Action Forex: Yên Nhật ‘ngạo nghễ’ với vị thế dẫn đầu; Bảng Anh chờ đợi chất xúc tác mới từ BoE giữa bối cảnh xuất hiện lo ngại về ‘lạm phát đình trệ’

Action Forex: Yên Nhật ‘ngạo nghễ’ với vị thế dẫn đầu; Bảng Anh chờ đợi chất xúc tác mới từ BoE giữa bối cảnh xuất hiện lo ngại về ‘lạm phát đình trệ’

Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

14:32 06/02/2025

Nhận định bởi chuyên gia Action Forex.

Bối cảnh chung

Đồng Yên Nhật tiếp tục tỏ ra lấn lướt, được hỗ trợ thêm bởi sự sụt giảm của lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) Mỹ và Châu Âu đêm qua. Sức mạnh bền bỉ của JPY còn được củng cố bởi những phát biểu diều hâu từ một thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) vốn đã có lập trường cứng rắn. Vị này một lần nữa kêu gọi tăng lãi suất dần dần lên mức trung lập 1%. Mặc dù quan điểm này không mới, nhưng việc tái khẳng định cho thấy BoJ vẫn kiên định với lập trường tăng lãi suất. Các dữ liệu kinh tế gần đây, bao gồm tăng trưởng tiền lương mạnh mẽ và lạm phát tại Tokyo, càng củng cố thêm cơ sở cho việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Do đó, JPY vẫn là một đồng tiền được ưa chuộng, đặc biệt khi lợi suất trái phiếu toàn cầu đang giảm.

Mặt khác, thị trường đang đổ dồn sự chú ý vào GBP trước thềm quyết định chính sách của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) tối nay. Nhìn chung, thị trường đã phần nào phản ánh vào giá kỳ vọng BoE cắt giảm lãi suất 25 bps, một động thái được dự đoán rộng rãi. Song, tác động chính đến đồng Bảng Anh sẽ nằm ở các dự báo kinh tế cập nhật, kết quả bỏ phiếu của Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC), và trên hết là thông điệp từ Thống đốc Andrew Bailey. Cuộc tranh luận đang diễn ra về nguy cơ suy thoái kèm lạm phát ở Anh có thể dẫn đến sự chia rẽ sâu sắc hơn trong nội bộ MPC. Bất kỳ sự chia rẽ quan điểm đáng kể nào giữa các nhà hoạch định chính sách cũng sẽ làm gia tăng bất ổn về triển vọng lãi suất và có thể gây ra biến động mạnh cho GBP.

Về thị trường ngoại hối, JPY vẫn là đồng tiền có hiệu suất tốt nhất trong tuần tính đến thời điểm viết bài, theo sau là CADCHF. Ngược lại, USD tiếp tục chịu áp lực và là đồng tiền có hiệu suất kém nhất, cùng với EURNZD; trong khi AUD và GBP dao động ở nhóm giữa.

BoE dự kiến cắt giảm 25 bps, thị trường tập trung tìm kiếm sự bất đồng trong MPC và rủi ro suy thoái kèm lạm phát

BoE được dự đoán rộng rãi sẽ cắt giảm lãi suất thêm 25 bps, xuống còn 4.50% vào tối nay. Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là lần cắt giảm thứ ba trong chu kỳ nới lỏng hiện tại. Ngân hàng trung ương này có thể sẽ duy trì lập trường thận trọng, tái khẳng định cách tiếp cận "từ tốn", ngụ ý tốc độ cắt giảm 25 bps mỗi quý trong suốt năm 2025.

Ngoài ra, kết quả bỏ phiếu của MPC sẽ là tâm điểm chú ý, bởi sự chia rẽ trong quan điểm giữa các nhà hoạch định chính sách có thể ảnh hưởng đến định hướng tương lai của BoE. Quan chức diều hâu Catherine Mann có thể sẽ bỏ phiếu chống và ủng hộ việc giữ nguyên lãi suất. Ngược lại, quan chức ôn hòa Swati Dhingra có thể sẽ thúc đẩy mức cắt giảm mạnh tay hơn với 50 bps. Một sự phân hóa lớn trong kết quả bỏ phiếu sẽ làm nổi bật những bất định trong nội bộ MPC về tốc độ nới lỏng chính sách.

Cùng với quyết định về lãi suất, BoE sẽ công bố Báo cáo Chính sách Tiền tệ cập nhật hàng quý, dự kiến phản ánh việc điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng cho giai đoạn 2025-2027. Song, dự báo lạm phát, ít nhất là cho năm 2025, có thể được điều chỉnh tăng. Sự kết hợp này sẽ củng cố thêm những lo ngại về “lạm phát đình trệ” (hay đình lạm) – một kịch bản trong đó tăng trưởng kinh tế chậm lại đi kèm với áp lực lạm phát dai dẳng.

Quan chức BoJ ủng hộ tăng lãi suất lên 1% vào cuối năm tài khóa 2025

Ông Naoki Tamura, thành viên Hội đồng quản trị BoJ và là một nhân vật có quan điểm nổi tiếng diều hâu, đã tái khẳng định lập trường của mình về sự cần thiết phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Ông cho rằng lãi suất chính sách của Nhật Bản nên được nâng lên mức ít nhất là 1% vào nửa cuối năm tài khóa 2025 để kiềm chế rủi ro lạm phát.

Vị quan chức giải thích rằng áp lực lạm phát đang gia tăng, đòi hỏi BoJ phải chuyển sang một mức lãi suất trung lập hơn. Ông nhấn mạnh rằng vào cuối năm tài khóa 2025, nền kinh tế Nhật Bản dự kiến sẽ chạm đến điểm mà mục tiêu lạm phát 2% có thể coi là đạt được một cách bền vững, với động lực là đà tăng lương trên diện rộng, bao gồm cả trong các doanh nghiệp nhỏ.

"BoJ cần tăng lãi suất chính sách một cách kịp thời và thận trọng, hướng tới mức 1% vào nửa cuối năm tài khóa 2025. Đây là bước đi cần thiết nhằm ứng phó với việc đạt được mục tiêu lạm phát, đặc biệt là khi khả năng này đang ngày càng rõ ràng hơn", ông phát biểu.

Goolsbee cảnh báo Fed có thể gặp khó khăn trong việc phân biệt lạm phát do thuế quan và lạm phát do quá nhiệt nền kinh tế

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh Chicago – Austan Goolsbee, cảnh báo rằng "hàng loạt thách thức mới đối với chuỗi cung ứng", từ thiên tai đến những thay đổi trong chính sách thương mại, có thể tạo ra thêm áp lực lạm phát.

Ông đặc biệt nhấn mạnh những rủi ro ngày càng tăng từ các sự kiện như áp đặt thuế quan, chiến tranh thương mại, bão lũ, tắc nghẽn cảng biển, căng thẳng địa chính trị và đình công lao động – tất cả đều có thể làm phức tạp thêm triển vọng lạm phát trong năm 2025.

Bên cạnh đó, ông lưu ý, một bài toán nan giải đặt ra cho Fed hiện nay là làm sao phân biệt được lạm phát do nền kinh tế quá nhiệt với lạm phát do tác động của thuế quan mới. Sự phân biệt này sẽ đóng vai trò then chốt trong việc xác định phản ứng chính sách của Fed.

Vị quan chức cũng so sánh tình hình hiện tại với căng thẳng thương mại năm 2018 dưới thời Tổng thống Donald Trump. Ông cho rằng mặc dù trước đây các công ty đã chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc, nhưng việc điều chỉnh thêm trong bối cảnh hiện tại sẽ khó khăn hơn nhiều. Những mặt hàng vẫn đang được nhập khẩu từ Trung Quốc có thể sẽ khó thay thế hơn. "Trong trường hợp đó, tác động đến lạm phát lần này có thể sẽ lớn hơn nhiều", ông Goolsbee nhận định.

Ở một diễn biến khác, Phó Chủ tịch Fed – Philip Jefferson, phát đi tín hiệu rằng Fed sẽ không vội vàng điều chỉnh lập trường trong khi đang đánh giá tác động kinh tế của các chính sách dưới thời chính quyền Trump 2.0, bao gồm thuế quan, nhập cư, bãi bỏ quy định và thuế. "Chúng tôi có thể kiên nhẫn chờ đợi để quan sát tác động của bất kỳ thay đổi chính sách nào từ chính quyền hiện tại," ông cho biết.

Phân tích kỹ thuật GBP/USD

GBP/USD hiện đang dao động gần một vùng kháng cự quan trọng trước thềm quyết định của BoE. Vùng này được hợp thành bởi đường EMA 55 (ở mức 1.2522 tại thời điểm viết bài) và ngưỡng Fibonacci thoái lui 38.2% (1.3433 – 1.2099) tại 1.2609. Nếu xuất hiện áp lực bán mạnh khi cặp tiền tiến gần về vùng này, điều đó sẽ củng cố quan điểm cho rằng nhịp phục hồi từ 1.2099 chỉ mang tính kỹ thuật, và xu hướng giảm chung vẫn còn nguyên vẹn. Ở trường hợp này, đà giảm từ 1.3433 có thể sẽ tiếp diễn và viễn cảnh đáy ngắn hạn 1.2099 bị xuyên thủng trong tương lai chỉ còn là vấn đề thời gian.

Đồ thị GBP/USD khung 1D

Phân tích kỹ thuật USD/JPY

Đà giảm của USD/JPY từ đỉnh ngắn hạn 158.86 vẫn đang tiếp diễn và dự kiến cặp tiền sẽ tiếp tục giảm sâu hơn về ngưỡng Fibonacci thoái lui 38.2% (139.57 – 158.86) tại 151.49. Lực cầu mạnh có thể tham gia tại vùng này và mở ra nhịp phục hồi. Dù vậy, đà giảm sẽ vẫn được duy trì chừng nào ngưỡng kháng cự 155.51 còn được giữ vững.

Xét trên bình diện rộng hơn, biến động giảm từ mức 161.94 có thể xem là một sóng điều chỉnh của sóng tăng xuất phát từ đáy năm 2021 tại 102.58. Biên độ dao động trung hạn dự kiến sẽ nằm giữa ngưỡng thoái lui 38.2% (102.58 – 161.94) tại 139.26 và mức 161.94. Việc phá vỡ dứt khoát mức 139.26 sẽ mở ra khả năng giảm sâu hơn về ngưỡng thoái lui 61.8% tại 125.25.

Đồ thị USD/JPY khung 1D

Đồ thị USD/JPY khung 4H

Action Forex

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

JPMorgan Asset Management: Nhìn lại quá khứ, Trung Quốc có thể sẽ phản ứng như thế nào trước sự leo thang căng thẳng thương mại với Mỹ?
Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

JPMorgan Asset Management: Nhìn lại quá khứ, Trung Quốc có thể sẽ phản ứng như thế nào trước sự leo thang căng thẳng thương mại với Mỹ?

Đi từ khúc cao trào cho đến điểm đáy của cuộc chiến tranh thương mại trước đây, Nhân dân tệ (CNY) đã mất giá 16% so với đồng USD, giúp bù đắp phần nào tác động của thuế quan và tạo điều kiện cho việc đa dạng hóa thương mại sang các thị trường khác.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ