Điểm tin sáng - Action Forex: CAD giảm mạnh sau báo cáo CPI; USD vững vàng nhờ dữ liệu doanh số bán lẻ tích cực

Điểm tin sáng - Action Forex: CAD giảm mạnh sau báo cáo CPI; USD vững vàng nhờ dữ liệu doanh số bán lẻ tích cực

Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

07:16 18/12/2024

Bản tin tổng hợp bởi chuyên gia Action Forex.

Bức tranh toàn cảnh

CAD giảm mạnh, trong khi các đồng tiền hàng hóa nhìn chung đều yếu. Báo cáo CPI của Canada củng cố triển vọng lạm phát ổn định quanh mức mục tiêu. Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) có thể đã hoàn thành giai đoạn cắt giảm lãi suất mạnh mẽ và dự kiến sẽ tạm dừng nới lỏng chính sách tại một số cuộc họp vào năm tới. Tuy nhiên, định hướng vẫn rõ ràng: dự kiến sẽ có thêm các đợt cắt giảm khác để đưa lãi suất về vùng trung lập. Thêm vào đó, hiệu suất kém cỏi của thị trường chứng khoán Châu Á hôm qua đã gây áp lực lên các đồng tiền hàng hóa khác, bao gồm AUDNZD.

Ngược lại, USD tăng nhẹ sau dữ liệu doanh số bán lẻ tích cực hơn dự kiến. Dữ liệu này cho thấy sức mua của người tiêu dùng vẫn ổn định, kết hợp với thị trường lao động vững chắc, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không phải chịu áp lực đẩy nhanh chu kỳ cắt giảm lãi suất. Thị trường hiện đang kỳ vọng rằng quyết định của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) vào ngày mai sẽ củng cố cho một chu kỳ nới lỏng chính sách với tốc độ chậm hơn trong năm 2025, phản ánh lập trường thận trọng của Fed.

Cho đến thời điểm viết bài, GBP đang là đồng tiền có màn thể hiện tốt nhất, được hỗ trợ bởi mức tăng trưởng tiền lương mạnh mẽ trong báo cáo thị trường việc làm của Anh chiều qua. Giờ đây, giới đầu tư sẽ tiếp tục dõi theo dữ liệu CPI của Anh trong chiều nay và quyết định lãi suất của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) vào tối mai để tìm kiếm thêm tín hiệu về định hướng chính sách. Trong khi đó, NZD giữ vị trí thứ hai, theo sau là EUR. Ở nhóm cuối bảng, CAD tiếp tục gặp khó khăn, cùng với CHF và AUD. JPY và USD nằm ở giữa bảng xếp hạng.

Điểm tin kinh tế

Kinh tế Mỹ

Doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 11 nhìn chung tăng trưởng tích cực

Doanh số bán lẻ của Mỹ tăng 0.7% so với tháng trước lên 724.6 tỷ USD trong tháng 11, vượt qua kỳ vọng của thị trường là 0.5% và làm nổi bật hoạt động tiêu dùng mạnh mẽ khi bước vào mùa mua sắm cuối năm. Mặc dù vậy, phân tích chi tiết lại cho thấy một bức tranh phức tạp hơn.

Không tính ô tô, doanh số bán hàng tăng 0.2% so với tháng trước, phù hợp với kỳ vọng, đạt 583.9 tỷ USD. Trong khi đó, doanh số bán hàng không bao gồm xăng tăng 0.7% so với tháng trước lên 673.1 tỷ USD. Loại trừ cả ô tô và xăng, doanh số bán hàng chỉ tăng nhẹ 0.2% so với tháng trước lên 532.4 tỷ USD, cho thấy xu hướng chi tiêu ổn định nhưng thận trọng trong các ngành hàng bán lẻ cốt lõi. Xét trên phạm vi rộng hơn, tổng doanh số bán hàng trong giai đoạn từ tháng 9 đến tháng 11 tăng 2.9% so với cùng kỳ năm trước.

Kinh tế Canada

CPI hạ nhiệt trong tháng 11, với sự giảm tốc trên diện rộng

CPI toàn phần của Canada hạ nhiệt còn 1.9% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 11, thấp hơn cả kỳ vọng và con số của tháng 10 là 2.0%. Sự hạ nhiệt này diễn ra trên diện rộng, với việc giá tour du lịch và chi phí lãi suất thế chấp giảm là những yếu tố đóng góp đáng kể.

Không bao gồm xăng, CPI tăng 2.0% so với cùng kỳ năm trước, hạ nhiệt so với mức 2.2% của tháng 10. So với tháng trước, lạm phát không đổi trong tháng 11, sau khi tăng 0.4% vào tháng 10.

Mặc dù lạm phát toàn phần hạ nhiệt, các thước đo lạm phát lõi của Canada lại phát đi tín hiệu trái chiều. CPI median tăng nhẹ từ 2.5% lên 2.6% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn dự báo là 2.4%). CPI trimmed tăng từ 2.6% lên 2.7% (cũng vượt quá kỳ vọng là 2.5%). Mặt khác, CPI common, thước đo tổng quát và thường được coi là ổn định nhất, đã giảm từ 2.2% xuống 2.0% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn dự đoán là 2.1%.

Kinh tế Châu Âu

Xuất nhập khẩu hàng hóa của Eurozone đồng loạt tăng so với cùng kỳ năm trước

Xuất khẩu hàng hóa của Eurozone tăng 2.1% so với cùng kỳ năm trước lên 254.0 tỷ EUR trong tháng 10, trong khi nhập khẩu hàng hóa tăng 3.2% lên 247.2 tỷ EUR. Cán cân thương mại theo đó đạt thặng dư 6.8 tỷ EUR. Ngoài ra, thương mại nội khối Eurozone tăng 2.2% lên 229.2 tỷ EUR.

Sau khi điều chỉnh theo mùa, xuất khẩu giảm 1.6% so với tháng trước xuống 232.5 tỷ EUR, trái ngược với nhập khẩu tăng 1.3% lên 226.5 tỷ EUR. Thặng dư thương mại giảm từ 12.6 tỷ EUR trong tháng 9 xuống còn 6.1 tỷ EUR, thấp hơn đáng kể so với kỳ vọng là 11.9 tỷ EUR. Bên cạnh đó, thương mại nội khối Eurozone giảm 0.6% xuống 213.5 tỷ EUR.

Chỉ số tâm lý ZEW tăng vọt nhờ niềm lạc quan về việc ECB cắt giảm lãi suất và kỳ vọng về chính sách mới của Đức

Khảo sát tâm lý kinh tế ZEW tháng 12 cho thấy sự cải thiện đáng kể về triển vọng cho cả Đức và Eurozone, được thúc đẩy bởi niềm lạc quan xung quanh việc cắt giảm lãi suất và các thay đổi chính sách.

Chỉ số tâm lý kinh tế ZEW của Đức tăng vọt từ 7.4 lên 15.7, vượt xa kỳ vọng là 7.0. Mặc dù vậy, chỉ số tình hình hiện tại tiếp tục xấu đi, giảm từ -91.4 xuống -93.1, cho thấy nền kinh tế Đức vẫn đang đối mặt với những khó khăn trong ngắn hạn.

Bên cạnh đó, chỉ số tâm lý kinh tế ZEW của Eurozone cũng cho thấy sự cải thiện mạnh mẽ, tăng từ 11.6 lên 17.0, trong khi chỉ số tình hình hiện tại lại giảm mạnh từ -43.8 xuống còn -55.0.

Chủ tịch ZEW - Achim Wambach, cho rằng tâm lý được cải thiện là do kỳ vọng về các chính sách kinh tế thuận lợi cho đầu tư tư nhân, đặc biệt là khi Đức sắp tiến tới một cuộc bầu cử sớm.

Ngoài ra, niềm tin ngày càng tăng vào việc Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất trong năm tới đã củng cố triển vọng. Vị chủ tịch cũng lưu ý thêm rằng những người được hỏi trong khảo sát dường như không lo ngại về lạm phát, cho thấy mức tăng gần đây có thể chỉ là hiện tượng mang tính “nhất thời" và tỷ lệ lạm phát dự kiến sẽ ổn định hoặc giảm trong năm 2025.

Chỉ số môi trường kinh doanh Ifo của Đức suy giảm, sự yếu kém đã trở nên “mãn tính”

Chỉ số môi trường kinh doanh Ifo của Đức đã giảm xuống 84.7 trong tháng 12, thấp hơn kỳ vọng là 85.6 và mức 85.7 của tháng 11. Sự sụt giảm này cho thấy những thách thức kinh tế dai dẳng tại nền kinh tế đầu tàu của Châu Âu, với tâm lý tiếp tục suy yếu trong bối cảnh bất ổn ngày càng tăng. Mặc dù chỉ số đánh giá về tình hình hiện tại gây bất ngờ tích cực khi tăng lên 85.1 (vượt dự báo là 84.0), nhưng chỉ số kỳ vọng lại giảm mạnh từ 87.0 xuống 84.4, thấp hơn mức dự kiến là 87.5.

Ngoài ra, dữ liệu theo ngành còn vẽ nên một bức tranh đáng lo ngại. Đầu tiên, tâm lý trong lĩnh vực sản xuất tiếp tục giảm, từ -22.0 xuống -24.8, trong khi chỉ số của ngành dịch vụ cũng suy yếu từ -3.5 xuống -5.6. Ngành thương mại chứng kiến sự sụt giảm mạnh hơn từ -26.6 xuống -29.5. Điểm sáng duy nhất đến từ ngành xây dựng, với tâm lý được cải thiện từ -29.0 lên -26.1, mặc dù vẫn nằm trong vùng tiêu cực.

Viện Ifo nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của tình hình hiện tại, cảnh báo rằng "sự yếu kém của nền kinh tế Đức đã trở nên mãn tính".

Số liệu việc làm của Anh giảm, nhưng tăng trưởng tiền lương vẫn ở mức cao

Thị trường lao động Anh cho thấy dấu hiệu suy yếu trong tháng 11, với số lượng việc làm giảm 0.1% (tương đương 35,000) so với tháng trước xuống còn 30.4 triệu. Bên cạnh đó. tăng trưởng lương trung bình hàng tháng giảm mạnh xuống 6.3% so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức 7.9% của tháng trước.

Trong giai đoạn ba tháng kết thúc vào tháng 10, tỷ lệ việc làm tăng nhẹ 0.1% lên 74.9%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp cũng diễn biến tương tự, đạt mức 4.3%. Tỷ lệ người không tham gia lực lượng lao động (những người không làm việc và cũng không tìm việc) giảm 0.2% xuống 21.7%, cho thấy một số tiến triển trong việc thu hút người lao động quay trở lại thị trường.

Tăng trưởng tiền lương nhìn chung vẫn mạnh, với thu nhập trung bình không bao gồm tiền thưởng tăng 5.2% so với cùng kỳ năm ngoái trong giai đoạn ba tháng tính đến tháng 10, nóng lên đáng kể so với mức 4.9% của kỳ trước. Bao gồm cả tiền thưởng, thu nhập trung bình cũng tăng 5.2% so với cùng kỳ năm ngoái, nhảy vọt từ mức 4.4%. Mức tăng trưởng tiền lương này có thể tiếp tục gây áp lực lên BoE, khi các nhà hoạch định chính sách phải cân bằng giữa việc kiềm chế lạm phát và tăng trưởng tiền lương vẫn ở mức cao.

Quan chức ECB: EU có thể tăng cường vị thế đàm phán bằng cách chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp đối phó với chính sách thuế quan của Mỹ

Thành viên Hội đồng quản trị ECB - Olli Rehn, đã nhấn mạnh những rủi ro ngày càng tăng đối với triển vọng kinh tế của Châu Âu, với sự bất ổn về chính sách thương mại là một yếu tố tiêu cực chủ chốt.

Ông cảnh báo rằng Châu Âu phải sẵn sàng ứng phó trước các xung đột thương mại tiềm tàng với Mỹ, nhấn mạnh rằng mặc dù "đàm phán là ưu tiên hàng đầu", nhưng vị thế của EU có thể được củng cố bằng cách thể hiện sự sẵn sàng triển khai "các biện pháp đối phó" trước bất kỳ mối đe dọa thuế quan nào từ phía Mỹ.

Ngoài ra, ông cũng làm rõ lập trường của ECB, cho biết định hướng hiện tại đang nghiêng mạnh về phía nới lỏng hơn nữa. Tuy nhiên, "tốc độ và quy mô của việc cắt giảm lãi suất" vẫn sẽ phụ thuộc vào dữ liệu và được quyết định tại mỗi cuộc họp dựa trên đánh giá kỹ lưỡng về các diễn biến kinh tế.

Kinh tế Úc

Chỉ số tâm lý người tiêu dùng Westpac giảm do triển vọng kinh tế xấu đi

Chỉ số tâm lý người tiêu dùng Westpac của Úc giảm 2.0% so với tháng trước xuống 92.8 trong tháng 12. Nguyên nhân chính là do kỳ vọng kinh tế xấu đi đáng kể. Chỉ số triển vọng kinh tế 12 tháng tới giảm 9.6% xuống 91.2, trong khi triển vọng kinh tế 5 năm tới giảm 7.9% xuống 95.9, gần như xóa bỏ một nửa mức tăng trong hai tháng qua.

Westpac lưu ý rằng mặc dù Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) đã bày tỏ sự tin tưởng ngày càng tăng vào việc lạm phát sẽ trở lại phạm vi mục tiêu 2-3%, nhưng dữ liệu tâm lý mới nhất cho thấy người tiêu dùng vẫn còn nhiều mối lo ngại. Những mối quan ngại về sự chùng xuống của thị trường lao động và tăng trưởng năng suất yếu kém tiếp tục làm phức tạp triển vọng lạm phát.

Dự kiến RBA sẽ duy trì trạng thái chính sách hiện tại ít nhất là cho đến cuộc họp tháng 02/2025, trừ khi có bất ngờ tiêu cực đáng kể về lạm phát. Westpac dự báo chu kỳ nới lỏng sẽ bắt đầu vào tháng 05/2025, khi có bằng chứng rõ ràng hơn về việc lạm phát chậm lại và điều kiện lao động ổn định.

Action Forex

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

JPMorgan Asset Management: Nhìn lại “bước ngoặt” năng suất lao động gần đây và những ảnh hưởng tiềm năng đến động thái của Fed
Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

JPMorgan Asset Management: Nhìn lại “bước ngoặt” năng suất lao động gần đây và những ảnh hưởng tiềm năng đến động thái của Fed

Bảy “gã khổng lồ” công nghệ (Mag 7) được dự đoán sẽ chi hơn 500 tỷ USD cho chi tiêu vốn (CAPEX), cùng với hoạt động Nghiên cứu & Phát triển (R&D) trong năm tới, chưa tính đến những khoản đầu tư liên quan vào các nhà thiết kế và sản xuất chip, trung tâm dữ liệu, công nghệ làm mát, năng lượng & tiện ích.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ