Bài học từ những bong bóng tài sản trong quá khứ có được áp dụng cho hiện tại?
Sự gia tăng chóng mặt của thị trường cổ phiếu có thể đến một cách bất ngờ , đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp của những nhà đầu tư hoài nghi
Quay trở lại thị trường tăng giá từ những năm 1990, một nhà đầu tư giá trị đã đưa ra một định nghĩa thú vị về bong bóng: "Là thứ mà nếu tôi không sở hữu, tôi sẽ bị sa thải". Bài viết đã có thể kết thúc, nhưng tôi muốn tiếp tục triển khai luận điểm từ đây.
Hiện tại, dù ở bất cứ đâu, tôi đều thấy mọi người bàn tán về bong bóng, và nó không chỉ thu hẹp trong một hình thái xã hội. Bong bóng trái phiếu, bong bóng Bitcoin, bong bóng chứng khoán, bong bóng cổ phiếu công nghệ. Thậm chí những cuộc trò chuyện đó cũng xuất hiện bong bóng.
Xu hướng tìm kiếm trên Google cho cụm từ “bong bóng thị trường chứng khoán” đang ở mức cao nhất kể từ năm 2004. Tôi không biết chắc nên làm gì vì thị trường tiếp tục tăng sau đó. Rất ít người đã tìm kiếm cụm từ này vào năm 2007, trước khi thị trường chứng khoán toàn cầu giảm 60%.
Những gì tôi biết hiện tại là thị trường chứng khoán đang tăng bất chấp những nguyên tắc cơ bản trong 12 tháng qua. Có vẻ như lợi nhuận của các công ty đang niêm yết trên toàn cầu đã giảm khoảng 15% vào năm 2020, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng 10% được dự đoán. Bất chấp mức lợi nhuận thấp hơn dự kiến, chỉ số MSCI World vẫn tăng 18%. Chỉ số Nasdaq tăng gần 51%. Mọi chuyện xảy ra như chưa từng có đại dịch.
Nhiều người, bao gồm cả chúng tôi, đã bị bất ngờ trước sức mạnh phục hồi của thị trường. Hiệu suất bất chấp trọng lực như vậy được cho là do ảnh hưởng của các ngân hàng trung ương. Thông báo về việc mua tài sản hàng năm có khả năng lên tới 5 nghìn tỷ đô la trên toàn cầu, gần gấp ba lần mức đỉnh trước đó, đã làm khuynh đảo thị trường tài chính vào khoảng tháng 3 năm ngoái. Nhưng, trong lúc tìm cách giảm thiểu tác động của đại dịch, liệu các ngân hàng trung ương có đang thổi phồng một thế hệ bong bóng cổ phiếu mới?
Để giúp trả lời câu hỏi này, chúng ta sẽ điểm lại 3 bong bóng thị trường chứng khoán nổi tiếng trong vòng 40 năm qua - Nhật Bản vào cuối những năm 1980; Nasdaq/ S&P vào cuối những năm 1990; các thị trường mới nổi năm 2007. Trung bình các chỉ số chứng khoán liên quan gần như tăng gấp 3 lần trong 3 năm lên tới đỉnh và giảm ít nhất 1 nửa sau 2 năm sau đó. Các nhà quản lý quỹ không sở hữu cổ phiếu trong khoảng thời gian thị trường đi lên đều bị sa thải. Những người sở hữu chúng thì bị sa thải khi thị trường đi xuống. Công việc này chưa bao giờ là dễ dàng.
Hiện tại, Nasdaq chính là chỉ số "nóng nhất", đã tăng 83% trong 3 năm. Đó là một con số lớn, nhưng vẫn chưa là gì so với mức 285% vào tháng năm 2000 (sau đó nhanh chóng giảm 77% vào 2 năm tiếp theo). S&P đã tăng 36% trong 3 năm qua, một mức tăng nóng nhưng chưa đủ để thành bong bóng. Nó đã tăng 93% trong khoảng thời gian từ năm 1997 tới năm 2000. Các chỉ số chính bên ngoài Hoa Kỳ biến động nhẹ hơn. Chỉ số chứng khoán các thị trường mới nổi tăng 12% trong 3 năm, chỉ số Nikkei tăng 20%, DAX đi ngang. FTSE 100 của Anh đã giảm 14%. Chỉ số đã tăng 70% trong khoảng thời gian 3 năm lên mức đỉnh cao mọi thời đại năm 2000.
Sự khác biệt lớn so với các bong bóng trước đây đó là trái phiếu trở thành công cụ thay thế rõ ràng khi thị trường chứng khoán bắt đầu rạn nứt. Lợi suất trái phiếu chính phủ lên tới 5 - 6% vào thời đó, chứ không phải 0-1% như hiện nay. Có thể bong bóng đang xuất hiện trên thị trường trái phiếu. Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương vẫn cam kết hạn chế lợi suất trái phiếu thấp, đó là toàn bộ trọng điểm trong các chương trình hỗ trợ của họ, được gọi là nới lỏng định lượng. Thị trường chứng khoán có thể sụp đổ khi họ giảm bớt khối lượng tài sản mua vào, hoặc mất kiểm soát thị trường trái phiếu. Tuy nhiên, khả năng đó khó có thể xảy ra.
Chúng tôi không khuyến nghị mọi người đuổi theo bong bóng vì nó có thể nổ bất cứ lúc nào. Nhưng nếu mức định giá quay về mức đỉnh trước đó, các chỉ số chứng khoán Mỹ có thể tăng thêm 50 - 100%. Đó là mới xét tới định giá tuyệt đối. Nếu đo lường dựa vào lợi suất trái phiếu, ngay cả Nasdaq cũng có vẻ rẻ.
Bong bóng không phải những "sinh vật đơn giản". Chúng sẽ không nổ ngay lập tức khi có những gợi ý thắt chặt đầu tiên từ các NHTW. Thay vào đó chúng sẽ tác động khiến phân bổ sai vốn đầu tư, bóp méo ngành quản lý tài sản và chấm dứt sự nghiệp đầu tư. Các nhà quản lý quỹ có xu hướng chống lại những bong bóng mới xuất hiện cần lưu ý: "Liệu khách hàng của bạn có đủ kiên nhẫn cho tới khi bạn làm đúng không?"
Với tất cả những lý do kể trên, chúng tôi cảnh giác với lời kêu gọi "bong bóng chứng khoán sẽ vỡ bất cứ lức nào". Chắc chắn, chúng tôi đã hạ bớt tỷ trọng cổ phiếu tại những thị trường "bong bóng" như Mỹ. Trong số các thị trường cổ phiếu ít biến động, thị trường yêu thích của chúng tôi hiện nay là Vương quốc Anh, đang được giao dịch với mức định giá rẻ nhất so với trái phiếu chính phủ trong 100 năm trở lại.
Còn nhà đầu tư giá trị đã phát biểu câu nói thú vị trên thì sao? Anh ấy mất việc vào năm 2000, ngay khi thị trường tạo đỉnh.