Danske Bank Research: Dữ liệu PMI Eurozone yếu kém đã rõ, nhưng liệu ECB sẽ cắt giảm lãi suất 25 bps hay 50 bps tại cuộc họp tháng 12?
Thành Duy
Junior editor
Nhận định bởi Bộ phận Nghiên cứu tại Danske Bank.
Điểm nhấn hôm nay
Chỉ số môi trường kinh doanh Ifo tháng 11 của Đức sẽ được công bố vào lúc 16:00 chiều nay. Với dữ liệu PMI kém khả quan của Đức công bố hồi thứ Sáu, dự kiến Ifo cũng có kết quả tương tự. Dự báo chung của thị trường cho thấy chỉ số này sẽ giảm nhẹ từ mức 86.5 trong tháng 10 xuống 86 vào tháng 11, tiếp tục cho thấy sự suy nhược của nền kinh tế Đức. Bên cạnh đó, Chuyên gia kinh tế trưởng của ECB - Philip Lane, sẽ có bài phát biểu vào đêm nay.
Ở mặt trận khác, dữ liệu PCE lõi của Mỹ sẽ được công bố vào thứ Tư. Ngoài ra trong tuần này, thị trường cũng sẽ tập trung vào biên bản họp tháng 11 của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) được công bố vào rạng sáng thứ Năm. Qua đó, nhà đầu tư sẽ có thêm manh mối về lập trường chính sách, trong bối cảnh thị trường đang chia rẽ quan điểm về việc liệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có tiếp tục cắt giảm lãi suất vào cuộc tháng 12 hay không. Sang thứ Sáu, dữ liệu lạm phát sơ bộ của Eurozone, cùng với CPI Tokyo của Nhật Bản sẽ được công bố.
Những diễn biến đáng chú ý gần đây
Trung Quốc
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã bơm khoảng 124 tỷ USD vào hệ thống ngân hàng thông qua các khoản vay chính sách một năm. Biện pháp này nhằm giảm bớt áp lực thanh khoản trong hệ thống ngân hàng Trung Quốc vào giai đoạn cuối năm. Những tháng gần đây, Trung Quốc đã đẩy mạnh công cuộc giảm thiểu rủi ro tín dụng, đi kèm nhiều nỗ lực kích thích nền kinh tế đang gặp khó khăn.
Mỹ
Dữ liệu PMI công bố tuần trước cho thấy kết quả tích cực, đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ vẫn duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ, từ mức 55.0 trong tháng 10 lên 57.0 vào tháng 11. Đáng chú ý, chỉ số giá sản xuất dịch vụ giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 05/2020. Có thể nói, đà tăng trưởng vững chắc cùng với áp lực lạm phát vừa phải chính là điều mà Fed mong muốn. Bên cạnh đó, dữ liệu đơn đặt hàng sản xuất mới cho thấy sự phân hóa giữa Mỹ và phần còn lại của thế giới. Chỉ số đơn đặt hàng nội địa mới phục hồi nhẹ từ 46.8 lên 47.9, trong khi chỉ số đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm mạnh từ 49.1 xuống 43.9 .
Eurozone
Chỉ số PMI tổng hợp giảm xuống 48.1 vào tháng 11, gây thất vọng tràn trề so với dự báo giữ nguyên ở mức 50.0, cho thấy nền kinh tế khu vực đã rơi vào suy thoái trong quý cuối cùng của năm. Sự sụt giảm này đến từ cả chỉ số PMI dịch vụ (51.6 xuống 49.2) và sản xuất (46.0 xuống 45.2). Qua dữ liệu PMI, nỗi lo ngại về triển vọng tăng trưởng ngắn hạn của Eurozone ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Do đó, dự kiến GDP trong quý cuối năm có thể sẽ không tăng trưởng so với quý trước. Bên cạnh đó, triển vọng cho quý đầu tiên của năm sau cũng kém khả quan hơn. Dù vậy, chúng tôi vẫn kỳ vọng vào sự phục hồi trong năm tới khi Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã nới lỏng chính sách tiền tệ ở mức đáng kể và tăng trưởng lương thực tế sẽ thúc đẩy tiêu dùng cá nhân, nhờ vào thị trường lao động vẫn khỏe mạnh.
Quan chức ECB - Francois Villeroy de Galhau gần đây đã có bài phát biểu về chính sách tiền tệ, và ông cho rằng ECB không chậm trễ trong việc phản ứng với sự chuyển biến của nền kinh tế, đồng thời bày tỏ hy vọng Eurozone sẽ đạt được cú "hạ cánh mềm". Khi được hỏi về dữ liệu PMI yếu kém của tháng 11, ông cho biết ECB đang theo dõi sát sao nguy cơ lạm phát giảm xuống dưới mục tiêu, đồng thời duy trì chính sách tiền tệ thận trọng. Joachim Nagel, một quan chức khác của ECB, cũng có bài phát biểu về chính sách tiền tệ, cho biết dù dữ liệu PMI yếu kém, ông vẫn sẽ chờ đợi dự báo kinh tế của ECB vào tháng 12 trước khi đưa ra quan điểm về lãi suất. Dẫu vậy, ông lưu ý rằng sẽ có nhiều đợt cắt giảm lãi suất hơn vào năm 2025. Sau cùng, chúng tôi dự kiến ECB sẽ cắt giảm lãi suất 25 bps tại cuộc họp tháng 12.
Anh
Không nằm ngoài xu hướng chung của khu vực, dữ liệu PMI của Anh cũng cho thấy một bức tranh tối màu. PMI tổng hợp đạt 49.9 (dự báo: 51.7; kỳ trước: 51.8), trong đó chỉ sản xuất và dịch vụ đều có kết quả kém khả quan, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất khi thủng mốc 50.0 nặng nề hơn. Khảo sát cho thấy chi phí đầu vào và lo ngại về triển vọng kinh doanh gia tăng, trong khi hoạt động kinh doanh giảm sút đi kèm lạm phát giá đầu ra hạ nhiệt. Như đã đề cập trước đó, bản kế hoạch ngân sách mở rộng có thể đã tác động tiêu cực đến tâm lý thị trường. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) dự kiến giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 12, và điều này có thể sẽ buộc họ phải đẩy nhanh tốc độ nới lỏng chính sách tiền tệ vào năm 2025, phù hợp với dự báo của chúng tôi. Sau cùng, chúng tôi dự kiến lãi suất điều hành của BoE tại thời điểm cuối năm 2025 sẽ rơi vào khoảng 3.25%.
Chứng khoán
Chứng khoán toàn cầu tăng điểm vào thứ Sáu, nhưng có sự phân hóa rõ rệt giữa các nhóm ngành ở Mỹ và Châu Âu. Nguyên nhân chính là do dữ liệu PMI, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ, với sự khác biệt đáng kể, lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) giảm ở Châu Âu trong khi diễn biến ngược lại tại Mỹ, rõ nét nhất là ở kỳ hạn ngắn.
Quay trở lại với diễn biến các nhóm ngành, không quá bất ngờ khi sự khác biệt rõ rệt nhất nằm ở nhóm cổ phiếu ngân hàng. Về phía Châu Âu, cổ phiếu ngân hàng giảm giá mạnh và nằm trong số những ngành có hiệu suất kém nhất. Ngược lại tại Mỹ, giá cổ phiếu ngân hàng tăng vọt và chỉ số ngành thậm chí vượt trội so với S&P 500 hơn 1.0%. Mặc dù vậy, bất chấp dữ liệu vĩ mô đáng thất vọng từ Châu Âu vào thứ Sáu, nhiều chỉ số chứng khoán vẫn kết thúc tuần giao dịch ở mức cao, với lợi suất TPCP Mỹ chi phối xu hướng thị trường và thúc đẩy dòng tiền đổ vào các cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt. Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ đã có một tuần giao dịch thăng hoa, với Russell 2000 tăng 4.5% cho cả tuần. Kết phiên thứ Sáu, Dow Jones, S&P 500, Nasdaq và Russell 2000 tăng lần lượt gần 1.0%, 0.4%, 0.2% và 1.8%. Chứng khoán Châu Á cũng giao dịch khá tích cực trong phiên hôm nay, ngoại trừ thị trường Trung Quốc. Hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ và Châu Âu cũng cho thấy tín hiệu khả quan.
Lợi suất
Lợi suất TPCP Châu Âu và Mỹ giảm mạnh vào thứ Sáu. Sự phân kỳ giữa Mỹ và Châu Âu tiếp tục nới rộng do biểu hiện yếu kém từ phía Eurozone, thể hiện qua tỷ giá EUR/USD và chênh lệch lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm giữa Mỹ và Đức (đã mở rộng từ 150 bps vào giữa tháng 9 lên 210-215 bps). Sáng nay, thị trường phản ứng khá tích cực với việc Scott Bessent được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, kéo theo lợi suất TPCP Mỹ giảm trong phiên Á. Nhìn chung, ông Bessent được coi là một lựa chọn an toàn, người được kỳ vọng sẽ mang lại sự ổn định cho nền kinh tế Mỹ và tập trung vào việc kiểm soát chi tiêu công.
Ngoại hối
Điểm nhấn của thị trường ngoại hối tuần qua là đà tăng giá mạnh mẽ của USD và sự suy yếu đáng kể của các đồng tiền Châu Âu. Đồng tiền các nước Trung và Đông Âu chịu áp lực bán mạnh nhất, ghi nhận mức giảm theo tuần lớn hơn cả EUR, bất chấp việc dữ liệu PMI yếu kém đã gây thêm sức ép lên đồng tiền chung vào cuối tuần. CAD và AUD tiếp tục thể hiện tốt, trong khi CHF và GBP nằm trong số những đồng tiền có hiệu suất kém nhất, tuy nhiên mức giảm so với USD vẫn không đáng là bao nếu đặt lên bàn cân cùng các đồng tiền Châu Âu khác. Ngoài ra, đà mất giá của JPY đã tạm thời chững lại sau giai đoạn suy yếu kéo dài kể từ giữa tháng 9.
Nhận định
EUR/USD nhúng qua mốc 1.0340 vào thứ Sáu trước khi hồi phục lên trên 1.0400, chịu áp lực bởi dữ liệu PMI yếu kém của Eurozone, làm tăng thêm bất ổn về quyết định lãi suất của ECB tại cuộc họp tháng 12. Hiện tại, thị trường vẫn đang phân vân giữa việc ECB sẽ cắt giảm lãi suất 25 bps hay 50 bps. Mặt khác, dữ liệu PMI khả quan của Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ, cho thấy sự phân kỳ rõ rệt về triển vọng tăng trưởng so với Eurozone – một yếu tố then chốt khiến EUR/USD giảm liên hồi kể từ tháng 9.
Về lịch kinh tế, trọng tâm của tuần này sẽ là lạm phát HICP sơ bộ của Eurozone công bố vào thứ Sáu, với dữ liệu của Đức và Tây Ban Nha ra lò trước đó một ngày. Do hiệu ứng cơ sở, chúng tôi dự kiến lạm phát toàn phần sẽ tăng từ mức 2.0% lên 2.3% so với cùng kỳ năm trước, trong khi lạm phát lõi tăng từ 2.7% lên 2.8%. Bài phát biểu của các quan chức ECB, bao gồm ông Lane (hôm nay), Villeroy và Nagel (ngày mai), có thể cung cấp thêm thông tin định hướng cho quyết định lãi suất tại cuộc họp tháng 12 của ECB.
Bên kia bờ Đại Tây Dương, thị trường sẽ dồn sự tập trung cho dữ liệu PCE lõi tháng 10 (thước đo lạm phát ưa thích của Fed), sau dữ liệu CPI ổn định hồi đầu tháng. Hiện tại, thị trường đang định giá khả năng 50/50 cho việc Fed giữ nguyên hoặc cắt giảm lãi suất 25 bps trong cuộc họp tháng 12, với báo cáo việc làm ngày 06/12 dự kiến sẽ đóng vai trò quan trọng. Chúng tôi vẫn giữ nguyên dự báo rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 25 bps trong cuộc họp tháng 12 và đà tăng của USD chững lại khi cuối năm cận kề, với vùng mục tiêu cho EUR/USD rơi vào khoảng 1.0500-1.0600.
EUR/GBP gần như đi ngang vào thứ Sáu sau phiên giao dịch biến động mạnh với dữ liệu PMI yếu kém ở cả Eurozone và Anh. Mặt khác, EUR/CHF giảm xuống mức thấp nhất trong gần một thập kỷ vào phiên giao dịch thứ Sáu, chạm mốc 0.9200. Căng thẳng địa chính trị tiếp tục là yếu tố then chốt thúc đẩy nhu cầu đối với CHF, cùng với triển vọng kinh tế ảm đạm của Eurozone, khiến EUR/CHF suy giảm trong những tuần gần đây. Lạm phát vẫn ở dưới mức mục tiêu của Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) và với tần suất họp hạn chế (4 lần/năm), ngân hàng trung ương này có thể sẽ phải sớm can thiệp vào thị trường ngoại hối. Mặc dù can thiệp ngoại hối có thể hạn chế đà tăng giá của CHF trong ngắn hạn, chúng tôi không kỳ vọng EUR/CHF sẽ đảo chiều mạnh mẽ và dự kiến cặp tiền này sẽ tiếp tục hướng về mục tiêu 0.9100.
Danske Bank Research