Action Forex: JPY hồi phục nhẹ sau dữ liệu lạm phát và động thái can thiệp bằng ngôn từ, trong khi USD vẫn bất khả chiến bại
Thành Duy
Junior editor
Nhận định bởi chuyên gia Action Forex.
Bức tranh toàn cảnh thị trường ngoại hối
JPY, một trong những đồng tiền kém sắc nhất trong tuần này, đã có dấu hiệu hồi phục nhẹ trong phiên sáng. Đà phục hồi bắt nguồn từ dữ liệu lạm phát vượt dự kiến và động thái can thiệp bằng ngôn từ, một “chiến thuật” quen thuộc của Bộ Tài chính Nhật Bản. Số liệu lạm phát tháng 11 cho thấy sự tăng tốc trở lại rõ rệt, được thúc đẩy bởi mức tăng đáng kể của giá năng lượng và giá gạo. Tuy nhiên, mức tăng nhẹ của chỉ số CPI lõi không bao gồm thực phẩm và năng lượng vẫn chưa đủ để thôi thúc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) hành động ngay lập tức. Kỳ vọng về một đợt tăng lãi suất vào tháng 01/2025 vẫn le lói, nhưng các động thái tiếp theo sẽ phụ thuộc vào diễn biến tăng trưởng tiền lương trong nước và chính sách thương mại của chính quyền Mỹ sắp tới.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản - Katsunobu Kato, một lần nữa lên tiếng cảnh báo về những biến động "một chiều hoặc quá mức", nhấn mạnh tỷ giá hối đoái cần phản ánh đúng các yếu tố nền tảng của nền kinh tế. Ông cam kết sẽ có các "biện pháp thích hợp" để kiểm soát những biến động quá mức. Mặc dù vậy, những tuyên bố này dường như không mấy hiệu quả do sức mạnh vượt trội của đồng bạc xanh, vốn đã nhảy vọt sau động thái cắt giảm lãi suất mang tính "diều hâu" của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), cùng với đà tăng mạnh mẽ của lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) Mỹ. Đáng chú ý, lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 10 năm đã vượt ngưỡng 4.5% và đang trên đường nhắm tới mốc 5.0%. Đà tăng này dự kiến sẽ tiếp tục đẩy USD/JPY tiến về vùng tâm lý quan trọng quanh 160.00.
Về thị trường ngoại hối, trong bảng xếp hạng hiệu suất hàng tuần, USD vẫn duy trì vị trí dẫn đầu tuyệt đối, nhờ vào sự chuyển biến theo hướng “diều hâu” trong kỳ vọng về Fed và lợi suất trái phiếu tăng. CHF giữ vị trí thứ hai, kế đó là GBP, thể hiện sự kiên cường đáng kể so với các đồng tiền khác bất chấp áp lực bán tháo sau tín hiệu “ôn hòa” ẩn trong quyết định giữ nguyên lãi suất của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) vào tối qua.
Ở chiều ngược lại, NZD là đồng tiền có hiệu suất kém nhất tuần, chịu ảnh hưởng nặng nề từ dữ liệu GDP ảm đạm phản ánh sự suy thoái đáng kể của nền kinh tế New Zealand. JPY là đồng tiền yếu thứ hai, chịu áp lực kép từ việc BoJ án binh bất động và lợi suất trái phiếu tăng vọt ở cả Mỹ lẫn Châu Âu. AUD cũng nằm trong nhóm ba đồng tiền yếu nhất, trong khi EUR và CAD giữ vị trí trung lập. Dù vậy, cục diện này vẫn có thể thay đổi trong những phiên giao dịch cuối cùng của năm, đặc biệt là ở nhóm chót bảng.
Vào lúc 20:30 theo giờ Việt Nam, thu nhập và chi tiêu cá nhân của người Mỹ, cùng với dữ liệu lạm phát PCE, sẽ khép lại tuần giao dịch đầy biến động. Bên cạnh đó, doanh số bán lẻ của Canada cũng là một dữ liệu đáng để theo dõi.
Doanh số bán lẻ Anh
Doanh số bán lẻ của Anh trong tháng 11 chỉ tăng 0.2% so với tháng trước, thấp hơn đáng kể mức dự báo 0.4%. Dù vậy, kết quả này đã phần nào bù lại mức giảm 0.7% trong tháng 10. Tăng trưởng doanh số tại các siêu thị và cửa hàng bán lẻ phi thực phẩm đã đóng góp tích cực, nhưng bị triệt tiêu một phần bởi doanh số bán lẻ quần áo.
Tính theo năm, doanh số bán lẻ tăng 0.5% trong 12 tháng tính đến tháng 11. Tuy nhiên, so với mức trước đại dịch (tháng 02/2020), doanh số vẫn còn thấp hơn 1.6%. Mặt khác, doanh số bán lẻ tăng 0.3% so với giai đoạn trước đó trong kỳ ba tháng kết thúc vào tháng 11. So với cùng kỳ năm trước, doanh số tăng 1.9%, cho thấy sức chống chịu nhất định của nền kinh tế Anh bất chấp những bất ổn hiện tại.
Lạm phát Nhật Bản
CPI lõi không bao gồm thực phẩm của Nhật Bản tăng 2.7% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 11, đánh dấu lần tăng tốc trở lại đầu tiên sau ba tháng và vượt kỳ vọng của thị trường là 2.6%. Lạm phát lõi vẫn ở trên mục tiêu 2.0% của BoJ suốt kể từ tháng 04/2022, cho thấy áp lực dai dẳng. Mức tăng này được cho là do việc giảm trợ cấp của chính phủ đối với hóa đơn tiện ích và giá gạo tăng mạnh.
Ngoài ra, giá năng lượng tăng vọt 6.0% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn đáng kể so với mức tăng 2.3% của tháng 10. Trong đó, giá điện và chi phí khí đốt tại thành phố tăng lần lượt 9.9% và 6.4%. Mặt khác, giá gạo tăng vọt 63.6% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1971, do mùa hè nắng nóng bất thường năm ngoái đã làm gián đoạn sản xuất.
CPI lõi không bao gồm thực phẩm và năng lượng tăng từ mức 2.3% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 10 lên 2.4% vào tháng 11, trong khi CPI toàn phần tăng từ 2.3% lên 2.9%. Giá dịch vụ, một thước đo quan trọng đối với BoJ vì chúng thường phản ánh biến động tiền lương, đã tăng 1.5% so với cùng kỳ năm ngoái, không đổi so với tháng trước.
Phân tích kỹ thuật USD/JPY
Nhìn chung, xu hướng trong ngày của USD/JPY vẫn đang nghiêng về chiều tăng bất chấp áp lực điều chỉnh nhẹ hiện tại. Dự kiến cặp tiền sẽ tiếp tục hướng tới ngưỡng Fibonacci mở rộng 61.8% (139.57 - 156.74 - 148.64) tại 159.25. Nếu cặp tiền giảm về dưới ngưỡng hỗ trợ yếu 156.39, xu hướng trong ngày có thể sẽ chuyển sang sideway. Dù vậy, triển vọng tăng vẫn rộng mở miễn là ngưỡng hỗ trợ 153.15 được giữ vững.
Nhìn vào bức tranh lớn hơn, biến động giảm từ 161.94 có thể xem nhịp điều chỉnh trong xu hướng tăng xuất phát từ 102.58 (đáy năm 2021). Biên độ dao động trong trung hạn dự kiến sẽ nằm giữa ngưỡng Fibonacci thoái lui 38.2% (102.58 - 161.94) tại 139.26 và 161.94. Do đó, nếu phe mua để mất phòng tuyến cuối cùng tại 139.26 và mở ra cánh cửa giảm trong trung hạn, mục tiêu tiềm năng sẽ là ngưỡng thoái lui 61.8% tại 125.25.
Đồ thị USD/JPY khung 1D
Đồ thị USD/JPY khung H4
Action Forex