(Báo cáo triển vọng chuyên sâu) Chiến lược giao dịch của Maybank đối với USD và các đồng G4 tháng 8/2020 (Phần 1)
Tùng Trịnh
CEO
Nhận định chung về thị trường Forex và chiến lược đối với đồng USD.
1. Nhận định chung về thị trường FX trong tháng 8
Chúng tôi đã nâng triển vọng của các đồng EUR, GBP, SGD, MYR, IDR và PHP cao hơn so với USD, sau sự sụt giảm nhanh hơn dự kiến của đô la Mỹ trong tháng 7. Xu hướng chính vẫn phù hợp với dự báo trước đó của chúng tôi, và sự điều chỉnh trong báo cáo lần này hầu hết là đà phục hồi mạnh hơn của các đồng bạc khác so với USD.
Quan điểm của chúng tôi về một đồng USD suy yếu – điều mà trước đây dường như rất xa vời – giờ đã xảy ra, và trên thực tế DXY còn giảm sâu hơn mục tiêu 94,65 của chúng tôi. Sự suy giảm diễn ra trong bối cảnh lợi suất tại Mỹ bị xói món (cả danh nghĩa và thực tế) và đồng EUR hồi sinh. Fed cũng đã tái khẳng định quan điểm “dovish” của mình trong cuộc họp FOMC gần đây (29-30 tháng 7). Chúng tôi hy vọng xu hướng giảm của DXY sẽ vẫn tiếp tục trong nửa cuối năm 2020 trong bối cảnh thị trường bước vào giai đoạn nghịch chu kỳ (USD giảm khi đà tăng trưởng của phần còn lại của thế giới mạnh lên) và sự rủi ro chính trị tiềm tàng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm 2020. Đợt tổng kết chính sách dài hạn của Fed (có thể diễn ra tại cuộc họp FOMC tháng 9) cũng được dự kiến sẽ tiếp duy trì lãi suất Fed ở mức thấp trong thời gian lâu hơn nữa và điều này sẽ củng cố thêm cho đà giảm của DXY.
Nhưng thị trường FX không vận động một chiều, và chúng tôi phải cảnh báo rằng: theo yếu tố chu kỳ, tháng 8 thường sẽ là một tháng tiêu cực đối với tài sản rủi ro và các đồng bạc đại diện cho tâm lý risk on. Chẳng hạn, tháng 8 có xu hướng là một tháng yếu theo mùa đối với chỉ số ADXY trong 15 năm qua, giảm 0,60% ở 11 trong số 15 tháng 8 vừa qua kể từ năm 2004. Chúng tôi không ủng hộ rằng lịch sử sẽ lặp lại, nhưng vẫn lưu tâm đến khả năng yếu tố chu kỳ xảy ra, các tín hiệu phân tích kỹ thuật mới mới xuất hiện cho thấy sự mất động lượng tăng trên chỉ báo RSI và nguy cơ căng thẳng Mỹ-Trung leo thang. Chúng tôi không loại trừ một pha điều chỉnh thấp hơn đối với các đồng tiền tương quan với risk on, dựa trên các quan sát về PTKT và chu kỳ. Việc bán tháo tài sản rủi ro cũng có thể thúc đẩy sự điều chỉnh tăng tỷ lệ XAU/XAG. Tuy nhiên những điều này không ảnh hưởng tới diễn biến và xu hướng chung. Tăng trưởng vĩ mô và những thông tin về vắc-xin vẫn tích cực, các nền kinh tế mở cửa trở lại và hỗ trợ chính sách vẫn còn nguyên. Chúng tôi sẽ tận dụng cơ hội để mua nhóm các đồng tiền đại diện cho tài sản rủi ro, đặc biệt là các đồng bạc có yếu tố cơ bản mạnh tại khu vực Châu Á (SGD, TWD, KRW)
Đà tăng của NZD có thể bị hạn chế trong thời gian tới do sự can thiệp có thể xảy ra từ RBNZ. NZD đã tăng hơn 20% từ đáy của tháng 3. Mặc dù đà tăng này có một phần nguyên nhân từ phía USD, chúng tôi kỳ vọng RBNZ sẽ thận trọng và bày tỏ sự không hài lòng đối với một đồng Kiwi có giá quá cao, đặc biệt là khi điều kiện vĩ mô toàn cầu vẫn còn nhiều thách thức, với những lo ngại về mất việc làm và thất bại của các doanh nghiệp. Chúng ta có thể chứng kiến đồng NZD giảm trước cuộc họp chính sách của RBNZ ngày 12/8 sắp tới.
2. Quan điểm đối với đồng USD của Maybank trong tháng 8
a. Chúng tôi duy trì quan điểm rằng đồng USD sẽ tiếp tục giảm. Kỳ vọng đối với DXY được chúng tôi điều chỉnh thấp hơn so với trước đó, do EUR và GBP được dự kiến sẽ tăng cao hơn. USD sẽ chịu nhiều áp lực, bao gồm việc Mỹ vẫn là tâm điểm của dịch Covid-19, với nguy cơ làn sóng lây nhiễm thứ hai, rủi ro chính trị tiềm ẩn trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm 2020, dữ liệu kinh tế yếu kém, bảng cân đối kế toán lớn và tiếp tục phình to của Fed do các gói QE. Tuy nhiên, chúng tôi cũng lưu ý rằng quan điểm về một đồng USD yếu hơn không hoàn toàn là đặt cược một chiều, vì có hai khía cạnh của đồng bạc xanh chúng ta cần lưu ý: (1) vai trò là tiền tệ dự trữ và thanh toán của thế giới (do chưa có sự thay thế tốt hơn) và (2) là đại diện của các yếu tố kinh tế nội địa Mỹ. Vì vậy, trong điều kiện “risk off” (toàn cầu), nơi có nguy cơ nhiễm sóng thứ hai, căng thẳng Trung-Mỹ đang leo thang..v.v… vẫn sẽ có nhu cầu về USD cho mục đích huy động nguồn vốn/thanh khoản và điều này vẫn có thể giảm thiểu áp lực cho USD
b. Đồng đô la có đặc tính phản chu kỳ. USD suy yếu trong các giai đoạn phục hồi tăng trưởng toàn cầu (bên ngoài Hoa Kỳ) và ngược lại, mạnh hơn trong các giai đoạn rủi ro bao trùm thị trường, đà tăng trưởng toàn cầu giảm và sự tăng trưởng vượt trội của Mỹ, phân kỳ chính sách tiền tệ (có lợi cho Mỹ). Trong khoảng 12 năm trở lại đây, đã có 2 giai đoạn đáng chú ý về sự yếu kém của USD - (1) khi tăng trưởng toàn cầu hồi phục từ mức thấp trong năm 2009 sau khủng hoảng tài chính, DXY giảm khoảng 16% và (2) khi phục hồi kinh tế đồng bộ, dẫn đầu bởi xuất khẩu tăng vọt trong năm 2017, DXY đã giảm hơn 10% - cả hai lần đều kéo dài hơn 2 - 3 quý, tùy thuộc vào tính bền vững của đà phục hồi tăng trưởng. Hiện nay, các biện pháp phong toả đang dần được nới lỏng trên toàn cầu và các nhà hoạch định chính sách cam kết hỗ trợ tài chính và tiền tệ dồi dào, một số chỉ số như PMI đã cho thấy các hoạt động kinh tế đang hồi phục. Không có gì đáng ngạc nhiên, DXY đã giảm khoảng 5% từ cuối tháng 6 và 9% kể từ đỉnh tháng 3.
c. Tác động của kích thích tài khóa. với việc tổng thống Trump vẫn cảnh báo covid- 19 sẽ còn tồi tệ hơn trước khi có tín hiệu tích cực, sự chậm trễ trong phục hồi kinh tế vì đại dịch, cũng như tình trạng thâm hụt tài khóa trầm trọng có thể gây thêm áp lực lên USD. Trọng tâm có thể dồn về gói kích thích kinh tế tiếp theo của Hoa Kỳ. Đảng Cộng hòa đang đề xuất 1000 tỷ USD cho gói tiếp theo, trong khi con số đảng Dân Chủ đề xuất là 3000 tỷ USD, bao gồm gia hạn trợ cấp thất nghiệp, và thêm 1000 tỷ đô la cho các bang và thành phố. Cuộc thảo luận dự kiến sẽ tiếp tục vào tháng 8. Vì vậy, yếu tố này cộng với các cuộc thăm dò ý kiến của bầu cử Tổng thống Mỹ có thể làm tăng độ biến động cho USD khi đồng euro và các loại tiền tệ khác trong nhóm G3 mạnh lên.
d. Yếu tố bầu cử. Những đợt thăm dò bầu cử tổng thống hiện nay cũng là yếu tố sẽ tác động đến USD. Các kịch bản tại thời điểm này cho thấy nếu Trump tái đắc cử, căng thẳng thương mại với Trung Quốc có thể leo thang và làm tăng thêm rủi ro tiêu cực cho thị trường. Điều này ngụ ý nhu cầu trú ẩn an toàn đối với USD sẽ tăng lên và USD có thể mạnh hơn so với EM Asia FX và nhóm các đồng tiền hàng hoá, nhưng yếu so với các đồng tiền trú ẩn khác như CHF và JPY. Ngược lại, nếu Biden đắc cử tổng thống, hoặc các cuộc thăm dò cho thấy, các phản ứng đối với đại dịch Covid-19 sẽ mạnh mẽ hơn, và rủi ro về căng thẳng thương mại, địa chính trị sẽ giảm xuống, nhu cầu trú ẩn vào đồng USD sẽ không , đồng bạc xanh sẽ yếu hơn so với các đồng bạc thuận chu kỳ và có yếu tố liên kết với Trung Quốc. Hiện tại các cuộc thăm dò cho thấy phần thắng đang nghiêng về Biden và điều này tiếp tục hỗ trợ quan điểm về xu hướng giảm đối với USD của chúng tôi vào năm 2021.
Chúng ta có thể sẽ tiếp tục chứng kiến sự suy yếu có hệ thống của đồng đô la trong những năm tới do dòng vốn đầu tư trái bị chậm lại, triển vọng kinh tế toàn cầu được cải thiện và các quốc gia khác cố gắng đa dạng hóa tài sản dự trữ của mình bằng cách giảm nắm giữ đô la.
e. Triển vọng tăng trưởng và lạm phát. GDP quý 2 của Mỹ vừa công bố cho thấy sự thu hẹp lớn nhất trong lịch sử của nền kinh tế, trong bối cảnh các ca nhiễm virus tăng vọt, mất việc làm, tâm lý người tiêu dùng giảm mạnh, và hoạt động kinh doanh đình trệ trên diện rộng. Sự phục hồi trong nửa sau của năm 2020 có thể xảy ra dịch bệnh đạt đỉnh, mở đường cho việc mở cửa trở lại của nền kinh tế Mỹ trong những tuần tới.
f. Chính sách tiền tệ. Cuộc họp báo của Powell có vẻ “dovish” hơn. Ông chia sẻ rằng tốc độ hồi phục dường như đã chậm lại do covid quay trở lại ở nhiều tiểu bang của Hoa Kỳ kể từ tháng Sáu. Ông nói thêm rằng ngay cả khi việc mở lại diễn ra tốt đẹp và nhiều người, nhiều người quay trở lại làm việc ... thì vẫn sẽ mất một thời gian khá dài cho sự phục hồi của các ngành có đặc thù nhiều người làm việc gần nhau, và những người đó sẽ cần hỗ trợ. Ông nhấn mạnh rằng các chính sách như hoán đổi ngoại tệ, hợp đồng repo tạm thời cũng sẽ được mở rộng với một số ngân hàng trung ương bao gồm Úc, Brazil, Singapore, New Zealand cho đến quý 1 năm 2021, do khi khủng hoảng và suy thoái kinh tế từ đại dịch kết thúc.
Khi xem xét chính sách dài hạn, Powell gợi ý rằng một quyết định mới sẽ được hoàn thành trong “thời gian sắp tới”. Điều này đặt trọng tâm vào cuộc họp FOMC tháng 9, vì có thể có sự thay đổi tiềm năng trong chính sách. Để chắc chắn, Powell đã không cam kết với bất kỳ khung thời gian cụ thể nào và ông cũng không nói lựa chọn nào được ưu tiên, nhưng đánh giá của Powell về sự phục hồi tăng trưởng, sự kiên quyết và cam kết mạnh mẽ của Fed đã để thể hiện khả năng Cục dự trữ liên bang sẽ nới lỏng hơn nữa.
g. Phân tích kỹ thuật. Chỉ số DXY trong tháng 7 đã giảm tới mốc mục tiêu 94.65 mà chúng tôi kỳ vọng. Trên thực tế, DXY đã giảm xuống mức 93,18 (Vào ngày 29/7). Động lượng giảm trên khung Daily vẫn còn nguyên vẹn nhưng có dấu hiệu cạn dần, trong khi RSI dường như đang quay đầu hướng lên từ vùng quá bán. Chúng tôi đã cảnh báo trong tuần cuối cùng của tháng 7 về rủi ro các vị thế Short USD sẽ chịu áp lực cắt lỗ, và chúng tôi sẽ đặc biệt chú ý vấn đề này trong tháng 8. Các vùng kháng cự cần chú ý là: 94.20 (Fibo truy hồi 38,2% từ đỉnh 2017 tới đáy 2018), 95.60 (đường DMA 21 ngày) và 96.00 (fibo truy hồi 50%). Vùng hỗ trợ cần chú ý là 91.90 (Fibo truy hồi 23.6%). Chiến lược bán vẫn là chủ đạo.