Action Forex: Yên Nhật chịu áp lực trước kỳ vọng về BoJ; Bitcoin tăng vọt nhờ tầm nhìn táo bạo về tiền điện tử của Trump
Thành Duy
Junior editor
Bản tin tổng hợp từ chuyên gia Action Forex.
Bức tranh chung
JPY suy yếu trên diện rộng vào hôm qua, trong một thị trường nhìn chung đang đi ngang, khi các nhà giao dịch ngày càng tin rằng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ giữ nguyên trạng thái chính sách tiền tệ tại cuộc họp sắp tới. Các nhà hoạch định chính sách của BoJ dường như cảm thấy không cần thiết phải mở rộng chu kỳ thắt chặt trong tháng này, mà thay vào đó, họ muốn chờ đợi các dự báo kinh tế cập nhật vào tháng sau trước khi đưa ra quyết định. Cách tiếp cận thận trọng này phản ánh những thách thức trước mắt cũng như những thách thức mang tính cơ cấu, bao gồm cả sự bất ổn về tăng trưởng tiền lương trong nước và các thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ dưới thời chính quyền mới.
Một vấn đề quan trọng đối với triển vọng lạm phát của Nhật Bản là liệu việc tăng lương có thể lan rộng ra ngoài các tập đoàn lớn, đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ hay không. Mặc dù Rengo, liên đoàn lao động lớn nhất quốc gia, đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng với mức tăng lương ít nhất 6% cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào năm 2025. Dù vậy, những dấu hiệu ban đầu cho thấy các doanh nghiệp trong phân khúc này đang do dự trong việc cam kết mức tăng đáng kể như vậy, do những thách thức riêng của họ, bao gồm cả giá nhập khẩu tăng vọt. Nếu không có được mức tăng lương mạnh hơn, nhu cầu trong nước có thể khó mở rộng toàn diện, hạn chế tính bền vững của lạm phát ở mức mục tiêu 2% của BoJ. Điều này sẽ làm phức tạp thêm bất kỳ nỗ lực bình thường hóa chính sách bền vững nào và có thể khiến ngân hàng trung ương này duy trì sự thận trọng đến tận năm sau.
Về thị trường ngoại hối nói chung, GBP là đồng tiền thể hiện tốt nhất cho đến thời điểm viết bài, được hỗ trợ bởi dữ liệu PMI của Anh. Mặc dù triển vọng kinh tế cơ bản của Anh vẫn còn mong manh, nhưng sự quay trở lại của áp lực lạm phát dự kiến sẽ khiến Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) tiếp tục lộ trình cắt giảm lãi suất tối đa bốn lần vào năm tới. NZD theo sau là đồng tiền mạnh thứ hai, được củng cố bởi sự cải thiện mạnh mẽ trong dữ liệu lĩnh vực dịch vụ, trong khi đồng USD xếp thứ ba. Mặt khác, CHF và CAD nằm trong số những đồng tiền yếu nhất cùng với JPY, trong khi đồng EUR và AUD biến động trái chiều.
Ở một diễn biến khác, trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin đã tăng vọt lên mức cao kỷ lục mới sau những bình luận từ Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, khi ông tiết lộ kế hoạch tạo dựng một kho dự trữ tiền điện tử chiến lược tương tự như kho dự trữ dầu của Mỹ. Phát biểu với CNBC vào Chủ nhật, Trump đã hứa hẹn "điều gì đó tuyệt vời" cho lĩnh vực tiền điện tử dưới thời chính quyền của ông. Về mặt kỹ thuật, triển vọng tăng của Bitcoin sẽ vẫn lạc quan miễn là ngưỡng hỗ trợ 93,951 USD được giữ vững. Mục tiêu tiềm năng kế tiếp sẽ là ngưỡng Fibonacci mở rộng 138.2% (24,896 - 73,812 - 52,703) tại 120,304 USD, tức là quanh mốc 120,000 USD.
Kinh tế Nhật Bản
PMI tổng hợp tăng lên 50.8, lạm phát cứng đầu kìm hãm tăng trưởng
Hoạt động của khu vực tư nhân Nhật Bản cho thấy sự cải thiện nhẹ trong tháng 12, được thúc đẩy bởi lĩnh vực dịch vụ mạnh mẽ hơn, trong khi sản xuất tiếp tục suy giảm. Chỉ số PMI Sản xuất giảm từ 49.5 xuống 49.0, đánh dấu tháng suy giảm thứ tư liên tiếp. Ngược lại, chỉ số PMI Dịch vụ tăng từ 50.5 lên 51.4, qua đó kéo PMI tổng hợp từ 50.1 lên 50.8, cho thấy tăng trưởng nhẹ.
Usamah Bhatti, Chuyên gia Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, đã chỉ ra các xu hướng trái ngược: “Các công ty dịch vụ chứng kiến mức tăng mạnh nhất về hoạt động kinh doanh mới trong bốn tháng, trong khi các nhà sản xuất hàng hóa phải đối mặt với sự sụt giảm mạnh hơn về đơn đặt hàng.” Khác biệt này làm nổi bật sự yếu kém dai dẳng trong lĩnh vực sản xuất do nhu cầu yếu và động lực đang cải thiện trong lĩnh vực dịch vụ.
Ngoài ra, áp lực lạm phát vẫn hiện hữu, được thúc đẩy bởi sự suy yếu của JPY, làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu. Giá đầu vào tăng với tốc độ nhanh nhất trong bốn tháng, trong khi lạm phát giá bán buôn đạt mức cao nhất kể từ tháng 5, khi các doanh nghiệp kết chuyển chi phí gia tăng sang cho người tiêu dùng. Bhatti lưu ý, “Lạm phát cứng đầu đã kìm hãm sự mở rộng mạnh mẽ hơn của khu vực tư nhân Nhật Bản trong tháng 12.”
Kinh tế Úc
PMI tổng hợp của Úc giảm xuống 49.9, củng cố khả năng RBA cắt giảm lãi suất sớm
Dữ liệu PMI tháng 12 của Úc cho thấy sự chậm lại trên diện rộng. Chỉ số PMI Sản xuất giảm từ 49.4 xuống 48.2, trong khi PMI Dịch vụ cũng giảm nhẹ từ 50.5 xuống 50.3. Kết quả là, PMI tổng hợp giảm từ 50.2 xuống 49.9, rơi vào vùng suy thoái nhẹ.
Jingyi Pan, Phó Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, lưu ý rằng dữ liệu PMI phản ánh sự căng thẳng ngày càng tăng trên các lĩnh vực, với sản xuất dẫn đầu đà suy giảm và dịch vụ bắt đầu lung lay.
Các chỉ báo xu hướng đưa ra tín hiệu trái chiều. Khi mà niềm tin kinh doanh đạt mức cao nhất trong hơn hai năm rưỡi, thì lượng đơn đặt hàng/doanh số bán hàng mới chậm lại và công việc tồn đọng tiếp tục giảm. Chỉ số việc làm cho thấy sự suy giảm lần đầu kể từ tháng 08/2021.
Lạm phát giá bán buôn bị kìm hãm tạo không gian cho Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) xem xét việc cắt giảm lãi suất vào đầu năm 2025. Mặc dù vậy, áp lực chi phí gia tăng vẫn là một mối lo ngại.
Kinh tế New Zealand
BNZ - Chỉ số hiệu suất dịch vụ của New Zealand tăng lên 49.5, tiến gần hơn đến sự ổn định
Chỉ số hiệu suất dịch vụ (PSI) của New Zealand do BusinessNZ tính toán đã tăng đáng kể từ 46.2 lên 49.5 trong tháng 11, báo hiệu sự dịch chuyển gần hơn đến ổn định. Dù vậy, chỉ số vẫn nằm dưới ngưỡng 50.0 và thấp hơn nhiều so với mức trung bình nhiều năm là 53.1.
Các chỉ số phụ cho thấy một bức tranh hỗn hợp. Hoạt động/doanh số cải thiện từ 44.4 lên 48.6 và đơn đặt hàng/kinh doanh mới tăng lên 49.8, gần đạt đến vùng mở rộng. Việc làm chỉ tăng nhẹ từ 46.4 lên 46.8, phản ánh sự thận trọng kéo dài của các doanh nghiệp. Hàng tồn kho và thời gian giao hàng của nhà cung cấp chuyển sang vùng mở rộng ở mức lần lượt là 52.2 và 52.5, báo hiệu một số phục hồi trong hoạt động của chuỗi cung ứng.
Ngoài ra, tâm lý tiêu cực trong số những người được hỏi đã giảm bớt, với tỷ lệ ý kiến không thuận lợi giảm từ 59.1% trong tháng 10 xuống 53.6%. Tuy nhiên, sự lo ngại đang diễn ra về nền kinh tế và chi phí sinh hoạt vẫn là các chủ đề chính, cho thấy những khó khăn dai dẳng đối với lĩnh vực này.
Kinh tế Anh
PMI tổng hợp của Anh không đổi ở mức 50.5, cú đúp ba tác động tiêu cực từ tăng trưởng, việc làm và lạm phát
Chỉ số PMI Sản xuất của Anh giảm từ 48.0 xuống 47.3, mức thấp nhất trong 11 tháng, trong khi PMI Dịch vụ cải thiện từ 50.4 lên 51.4. Chỉ số PMI tổng hợp giữ nguyên ở mức 50.5, báo hiệu sự đình trệ trong hoạt động kinh tế tổng thể.
Chris Williamson, Nhà Kinh tế trưởng tại S&P Global Market Intelligence, đã mô tả “cú đúp ba tác động tiêu cực” mà các doanh nghiệp phải đối mặt: tăng trưởng đình trệ, việc làm suy giảm và áp lực lạm phát gia tăng trở lại.
Về tổng thể, dữ liệu PMI cho thấy nền kinh tế nhìn chung vẫn trì trệ trong Q4, dẫn đến triển vọng cho năm 2025 dường như ngày càng bất ổn. Niềm tin suy yếu, thị trường lao động bị thu hẹp và rủi ro lạm phát có thể gây áp lực nặng nề lên hoạt động kinh tế.
Williamson cho biết BoE đang phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là cân bằng giữa việc hỗ trợ tăng trưởng với nhu cầu duy trì kiểm soát lạm phát, cho thấy một cách tiếp cận thận trọng đối với việc nới lỏng tiền tệ trong những tháng tới.
Kinh tế Eurozone
PMI Eurozone cải thiện lên 49.5, với tiềm năng xuất hiện những “bất ngờ tích cực” từ chính trường Đức và Pháp trong năm 2025
Chỉ số PMI Dịch vụ của Eurozone tăng đáng kể từ 49.5 lên 51.4, đánh dấu sự trở lại vùng mở rộng. Mặc dù vậy, PMI Sản xuất vẫn giữ nguyên ở mức 45.2, chung thủy với vùng suy thoái. Do đó, PMI tổng hợp nhích nhẹ từ 48.3 lên 49.5, cho thấy sự yếu kém đang tồn tại trong động lực kinh tế tổng thể.
Cyrus de la Rubia, Nhà Kinh tế trưởng tại Ngân hàng Thương mại Hamburg, lưu ý rằng sự phục hồi của lĩnh vực dịch vụ là một “cú hích đáng hoan nghênh” cho nền kinh tế Eurozone, trong khi lĩnh vực sản xuất tiếp tục đối mặt với sự suy thoái nghiêm trọng.
Áp lực lạm phát vẫn là một mối lo ngại, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ. Chi phí đầu vào đã tăng tháng thứ ba liên tiếp, phần lớn là do các thỏa thuận về lương cao hơn, khiến các doanh nghiệp phải kết chuyển những chi phí này sang cho khách hàng. Thách thức lạm phát dai dẳng này đã góp phần vào quyết định thận trọng của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) hồi đầu tháng khi chỉ cắt giảm lãi suất 25 bps.
Đức và Pháp, hai nền kinh tế lớn nhất của Eurozone, làm gia tăng thêm sự bất ổn với những thách thức chính trị đang diễn ra, trì hoãn các cải cách cần thiết để kích thích tăng trưởng. Bất chấp điều này, ông de la Rubia vẫn bày tỏ sự lạc quan, rằng có tiềm năng cho “những bất ngờ tích cực” vào năm 2025 nếu những chính sách kinh tế rõ ràng hơn được đưa ra từ các chính phủ tương lai.
Chủ tịch ECB: Chuyển trọng tâm chính sách sang “phù hợp”, từ việc hạn chế tiền tệ kéo dài
Bài phát biểu hôm qua của Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho thấy sự thay đổi so với thông điệp trước đó, vốn được định hình bởi lạm phát cao và bất ổn đáng kể. Bà Lagarde nhấn mạnh rằng cách tiếp cận trước đó, nhằm duy trì lãi suất ở mức cao “miễn chừng nào còn cần thiết”, không còn phù hợp với định hướng hiện tại của ECB về lạm phát và cân bằng rủi ro. Với “quá trình giảm lạm phát đang diễn ra tốt đẹp” và rủi ro tăng trưởng ngày càng rõ rệt, ECB hiện đang hướng tới một cách tiếp cận chính sách “phù hợp”. Bên cạnh đó, bà nhắc lại rằng nếu dữ liệu tiếp tục xác nhận kỳ vọng của họ, ECB dự kiến sẽ tiếp tục hạ lãi suất.
Action Forex