Action Forex: USD vẫn vững vàng trong bối cảnh thị trường ngoại hối trầm lắng dịp lễ; trọng tâm tuần đổ dồn vào biên bản họp của BoC, BoJ và RBA
Thành Duy
Junior editor
Nhận định bởi chuyên gia Action Forex.
Điểm chính
Khi thị trường tài chính toàn cầu bước vào giai đoạn nghỉ lễ cuối năm, hoạt động giao dịch ngoại hối theo đó cũng trở nên ảm đạm, với sắc xanh yếu ớt trên hầu hết các cặp tiền tệ chính. USD, dù vẫn duy trì vị thế là đồng tiền mạnh nhất tháng, cũng đang gặp khó khăn trong việc chinh phục các đỉnh trước đó so với những đồng tiền Châu Âu. Dù vậy, USD vẫn có những bước tiến nhất định so với JPY và các đồng tiền hàng hóa.
Lịch kinh tế tuần này khá thưa thớt, với trọng tâm chuyển sang biên bản họp của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) và Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA), bên cạnh một số dữ liệu kinh tế quan trọng từ Mỹ, Canada và Nhật Bản.
Niềm lạc quan chưa trọn vẹn của Chủ tịch ECB - Christine Lagarde
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) - Christine Lagarde, bày tỏ sự lạc quan về việc sắp đạt được mục tiêu lạm phát. Bà cho biết ECB đang "rất gần" đến một tuyên bố chiến thắng, rằng lạm phát đã được kiểm soát "bền vững" và trở về mục tiêu trung hạn 2.0%.
Báo cáo mới nhất cho thấy lạm phát đạt 2.2%, phản ánh sự thành công của chính sách tiền tệ thắt chặt mà ECB triển khai. Tuy nhiên, bà cũng bày tỏ lo ngại về lĩnh vực dịch vụ, khi lạm phát vẫn dai dẳng ở mức cao 3.9% và "hầu như không biến động" dù có một số dấu hiệu giảm nhẹ.
Liên quan đến các đe dọa áp thuế của Mỹ, bà nhấn mạnh rủi ro kinh tế từ các biện pháp trả đũa thương mại, khẳng định "trả đũa là một cách tiếp cận sai lầm." Bà cảnh báo rằng xung đột thương mại “ăn miếng trả miếng” có thể gây tổn hại đáng kể cho nền kinh tế toàn cầu.
Trọng tâm tuần - Biên bản họp của BoC, BoJ và RBA
Khi thị trường toàn cầu bước vào kỳ nghỉ lễ, dự kiến sẽ có ít biến động với lịch kinh tế tương đối trống vắng. Sự chú ý của giới đầu tư sẽ tập trung vào biên bản họp và các thảo luận của những ngân hàng trung ương lớn, bao gồm BoJ, BoC và RBA. Bên cạnh đó, một số dữ liệu kinh tế quan trọng từ Mỹ, Canada và Nhật Bản cũng sẽ thu hút sự quan tâm khi năm 2024 sắp khép lại.
Đối với BoJ, bản tóm tắt ý kiến cho cuộc họp tháng 12 (công bố vào thứ Sáu) sẽ mang nhiều ý nghĩa hơn so với biên bản họp tháng 10 (thứ Ba), bởi lẽ thị trường đang tìm kiếm những tín hiệu rõ ràng hơn về quan điểm của các thành viên Hội đồng quản trị trong việc điều chỉnh lãi suất vào tháng 01/2025. Biên bản họp cũng sẽ cung cấp góc nhìn sâu hơn về quan điểm của BoJ đối với hai vấn đề quan trọng: tính bất định xoay quanh vấn đề tăng trưởng tiền lương năm 2025 và những rủi ro tiềm tàng từ chính sách thương mại của Mỹ. Những thông tin này có thể ảnh hưởng đáng kể đến tốc độ và hướng đi trong quá trình bình thường hóa chính sách của BoJ, qua đó định hình kỳ vọng của thị trường cho những tháng tới.
Ở một diễn biến khác, cuộc họp tháng 12 đã đánh dấu một bước ngoặt trong lập trường của BoC, với việc cắt giảm lãi suất 50 bps, đi kèm thông điệp rõ ràng rằng việc nới lỏng chính sách hơn nữa không còn diễn ra một cách định kỳ. Các nhà hoạch định chính sách cho biết từ nay trở đi, mọi quyết định sẽ được đưa ra dựa trên tình hình cụ thể của từng cuộc họp, cho thấy sự chuyển biến rõ rệt sang quan điểm thận trọng hơn sau giai đoạn nới lỏng mạnh tay kể từ tháng 6. Biên bản họp sẽ được phân tích kỹ lưỡng để tìm kiếm manh mối về việc BoC đã tiến gần đến giai đoạn tạm dừng việc nới lỏng chính sách như thế nào, cùng với đó là tốc độ cắt giảm lãi suất dự kiến trong tương lai và quy mô của các biện pháp nới lỏng tiếp theo.
Mặt khác, RBA đã có một bước chuyển hướng đáng ngạc nhiên sang lập trường chính sách ôn hòa hơn tại cuộc họp tháng 12. Niềm tin ngày càng tăng vào xu hướng giảm của lạm phát đã khiến Hội đồng quản trị quyết định gạt phăng đi những phát biểu ngụ ý khả năng tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt. Tuy nhiên, dù sự thay đổi này cho thấy RBA đang cân nhắc một lộ trình ít cứng nhắc hơn, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc chu kỳ cắt giảm lãi suất sẽ sớm bắt đầu. Do đó, thị trường sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng biên bản họp để hiểu rõ lý do đằng sau "bước ngoặt lớn" này và đánh giá xem RBA đang coi trọng những dữ liệu nào trước khi quyết định chuyển sang nới lỏng chính sách.
Về mặt dữ liệu, trọng tâm sẽ là chỉ số niềm tin người tiêu dùng, cùng với đơn đặt hàng hóa lâu bền của Mỹ; GDP Canada tháng 12 và CPI Tokyo.
Giá khí đốt tự nhiên tăng vọt
Giá khí đốt tự nhiên đã vọt lên mức cao nhất trong gần hai năm, được thúc đẩy bởi nhu cầu sưởi ấm gia tăng do thời tiết lạnh giá và triển vọng tiêu thụ năng lượng toàn cầu tích cực trong dài hạn.
Về ngắn hạn, dự báo nhiệt độ thấp hơn mức trung bình trên khắp bán cầu Bắc — bao gồm Bắc Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc và Nhật Bản — được dự đoán sẽ làm tăng đáng kể nhu cầu sưởi ấm hàng ngày khi các khu vực này, chiếm hơn hai phần ba tổng lượng tiêu thụ khí đốt toàn cầu, bước vào giai đoạn cao điểm của mùa đông. Yếu tố này đã, đang và dự kiến sẽ tiếp tục thúc đẩy giá khí đốt tăng, ít nhất là cho đến năm 2025.
Về dài hạn, triển vọng của thị trường khí đốt tự nhiên vẫn rất rộng mở. Nhu cầu điện năng dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh khi cuộc đua trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng sôi động. Các nghiên cứu cho thấy, mức tiêu thụ điện tại các cơ sở liên quan đến AI dự kiến tăng từ 10-15%/năm cho đến năm 2030, và có thể chiếm tới 5% nhu cầu điện toàn cầu vào thời điểm đó.
Khí đốt tự nhiên được kỳ vọng sẽ đóng vai trò chủ chốt như một nguồn năng lượng tải nền trong quá trình chuyển đổi năng lượng này, nhờ vị thế then chốt của nó trong sản xuất điện hiện tại. Ở Mỹ, sản lượng điện từ khí đốt tự nhiên chiếm khoảng 40-45% tổng sản lượng, trong khi con số này trên toàn cầu là gần 25%. Dù vậy, khi ngày càng có nhiều quốc gia chuyển đổi từ than đá sang khí đốt, tỷ trọng của khí đốt trong sản xuất điện năng toàn cầu dự kiến sẽ tăng lên.
Dưới đây là một số điểm nổi bật trong tuần:
- Thứ Hai: Giá nhập khẩu (Đức); GDP Q3 (ước tính cuối cùng - Anh); GDP tháng 12 (Canada); Niềm tin người tiêu dùng (Mỹ); Biên bản họp (BoC).
- Thứ Ba: Biên bản họp (BoJ & RBA); Đơn đặt hàng hóa lâu bền, doanh số bán nhà mới (Mỹ).
- Thứ Tư: Giá dịch vụ doanh nghiệp (Nhật Bản).
- Thứ Năm: Khởi công nhà ở (Nhật Bản); Đơn xin trợ cấp thất nghiệp (Mỹ).
- Thứ Sáu: Bản tóm tắt ý kiến cho cuộc họp tháng 12 (BoJ); CPI Tokyo, sản xuất công nghiệp, doanh số bán lẻ, tỷ lệ thất nghiệp (Nhật Bản); Cán cân thương mại hàng hóa (Mỹ).
Action Forex