JPMorgan Asset Management: Nhìn lại quá khứ, Trung Quốc có thể sẽ phản ứng như thế nào trước sự leo thang căng thẳng thương mại với Mỹ?
Thành Duy
Junior editor
Đi từ khúc cao trào cho đến điểm đáy của cuộc chiến tranh thương mại trước đây, Nhân dân tệ (CNY) đã mất giá 16% so với đồng USD, giúp bù đắp phần nào tác động của thuế quan và tạo điều kiện cho việc đa dạng hóa thương mại sang các thị trường khác.
Sau một đợt tăng trưởng mạnh mẽ nhờ các gói kích thích kinh tế trong Q3/2024, thị trường chứng khoán Trung Quốc gần đây đã chững lại, giảm 3.2% kể từ sau cuộc bầu cử Mỹ. Những thách thức nội tại như bất ổn chính sách và sự trì trệ của thị trường bất động sản vẫn tiếp diễn, cùng với đó, các rủi ro mới đang nổi lên từ bên ngoài. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gia tăng áp lực lên Trung Quốc bằng cách áp đặt thêm 10% thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước này và tiến hành một cuộc điều tra về các hoạt động thương mại cũng như việc tuân thủ Thỏa thuận Giai đoạn 1 năm 2020 của Bắc Kinh, với hạn chót là ngày 01/04. Những diễn biến gần đây cho thấy thuế quan đang được sử dụng như một đòn bẩy trong đàm phán, báo hiệu tình hình sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường.
Để dự đoán các động thái tiếp theo của Trung Quốc, chúng ta cần nhìn lại "Cuộc chiến Thương mại" giai đoạn 2018-2019, khi thuế quan của Mỹ đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc tăng từ 3% lên 10% vào đầu năm 2020. Trung Quốc có thể sẽ áp dụng lại một số chiến thuật sau:
- Đáp trả bằng thuế quan: Trong Chiến tranh Thương mại 1.0, Trung Quốc đã phản ứng bằng nhiều đợt áp thuế trả đũa, khiến mức thuế đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ tăng gấp ba lần trong vòng hai năm. Lần này, Trung Quốc đã phản ứng bằng cách đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), một động thái mang tính biểu tượng khi hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO đang rơi vào tình trạng tê liệt. Đồng thời, Trung Quốc cũng dự kiến áp thuế lên hàng hóa năng lượng nhập khẩu và nhiều mặt hàng khác từ Mỹ, bắt đầu từ ngày 10/02, nhằm tạo không gian cho các cuộc đàm phán.
- Phá giá tiền tệ và đa dạng hóa xuất khẩu: Trong cuộc chiến thương mại trước đó, CNY đã mất giá 16% so với USD, giúp giảm thiểu tác động của thuế quan và tạo điều kiện cho việc đa dạng hóa thương mại sang các thị trường khác. Ví dụ, tỷ trọng xuất khẩu của Trung Quốc sang ASEAN đã tăng 3% từ năm 2019 đến 2023. Dù vậy, việc tiếp tục phá giá CNY sẽ gặp nhiều hạn chế do tỷ giá USD/CNY hiện ở mức 7.19, cao hơn đáng kể so với 6.51 vào đầu năm 2018 và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đang tỏ ra thận trọng hơn với việc để đồng nội tệ suy yếu vì áp lực giữ chân dòng vốn.
- Hạn chế xuất khẩu và gia tăng kiểm soát đối với các công ty Mỹ: Trung Quốc chiếm 50% thị phần sản xuất coban, lithium và niken toàn cầu, cùng với 75% trong lĩnh vực pin điện và pin mặt trời. Do đó, Trung Quốc nắm giữ đòn bẩy đáng kể đối với các quốc gia khác. Để đáp trả thuế quan của Mỹ, Trung Quốc có kế hoạch mở rộng kiểm soát xuất khẩu các khoáng sản quan trọng và đã khởi động một cuộc điều tra chống độc quyền nhắm vào Google, báo hiệu những thách thức tiềm tàng đối với các doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại Trung Quốc.
- Kích thích tài khóa: Mức thuế suất hiệu dụng trên 20% có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng GDP của Trung Quốc do làm giảm đầu tư, tiêu dùng và gây ra hiệu ứng lan tỏa từ sự suy giảm niềm tin kinh doanh. Yếu tố này, cùng với những thách thức hiện hữu, có thể buộc chính phủ Trung Quốc phải tăng cường các biện pháp kích thích tài khóa trong năm 2025.
Dự kiến Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Trump sẽ có cuộc điện đàm trong tuần này, mở ra cơ hội giúp hạ nhiệt căng thẳng. Song, tình trạng bất ổn xoay quanh tính lâu dài của các biện pháp thuế quan có thể tiếp tục gây ra biến động ngắn hạn trên thị trường tài sản của cả Trung Quốc và Mỹ.
Mặc dù chuỗi cung ứng đã được tái cấu trúc đáng kể sau Chiến tranh Thương mại 1.0 và đại dịch COVID-19, giúp nâng cao khả năng chống chịu của các doanh nghiệp trước mức thuế cao hơn, nhưng một số doanh nghiệp vẫn dễ bị tổn thương. Chẳng hạn, các công ty công nghệ lớn của Mỹ có khoảng 14% doanh thu và 16% nguyên vật liệu đầu vào đến từ Trung Quốc, khiến họ dễ bị ảnh hưởng hơn nếu nước này triển khai các biện pháp trả đũa trên diện rộng. Ngược lại, các công ty Trung Quốc tạo ra 87% doanh thu trong nước và chỉ 3% từ Mỹ. Do đó, kích thích tài khóa vẫn là động lực quan trọng nhất đối với thị trường chứng khoán Trung Quốc, và việc Mỹ tăng thuế có thể sẽ thúc đẩy chính phủ nước này hành động quyết liệt hơn. Nhìn chung, việc đa dạng hóa danh mục đầu tư là vô cùng quan trọng trong bối cảnh lãnh đạo hai nước đang nỗ lực giải quyết những thách thức thương mại.
Đồng Nhân dân tệ mất giá trong suốt Cuộc chiến Thương mại 2018-2019
Mức thuế quan của Mỹ áp dụng lên hàng tiêu dùng nhập khẩu từ Trung Quốc và tỷ giá USD/CNY. Nguồn: FactSet, Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ, J.P. Morgan Asset Management. Các mốc thời gian trên biểu đồ đề cập đến thời điểm công bố thuế quan, do đó, sẽ diễn ra trước khi mức tăng thuế thực tế được áp dụng. Một số loại thuế quan áp dụng lên pin mặt trời và máy giặt đã được công bố vào tháng 01/2018; thuế quan 25% đối với thép và 10% đối với nhôm được công bố vào tháng 03/2018; thuế quan 25% đối với Danh sách hàng hóa 1&2 được công bố vào tháng 06/2018; thuế quan 10% đối với Danh sách 3 được công bố vào tháng 09/2018; thuế quan 25% đối với Danh sách 3 được công bố vào tháng 05/2019 (ban đầu được đặt ở mức 10%); thuế quan 15% đối với Danh sách 4A được công bố vào tháng 08/2019. Một thỏa thuận đình chiến tạm thời đã được công bố vào tháng 12/2018 tại hội nghị thượng đỉnh G20. Thỏa thuận Giai đoạn 1 chính thức được công bố vào tháng 12/2019 và được ký kết vào tháng 01/2020.
JPMorgan