếu gần đây của đồng USD chủ yếu do các biến động mạnh trong tuần trước. Tỷ giá EUR/USD đã giảm mạnh vào thứ Sáu sau khi dữ liệu kinh tế khu vực Eu cho thấy dấu hiệu suy yếu, làm tăng khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản vào tháng 12. Dù kịch bản này chưa chắc chắn, nhưng xu hướng phân kỳ giữa kinh tế Mỹ và châu Âu là rõ ràng. Điều này sẽ tiếp tục hỗ trợ đồng USD từ nay đến cuối năm và có thể kéo dài đến quý đầu năm 2025.
CÁC QUỸ ĐÒN BẨY ĐANG NẮM GIỮ VỊ THẾ SHORT EUR LỚN NHẤT KỂ TỪ THÁNG 2/2022
Khảo sát PMI yếu củng cố đà giảm của đồng EUR
Đồng EUR đang duy trì đà giảm sau đợt bán tháo mạnh cuối tuần trước. Cụ thể, đồng tiền này suy yếu vào thứ Sáu sau khi chỉ số PMI tháng 11 của khu vực EU được công bố thấp hơn nhiều so với dự báo. Niềm tin kinh doanh suy giảm đã khiến tỷ giá EUR/USD break-down khỏi đáy tháng 10/2023 là 1.0448 và tiếp tục lao dốc xuống 1.0335 trong phiên giao dịch thứ Sáu. Mặc dù đã hồi phục được phần lớn mức giảm của phiên thứ Sáu, đồng EUR vẫn có thể tiếp tục suy yếu từ nay đến cuối năm.
Việc công bố khảo sát PMI mới nhất của khu vực EU tháng 11 đưa ra một tín hiệu đáng lo ngại khác cho triển vọng của nền kinh tế khu vực này. Khảo sát PMI toàn phần giảm 1.9 điểm xuống 48.1 trong tháng 11. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 1 năm nay và làm dấy lên thêm nghi ngờ về tính bền vững của sự phục hồi kinh tế năm nay. Phân tích chi tiết cho thấy niềm tin kinh doanh giảm mạnh cả trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, lần lượt giảm 0.8 điểm và 2.4 điểm.
Chỉ số PMI toàn phần mới nhất của khu vực EU đang cảnh báo về nguy cơ suy thoái kinh tế vào cuối năm nay. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các khảo sát PMI gần đây thường đánh giá thấp mức tăng trưởng thực tế của nền kinh tế. Cụ thể, trong quý 3, mặc dù chỉ số PMI toàn phần trung bình giảm từ 51.6 xuống 50.3, tăng trưởng kinh tế thực tế lại tăng từ 0.2% lên 0.4% so với quý trước - đây là mức tăng mạnh nhất kể từ quý 3/2022. Điều này phần nào giúp trấn an rằng những con số PMI yếu gần đây không nhất thiết đồng nghĩa với việc kinh tế khu vực EU sẽ rơi vào suy thoái trong quý 4, dù xu hướng giảm vẫn đáng quan ngại. Một yếu tố đáng chú ý là kết quả bầu cử Mỹ có thể đã góp phần làm giảm mạnh niềm tin kinh doanh trong tháng 11, do lo ngại về các chính sách thương mại gây xáo trộn dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Trong tuần qua, các quan chức ECB tiếp tục thể hiện quan điểm thiên về chính sách nới lỏng tiền tệ. Họ đã báo hiệu khả năng cao sẽ có một đợt cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tháng 12 tới, và điều này được đưa ra thậm chí trước khi có kết quả khảo sát PMI yếu của tháng 11. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có tín hiệu rõ ràng từ các quan chức ECB về việc họ đang cân nhắc một đợt cắt giảm trên 50 điểm ngay trong tháng tới. ECB có thể sẽ muốn chờ xem liệu sự suy yếu trong các khảo sát kinh doanh có thực sự ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế hay không, đặc biệt khi dữ liệu tiền lương quý 3 vừa qua cho thấy mức tăng đáng kể, dù được xem là chỉ báo trễ. Chúng tôi chưa hoàn toàn tin tưởng về khả năng có một đợt cắt giảm trên 50 điểm trong tháng tới. Tuy nhiên, điều này có thể khả thi hơn vào đầu năm sau, khi ECB có thêm thông tin rõ ràng về các chính sách thuế quan của Trump. Với những đánh giá trên, chúng tôi vẫn duy trì khuyến nghị bán EUR/USD.
MUFG Research