JPMorgan Asset Management: Nhìn lại “bước ngoặt” năng suất lao động gần đây và những ảnh hưởng tiềm năng đến động thái của Fed
Thành Duy
Junior editor
Bảy “gã khổng lồ” công nghệ (Mag 7) được dự đoán sẽ chi hơn 500 tỷ USD cho chi tiêu vốn (CAPEX), cùng với hoạt động Nghiên cứu & Phát triển (R&D) trong năm tới, chưa tính đến những khoản đầu tư liên quan vào các nhà thiết kế và sản xuất chip, trung tâm dữ liệu, công nghệ làm mát, năng lượng & tiện ích.
Như Paul Krugman đã đưa ra một nhận định nổi tiếng vào năm 1990, "Năng suất không phải là tất cả, nhưng về lâu dài, nó gần như là tất cả." Qua việc nâng cao năng suất, một nền kinh tế có thể cải thiện mức sống bằng cách sản xuất nhiều hơn với cùng một lượng tài nguyên, hoặc thậm chí ít hơn. Về bản chất, năng suất là động lực chính cho sự phồn vinh kinh tế.
Giai đoạn trước đại dịch, tăng trưởng năng suất của Mỹ đã suy giảm kể từ giữa những năm 2000. Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2022, năng suất lại tăng trưởng với tốc độ đáng mừng. Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cũng đang đặc biệt chú trọng vào câu chuyện năng suất, nâng dự báo tăng trưởng GDP tiềm năng nhờ kết quả tích cực vừa nêu, đồng thời nghiên cứu sâu hơn các động lực đằng sau đó.
Câu hỏi mấu chốt vẫn là: Liệu đà tăng trưởng gần đây có bền vững?
Năng suất vốn dĩ rất khó giải thích và đo lường, và các yếu tố then chốt tác động đến nó có thể cần thời gian để hiện rõ. Mặc dù vậy, chúng ta có thể xem xét một số giả thuyết:
1. Đại dịch tạo ra “thời đại mới”: Hơn 320,000 doanh nghiệp Mỹ đã phải đóng cửa vĩnh viễn trong Q2/2020. Mặc dù không phải doanh nghiệp nào trong số này cũng kém hiệu quả – chúng chỉ đơn giản là không thích ứng kịp với đại dịch – nhưng những doanh nghiệp sống sót và phục hồi mạnh mẽ thường là những “kết quả chọn lọc” tiềm năng nhất. Theo lý thuyết “creative destruction” (đề cập đến sự thay máu, đổi mới sáng tạo) của Joseph Schumpeter, đại dịch có thể đã định hình lại nền kinh tế theo hướng ưu tiên các doanh nghiệp có năng suất cao hơn. Đồng thời, mở đường cho những dự án kinh doanh mới mẻ và đổi mới hơn. Việc thành lập doanh nghiệp mới đã bùng nổ sau đại dịch và vẫn duy trì ở mức cao kỷ lục.
2. Kết quả của đầu tư công nghệ – theo hướng truyền thống: Mỹ vẫn vững vàng với vị thế là trung tâm công nghệ của thế giới, và dù “Generative AI”, hay còn gọi là AI tạo sinh, đã tạo nên làn sóng phấn khích, nhưng nó khó có thể là động lực chính cho tăng trưởng năng suất tại thời điểm này. Thay vào đó, các khoản đầu tư mang tính truyền thống hơn vào tự động hóa dường như mới là yếu tố chủ chốt. Kể từ năm 2012, đầu tư kinh doanh vào sở hữu trí tuệ cũng như hoạt động R&D đã tăng trưởng đều đặn, và một nền tảng vốn được hiện đại hóa có thể dẫn đến nhiều ứng dụng kinh doanh mới, từ đó nâng cao hiệu quả theo thời gian. Nghiên cứu của Dao và Platzer (2024) đã chỉ ra rằng tăng trưởng năng suất gần đây tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn cao và ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ, hay những lĩnh vực đã đẩy mạnh đầu tư vào kỹ thuật số trước đại dịch và nhận thêm cú hích từ xu hướng làm việc từ xa.
Làn sóng đầu tư CAPEX vào AI cho thấy tiềm năng tăng trưởng thậm chí còn lớn hơn nữa. “Mag 7” được dự báo sẽ chi hơn 500 tỷ USD cho CAPEX cũng như hoạt động R&D trong năm tới, chưa tính đến những khoản đầu tư liên quan vào các nhà thiết kế & sản xuất chip, trung tâm dữ liệu, công nghệ làm mát, năng lượng & tiện ích. Bên cạnh đó, tổng đầu tư vào toàn bộ chuỗi giá trị AI có thể đạt hơn 1,000 tỷ USD vào năm 2030, vượt xa cả ngân sách quốc phòng của Mỹ.
3. Làm việc tại nhà và sự phân bổ lại lực lượng lao động trên diện rộng: Sự chuyển biến việc làm sau đại dịch cho thấy một thị trường lao động năng động, cũng như khả năng kết nối việc làm hiệu quả hơn. Điều này đã thúc đẩy sản lượng trên đầu người trong hầu hết các ngành bị ảnh hưởng – đặc biệt là những ngành áp dụng mô hình làm việc từ xa.
Những yếu tố thực sự thúc đẩy tăng trưởng năng suất sẽ chỉ trở nên rõ ràng hơn theo thời gian. Dù hiện tại có thể còn quá sớm để khẳng định vai trò của AI, nhưng đây là thời điểm thuận lợi bởi các khoản đầu tư CAPEX và đổi mới đang diễn ra cho thấy tiềm năng tăng tốc đáng kể. Đối với Fed, cuộc tranh luận xoay quanh những động lực và tính bền vững của tăng trưởng năng suất sẽ tiếp tục là yếu tố quan trọng trong các cân nhắc về chính sách. Mức tăng trưởng tiềm năng cao hơn sẽ là cơ sở cho một chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ nhẹ nhàng hơn. Có được điều đó là bởi một nền kinh tế thịnh vượng hơn có thể duy trì được cả lãi suất cao và tăng trưởng tiền lương mà không gây ra lạm phát.
Biểu đồ tăng trưởng năng suất lao động phi nông nghiệp của Mỹ, được tính trung bình theo chu kỳ 5 năm, dựa trên dữ liệu hàng quý và đã được điều chỉnh theo mùa. Có thể thấy, với cú hích từ AI, tăng trưởng năng suất lao động đã và đang có những bước tiến khả quan. Nguồn: BLS, J.P. Morgan Asset Management. Dữ liệu tính đến ngày 13/12/2024.
JPMorgan