Action Forex: Những tin đồn tiếp tục “kiểm chứng độ nhạy cảm” của thị trường với câu chuyện thuế quan; USD chững lại đà tăng trước thềm công bố dữ liệu PPI
Thành Duy
Junior editor
Nhận định bởi chuyên gia Action Forex.
Điểm nóng thị trường
Những đồn đoán về chiến lược thuế quan của chính quyền Mỹ sắp tới tiếp tục khuấy động thị trường toàn cầu. Một số nguồn tin cho biết, đội ngũ kinh tế của Tổng thống đắc cử Donald Trump đang cân nhắc áp dụng thuế quan theo từng giai đoạn, tăng dần từ 2% đến 5% mỗi tháng. Chiến thuật này, nếu được triển khai, sẽ tận dụng quyền hành pháp theo Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế để tối đa hóa sức mạnh đàm phán, đồng thời hạn chế rủi ro lạm phát tức thời. Dù vậy, đề xuất này vẫn đang trong giai đoạn thai nghén và chưa được trình lên ông Trump phê duyệt, khiến thị trường loay hoay trong tình trạng bất định.
Viễn cảnh tăng thuế quan một cách có kiểm soát đã dẫn đến những phản ứng trái chiều trên các nhóm tài sản. Chứng khoán Mỹ cho thấy sự phân hóa rõ rệt trong phiên giao dịch đêm qua, khi chỉ số Dow Jones tăng điểm nhờ nỗi lo về gián đoạn thương mại đột ngột giảm bớt, trái ngược với Nasdaq, một phần do các nhà đầu tư thoái vốn khỏi nhóm cổ phiếu công nghệ. Ở mặt trận khác, thị trường Châu Á cũng vẽ nên một bức tranh phân mảnh – chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc tăng mạnh nhờ tâm lý lạc quan về khả năng hoạt động thương mại phục hồi, trong khi Nikkei của Nhật Bản lại chịu tổn thất đáng kể.
Về thị trường ngoại hối, đà tăng của USD đã tạm chững lại, khi các nhà giao dịch chờ đợi dữ liệu PPI công bố hôm nay và CPI vào ngày mai. Mặt khác, GBP vẫn chịu áp lực nặng nề, xếp thứ hai trong danh sách những đồng tiền yếu nhất, do những lo ngại về tình hình tài khóa đang diễn ra tại Anh. CHF bám sát phía sau ở vị trí thứ ba. Ở chiều ngược lại, các đồng tiền hàng hóa đang dẫn đầu xu hướng tăng. NZD là đồng tiền mạnh nhất, hưởng lợi từ việc khẩu vị rủi ro được cải thiện, tiếp theo là AUD và CAD. JPY và EUR giữ vị trí trung lập.
Diễn biến đáng chú ý khác
Nhật Bản
Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) – Ryozo Himino đã phát tín hiệu về khả năng tăng lãi suất tại cuộc họp sắp tới trong bài phát biểu gần đây. Ông cho biết Hội đồng quản trị "sẽ thảo luận về việc có nên tăng lãi suất vào tuần sau hay không, dựa trên các dự báo chi tiết trong báo cáo triển vọng hàng quý." Bên cạnh đó, ông khẳng định: “Khi thời điểm chín muồi, chúng ta phải điều chỉnh chính sách kịp thời, vì tác động của chính sách tiền tệ thường xuất hiện sau khoảng một đến một năm rưỡi.”
Ngoài ra, Phó Thống đốc cũng làm rõ rằng BoJ sẽ không áp dụng một bộ quy tắc cứng nhắc cho các quyết định về lãi suất, thay vào đó, Hội đồng quản trị sẽ phân tích kỹ lưỡng triển vọng kinh tế và kỳ vọng lạm phát để xác định các bước đi tiếp theo.
Úc
Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Westpac của Úc đã giảm 0.7% so với tháng trước trong tháng 1, xuống còn 92.1, đánh dấu tháng giảm thứ hai liên tiếp. Dù vậy, Westpac lưu ý sự khác biệt trong dữ liệu: các chỉ số phụ phản ánh điều kiện hiện tại suy yếu, trong khi các chỉ số kỳ vọng không thay đổi hoặc tăng nhẹ.
Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) đang đối mặt với một bức tranh kinh tế phức tạp khi chuẩn bị cho cuộc họp chính sách tiếp theo vào ngày 17-18/02. Mặc dù RBA dường như ngày càng tự tin về việc đưa lạm phát trở lại phạm vi mục tiêu 2-3%, thị trường lao động “đã ngừng nới lỏng” vào nửa cuối năm 2024 và các khảo sát người tiêu dùng ảm đạm cho thấy “những tín hiệu trái chiều”.
Westpac nhận định, RBA có thể sẽ giữ nguyên lãi suất trong tháng 2, và chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ nhiều khả năng sẽ bắt đầu vào tháng 5.
Phân tích kỹ thuật
USD/CAD
USD/CAD quay đầu trước ngưỡng kháng cự 1.4466 khi đà sideway tiếp diễn. Xu hướng trong ngày nhìn chung vẫn chưa rõ ràng. Ở chiều giảm, việc xuyên thủng hỗ trợ 1.4279 sẽ mở đường cho nhịp điều chỉnh sâu hơn. Dẫu vậy, đà giảm có thể sẽ bị chặn lại bởi đường EMA 55 (ở mức 1.4166 tại thời điểm viết bài), đi kèm khả năng mở ra nhịp phục hồi. Nếu có thể break-out ngưỡng 1.4466, dự kiến cặp tiền sẽ tiếp tục xu hướng tăng dài hạn lên vùng kháng cự 1.4667/89.
Về tổng thể, xu hướng tăng xuất phát từ ngưỡng 1.2005 (2021) vẫn đang tiếp diễn, hướng đến việc kiểm tra lại vùng kháng cự quan trọng 1.4667/89 (đỉnh của năm 2020/2015). Nhìn chung, triển vọng trung hạn sẽ vẫn tích cực miễn là ngưỡng hỗ trợ 1.3976 (đỉnh năm 2022) được giữ vững, ngay cả khi xuất hiện nhịp điều chỉnh sâu.
Đồ thị USD/CAD khung 1D
Đồ thị USD/CAD khung 4H
EUR/GBP
Xét về mặt kỹ thuật, cặp tiền này đáng được theo dõi trong những ngày tới. Đà phục hồi từ mức 0.8221 đang dần suy yếu khi đến gần ngưỡng kháng cự 0.8446, như được thể hiện trên đồ thị chỉ báo MACD khung 4H. Việc ngưỡng hỗ trợ yếu 0.8364 bị xuyên thủng có thể sẽ là tín hiệu xác nhận tạo đỉnh ngắn hạn và đi kèm nguy cơ giảm sâu hơn. Ngoài ra, điều này còn có thể báo hiệu sự ổn định về mặt tâm lý sau cú sang chấn nhẹ về tài khóa gần đây. Sau cùng, trật tự về sức mạnh tương đối của GBP so với EUR trong trung hạn sẽ được lặp lại sau những biến động ngắn hạn.
Đồ thị EUR/GBP khung 4H
Action Forex