(Báo cáo triển vọng chuyên sâu) Chiến lược giao dịch của Maybank đối với USD và các đồng G4 tháng 8/2020 (Phần 2)
Tùng Trịnh
CEO
Chiến lược giao dịch đối với EUR và GBP
1. Chiến lược giao dịch EUR: Đà tăng sẽ tiếp diễn
a. Lý do chính: Chúng tôi duy trì duy trì quan điểm bullish với EUR dựa trên sự kết hợp của (1) Quỹ ‘Next Generation EU’; (2) dữ liệu kinh tế phục hồi; (3) ngăn chặn đại dịch COVID-19 tốt (hơn Mỹ); (4) sự suy yếu của USD với vai trò đồng tiền dự trữ. Sự nhất quán và phối hợp giữa các thành viên EU trong vấn đề kích thích tài khóa và tiền tệ đã thể hiện sự đoàn kết và cam kết đóng góp vào sự phục hồi của EU. Ở diễn biến khác, ECB cũng cam kết sẵn sàng sử dụng toàn bộ 1.35 nghìn tỷ EUR của Chương trình mua tài sản khẩn cấp trong đại dịch (PEPP) để duy trì chính sách tiền tệ phù hợp và giảm phân mảnh tài chính (financial fragmentation). Những điều này sẽ giúp ổn định tâm lý thị trường và bảo đảm sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ hơn cho EU. Cùng với các dấu hiệu của sự phục hồi kinh tế, việc ngăn chặn lây nhiễm COVID-19 tốt sẽ hỗ trợ thêm cho xu hướng tăng giá của EUR. Các nhịp điều chỉnh ở EUR là cơ hội để mua vào. Chúng tôi cũng đã điều chỉnh dự báo của EUR lên mức cao hơn.
b. Biến mối đe dọa COVID-19 thành cơ hội. Điểm yếu lớn nhất về cấu trúc của EU trong những năm trước là nó là một liên minh tiền tệ, nhưng không bao gồm liên minh tài khóa. Đúng là quỹ ‘Next Generation EU’ không khiến EU trở thành một liên minh tài khóa hoàn chỉnh; tuy nhiên, nó đã giúp tạo ra một liên minh tài khóa tạm thời, với một số động thái như phát hành nợ chung, chia sẻ rủi ro tài khóa và tài trợ cho các quốc gia yếu hơn trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19. Mặc dù điều này có thể là tạm thời, nhưng nó cho các thành viên châu Âu một cơ hội để tiến một bước (dù nhỏ) đến gần hơn với Hợp nhất tài khóa (fiscal integration). Tóm lại, quỹ phục hồi 750 tỷ EUR đã được đồng ý với số tiền trợ cấp 390 tỷ EUR (thay vì 500 tỷ EUR) cho các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch và còn lại 360 tỷ EUR cho các khoản vay dài hạn cho các thành viên của khối EU. Các nhà lãnh đạo EU cũng đã đồng ý với Ngân sách khung tài chính đa phương (MFF) 2021-27 là 1.1 nghìn tỷ EUR. Ủy ban châu Âu sẽ thay mặt cho EU vay 750 tỷ Euro trên thị trường quốc tế và phân phối viện trợ. Fitch Ratings cũng đã nói rằng quỹ 750 tỷ EUR là yếu tố hỗ trợ cho xếp hạng của EU.
EU đã ngăn chặn tốt sự lây lan của COVID-19. Nhớ lại vào tháng 2-Tháng 3, Châu Âu đã từng là tâm chấn của sự lây nhiễm với Tây Ban Nha và Ý cho thấy mức thương vong lớn nhất, nhưng kể từ đó, Châu Âu đã tìm cách làm phẳng các “đường cong dịch bệnh” của họ (nhưng không phải là không có ca nhiễm mới). Việc ngăn chặn tốt hơn sự lây lan của COVID-19 ở EU so với Mỹ mang lại lợi thế cho họ để mở lại nền kinh tế, biên giới du lịch sớm hơn - một điểm cộng cho sự phục hồi kinh tế của EU.
c. EUR có thể tăng cao hơn trên sự suy giảm của USD. Chúng tôi vẫn giữ quan điểm bearish với USD trên hai yếu tố (1) Chống chu kỳ (countercyclical - USD giảm khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi) và (2) các yếu tố xung quanh Mỹ. Về yếu tố thứ hai, chúng tôi đã nhấn mạnh rằng Mỹ vẫn là một điểm nóng của COVID-19, hiện có nguy cơ với làn sóng lây nhiễm thứ hai, rủi ro chính trị tiềm tàng với cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11/2020, giảm lợi thế về lãi suất (cả danh nghĩa và thực), bảng cân đối kế toán của Fed ngày càng lớn trong bối cảnh QE, thâm hụt kép của tài khoản tài chính và tài khoản vãng lai và làn sóng tái lập đa dạng hóa dự trữ, phân bổ lại quỹ dự trữ ra khỏi đồng USD (sau khi tạm dừng trong quý 1).
d. Rủi ro đối với các dự báo EUR: Trong khi có nhiều yếu tốt ủng hộ EUR tăng giá, một số rủi ro có thể gây áp lực giảm đối với đồng EUR bao gồm (1) các cuộc đàm phán kỹ thuật về gói kích thích phục hồi của EU xấu đi và không có sự nhất trí nào từ các thành viên EU; (2) mở lại biên giới và các hoạt động kinh tế quá sớm có nguy cơ về làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai, đặc biệt là nếu các hướng dẫn giãn cách xã hội bị bỏ qua và sự tự mãn lên ngôi; (3) Căng thẳng Mỹ-Trung leo thang hơn nữa ngoài các lệnh trừng phạt, tiến đến chiến tranh thương mại và quân sự (mà chúng tôi cho là khả năng thấp vào thời điểm này).
e. Triển vọng tăng trưởng và lạm phát: Các số liệu PMI sơ bộ từ Eurozone, Đức, Pháp đã tái khẳng định rằng sự phục hồi kinh tế trong tháng 6 cũng được duy trì vào tháng 7. Ủy ban châu Âu dự báo mức thu hẹp GDP 7.7% ở khu vực đồng Euro vào năm 2020, trước khi tăng trở lại 6.3% vào năm 2021.
f. Dự báo chính sách tiền tệ: Cuộc họp hội đồng ECB tiếp theo được lên kế hoạch vào ngày 10/9. Chúng tôi kỳ vọng ECB sẽ duy trì lãi suất chính sách chính tại cuộc họp sắp tới: Lãi suất tái cấp vốn chính (MRO) ở mức 0%, lãi suất tiền gửi trung bình ở mức -0.5%. Chúng tôi kỳ vọng lãi suất sẽ giữ ở mức thấp hiện tại để hỗ trợ tăng trưởng và lạm phát. ECB không có lý do gì để giảm lãi suất thêm nữa vì lãi suất đã ở gần mức giới hạn thấp và mức lãi suất thấp hơn sẽ có hại nhiều hơn có lợi. ECB có thể sẽ quay trở lại với sự pha trộn chính sách giữa các công cụ tiền tệ bất thường (unconventional monetary tools) và thúc đẩy các biện pháp tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng trong khi vẫn giữ lãi suất thấp (nhưng không cắt giảm lãi suất hơn nữa). Chúng tôi cũng hy vọng các thông số của Chương trình mua tài sản khẩn cấp trong đại dịch (PEPP) sẽ không thay đổi - kích thước ở mức 1.35 nghìn tỷ EUR và thời gian đến tháng 6/2021.
g. Phân tích kỹ thuật: EUR tăng mạnh mẽ hơn 5% trong tháng 7 và chạm nhẹ vào mức 1.18 (30/7). Các chất xúc tác bao gồm một đồng USD đang suy yếu và Quỹ phục hồi ‘Next Generation EU’. Động lực tăng mạnh trên biểu đồ Weekly vẫn còn nguyên nhưng phân tích kỹ thuật trên Daily cho thấy rằng nhịp tăng vọt kể từ tháng 5/2020 có thể sắp gặp một nhịp điều chỉnh. Chỉ báo RSI trên khung Daily có dấu hiệu đảo chiều giảm xuống từ từ vùng quá mua. Sự phân kỳ giảm trên MACD và RSI có khả năng đang được hình thành. Những tín hiệu này báo hiệu một nhịp điều chỉnh. Chúng tôi kỳ vọng EUR sẽ điều chỉnh giảm thấp hơn về phía 1.1605 (mức Fibo thoái lui 50% của nhịp giảm từ đỉnh năm 2018 đến đáy năm 2020), 1.1530 và 1.1490. Quan điểm của chúng tôi vẫn là buy on dip nhưng hãy tôn trọng các tín hiệu điều chỉnh. Kháng cự ở mức 1.1830 (Fibo 61.8%), 1.2110 (Fibo 76.4%).
2. Chiến lược giao dịch GBP: Sự cân nhắc sử dụng lãi suất âm (NIRP) và các cuộc đàm phán Brexit
a. Lý do chính: Chúng tôi đã điều chỉnh mức dự báo của GBP lên cao hơn để phản ánh các diễn biến của thị trường gần đây bao gồm (1) đồng USD suy yếu; (2) sự phục hồi kinh tế khi các hạn chế phong tỏa được dỡ bỏ; (3) hỗ trợ tài khóa nhiều hơn; (4) sự tích cực về các cuộc đàm phán thương mại thời hậu Brexit với EU và các quốc gia khác (chúng tôi lạc quan hơn so với kỳ vọng trên thị trường nói chung). Quan điểm chủ đạo của chúng tôi kỳ vọng về một thỏa thuận thương mại giữa EU-UK vào cuối năm 2020 như dự kiến. Các cuộc đàm phán sẽ tăng tốc hơn nữa – thời điểm tháng 9-10 vẫn là khoảng thời gian tiềm năng nhất cho một thỏa thuận. Tuy nhiên vẫn tồn tại nhiều rủi ro (1) Boris Johnson có khả năng sẽ củng cố lập trường đàm phán của mình (đe dọa không thỏa thuận) và điều đó có thể đè nặng lên đồng GBP nhưng đồng thời, bất kỳ dấu hiệu thỏa hiệp nào cũng có thể hỗ trợ đồng GBP; (2) Lập trường của BoE về lãi suất âm sẽ được công bố trong cuộc họp chính sách ngày 6/8 - một cuộc thảo luận nghiêng về việc áp dụng lãi suất âm (NIRP) sẽ làm suy yếu đồng GBP.
b. Một gói hỗ trợ tài khóa khác - Nhỏ hơn nhưng có mục tiêu rõ ràng. Vào ngày 8/7, Bộ trưởng tài chính Sunak đã cam kết hỗ trợ 30 tỷ GBP với trọng tâm là thuyết phục các công ty chấp nhận rủi ro tiếp tục tuyển dụng nhân lực vào năm 2021 và đưa người trẻ vào làm việc (thông qua các chương trình đào tạo - tiêu tốn 2 tỷ GBP). Một số lĩnh vực đã được nhắm tới bao gồm khách sạn, thị trường nhà ở và xây dựng. Sunak muốn tránh hiện tượng thất nghiệp hàng loạt và sẵn sàng chi tiền để làm điều đó.
c. Không loại trừ khả năng cho một thỏa thuận EU-UK trong tháng 9-10. Các cuộc đàm phán cấp cao giữa Thủ tướng Boris Johnson và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula vào giữa tháng 6 đã gợi ý một vài thiện chí chính trị để đi đến một thỏa thuận. Tuyên bố chung xác nhận rằng thỏa thuận chuyển tiếp EU-UK sẽ kết thúc vào ngày 31/12/2020 vì Vương quốc Anh không yêu cầu kéo dài thời gian chuyển đổi; EU-UK ủng hộ các kế hoạch để tăng cường các cuộc đàm phán vào tháng 7 và tạo ra các điều kiện thuận lợi nhất để hoàn thành và phê chuẩn một thỏa thuận trước cuối năm 2020. Thủ tướng Boris Johnson nói thêm rằng Vương quốc Anh và EU không bất đồng quá nhiều và còn kêu gọi tăng tốc đàm phán, ông đã thực hiện một cuộc gọi video (20/7), và ra hiệu cho EU rằng ông sẵn sàng thực hiện một thỏa thuận.
- Các hoạt động đánh bắt hải sản vẫn là một vấn đề quan trọng. Hiện tại, hơn một nửa hạn ngạch đánh bắt của Anh hiện đang nằm trong tay nước ngoài - Hà Lan, Tây Ban Nha... Điều này đã trở thành một sự phẫn nộ sâu sắc đối với ngư dân Anh và trong một thế giới hậu Brexit, Anh là một quốc gia ven biển độc lập và họ muốn quyết định “ai sẽ đánh bắt ở vùng biển của chúng ta và với những điều khoản nào”. EU cho đến nay đã tìm cách duy trì hiện trạng với sự sắp xếp trước đó và chúng tôi vẫn giữ thái độ hoài nghi vì “các hoạt động đánh bắt hải sản” là một chủ đề nhạy cảm, khó có thể được giải quyết dễ dàng như vậy. Bất kỳ hình thức thỏa thuận nào cũng cần có sự phê chuẩn từ các quốc gia thành viên EU và có thể không dễ dàng vượt qua sự chấp thuận của Pháp khi họ chia sẻ Eo biển Manche và ngư dân của họ cũng đánh bắt trên vùng biển của Anh. Bất kỳ sự bất đồng nào trên các cuộc đàm phán thương mại có thể làm hỏng các cuộc đàm phán Brexit và ảnh hưởng xấu đến đà phục hồi của GBP.
- Các sự kiện khác cần lưu ý: Đến ngày 26/11, EU cho rằng thỏa thuận này phải được đồng ý, kiểm tra, dịch và trình bày trước quốc hội EU nếu họ muốn một thỏa thuận thương mại được phê duyệt trong năm 2020. Nếu không có thỏa thuận giữa EU và Vương quốc Anh, thỏa thuận chuyển tiếp hiện tại sẽ mất hiệu lực và Vương quốc Anh sẽ rời EU theo các điều khoản của Tổ chức Thương mại Thế giới vào ngày 31/12/2020. Những lo ngại về việc không có thỏa thuận sau ngày 31/12/2020 sẽ quay trở lại gây sức ép lên thị trường và điều đó có thể khiến GBP biến động giật.
d. Rủi ro đối với các dự báo về GBP: (1) Lập trường mới của BoE về lãi suất âm; (2) thiếu tiến độ trong các cuộc đàm phán Brexit; (3) làn sóng COVID-19 thứ hai tấn công Vương quốc Anh có thể gây bất lợi cho GBP vì những hạn chế về ngân sách (do chi tiêu dành cho những chương trình kích thích lớn gần đây) có thể dẫn đến việc hạ xếp hạng sâu hơn nữa. Fitch hạ xếp hạng của Anh xuống AA- từ AA và được đưa vào danh sách tiêu cực. Nguy cơ dòng vốn vào Vương quốc Anh bị dừng đột ngột có thể làm tình hình tồi tệ hơn, đặc biệt là khi Vương quốc Anh đang bị thâm hụt kép từ tài khoản vãng lai và thâm hụt ngân sách. Thâm hụt ngân sách có thể tăng đáng kể từ -7.5% đến -10% GDP (do chi tiêu kích thích kinh tế).
e. Triển vọng tăng trưởng và lạm phát: Các cuộc khảo sát về tương lai, các chỉ báo hoạt động đã khẳng định rằng đà phục hồi tăng trưởng ở Anh vẫn nguyên vẹn. Mức cảnh báo COVID-19 cũng đã bị hạ từ 4 xuống 3, cùng với việc mở lại ngành du lịch và khách sạn vào ngày 4/7. Điều này sẽ hỗ trợ cho các hoạt động kinh doanh và sự tự tin của nền kinh tế.
f. Dự báo chính sách tiền tệ: Chúng tôi kỳ vọng cuộc họp chính sách tới đây vào ngày 6/8 sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách (0.10%) và chương trình mua tài sản APP (kích thước sẽ được duy trì ở mức 745 tỷ GBP). Sự chú ý sẽ đổ dồn vào cuộc thảo luận về khả năng sử dụng lãi suất âm (NIRP) như một công cụ chính sách. Các nhà hoạch định chính sách đang xem xét tác động tiềm tàng của lãi suất âm đối với các ngân hàng và người cho vay nhưng chúng tôi không nghĩ họ sẽ tiến hành triển khai chính sách lãi suất âm trừ khi điều kiện thị trường hoặc tình hình COVID-19 trở nên tồi tệ hơn. Một cuộc thảo luận, quan điểm nghiêng về việc sử dụng lãi suất âm sẽ làm gia tăng các vị thế đặt cược cắt giảm lãi suất và điều này sẽ gây bất lợi cho GBP.
- Thống đốc Bailey nói rằng lãi suất âm đang được xem xét tích cực, và nói thêm rằng BoE không có thói quen loại trừ bất cứ điều gì và cũng không quá chắc chắn về điều gì.
- Khi được hỏi về lãi suất âm, Chuyên gia kinh tế trưởng của BoE ông Haldane đã trả lời rằng “đó là điều chúng tôi cần xem xét - đang xem xét – một cách rất nghiêm túc”. Ông nói thêm rằng cũng có những lựa chọn khác ngoài (hoặc bên cạnh) chính sách lãi suất âm.
- Tenreyro, thành viên của Ủy ban chính sách tiền tệ nói rằng kinh nghiệm của Châu Âu cho thấy lãi suất âm đã có tác động tích cực, theo nghĩa là có sự truyền tải mạnh mẽ đến hoạt động kinh tế thực, và hiện tại, mọi thứ (công cụ chính sách) đang được cân nhắc.
- Phó Thống đốc Ramsden nói rằng “hoàn toàn hợp lý khi giữ một tâm thế cởi mở” về việc cắt giảm lãi suất xuống dưới 0.
Cập nhật về chính sách tài khóa và cân bằng đối ngoại (External Balance): Về cân bằng đối ngoại, Tài khoản vãng lai trong quý 1 đã mở rộng lên 21.1 tỷ GBP, từ mức thâm hụt 9.2 tỷ GBP trong quý 4/2019. Vương quốc Anh có mức thâm hụt tài khoản vãng lai lớn tương đương 3.8% GDP (không bao gồm vàng và các kim loại khác), sự suy giảm từ mức -3.1% GDP trong quý 4/2019 và dòng vốn chảy vào Anh có thể giảm dần nếu tình hình COVID-19 không được cải thiện.
Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS) cho biết nợ công, không bao gồm các ngân hàng thuộc sở hữu của nhà nước, ước tính trị giá 35.5 tỷ GBP vào tháng 6/2020. Mức này cao hơn khoảng 5 lần so với tháng 6/2019, và cũng là khoản nợ cao thứ 3 trong tháng kể từ năm 1993. Nợ công đang ở mức 100.9% GDP. Lần đầu tiên kể từ tháng 3/1963, tỷ lệ nợ/GDP vượt quá 100%.
g. Phân tích kỹ thuật: GBP tăng mạnh trong tháng 7, gần 5% (so với USD). Động lượng tăng mạnh trên biểu đồ Daily vẫn còn nguyên vẹn, nhưng đang cho thấy các dấu hiệu suy yếu trong khi RSI có dấu hiệu đảo chiều từ vùng quá mua. Những dấu hiệu này gợi ý một nhịp điều chỉnh xuống thấp hơn. Hỗ trợ tại 1.2710 (MA 200 ngày, Fibo thoái lui 61.8% của nhịp giảm từ đỉnh tháng 12 xuống đáy tháng 3). Kháng cự ở mức 1.3020 (Fibo 76.4%) và mức 1.3250. Hãy tôn trọng các nhịp điều chỉnh xuống thấp hơn nhưng đồng thời canh buy on dip. Động lực bullish trên biểu đồ Weekly vẫn còn nguyên vẹn.