Westpac IQ – Điểm tin sáng: Sự chú ý tập trung trở lại vào các dữ liệu kinh tế, USD giảm ba phiên liên tiếp, vàng tăng gần 300 USD/oz trong chưa đầy hai tháng
![Thành Duy Thành Duy](/uploads/2024/03/25/photo2024-03-2423-24-34-3b90c44f7efb470c6342e95d01a07511.jpg)
Thành Duy
Junior editor
Bản tin sáng từ Ngân hàng Westpac.
![](/uploads/2025/02/06/1.-a-9aac4769f2dadf89890b6bb42024f201.png)
Điểm chính
- Thị trường chứng khoán Mỹ, Châu Âu và Úc đồng loạt tăng điểm khi những rủi ro trước mắt liên quan đến thuế quan dường như đã dịu bớt, tuy nhiên, hậu quả đối với Trung Quốc vẫn đang được đánh giá.
- USD tiếp tục suy yếu so với hầu hết các đồng tiền G10 khi các biện pháp phòng vệ rủi ro thuế quan được dỡ bỏ. JPY tăng giá mạnh, trong khi CAD đã trở lại vùng sideway đầu năm 2025.
- Lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) kỳ hạn dài giảm mạnh trên toàn cầu khi thị trường tập trung trở lại vào dữ liệu kinh tế và ảnh hưởng của chúng đến chính sách ngắn hạn. Phiên đấu giá trái phiếu đáo hạn tháng 03/2036 thành công rực rỡ tại Úc cũng góp phần hỗ trợ đà phục hồi của thị trường nội địa.
Chứng khoán
Bất chấp khởi đầu khó khăn với kết quả kinh doanh đáng thất vọng từ Alphabet và AMD, thị trường chứng khoán Mỹ vẫn phục hồi mạnh mẽ, với chỉ số S&P 500 tăng 0.4%. Dow Jones, ít chịu ảnh hưởng bởi cổ phiếu công nghệ, tăng ấn tượng hơn với 0.7%, trong khi NASDAQ tăng 0.2%.
Bên kia bờ Đại Tây Dương, FTSE 100 của London cũng tăng đáng kể với 0.6%. Ngược lại, Euro Stoxx 50 gần như đi ngang khi chỉ nhích nhẹ 0.1%. Ở một diễn biến khác, thị trường chứng khoán Châu Á biến động trái chiều khi các nhà đầu tư đánh giá tác động của căng thẳng thương mại Mỹ – Trung. Chứng khoán Hồng Kông và Thượng Hải lần lượt giảm 0.9% và 0.6%, trong khi Tokyo ghi nhận mức tăng khiêm tốn 0.1%.
ASX 200 của Úc đã lấy lại sắc xanh sau chuỗi ngày giảm điểm, tăng 0.5% nhờ những lo ngại về thuế quan giảm bớt. Hầu hết các nhóm ngành đều tăng trưởng tích cực, dẫn đầu là vật liệu và công nghệ thông tin, bù đắp phần nào cho sự sụt giảm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Lợi suất
Khi thị trường chuyển trọng tâm từ rủi ro thuế quan sang dữ liệu kinh tế và tác động đến chính sách tiền tệ, nhu cầu trái phiếu tăng mạnh đã đẩy lợi suất TPCP Mỹ giảm xuống mức thấp nhất năm 2025. Lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 2 năm giảm 3 bps xuống 4.18%, trong khi kỳ hạn 10 năm giảm 9 bps xuống 4.42%. Hiện tại, thị trường đang phản ánh kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách vào tháng 7 và tổng cộng khoảng 47 bps cho đến cuối năm.
Lợi suất TPCP Anh cũng giảm trước thềm quyết định chính sách của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), với kỳ hạn 2 năm và 10 năm lần lượt giảm 3 và 9 bps. Lợi suất TPCP Đức biến động trái chiều với kỳ hạn ngắn tăng nhẹ, ngược lại với kỳ hạn dài.
Tại Úc, lợi suất giảm mạnh sau phiên đấu giá trái phiếu đáo hạn tháng 03/2036 thành công vang dội của AOFM. Lợi suất TPCP kỳ hạn 3 năm giảm 3 bps xuống 3.75%, trong khi kỳ hạn 10 năm giảm 6 bps xuống 4.36%. Diễn biến hợp đồng tương lai TPCP cho thấy trạng thái đảo ngược của đường cong lợi suất sẽ tiếp diễn khi đà tăng giá trên thị trường Mỹ vẫn được duy trì. Về chính sách tiền tệ, thị trường hiện vẫn nuôi kỳ vọng về việc Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 2 với xác suất 93% và tổng cộng khoảng 90 bps trong năm nay.
Ngoại hối
USD tiếp tục suy yếu so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt khi thị trường giảm bớt các biện pháp phòng vệ rủi ro thuế quan do căng thẳng thương mại dịu xuống, ít nhất là trong thời điểm hiện tại. Chỉ số DXY, thước đo giá trị đồng bạc xanh so với rổ sáu loại tiền tệ chính, giảm 0.3% xuống 107.61. Khi các yếu tố kinh tế cơ bản ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng biến động ngắn hạn của tỷ giá, dữ liệu thị trường lao động trái chiều trước thềm báo cáo bảng lương phi nông nghiệp (NFP) được công bố vào thứ Sáu càng khiến thị trường thêm phần bất ổn.
AUD giao dịch với biên độ hẹp ở phiên Á, sau đó bứt phá trong phiên Âu, kéo tỷ giá AUD/USD tăng 0.5% lên 0.6287. Do lịch trình dữ liệu kinh tế tương đối thưa thớt trước thềm cuộc họp chính sách của RBA vào giữa tháng 2, biến động xoay quanh đồng bạc xanh sẽ tiếp tục là yếu tố chính ảnh hưởng đến tỷ giá này trong ngắn hạn.
JPY là đồng tiền vượt trội nhất trong nhóm G10, tăng đáng kể so với USD, nhờ dữ liệu tăng trưởng tiền lương tích cực đã củng cố cho kỳ vọng về việc BoJ tiếp tục thắt chặt chính sách. Chưa kể, Nhật Bản ít bị ảnh hưởng bởi rủi ro thuế quan hơn. Kết phiên, USD/JPY giảm 1.1% xuống 152.61.
EUR và GBP nối gót JPY, với tỷ giá EUR/USD, GBP/USD tăng lần lượt 0.2% và 1.1% lên 1.0403 và 1.2504. Đối với GBP, cuộc họp chính sách sắp tới của BoE sẽ là tâm điểm chú ý. Mặc dù việc cắt giảm lãi suất 25 bps đã được thị trường dự đoán trước, nhưng định hướng chính sách ngắn hạn trong bối cảnh bất ổn hiện tại mới là yếu tố quyết định.
CAD đã hồi phục về mức giao dịch đầu năm 2025 sau những biến động gần đây, với tỷ giá USD/CAD giảm xuống khoảng 1.4300. Mặt khác, CNY tiếp tục suy yếu so với đồng bạc xanh do rủi ro thuế quan vẫn còn hiện hữu, tỷ giá USD/CNY theo đó tăng 0.4% lên 7.2721.
Hàng hóa
Dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy lượng dầu thô tồn kho của Mỹ tăng 8.66 triệu thùng vào tuần trước. Cùng với việc lo ngại về thuế quan giảm bớt, ít nhất là trong ngắn hạn, hợp đồng tương lai WTI giảm 2.1% xuống 71.19 USD/thùng, trong khi Brent giảm 2.0% xuống 74.70 USD/thùng, trở lại mức thấp nhất năm 2025.
Ngược lại, thị trường kim loại giao dịch tích cực khi USD suy yếu. Giá đồng và niken tăng lần lượt 0.5% và 0.4%. Đáng chú ý, giá vàng tiếp tục lập đỉnh mới tại 2,882 USD/oz và đóng cửa tăng gần 0.9% lên 2,867 USD/ounce, cho thấy mặc dù bất ổn trước mắt liên quan đến thuế quan có thể đã giảm bớt, nhưng biến động xoay quanh các chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn là một ẩn số. Nhìn lại, sau giai đoạn điều đỉnh và củng cố, giá vàng đã tăng liên tục gần 300 USD/oz chỉ trong vòng một tháng rưỡi, tính từ mức 2,584 USD/oz. Giá quặng sắt giảm 1.2% xuống 104.25 USD/tấn khi các nhà giao dịch Trung Quốc trở lại thị trường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Nhịp đập vĩ mô
New Zealand
Khảo sát Lực lượng Lao động Q4 cho thấy thị trường việc làm đã hạ nhiệt vào cuối năm, gần như đúng với dự đoán. Việc làm sụt nhẹ 0.1%, và bất chấp tỷ lệ tham gia lực lượng lao động tiếp tục giảm, tỷ lệ thất nghiệp vẫn tăng từ 4.8% lên 5.1%. Điều này cho thấy nhu cầu lao động không đủ mạnh để hấp thụ lượng lao động dồi dào hiện nay, dẫn đến áp lực tiền lương hạ nhiệt so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, dữ liệu này phù hợp với dự báo và không gây bất ngờ so với quan điểm hiện tại của Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ).
Nhật Bản
Thu nhập danh nghĩa tăng trưởng vượt kỳ vọng, bỏ xa số liệu tháng 11 (được điều chỉnh tăng từ 3.0% lên 3.8% so với cùng kỳ năm ngoái), đạt mức 4.8% trong tháng 12. Tiền thưởng tăng mạnh là động lực chính, đẩy thu nhập danh nghĩa lên mức cao nhất kể từ năm 1997. Tuy nhiên, sau khi hiệu chỉnh lạm phát, thu nhập thực tế chỉ tăng 0.6%, sau khi duy trì ở mức trung bình -1.4% kể từ năm 2022. Mặc dù số liệu danh nghĩa tích cực ủng hộ việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) tiếp tục tăng lãi suất, nhưng bối cảnh thu nhập thực tế yếu kém trong thời gian dài cho thấy BoJ cần cân nhắc kỹ lưỡng các rủi ro đối với nền kinh tế.
Phát biểu sau khi dữ liệu được công bố, Giám đốc phụ trách chính sách tiền tệ BoJ – Kazuhiro Masaki lưu ý rằng lạm phát cơ bản vẫn ở dưới mức mục tiêu nhưng đang dần tăng lên. Ông cho biết, nếu lạm phát đạt mục tiêu, BoJ có thể tiếp tục tăng lãi suất.
Trung Quốc
Chỉ số PMI dịch vụ Caixin gây thất vọng khi giảm từ 52.2 trong tháng 12 xuống 51.0 vào tháng 1, trái ngược với kỳ vọng về một sự cải thiện nhẹ. Báo cáo cho thấy các doanh nghiệp lo ngại về cạnh tranh và bất ổn thương mại toàn cầu, một chủ đề quan trọng có thể sẽ tiếp tục chi phối thị trường trong những tháng tới khi Trung Quốc và Mỹ định hình lại quan hệ thương mại. Chi tiêu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho lĩnh vực dịch vụ.
Mỹ
Chỉ số PMI dịch vụ ISM giảm từ 54.0 trong tháng 12 xuống 52.8 vào tháng 1, vẫn duy trì ở mức tăng trưởng nhẹ. Kết quả này chủ yếu đến từ số lượng đơn đặt hàng mới giảm, trong khi tình hình việc làm được cải thiện và giá đầu vào giảm. Mặc dù điều kiện thời tiết có thể không thuận lợi, nhưng câu hỏi lớn hơn là nhu cầu tiêu dùng đang diễn biến như thế nào trong bối cảnh bất ổn liên quan đến thuế quan; câu trả lời chỉ có thể được tìm thấy trong các dữ liệu tiếp theo.
Về thị trường lao động, tăng trưởng việc làm trong khu vực tư nhân theo báo cáo của ADP đã vượt kỳ vọng trong tháng 1 với 183,000 việc làm mới. Bên cạnh đó, dữ liệu tháng 12 cũng được điều chỉnh tăng khoảng 55,000 việc làm. Mặc dù chuỗi dữ liệu này không phải lúc nào cũng trùng khớp hoàn toàn với báo cáo NFP của Cục Thống kê Lao động (sẽ được công bố vào cuối tuần này), nhưng hiện tại, số liệu của ADP khá phù hợp với xu hướng của BLS, cho thấy sự cân bằng giữa cung và cầu lao động.
Ở một diễn biến khác, thâm hụt thương mại mở rộng đúng như dự đoán trong tháng 12, từ 78.9 tỷ USD lên 98.4 tỷ USD. Điều này có thể đang phản ánh xu hướng doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu trước khi chính sách thuế quan mới được áp dụng, nhưng nhìn chung, kết quả trên phù hợp với đà tiêu dùng mạnh mẽ vào cuối năm.
Về bài phát biểu gần đây của Phó Chủ tịch Fed – Philip Jefferson, ông không đưa ra nhiều định hướng chính sách, cho biết Fed sẽ tiếp tục hướng tới lập trường trung lập hơn khi lạm phát gần với mục tiêu và có thể biến động. Ông nhấn mạnh rằng Fed không cần phải vội vàng do "còn nhiều bất ổn xoay quanh chính sách của chính phủ và tác động kinh tế của chúng". Chủ tịch Fed chi nhánh Richmond – Thomas Barkin cũng đồng tình với quan điểm này, đặc biệt là liên quan đến các chính sách của Tổng thống Trump.
Westpac IQ